Được tin cha ốm, Thiếu úy Ngô Quốc Vương (Đồn Biên phòng Sơn Trà, BĐBP Đà Nẵng) định rằng sau chuyến đi hành quân giã ngoại giúp dân làm đường bê tông sẽ cắt phép. Thế nhưng anh chưa kịp xin phép đơn vị thì thành phố Đà Nẵng được lệnh cách li xã hội vì dịch Covid-19 bùng phát. Nhận tin cha mất nơi quê nhà, anh nén đau thương để thực nhiệm vụ dù vẫn đau đáu nỗi niềm không được gặp cha lần cuối.
Sinh ra và lớn lên ở miền biển Lệ Thủy, Quảng Bình, tuổi thơ của Thiếu úy Ngô Quốc Vương gắn liền với biển. Cũng như nhiều người trong làng, nhà anh có một chiếc ghe nhỏ để mưu sinh. Cha anh hàng ngày đi biển, mẹ quanh quẩn nuôi gà, trồng rau, đợi chồng mang cá, mực về mang ra chợ bán mua gạo mắm nuôi con. Lớp 12, trong khi chúng bạn chọn các trường muốn trở thành kĩ sư, bác sĩ, cậu học trò Ngô Quốc Vương chỉ chọn duy nhất một nguyện vọng: Học viện Biên phòng. Ước mơ ấy đã thành hiện thực sau bao nỗ lực đèn sách. Ngày lên đường ra Hà Nội nhập học, cha đã bảo: “Ở nhà, con là người học hành cao nhất. Anh và em trai con hết lớp 9 đã phải nghỉ học đi biển, làm công nhân. Thế nên, dù có vất vả, khó khăn thế nào cũng phải cố gắng vượt qua”. Nhớ lời cha dặn, suốt 4 năm liền, chàng học viên Ngô Quốc Vương luôn cố gắng phấn đấu để không phụ cha mẹ ở quên nhà.
Tháng 8-2019, Thiếu úy Ngô Quốc Vương nhận quyết định công tác về Bộ Chỉ huy BĐBP Đà Nẵng và được phân công về Đội vũ trang, Đồn Biên phòng Sơn Trà. Cuộc sống ở vùng đất mới dễ hòa nhập hơn bởi chỉ huy tạo điều kiện, các chú các anh đi trước luôn sẵn sàng thì chỉ dạy những điều ngoài sách vở. Những điều ấy khiến Thiếu úy Ngô Quốc Vương thêm tự tin phấn đấu công tác. Tuổi trẻ, nhiệt huyết, xa quê nên Đồn Biên phòng Sơn Trà chính là nhà, Đà Nẵng đã trở thành quê hương. Công việc của đơn vị, nhất là các hoạt động của Đoàn thanh niên, Thiếu úy Ngô Quốc Vương luôn nhiệt tình tham gia. Cuối tháng 7 vừa qua, anh xung phong tham gia đoàn hành quân giã ngoại do Đoàn thanh niên BĐB Đà Nẵng khởi xướng đi làm đường nông thôn mới cho nhân dân thôn Đông Lâm, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang. Những ngày ăn, ở, giúp dân, những người làng quê mộc mạc nơi đây khiến Thiếu úy Vương lại càng nhớ tới gia đình. Đã một năm rồi anh chưa về thăm quê, thăm cha mẹ và anh em trong nhà. Đúng lúc ấy, mẹ gọi cho anh nói cha mệt, nếu về được thì về thăm cha, cả nhà đều nhớ con. Anh bảo với mẹ: “Sau đợt này con cắt phép ở nhà cả tháng với cha mẹ”.
Thế nhưng dự định ấy đã không thể thành vì hoàn thành đợt giã ngoại thì thành phố Đà Nẵng bùng phát dịch covid-19. Chính quyền thành phố nhanh chóng triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, trong đó có việc cách li xã hội toàn thành phố trong ngày 28-7. Bộ Chỉ huy BĐBP Đà Nẵng chỉ đạo các đồn Biên phòng ngoài việc đảm bảo an toàn cho cán bộ, chiến sĩ còn phải có kế hoạch bám nắm địa bàn, thực hiện nhiệm vụ khi địa phương yêu cầu. Đóng chân trên địa bàn có nhiều khách sạn, nhà hàng, và quản lí Âu thuyền, cảng cá Thọ Quang (là cảng cá lớn nhất khu vực miền Trung) nên công việc nhiều vô kể. Hầu hết thời gian trong ngày đều ở địa bàn bởi vậy, việc về thăm gia đình Thiếu úy Ngô Quốc Vương đã xác định chắc phải rất lâu nữa.
Những tưởng sẽ chỉ lỗi hẹn với cha mẹ một thời gian nữa, thế nhưng ngày 30-7, Thiếu úy Ngô Quốc Vương nhận được tin cha mất. Tin dữ nghe mà không thể tin đó là sự thật. Cha bệnh nhiều năm nay, nhiều lúc mệt nặng nhưng rồi lại qua, lại đi biển kiếm tiền nuôi gia đình. Phần còn vì cha gắn bó với biển quá, nên nhiều lúc mệt vẫn cứ đi và hình như ra tới biển ông lại khỏe lại. Ai ngờ…!. Những kỉ niệm về cha cứ ùa về. Ngày ấy, hè năm lớp 4, anh được học sinh giỏi nên cha “thưởng” cho đi biển cùng. Chập tối, 2 cha con dong thuyền ra khơi. Bao hao hức tắt ngấm khi cậu bé Vương bắt đầu nôn nao, chóng mặt vì những con sóng cứ đánh ngang mạn ghe. Thế nhưng, cậu bé Vương vẫn gan lì không nói để quyết tâm được ra biển lớn một lần. Ra tới chỗ đánh cá cũng là nửa đêm, nhìn con trai mặt trắng bệch, gần như không cử động được nhưng vẫn cố nói: “Cha ơi, cho con về đất liền”. Cha anh đã quay thuyền về khi chưa kịp buông lưới. Cha anh, người ngư phủ cả cuộc đời ăn sóng nói gió, hiếm khi thể hiện tình cảm ra ngoài. Ngày anh đỗ Học viện Biên phòng, ông tự hào lắm nhưng không nói gì, chỉ ngồi uống rượu rồi ngắm con trai. Kỉ niệm về cha vui thế mà sao nước mắt cứ trào ra. Anh thương mẹ, người phụ nữ thôn quê cả cuộc đời chỉ biết trông cậy vào chồng nay đã mất đi chỗ dựa. Anh thương em gái tính hiền dịu như đúng cái tên của mình -Ngô Thị Thu Lành, sợ rằng con bé sẽ bị tâm lí mà ảnh hưởng đến việc học tập. Cũng may anh trai cả đã lập gia đình, xây nhà ngay cạnh mẹ. Em trai kế cũng chuẩn bị chuyển việc về quê. Mọi người ai cũng động viên anh nhưng cũng là động viên chính mình để vượt qua thời khắc đau thương của gia đình.
Thiếu úy Ngô Quốc Vương (phải) đang thực hiện nhiệm vụ tại Cảng cá Thọ Quang. Ảnh: Trúc Hà
Biết tin bố của Thiếu úy Ngô Quốc Vương mất khi anh đang thực hiện nhiệm vụ không về chịu tang được, Chính ủy BĐBP Đà Nẵng, Đại tá Đỗ Văn Đông; Phó Chính ủy, Đại tá Nguyễn Thanh Thủy và Chủ nhiệm Chính trị, Thượng tá Nguyễn Hữu Thiều đã xuống đơn vị, gặp gỡ và động viên Thiêu úy Ngô Quốc Vương cố gắng vượt qua khó khăn, thực hiện nhiệm vụ vì lúc này rất nhiều người dân cần đến bộ đội biên phòng. Trung tá Văn Đức Trường, Chính trị viên Đồn Biên phòng Sơn Trà cho biết: “Đồng chí Vương bố mất nhưng vì hoàn cảnh Đà Nẵng đang thực hiện cách li xã hội nên không thể về quê chịu tang. Mặc dù không thể đi ra Quảng Bình làm việc nghĩa với gia đình của cán bộ đơn vị, nhưng chúng tôi đã liên hệ với BĐBP Quảng Bình, Đồn Biên phòng Ngư Thủy, ở gần nhà Vương để thay đơn vị đến phúng viếng, thăm hỏi, động viên và giúp đỡ gia đình những việc cần thiết”.
Trước sự quan tâm của thủ trưởng Bộ Chỉ huy, của chỉ huy đơn vị cũng như đồng chí đồng đội, Thiếu úy Ngô Quốc Vương đã nén nỗi đau mất cha sang một bên để thực hiện nhiệm vụ.
Dịch diễn biến ngày càng phức tạp thì nhiệm vụ của người lính biên phòng càng nhiều. Thiếu úy Ngô Quốc Vương được tăng cường cho Chốt cảng cá Thọ Quang. Chốt có nhiệm vụ điều tiết người vào cảng cá, yêu cầu người dân sát khuẩn tay, phát khẩu trang cho những người chưa có và tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức phòng, chống dịch. Từ 12 giờ đêm đến 6 giờ sáng hôm sau, anh và đồng đội thay phiên nhau tuần tra, kiểm soát trong chợ hải sản và cảng cá. Công việc càng trở nên cấp thiết khi số lượng ca dương tính với SARS-CoV-2 ở Đà Nẵng ngày càng nhiều. Hơn lúc nào hết, những người lính quân hàm xanh nhận thấy đây là trách nhiệm của mình.
Thiếu úy Ngô Quốc Vương mới nhận nhiệm vụ tại khu cách li Trường Tiểu học Tiểu La, Quận Sơn Trà, Đà Nẵng. Tin mới nhất, khi tôi viết xong bài báo này thì Thiếu úy Ngô Quốc Vương vừa đăng kí xung phong nhận nhiệm vụ mới tại Khu cách li đóng tại Trường Tiểu học Tiểu La của quận Sơn Trà. Ai cũng nể phục trước tinh thần làm việc của anh. Tôi nhớ lại câu nói của Thiếu úy Ngô Quốc Vương khi chia tay: “Ở nơi ấy có rất nhiều người cần được giúp đỡ. Và, em muốn cha dù ở nơi chín suối vẫn luôn tự hào về con trai mình”. |
TRÚC HÀ
VNQD