“Cờ giải phóng phất cao mau thẳng tiến. Trời phía Nam dân chúng đang chờ ta. Cờ giải phóng phất cao mau thẳng tiến. Trời phía Nam dân chúng đang mong chờ…” - Những câu hát đầy khí thế của bản hành khúc “Phất cờ Nam tiến” do Đại tướng Hoàng Văn Thái, nguyên Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Ủy viên Trung ương Đảng các khóa III, IV, V, sáng tác vào đêm 21/12/1944 tại rừng Trần Hưng Đạo đã thôi thúc tôi tìm hiểu về phong trào cách mạng tại miền Nam Việt Nam vào mùa Thu năm 1945.
Bài liên quan:
Kì 1:Kí ức xanh như nắng Ba Đình
Kì 2: Sao vàng bay trên kì đài kinh thành Huế
Kì 3: Bước quân đi nối liền khu giải phóng
Thật may mắn, nhà văn Hoài Hương đã giới thiệu cho tôi tìm gặp một người phụ nữ kiên cường của miền Nam trung dũng thành đồng: Bà Ngô Thị Huệ, tức Bảy Huệ, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, thuộc Ban Tổ chức Trung ương, một trong 10 nữ đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam độc lập (bà là phu nhân cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh). Dẫu đã được đọc nhiều bài viết về bà cũng như cuốn hồi ức “Tiếng sóng bủa ghềnh”, nhưng khi gặp bà trong bộ đồ hoa màu tím khi bà đã bước sang mùa Xuân thứ 103 của cuộc đời, chúng tôi không khỏi bất ngờ trước khí chất của người nữ cộng sản ấy.
Tuy nét mặt đã khác nhiều so với bức chân dung của chính bà được đặt tại Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, tiếng nói cũng yếu hơn và kí ức đôi khi còn nhầm lẫn, song như lời cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng nói, ý chí và nghị lực của chị Bảy thể hiện đúng nghĩa là một chiến sĩ cách mạng kiên trung. Chị Bảy Huệ là một biểu tượng sáng ngời của người phụ nữ Nam bộ, người phụ nữ Việt Nam. Quả thật chúng tôi cảm nhận được vẻ đẹp ấy một cách chân thực, vẻ đẹp của người phụ nữ yêu nước, một nữ trung hào kiệt đất 9 rồng.
Người ta thường gọi bà là dì Bảy Huệ bởi cái tên ấy đã lừng danh Nam kì lục tỉnh. Tuổi thanh xuân của bà là những tháng ngày hoạt động không mệt mỏi, chiến đấu không run sợ với kẻ thù khắp từ Kiên Giang, Trà Vinh, Bạc Liêu đến Vĩnh Long, Đồng Tháp Mười, Sài Gòn - Chợ Lớn... Hồi mới 11 tuổi, cô bé Bảy Huệ đã làm giao liên, tham gia rải truyền đơn kêu gọi công nhân, thợ thuyền phản đối chủ Tây, đoàn kết chống đàn áp, đánh đập, cúp lương. Khi vừa tròn 22 tuổi, bà đã trở thành Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long, lãnh đạo nhân dân Vũng Liêm nổi dậy giành chính quyền trong cuộc Khởi nghĩa Nam Kì năm 1940.
Phong trào thất bại, bà cùng nhiều nhà cách mạng yêu nước khác bị quân Pháp bắt và xử tù khổ sai chung thân với hàng ngàn trận đòn roi tra tấn tưởng chết đi sống lại. Bạn tù tại các nhà tù Chợ Quán, Chí Hòa, Côn Đảo... vẫn luôn nhớ đến người phụ nữ xinh đẹp, đài các và kiên cường như bông huệ trắng. Có chỗ dựa tinh thần là dì Bảy Huệ, những người tù cách mạng đã luôn giữ vững khí tiết để đấu tranh sau song sắt, kiên quyết không khai để bảo vệ đồng chí, đồng đội, bảo vệ cách mạng.
Bà Bảy Huệ kể: “Tháng 6 năm 1945, sau mấy lần tổ chức phá khám vượt ngục, tôi được đồng đội giải thoát đưa về Bạc Liêu. Sau đó, tôi cùng các anh em đi đón tù nhân ở các trại giam khác được đưa về miền Tây, trong đó có anh Tôn Đức Thắng và nhiều anh em khác. Dù vừa ở tù ra, sức khỏe còn rất yếu và thân thể gầy gò, nhưng ai cũng tràn đầy tinh thần quật khởi. Chúng tôi ở bên nhau một ngày để bàn bạc việc chung, sau đó, mỗi người chia về một hướng để chuẩn bị cho cao trào cách mạng mới ở các tỉnh Nam bộ”.
Khi đó, bà Bảy Huệ tham gia Tỉnh ủy lâm thời Bạc Liêu và làm Đoàn trưởng Phụ nữ Cứu quốc tỉnh Bạc Liêu. Cuốn Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu cũng ghi rõ: tháng 7/1945 đã diễn ra Hội nghị thành lập Tỉnh ủy lâm thời Bạc Liêu, các đồng chí Tỉnh ủy viên, đảng viên được phân công xuống cơ sở để xây dựng lực lượng nòng cốt và vận động nhân dân, các tầng lớp sĩ, nông, công, thương theo cách mạng. Cùng với các cán bộ cốt cán khác, bà Bảy Huệ đi khắp nơi để chuẩn bị nổi dậy giành chính quyền khi có lệnh của Trung ương.
Ngay khi phát xít Nhật tuyên bố đầu hàng, nhân dân Bạc Liêu đổ ra đường hò reo vang dậy. Lúc bấy giờ, dù chưa nhận được lệnh khởi nghĩa của Trung ương Đảng, song Tỉnh ủy Bạc Liêu đã nhanh chóng thành lập Mặt trận Việt Minh vào ngày 17/8/1945. Tin báo cách mạng đã giành chính quyền thành công từ Hà Nội, Huế chuyển về làm nức lòng nhân dân nơi cuối trời Tổ quốc. Câu hát “Tung cờ giải phóng, cờ giải phóng trên đất Thăng Long, trên thành Huế, trên Sài Gòn, mũi Cà Mau. Tiến bước mau quân giải phóng. Tiến bước mau đập cho tan quân đế quốc Nhật - Pháp. Quyết đem máu hồng ta thề giành lấy non sông” (Phất cờ Nam tiến) như giục lòng người đứng lên mà giành lấy vận mệnh dân tộc.
Đón bắt thời cơ, Tỉnh ủy lâm thời Bạc Liêu với sự tham gia của bà Bảy Huệ đã chủ trương đưa ra một bộ phận công khai đấu tranh trực diện với kẻ thù ở các tỉnh lỵ. Đồng thời, chỉ thị cho các chi bộ cơ sở huy động đảng viên, hội viên các đoàn thể cứu quốc và lực lượng vũ trang tập trung về thị xã Bạc Liêu để tham gia giành chính quyền. Ngày 20/8, ngụy quyền Bạc Liêu tổ chức đón tên khâm sai đại thần Nguyễn Văn Sâm, Tỉnh ủy lâm thời Bạc Liêu đã tập hợp hơn 3.000 người dân cùng lực lượng vũ trang bảo vệ biểu tình thị uy trên các trục đường chính rồi dồn về dinh Tỉnh trưởng yêu cầu bàn giao chính quyền. Tối hôm đó, Ủy ban Dân tộc giải phóng tỉnh Bạc Liêu chính thức được thành lập.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân với bà Ngô Thị Huệ. Ảnh: Đại biểu nhân dân
Ngày 23/8, Ủy ban Việt Minh và Ủy ban Dân tộc giải phóng tỉnh đã huy động lực lượng quần chúng đông đảo tiếp tục bao vây dinh Tỉnh trưởng Bạc Liêu. Trước áp lực của quần chúng cách mạng, Tỉnh trưởng Bạc Liêu phải tuyên bố đầu hàng, bàn giao ấn tín, lương thực, vũ khí cho Ủy ban Hành chính cách mạng lâm thời tỉnh Bạc Liêu. Ngay sau đó, ngày 24/8, nhân dân huyện Giá Rai, quận Vĩnh Châu giành được chính quyền. Ngày 25/8, từ cuộc mít tinh lớn để chào mừng Mặt trận Việt Minh do Quận ủy Cà Mau tổ chức, quần chúng nhân dân đã cùng với Đảng, Mặt trận đứng lên đấu tranh buộc địch giao chính quyền cho cách mạng.
Bà Bảy Huệ nhớ lại: “Ngày 23 tháng 8 năm 1945 được chọn là ngày khởi nghĩa trong toàn tỉnh. Sáng 25 tháng 8 năm 1945, chúng tôi đã tổ chức một cuộc mít tinh lớn tại sân vận động tỉnh lị chào mừng ra mắt Ủy ban Dân tộc giải phóng tỉnh Bạc Liêu và Ủy ban Hành chính cách mạng lâm thời của tỉnh. Khi ấy, tôi được Tỉnh ủy giới thiệu trước dân chúng với cương vị thành viên Mặt trận Việt Minh tỉnh, phụ trách đoàn thể phụ nữ...”.
Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, quân dân Nam bộ sau khi giành chính quyền thành công chưa được bao lâu đã phải bước vào trận chiến đấu mới, khi quân Pháp nổ súng chiếm đóng hầu hết các tỉnh Nam bộ. Dẫu đầy gian khó, song chủ trương chuẩn bị cho Tổng tuyển cử bầu Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 6/1/1946 vẫn được Tỉnh ủy Bạc Liêu triển khai về từng huyện, xã, tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân về ý nghĩa to lớn của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên. Bà Bảy Huệ được giới thiệu tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội và trở thành nữ đại biểu đầu tiên đại diện cho cử tri Nam bộ. Nhân dân các tỉnh đều ủng hộ bà bởi họ cho rằng, bầu cho cô Huệ, người yêu nước, trẻ tuổi, đã kinh qua thử thách đấu tranh và tù đày vì độc lập, tự do của đất nước, đáng tin cậy để đại diện cho dân.
Nói về cuộc đời bà Bảy Huệ, có lẽ bài viết này không thể chuyển tải hết được những gian lao, kiên cường mà bà đã trải qua, những tình cảm yêu thương, nhân ái mà bà đã cho đi. Xin mượn lời của đồng chí Nguyễn Thọ Chân, nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội để kết thúc bài viết về người nữ đảng viên mẫu mực này: “Từ những năm trước Tổng khởi nghĩa mùa Thu năm 1945 cho đến khi đảm nhiệm Ủy viên Thường vụ Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn rồi làm Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, dù phải đảm nhiệm trọng trách nặng nề, chị Bảy Huệ vẫn luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Đằng đẵng 15 năm trời vợ chồng xa cách, chị gánh vác cả công việc gia đình để chồng yên tâm lo việc nước. Những cống hiến lớn lao của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc có đóng góp không nhỏ của người vợ hiền đảm đang, người đồng chí kiên cường Ngô Thị Huệ”.
(Kì 5: Tiếng trống Kim Sơn sục sôi miền duyên hải)
PHẠM VÂN ANH