Hôm nay tôi nhận được bức ảnh này của chị gái từ quê nhà gửi cho. Tôi nhận ra ngay người quen trong bức ảnh, dù xa quê đã lâu. Đó là chị Mến. Cuộc đời của chị ấy gắn chặt với nghề đan rổ rá, được truyền nghề từ thời ông nội. Nhà chị ở làng Hai Giáp - xã Hải Hùng - Huyện Hải Hậu - Nam Định, cũng là quê tôi. Đó là một làng nhỏ với nghề thủ công là tạo ra những chiếc rổ, rá, nong nia, sàng sảy phục vụ cho đời sống, cho nông nghiệp...
Có một thời, khắp Hải Hậu, hầu như nơi nào cũng có người làm nghề đan những vật dụng bằng tre, bóng dáng những người đàn bà vất vả bên những buổi chợ chiều bán rổ rá còn in đậm với thời gian. Nhưng cũng thời gian đã làm mai một mất nghề này, khi khắp nơi giờ đây toàn đồ dùng bằng nhựa, đẹp long lanh, đẹp đến quên cả cái nghề nan tre rổ rá.
Cả làng Hai Giáp của tôi bây giờ chỉ còn lại hai cụm tre. Hai cụm tre, làm sao duy trì được một nghề đã gắn bó? Rồi có ngày, hai cái cụm tre ấy cũng sẽ già đi, mất đi, kéo theo sự vắng bóng của hình ảnh những chiếc rổ rá thân yêu kia?
Giá của một chiếc rổ nhỏ chỉ 10 ngàn đồng, một chiếc nia 30 ngàn, một cái rá bé xinh 5 ngàn. Một người làm nghề quê tôi, chăm chỉ cả ngày cũng chỉ kiếm được 40 ngàn, nếu vừa làm vừa bận việc khác thì chỉ kiếm được 30 ngàn.
Nhưng tại sao họ vẫn làm? Vì nó là nghề từ thời cha ông truyền lại, làm không hẳn vì tiền, mà vì muốn giữ lấy, muốn níu lấy hồn cốt, dư âm của một nghề…
Lê Minh (Biên Hòa, Đồng Nai)
VNQD