Lính biển và tôi

Thứ Sáu, 21/08/2020 14:42

. PHAN MAI HƯƠNG

Biển mùa này đỡ sóng gió hơn và chúng em đã ra biển trực chiến... Đó là câu trả lời của một em lính hải quân nhắn cho tôi qua zalo, khi tôi hỏi thăm anh em trên tàu thế nào. Mùa xuân sắp qua thì nơi đất liền lại bắt đầu chao đảo vì sóng gió từ dịch viêm phổi cấp. Tôi thèm nhớ những ngày thênh thang với trời và biển xanh bất tận…

Tôi sinh ra ở xứ núi. Mở mắt ra đã bị núi chắn trước mặt. Suốt tuổi ấu thơ, có nằm mơ tôi cũng không hình dung ra sau quả núi chắn trước nhà lại là biển cả mênh mông. Tôi càng không bao giờ nghĩ đến khi được ra biển để thấy biển mênh mông, bất tận nhường ấy. Và chính nơi đây, trong những ngày tháng mà biển Đông trở thành điểm nóng, thì người đi biển trước hết là những ngư dân ngày đêm bám biển giữ ngư trường. Vậy mà như một cơ duyên, tôi lại được cưỡi trên một con tàu thủy hiện đại mang số hiệu KN 263 vượt sóng trùng khơi để gặp những người lính biển.

Tàu của đoàn công tác đến nhà giàn tại bãi Phúc Nguyên. Ảnh: Phan Mai Hương.

Trong thời gian ở trên tàu, những lúc tạm qua cơn say sóng, tôi lại lên boong ngồi hàng giờ chỉ để nhìn ra xa, cố gắng nhìn xem có con tàu đánh cá nào gần đó không. Vào những buổi tối mây mù mịt, mặt biển tối sẫm, chỉ nghe sóng ào ạt nghiêng cả con tàu, tôi cũng cố căng mắt để tìm xem có ngọn đèn nào lơ lửng bơi trên ngọn sóng. Chỉ để khẳng định như đinh đóng cột rằng đó là tàu đánh cá. Có những đêm trăng sáng lồng lộng, ánh trăng xuyên thấu qua con sóng dạt nghiêng xuống lòng biển trong veo, tôi cũng cố tìm xem tàu đánh cá neo đậu nơi nào. Bởi trên mặt biển bao la, khi con tàu của bạn lặng lẽ di chuyển như một cột mốc, thì sự hiện diện của tàu đánh cá như cách đánh dấu và khẳng định chủ quyền thiêng liêng của hải phận Tổ quốc.

Thấy tôi lãng mạn, ưa chuyện trò, anh em trên tàu hồ hởi kể cho nghe mối quan hệ khăng khít tựa như ruột thịt trong gia đình giữa tàu đánh cá và tàu hải quân. Chuyện chia sẻ xăng dầu, nước ngọt, rau, gạo, thịt gà, thịt lợn, thuốc trị bệnh cho thuyền đánh cá không chỉ là chuyện tình cảm giúp đỡ nhau khi đi biển dài ngày, mà còn là nhiệm vụ cơ bản của lính hải quân. Bộ đội ở tàu và trên nhà giàn có thể thiếu thốn một chút, nhưng không thể không giúp đỡ tàu cá khi họ yêu cầu giúp đỡ.

Riêng nói về thiếu thốn, khó khăn thì trong các nhà giàn tôi đi qua, nhà giàn DK1/10 ở bãi cạn Cà Mau là khó khăn nhất. Vì nhà giàn đã cũ, lại không có hệ thống lọc nước biển thành nước ngọt nên anh em chỉ có cách hứng nước mưa tích trữ và đợi tàu tiếp tế. Chuyến thăm này, tàu mang ra nhà giàn ngoài thực phẩm, thuốc men thì còn có hơn mười tấn xăng dầu và ba mươi khối nước ngọt. Anh em trên nhà giàn DK1/10 kể tôi nghe nước ngọt khan hiếm là vậy nhưng vẫn thường xuyên hỗ trợ cho bà con ngư dân mỗi khi ghé. Còn lại, anh em chiến sĩ phải dùng hết sức tiết kiệm, năm ngày mới được tắm một lần và phải chia theo lịch.

Cùng với đó, việc cấp cứu người gặp tai nạn trên biển là chuyện cơm bữa. Trong báo cáo tổng kết năm 2019, Thượng úy Trần Khánh Nhật, Chính trị viên nhà giàn DK1/10 cho biết anh em trên nhà giàn đã làm nhiệm vụ này rất tốt, xứng đáng được biểu dương. Và tôi, có đi mới hiểu, biển cả mênh mông thì nhà giàn DK1 chính là bến đỗ an toàn của các tàu đánh cá…

*

*      *

Từ sau chuyến đi nhà giàn DK1 trở về tôi thường nghĩ nhiều đến biển và những người lính biển. Kỉ niệm chợt ùa về...

Khi con tàu đang thả những hồi còi từ biệt về cảng, tôi đứng trên boong tàu và tình cờ làm quen với em. Khuôn mặt rám nắng, ánh mắt thông minh, nụ cười sáng rỡ, tươi trẻ. Em kể vừa về thăm ba mẹ và gia đình ở Hà Tĩnh, hết phép trở ra đổi quân... Đang dở câu chuyện, chợt có ai gọi, em nhoẻn miệng chào và chạy biến xuống hầm tàu khiến tôi ngơ ngác. Đại úy Nguyễn Văn Thanh, Phó Chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/10 cùng ra đổi quân chuyến này đang đứng bên cạnh tôi, giới thiệu cậu ấy là Nguyễn Đình Nhật, em trai của Phó Thuyền trưởng tàu KN 263 Nguyễn Đình Đức đấy. Nghe thế tôi bỗng tiếc và ngay khi lên tàu tôi đã nảy ra ý định tìm gặp Nhật. Nhưng tôi bất lực, bởi trên tàu có hàng trăm người, gồm phóng viên của các báo, lính ra các nhà giàn DK1 đổi quân, lính biên chế tàu, các thủ trưởng Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân..., tôi biết tìm em ở chỗ nào? Nhất là tôi lại đang trong tình trạng say sóng ngất ngư, đi lại được trên các khoang tàu là cả một vấn đề. Cũng không thể liên lạc bằng điện thoại, bởi điện thoại trên tàu chỉ còn giá trị chụp ảnh thôi.

Bẵng đi vài ngày, khi đã quen hơn với những cơn lắc lư ngày đêm, tôi tìm gặp Thượng úy Nguyễn Đình Đức để hỏi về Nhật. Đức được điều về công tác ở Vùng 2 Hải quân và gắn bó với tàu KN 263 cho đến nay đã bảy năm. Đức kể hai anh em đi cùng tàu trong chuyến đổi quân lần này là hoàn toàn tình cờ, cả hai đều không biết trước. Đức thấy vui vì khi giao nhận quân lên tàu thấy có em trai mình. Qua Đức, tôi biết Nhật đã từng học Đại học Sư phạm được một năm, nhưng vì mê sự mạnh mẽ cứng rắn của lính nên bỏ nghề thầy về nhà ôn thi đại học lại, nhất định thi vào khối ngành quân sự. Nhưng vì có anh trai đã ở trong Quân chủng Hải quân xa nhà rồi nên Nhật thi vào Trường Sĩ quan Lục quân để sau này còn được ở gần nhà, đỡ cho ba mẹ. Thế nhưng số phận của cả hai anh em hình như phải gắn bó với biển. Sau khi tốt nghiệp Nguyễn Đình Nhật lại được phân về công tác cùng đơn vị với anh trai. Tuy vậy hai anh em ở cách nhau hàng trăm hải lí. Đức công tác trên tàu, còn Nhật thì nhận nhiệm vụ ở nhà giàn DK1. Nguyễn Đình Đức nói với tôi là anh rất vinh dự và tự hào khi cả hai anh em cùng công tác trong lực lượng Hải quân. Dù mỗi người làm nhiệm vụ khác nhau nhưng cả hai anh em đều chung chí hướng giữ biển đảo.

Sau này tôi mới biết Nguyễn Đình Nhật là Phó Chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/12 mới về công tác tại Vùng 2 được ba năm. Vừa rồi, Nhật được về phép thăm gia đình, em cởi mở chia sẻ về cuộc sống vợ chồng ngâu. Đám cưới xong thì Nhật khoác ba lô ra biển, đến nay khi con gái tròn hai tháng tuổi mới ghé về thăm. Ở biển có nhiều lúc nhớ vợ con lắm, chỉ tâm sự qua điện thoại. Mà sóng điện thoại thì chập chờn, có khi vợ gửi hình con gái ra cho ngắm thì cả ngày mới nhận được. Nhưng không vì thế mà Nhật sờn lòng, bởi những khó khăn gian khổ sau này sẽ thành kí ức Nhật kể lại cho con nghe, để con hiểu và yêu Tổ quốc hơn. Biết đâu đấy, cháu sẽ thành nhà văn viết nên câu chuyện tuổi trẻ của ba.

Và trong câu chuyện với tôi, hai anh em Đức, Nhật kể khá nhiều về cha mẹ và quê hương Hà Tĩnh. Cả hai không giấu niềm tự hào khi cho biết họ Nguyễn của mình thuộc dòng dõi Nguyễn Xí, vị tướng xuất sắc của Lê Lợi trong cuộc kháng chiến chống quân Minh xưa. Và trong đợt nghỉ phép vừa rồi, khi dòng họ Nguyễn vừa hoàn thiện tu bổ đền thờ Nguyễn Xí, Đức có đến thắp hương tổ tông. Đến đây thì tôi không ngạc nhiên vì sao Nhật lại nhất định bỏ sư phạm để thi và học ở trường quân sự, có lẽ dòng máu truyền thống giữ nước của dòng họ luôn chảy mạnh mẽ trong huyết quản ở thế hệ anh em Đức và Nhật.

*

*      *

Trên tàu KN 263, cánh phóng viên chúng tôi được chứng kiến một tình huống cảm động.

Câu chuyện là thế này. Đại úy Nguyễn Văn Thanh trả phép, và theo kế hoạch, khi Thanh ra tới nhà giàn thì Trung úy Bùi Trung Kiên sẽ nghỉ phép về bờ cưới vợ. Kiên quê ở Cà Mau, nhập ngũ năm 2012 đến năm 2018 thì ra nhà giàn DK1/10. Vợ chưa cưới của Kiên là Phạm Thị Kiều Loan cùng quê, hai người đã có tình yêu bốn năm chờ đợi. Nhưng trong hành trình, Thanh bỗng tiểu ra máu, nằm bẹp dí và hầu như không thể ăn uống gì. Thanh kể đã bị sỏi thận lâu rồi, chắc đợt đi biển này, sóng to quá, bệnh lại tái phát. Trước tình huống này, cấp trên đã quyết định để Thanh trở lại bờ chữa bệnh. Theo dự kiến thì thời gian trị bệnh của Thanh kéo dài khoảng hai tháng. Việc này sẽ làm đảo lộn kế hoạch trực nhà giàn, trong đó có việc về phép cưới vợ của Bùi Trung Kiên.

Tôi tìm gặp Kiên ngay khi tới nhà giàn. Kiên chia sẻ, anh rất háo hức đợi chuyến phép này vì đã tám năm rồi, nay mới được về quê đón tết cùng gia đình. Thế nhưng anh đã quyết định hoãn cưới, ở lại trực thay cho Thanh. Sự cố đã được báo về gia đình trong bờ. Tuy cả nhà rất buồn vì thiếp cưới đã phát được hơn nửa, bàn tiệc cũng đã đặt, nhưng mọi người ở nhà vẫn động viên Kiên cố gắng ở lại hoàn thành tốt nhiệm vụ trực chỉ huy. Kiên cười vui vẻ: “Vợ chưa cưới của em còn đùa, coi như mình cưới hai lần. Vì cưới hai lần nên quà mừng, cùng những lời chúc phúc đôi trẻ cũng sẽ phải… gấp đôi!”.

Khi nghe tôi nhắc lại câu chuyện hoãn cưới này, Thiếu tá Vũ Văn Tưởng, Phó Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn DK1 nói việc này đối với chiến sĩ Hải quân không hiếm. Chẳng ai muốn chuyện đó xảy ra, nhưng vì nhiệm vụ, người lính phải để cái riêng của mình sang một bên. Đơn vị đã từng có trường hợp tổ chức đám cưới mà chỉ có... mỗi cô dâu, vì chú rể đang phải làm nhiệm vụ ngoài biển.

Người lính Hải quân làm nhiệm vụ xa đất liền, sóng gió bất thường, nhưng như thế càng khiến cho họ biết quý trọng từng phút giây được quây quần đầm ấm bên gia đình của mình hơn. Tôi đã khóc khi nghe Nguyễn Hữu Hiếu, Chính trị viên tàu KN 263 tâm sự, có lần vợ anh kể, vào bữa cơm thấy con gái cầm bát lên nhưng không ăn, ngồi thần mặt ra rồi nước mắt chảy dài. Mẹ hỏi con sao thế, thì con gái mếu máo nói con nhớ ba. Thế là mẹ lại phải bật điện thoại gọi ba cho con gái. Hiếu kể với giọng ấm áp, thương và yêu con gái lắm, chỉ mong có dịp về nhà ăn cơm cùng con gái thôi. Hiếu nói anh có cái may mắn là gia đình ở gần quân cảng, cho nên nếu rảnh không phải trực, mà tàu đang neo trong cảng, anh vẫn có thể tranh thủ về thăm nhà. Nhưng khi tàu ra biển rồi thì không có thời hạn, cũng chả biết khi nào về được bờ. Có khi kế hoạch định ngày này thì về bờ, nhưng đột nhiên có tàu lạ vô, thế là tàu mình cũng phải ở lại. Tuy trên tàu có thuận lợi hơn anh em trên nhà giàn DK1, nhưng những phiên đi trực trên biển vì sự hiện diện của tàu lạ cũng không có hạn định về thời gian.

Tình huống chiến đấu thì chả biết thế nào nói trước, Đại úy Phạm Văn Vỵ, Thuyền trưởng tàu KN 263 nói, mình cứ là phải đặt nhiệm vụ bảo vệ hải phận lên hàng đầu. Tôi biết anh vừa về nhà tranh thủ thăm con trai mới sinh. Tuy nhà chỉ cách nơi đóng quân ba mươi cây số, nhưng khi vợ sinh con trai được gần hai tháng, anh mới được nghỉ hai ngày phép cuối tuần về thăm. Hôm nay anh trở lại tàu với niềm vui còn lấp lánh trong đôi mắt sáng. Chúng tôi ríu rít hỏi thăm, gửi lời chào “đồng chí thuyền trưởng tí hon” cùng mẹ.

Vỵ vui lắm, kể vợ mình là cô giáo đi dạy ở trường cách nhà ba mươi cây số, nhưng việc nhà và trông nom hai đứa trẻ vẫn ổn vì có ông bà ngoại từ ngoài quê Hà Tĩnh vào. Anh cũng là người may mắn vì hoàn cảnh gia đình thuận lợi hơn các anh em trong đơn vị. Vì thế trong quá trình công tác, cần phải hiểu để thông cảm và chia sẻ với hoàn cảnh từng người, xử lí sao cho phù hợp tình huống chiến đấu, để cùng anh em hoàn thành nhiệm vụ.

Trên con tàu KN 263, tôi may mắn được gặp Đại tá Đặng Mạnh Hùng, Đảng ủy viên Đảng ủy Vùng 2 Hải quân, Trưởng đoàn công tác số 2. Theo anh Hùng thì các nhà giàn DK1 như vọng gác tiền tiêu, canh giữ, quản lí, nắm tình hình, khẳng định chủ quyền trên thềm lục địa phía Nam Tổ quốc. Cán bộ chiến sĩ nhà giàn DK1 luôn xây dựng bản lĩnh chính trị, kiên định mục tiêu bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền. Khẩu hiệu “Còn người còn nhà giàn” là sự thể hiện quyết tâm lớn của cán bộ chiến sĩ nhà giàn. Vì nhiệm vụ đặc biệt của nhà giàn DK1 nên 100% cán bộ và chiến sĩ phải luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu 24h/24h, kể cả ngày lễ, chủ nhật và ngày tết. Với trách nhiệm của mình, những người lính Hải quân sẽ quyết tâm giữ vững chắc vị trí tiền tiêu, bảo vệ bình yên cho Tổ quốc.

*

*      *

Chuyến đi ấy đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng với những người lính biển. Có một thứ tình cảm thiêng liêng và ấm áp được hình thành ngay từ quân cảng, và lớn dần lên theo hành trình ra khơi, rồi về đất liền. Tình cảm ấy càng xa càng đầy đặn. Đến nỗi khi tôi đã trở về với công việc thường ngày chốn núi rừng rồi mà tâm trí vẫn hướng ra biển cả. Và tôi ngồi viết.

Khi tôi viết những dòng cuối này, bất chợt điện thoại báo có tin nhắn, mở ra xem là tin nhắn từ khơi xa. Anh em trên tàu KN 263 chụp và gửi cho xem con mực câu được đêm trước, dang ra phải to hơn chiếc áo sơ mi người lớn. Tôi ngạc nhiên thích thú vì lần đầu tiên được nhìn thấy con mực to như thế. Một bạn khác thì tinh nghịch khoe, trên tàu chuẩn bị ăn rằm nè, em gọi video cho chị xem nghen.

Và qua màn hình điện thoại tôi lại được thấy con tàu KN 263 với lá cờ đỏ sao vàng tung bay hiên ngang trong sóng gió, được gặp lại những khuôn mặt trẻ trung vui vẻ của anh em lính Hải quân, được thấy mặt biển biếc xanh màu nắng tháng giêng... Chợt thấy giữa con tàu với tôi như không còn khoảng cách.

P.M.H

VNQD
Thống kê