NHỮNG NGƯỜI PHẤT NGỌN CỜ HỒNG

Sao vàng bay trên kì đài kinh thành Huế

Chủ Nhật, 23/08/2020 15:16

Với vị trí đặc biệt của mình, Cách mạng Tháng Tám ở Huế đã đi vào lịch sử với sự kiện ngày 23-8-1945, tại lầu Ngọ Môn, vua Bảo Đại đã tuyên bố thoái vị. Nhưng trước đó, ngày 21-8, lá cờ đỏ sao vàng của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thay thế cho lá cờ hình quẻ ly của triều đình nhà Nguyễn. Khi ấy, người thanh niên được giao nhiệm vụ quan trọng này là đồng chí Đặng Văn Việt, một sinh viên của Trường Thanh niên tiền tuyến Huế.

Kỳ 2: Sao vàng bay trên kì đài kinh thành Huế

Bài liên quan:

Kì 1: Kí ức xanh như nắng Ba Đình

Người thanh niên ấy sau biết bao thăng trầm cùng lịch sử dân tộc, giờ đã bước sang tuổi 101. Điều kì diệu là, khi chúng tôi đến sảnh khu chung cư ở ngõ Hòa Bình 6, đường Minh Khai (Hà Nội) nơi ông đang ở, bất chợt có một người gầy hanh hao nhưng quắc thước phóng xe máy điện đến chào hỏi chúng tôi và tự xưng là Đặng Văn Việt. Người cán bộ lão thành cách mạng cho chúng tôi biết, hàng ngày, vào các buổi sáng, ông vẫn đi chiếc xe máy điện 3 bánh này đến thăm bạn bè, chiến hữu gần đó để đàm đạo chuyện xưa nay.

Đồng chí Đặng Văn Việt với cuốn sách Hạ cờ triều đình Huế, giương cao cờ đỏ sao vàng - sự kiện vĩnh hằng, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, tháng 12-2015. Ảnh: Phạm Vân

Ông Đặng Văn Việt vốn dĩ là con trai của một trọng thần trong triều đình nhà Nguyễn. Thân phụ của ông, cụ Đặng Văn Hướng từng đỗ Phó bảng trong cuộc ứng thí Trạng nguyên và làm quan tới chức Thượng thư Hình bộ dưới thời Bảo Đại. Khi Nhật đảo chính Pháp, cụ trở thành Tổng đốc Nghệ An trong chính phủ của Trần Trọng Kim. Thân làm quan triều đình, song với tình yêu nước sâu nặng, cụ Hướng vẫn bí mật ủng hộ cách mạng và ủng hộ con trai lúc bấy giờ là sinh viên Đại học Y khoa Đông Dương tham gia các phong trào đấu tranh của sinh viên. Khi Tỉnh ủy và nhân dân Nghệ An vùng lên khởi nghĩa năm 1945, Tổng đốc Đặng Văn Hướng đã nhanh chóng hợp tác, bàn giao ấn tín, vũ khí, tiền bạc cho cách mạng và được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời giữ chức Bộ trưởng không bộ, phụ trách 3 tỉnh: Thanh - Nghệ - Tĩnh của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Tháng 3 năm 1945, Trường Đại học Y khoa Đông Dương đóng cửa, Đặng Văn Việt trở về Huế. Lúc đó, ở Huế, Giáo sư Tạ Quang Bửu và luật sư Phan Anh là hai thành viên trong chính phủ Trần Trọng Kim lấy cớ cần đào tạo công chức cho chính phủ mới đã đề nghị lập Trường Thanh niên tiền tuyến Huế. Nhưng thực chất là để chiêu mộ những thanh niên trí thức yêu nước cùng sát cánh bên nhau ủng hộ Việt Minh, chuẩn bị lực lượng nòng cốt cho khởi nghĩa giành chính quyền ở Trung Kì. Ông Đặng Văn Việt kể rằng, Trường Thanh niên tiền tuyến Huế khi ấy có 43 người, đều gác lại những ước mơ riêng của bản thân, gia nhập quân đội để chiến đấu vì độc lập, tự do cho dân tộc. Có 5 người đã hi sinh, 30 người chuyển ngành, 1 người trở thành Trung tướng và 7 người trở thành Thiếu tướng.

Ngày 23-8-1945, khởi nghĩa giành chính quyền tại Huế thắng lợi và đi vào trang thơ của nhà thơ Tố Hữu: “...Chừ đây Huế, Huế ơi, xiềng gông xưa đã gãy/ Hãy bay lên! Sông núi của ta rồi!”. Trước đó, do nhận định được ý nghĩa địa chính trị quan trọng của Huế nên Xứ ủy Trung Kì đã tranh thủ sự ủng hộ của quần chúng nhân dân để vừa bảo toàn lực lượng, vừa gây dựng phong trào cách mạng. Ngày 20-8-1945, Ủy ban khởi nghĩa được thành lập gồm các đồng chí Tố Hữu, Hoàng Anh, Lê Tự Đồng, Lê Khánh Khang, Hoàng Phương Thảo, Nguyễn Sơn... Ủy ban khởi nghĩa đã họp và quyết định khởi nghĩa ngày 23-8.

Cũng trong ngày 20-8, Đặng Văn Việt nhận tin mật “mời đến một địa điểm gần Nam Giao gặp đồng chí Trần Hữu Dực”. Ủy viên Xứ ủy Trung Kì Trần Hữu Dực đã giao cho Đặng Văn Việt một lá cờ Tổ quốc “to gần bằng cả gian nhà”, nói: “Tôi giao cho đồng chí lá cờ đỏ sao vàng. Đồng chí có nhiệm vụ treo lên cột cờ lớn trước cửa Ngọ Môn vào sáng 21-8”. Trong tâm thế vừa mừng, vừa lo bởi trọng trách quá bất ngờ và lớn lao, Đặng Văn Việt tiếp nhận lá cờ rộng 120m2, từ tốn quấn lại rồi bọc vải nâu bên ngoài đạp về Trường Thanh niên tiền tuyến Huế. Về đến trường, sau khi báo cáo tổ trưởng tổ Việt Ninh Lâm Kèn, Đặng Văn Việt có thêm bạn hỗ trợ cùng đi treo cờ là Nguyễn Thế Lương (sau này là Thiếu tướng Cao Pha, Cục trưởng Cục 2, Bộ Quốc phòng). Hai người được tổ chức cho mượn hai khẩu súng để tăng uy thế trước ngự lâm quân của triều đình.

Ông Đặng Văn Việt nhớ lại: “Sáng sớm ngày 21-8, tôi cùng anh Cao Pha đạp xe đến kì đài, kiên trì thuyết phục nhóm ngự lâm quân triều đình. Anh Cao Pha dừng lại bảo vệ lá cờ, tôi đến trước hàng lính dõng 12 người trang bị khí giới đầy đủ và nói: “Theo lệnh của Ủy ban kháng chiến Trung Kì, chúng tôi có nhiệm vụ treo cờ cách mạng thay cờ quẻ li. Các ông giúp chúng tôi thực thi nhiệm vụ”. Sau một hồi nói lí lẽ, tình cảm, họ đồng ý để chúng tôi hạ cờ. Nhưng khi kéo lá cờ lớn lên thì hết sức vất vả, bởi cờ nặng và gió to. Sau một hồi cố gắng, hai người chúng tôi cùng sự hỗ trợ của 6 lính dõng đã kéo được lá cờ đỏ sao vàng lên đỉnh cột cờ. Bà con phấn khởi vô cùng, bởi đã lâu nay trông ngóng cách mạng. Các huyện lị cách kinh thành 45km vẫn có thể nhìn thấy bóng cờ bay lồng lộng”.

Vừa xuống dưới kì đài, đã nghe tiếng nhân dân gần đó xôn xao: “Cờ đỏ sao vàng. Cờ đỏ sao vàng. Hoan hô cách mạng đã về. Dân ta độc lập, tự do rồi”. Như không hẹn mà cùng nhìn nhau, Đặng Văn Việt và Cao Pha cùng 6 lính dõng đưa tay chào cờ, lòng sục sôi một cảm giác tự hào khó tả. Hai ngày sau, bóng cờ lồng lộng như vẫy gọi nhân dân Huế từ các huyện kéo về kinh thành, biểu tình thị uy giành chính quyền. “Ngày 23/8/1945, khi tôi đang đứng trên Ngọ Môn dự lễ vua Bảo Đại tuyên bố thoái vị và trao ấn tín, kiếm báu cho chính quyền cách mạng, thì một thầy đội nói thầm vừa đủ tôi nghe: Hôm hai ông chở cờ đến, tôi được lệnh triển khai một đại đội cảnh vệ hoàng gia nằm dọc theo thành của Ngọ Môn. 120 mũi súng đã chĩa thẳng vào hai ông. Tôi xin phép nhà vua cho bóp cò. Nhà vua hỏi ý Hoàng hậu Nam Phương rồi hô to: “Chớ! Chớ! Không được bắn” - Ông Đặng Văn Việt kể.

Cờ Tổ quốc trên kì đài Huế hôm nay. Ảnh: TL

Sau Cách mạng Tháng Tám, ông Đặng Văn Việt tham gia quân đội và chiến đấu anh dũng trên nhiều mặt trận. Năm 1947, ở tuổi 27, ông trở thành Trung đoàn trưởng Trung đoàn 174 (một trong hai trung đoàn đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam). Ông là người chỉ huy uy danh lừng lẫy núi rừng Việt Bắc khi tác chiến các trận: Bông Lau - Lũng Phầy 1949, Đông Khê - Biên giới 1950, Bình Liêu 1951, Mộc Châu 1952... Ông đã đi qua hàng trăm trận đánh, mang trên mình 5 vết thương cùng biệt danh là “Hùm xám đường số 4”... Năm 1980, ông Đặng Văn Việt nghỉ hưu ở vị trí Cục trưởng Cục Xây dựng, Bộ Xây dựng... Từ đó, người thanh niên cắm cờ hồng Tháng Tám giữa kinh thành Huế, “Hùm xám đường số 4” bất bại nơi trận tuyến chống quân xâm lược lại tỏa sáng qua những trang văn. Ông đã viết 17 tác phẩm mà tiêu biểu là cuốn “Đường số 4 rực lửa” đoạt giải Nhất Liên hiệp Văn học nghệ thuật toàn quốc năm 2000 và giải Đặc biệt của Hội Văn học nghệ thuật Lạng Sơn năm 2005.

“Thời kháng chiến, không ai nghĩ gì về khen thưởng vì nhiệm vụ quá nặng nề. Đánh hết trận này tiếp trận khác. Trận nào cũng căng vì địch rất mạnh. Tôi xem việc đánh thắng địch là khen thưởng lớn nhất. Mặc dù là Trung tá suốt đời, nhưng tôi mừng cho Trung đoàn mình hai lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 16 cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn trở thành anh hùng” - “Hùm xám” của mặt trận đường 4 đã bước qua bách niên xuân nói với chúng tôi những lời tâm huyết lúc chia tay dưới hầm để xe. Bởi ngay sau đó, dù bước thấp bước cao, ông lại tiến về phía chiếc xe điện 3 bánh và nổ máy để đến thăm một người đồng đội cũ vừa ngã bệnh.

(Kì 3: Bước quân đi nối liền khu giải phóng)

PHẠM VÂN ANH

 
- Ảnh:
VNQD
Thống kê