. VŨ THỊ NGÁT
Tọa lạc trên vùng đất thiêng nơi gặp gỡ của núi Tản sông Đà, Trường Sĩ quan Chính trị đang từng ngày vươn mình lớn mạnh. Giữa cái nắng cái gió nơi đây là màu xanh của cây cỏ, là những sắc hoa tươi thắm đua nhau khoe sắc trải khắp không gian nhà trường. Và còn có những đóa hoa khác, những đóa hoa ngày ngày vẫn lặng lẽ điểm tô cho mái trường. Đó chính là đội ngũ nữ giảng viên Khoa Văn hóa - Ngoại ngữ, những bông hoa giữa rừng xanh áo lính. Các chị đã góp phần làm nên sắc màu văn hóa, góp vào bề dày thành tích của đơn vị. Và trong những đóa hoa tươi thắm ấy không thể không nhắc tới đồng chí Trung tá Lê Thị Huyền - Chủ nhiệm Bộ môn Khoa học xã hội.
Trung tá Lê Thị Huyền. Ảnh: Nguyễn Hải
Dáng người nhỏ nhắn, nụ cười tỏa nắng, phong thái nhẹ nhàng, giản dị là những ấn tượng đầu tiên khi tiếp xúc với chị. Nhưng có lẽ ít ai biết rằng đằng sau dáng vẻ ấy lại là một bản lĩnh, một nghị lực lớn lao. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống trên quê hương Phú Thọ, ngay từ nhỏ chị đã nuôi dưỡng ước mơ trở thành cô giáo. Năm 2003, sau khi tốt nghiệp đại học, chị được nhận vào giảng dạy tại Trường Sĩ quan Chính trị. Vượt qua những khó khăn bỡ ngỡ ban đầu trong môi trường quân đội, chị đã không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đem hết tâm sức vào trong từng bài giảng góp phần chắp thêm đôi cánh tri thức, tâm hồn cho các chàng lính trẻ nơi đây.
Thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị, thời gian qua, đồng chí Trung tá Lê Thị Huyền đã gương mẫu đi đầu trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; không ngại khó, ngại khổ, khắc phục mọi khó khăn, không ngừng học tập rèn luyện nâng cao trình độ công tác mọi mặt góp vào thành tích giáo dục chung của nhà trường. Với tâm niệm luôn sáng tạo trong từng giờ học, không lặp lại người khác và không lặp lại chính mình, chị đã tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, tạo ra sự hứng thú, say mê học tập cho bao thế hệ học viên. Không những vậy, chị còn chịu khó tìm tòi, sáng tạo, ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin vào giảng dạy làm cho bài giảng phong phú hơn. Mỗi bài giảng của chị hấp dẫn học viên không chỉ bởi nội dung sâu sắc mà còn bởi giọng nói nhẹ nhàng uyển chuyển. Qua từng bài học trong hai học phần Lịch sử dân tộc và Cơ sở văn hóa, chị đã khơi lên tình yêu, niềm tự hào về lịch sử dân tộc, truyền thống cha ông ở các thế hệ học viên, để từ đó các em ý thức hơn về bổn phận trách nhiệm của mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sau mỗi tiết học, giờ giải lao cũng là lúc chị lắng nghe và chia sẻ những câu chuyện đời thường cùng các chàng lính trẻ. Sự sôi nổi của tuổi trẻ, những tình cảm chân thành của người lính càng khiến chị thêm yêu nghề, yêu trò; hăng say cống hiến cho sự nghiệp trồng người.
Hiện nay, Trường Sĩ quan Chính trị vẫn duy trì huấn luyện ở cả 3 khu (Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang). Chẳng quản nắng mưa, khi ở Hòa Lạc cũng có lúc về Thành cổ Bắc Ninh, theo mỗi chuyến xe, chị Lê Thị Huyền vẫn say sưa với từng giờ lên lớp. Từng ngày chị vẫn miệt mài vun trồng những “hạt giống đỏ” cho đất nước, như con ong chăm chỉ cần mẫn dâng hiến cho đời. Đúng như lời của đồng chí Thượng tá Lê Duy Thắng, Chủ nhiệm Khoa Văn hóa - Ngoại ngữ khi nói về chị: “Đồng chí Huyền là một quân nhân gương mẫu, một giảng viên đầy trách nhiệm với công việc; tận tâm hết lòng vì học viên thân yêu; thực sự là tấm gương sáng trong việc học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để các giảng viên trẻ trong khoa noi theo.”
Sau giờ giảng. Ảnh: Nguyễn Hải
Ngoài công tác giảng dạy, chị Lê Thị Huyền còn tích cực tham gia nghiên cứu khoa học; là chủ nhiệm và thành viên trong nhiều đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, tham gia biên soạn nhiều giáo trình và tài liệu dạy học. Chị cũng là một trong những cây bút tiêu biểu trong mô hình “Cây bút thép” của Khoa Văn hoá - Ngoại ngữ với nhiều bài viết tham gia hội thảo khoa học cấp trường, cấp viện, các bài báo đăng trên các tạp chí trong và ngoài quân đội, những bài viết đấu tranh phòng, chống diễn biến hòa bình trên không gian mạng… Những công trình nghiên cứu của chị thực sự là nguồn tư liệu hữu ích cho học viên, đồng chí, đồng nghiệp học tập, trao đổi.
Trên cương vị là Chi ủy viên, Chủ nhiệm Bộ môn, chị Lê Thị Huyền đã có nhiều tham mưu, đề xuất với Chi ủy và chỉ huy Khoa trên các mặt công tác nhằm xây dựng khoa vững mạnh toàn diện; tham gia điều hành, kiểm tra huấn luyện, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên trong bộ môn nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ nhà trường và đơn vị đặt ra. Không dừng lại ở đó, chị còn là người hoạt động tích cực trong các đoàn hội, các phong trào quần chúng. Từ năm 2016 đến năm 2021, trên cương vị là Chủ tịch Hội Phụ nữ cơ sở Khoa Văn hóa - Ngoại ngữ, chị đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền giáo dục và tổ chức các buổi học tập theo chuyên đề cho các thành viên tham gia, như chuyên đề về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tìm hiểu về Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Bảo vệ và chăm sóc trẻ em...; tổ chức tốt các hoạt động chào mừng những ngày 8/3, 28/6, 20/10 như Hội thi “Bàn tay khéo léo”; chủ trì phối hợp với các hội phụ nữ cơ sở, đơn vị học viên trong trường tổ chức nhiều toạ đàm như: “Bạn đẹp - tôi cũng đẹp”, “Văn hoá ứng xử trong gia đình của phụ nữ Việt”, “Cha và con gái”; “Văn hoá ứng xử trên giảng đường”… Các hoạt động ý nghĩa này đã lan toả, định hướng việc gìn giữ những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc, Quân đội và nhà trường. Với sự sáng tạo, linh hoạt trong cách thức tổ chức hoạt động của chị, 100% cán bộ, hội viên đã tích cực hưởng ứng và tham gia các phong trào thi đua với tinh thần “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua vượt khó dạy tốt, học tốt”. Mô hình “Giờ giảng tốt” của Hội Phụ nữ đã được lựa chọn là mô hình thi đua xuất sắc trong việc triển khai phong trào thi đua và các cuộc vận động của Phụ nữ Quân đội. Công việc bộn bề là thế, nhưng phút cảm tác chị lại có những vần thơ tặng chị em, đồng chí, đồng đội. Những vần thơ dung dị và hồn hậu như chính con người chị, nhẹ nhàng mà thấm đẫm yêu thương gắn kết các hội viên. Nhờ tinh thần đoàn kết gắn bó giữa các chị em trong Hội, Chi hội Phụ nữ Khoa nhiều năm liền là chi hội vững mạnh xuất sắc, thường xuyên nhận được Giấy khen của thủ trưởng nhà trường, vinh dự nhận bằng khen của Tổng cục Chính trị và Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam.
Với những cống hiến không ngừng trong thời gian qua, nhiều năm liền chị Lê Thị Huyền đạt danh hiệu Chiến sĩ tiên tiến, Chiến sĩ thi đua cơ sở. Năm 2017, chị đón nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quân. Trong công tác giảng dạy, nhiều năm liền chị đạt danh hiệu Giảng viên giỏi cấp Trường, năm 2019 chị vinh dự nhận danh hiệu Giảng viên giỏi cấp Bộ. Chị cũng là gương mặt cán bộ Hội xuất sắc tiêu biểu 5 năm (2016 - 2021) nhận được nhiều Giấy khen của thủ trưởng nhà trường, Bằng khen của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị (2018, 2020); Bằng khen của Trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ Bộ Quốc phòng (2021). Năm 2022, chị cũng vinh dự nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị số 355 - CT/QUTW…
Tháng 5 năm 2023, chị Lê Thị Huyền vinh dự là một trong số ít cán bộ, giảng viên, học viên tiêu biểu trong toàn Trường Sĩ quan Chính trị được tham gia đoàn công tác đến thăm quần đảo Trường Sa. Chia sẻ về chuyến đi vô cùng ý nghĩa này, chị tâm sự: “Đó là một trải nghiệm vô cùng đặc biệt đối với mình. Trong chuyến đi này, được tận mắt chứng kiến sự kiên cường như những cây phong ba của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đang ngày đêm canh giữ biển đảo, biên cương của Tổ quốc, mình càng thêm yêu Tổ quốc, trân trọng những vất vả hi sinh thầm lặng của các cán bộ, chiến sĩ và đồng bào mình nơi đây.” Từ những kiến thức thực tiễn bổ ích đó cùng với những trải nghiệm của bản thân, chị đã truyền tải sinh động vào trong bài học mỗi giờ lên lớp, góp phần tuyên truyền thêm cho học viên về biển đảo quê hương.
Cùng chị Lê Thị Huyền bước ra khỏi lớp học sau một giờ dự giảng, tôi nhận thấy niềm vui vẫn hiện hữu trên gương mặt các học viên và lắng đọng lại ở nụ cười rất tươi của chị. Mong sao nụ cười ấy sẽ luôn tươi thắm cùng chị trên mọi giảng đường. Nếu ai đó nói phụ nữ là Hoa của đất trời, là Hoa của cuộc đời thì chị chính là một bông hoa tươi thắm, dịu dàng đúng như những vần thơ chị từng viết:
Những bông hoa trắng, hồng,
vàng, đỏ thắm
Khoe sắc hương trong nắng mùa xuân
Giống như em yêu nghề giáo
chuyên cần
Khoe hương sắc trên bầu trời
tri thức…
V.T.N
VNQD