Đức Cơ, những ngày không quên

Thứ Hai, 22/03/2021 22:46

Khi gặp hiểm nguy, gian khó, tình người thêm gắn bó, nghĩa đồng chí càng sâu đậm. Đấy là điều tôi nghiệm ra sau những lần bị sốt rét ác tính giữa núi rừng biên giới.

Hai mươi năm trước, tôi giã từ làng quê lên đường nhập ngũ vào Trung đoàn 64, Sư đoàn 320, đóng quân cạnh Biển Hồ (Gia Lai). Ba tháng quân trường rèn luyện những chàng lính trẻ thêm rắn rỏi. Buổi sáng mùa hạ sương giăng khắp núi đồi, tôi cùng binh nhì Trần Văn Cảng bịn rịn chia tay bạn bè, khoác ba lô về đơn vị mới. Những sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp ở Đại đội 30 (Phòng Kĩ thuật Sư đoàn) hồ hởi đón "hai thằng em út về mái nhà chung". Chừng hơn tháng sau, tôi cùng đồng đội có đợt công tác dài ngày, trú quân ở vùng biên giới Đức Cơ.

Con đường binh nghiệp sẽ bắt đầu khi các chàng trai bước qua cây cầu vinh quang.

"Giấy chứng nhận đến Tây Nguyên"

Biên cương đồi núi trập trùng. Những con đường đất đỏ uốn lượn giữa màu xanh cây lá. Mưa rừng ầm ào, nước suối cuồn cuộn chảy qua ghềnh đá như tiếng quân reo khi xung trận. Chúng tôi trú trong căn lán mái tôn thủng lổ chổ, mưa dột tứ bề, phải dùng tất cả xô, chậu để hứng nước. Giường nằm là chiếc chiếu cá nhân phủ lên tấm gỗ mỏng kê trên nền đất ẩm ướt. Gió núi hun hút mang theo hơi lạnh tái tê. Công việc vất vả nhưng không làm chúng tôi nản chí. Đường đất nhão nhét nên việc đi lại rất khó khăn, thường bị trượt ngã khi di chuyển. Đóng quân nơi núi rừng với những cung đường hiểm trở, việc tiếp phẩm phụ thuộc vào thương lái nên giá cả khá đắt đỏ. Ngoài giờ lao động, chúng tôi lang thang dưới tán rừng nhặt củi mang về đun nấu, tìm măng le, hoa chuối và rau dại để cải thiện bữa cơm hàng ngày. Chiều đến, chúng tôi cuốc bộ ra suối tắm rửa trong làn nước màu nâu đỏ. Sau đó, cùng nhau khiêng những thùng nước về trại để lắng đọng phù sa rồi dùng nấu ăn vào ngày hôm sau. Cuộc sống kham khổ nhưng tôi vô cùng thích thú. Vì đấy là lần đầu tiên tôi được sống chan hòa với đồng đội, được trải nghiệm những khổ cực nơi núi rừng.

Sau nhiều ngày ở rừng, tôi bị ngã bệnh, đầu đau như búa bổ, chân bước loạng choạng. Những người đồng đội lớn tuổi trong đơn vị ôm chăn màn và thay nhau cõng tôi đến điểm chữa bệnh của Sư đoàn khu vực biên giới cách đấy khá xa. Ánh đèn pin lấp lóa trong đêm mưa gió. Con đường nhỏ ngoằn ngoèo, trơn nhẫy khiến các anh bị trượt chân té ngã, mình mẩy lấm lem bùn đất. Trầy trật mãi chúng tôi cũng đến căn nhà xây tường gạch, mái lợp ngói đỏ nằm cạnh đỉnh dốc. Tôi được đưa vào căn phòng nhỏ chỉ đủ kê hai chiếc giường cá nhân. Đón tôi là anh y sĩ tên Trang với dáng người cao gầy, tóc xoăn và làn da sạm đen vì nắng gió cao nguyên. Anh cẩn thận kẹp nhiệt kế, đo huyết áp và ân cần hỏi han như muốn tiếp thêm niềm tin cho người bệnh. Tôi đón lấy li nước và những viên thuốc từ tay anh rồi chậm rãi uống, lòng thầm mong cho bệnh qua mau để trở về bên đồng đội. Lát sau, tôi cảm thấy đau đầu khủng khiếp, cơ thể vừa nóng lẫn lạnh nên chỉ kịp vơ tấm chăn bông đắp lên người rồi chìm vào cơn mê. Tôi hồi tỉnh khi gà rừng cất tiếng gáy xa xa. Toàn thân nhớp nhúa mồ hôi, miệng đắng ngắt, tóc bệt vào da đầu, ngứa ngáy như lâu ngày chưa tắm gội. Bóng đèn điện treo giữa trần nhà chao đảo trong mắt. Giường bên, anh Trang thức giấc khi nghe tiếng động trong đêm lạnh giữa núi rừng. Anh đến bên thăm khám rồi tiêm thuốc với giọng nói ôn tồn: "Em bị sốt rét ác tính. Nằm đây điều trị, ráng ăn uống, tĩnh dưỡng rồi bệnh sẽ khỏi..." Tôi thầm cảm ơn anh và mơ màng cho đến sáng.

Chữa bệnh cho tôi còn có anh Nhơn y tá với đôi mắt ánh lên niềm vui làm ấm lòng người đối diện. Ngoài việc điều trị, cả anh và anh Trang còn làm những việc khác. Nơi tôi nằm viện có hai chiến sĩ là người cùng quê Quảng Ngãi tên Vinh và Khanh khá vui tính. Hai anh thường bưng đến cho tôi tô cháo loãng với lời động viên: "Ráng húp chút cho mau lại sức. Không thuốc thang gì bằng ăn uống. Phải ráng ăn mới khỏe được...". Những câu chuyện quê, chuyện đời quân ngũ cùng tiếng cười vui giúp tôi vơi đi nỗi buồn. Các anh cùng Đại đội ghé thăm như tiếp thêm sinh lực chống chọi với những cơn sốt đang hành hạ cơ thể. Những con người rắn rỏi sau nhiều năm trong quân ngũ đùa vui: "Vậy là chú được cấp giấy chứng nhận đến Tây Nguyên rồi đấy! Ở đây sốt rét chẳng chừa ai cả. Như các anh cũng sốt nhiều lần rồi bớt bệnh và khỏe mạnh như thường..." Tình cảm đồng đội cùng những viên thuốc, mũi tiêm và sức trẻ giúp tôi dần hồi phục. Anh Trang y sĩ miễn cưỡng đồng ý cấp phát thuốc viên rồi cho tôi trở về lán đơn vị đóng quân sau nhiều lần tha thiết đề nghị. Giữa đường, tôi gặp đồng đội đưa anh Cảng đến nơi điều trị vì bị sốt rét khá nặng, đôi mắt mơ màng như trẻ thơ buồn ngủ. Khi Cảng xuất viện thì đến lượt anh Trữ bị sốt với đôi môi tím tái, dáng vẻ mệt nhọc. Hơn tháng sau, bệnh tái phát khiến tôi phải nằm điều trị lần thứ hai với những viên thuốc đắng và mũi tiêm đau buốt.

Trung tướng Trịnh Đình Thạch - Chính ủy Quân khu 5, thăm hỏi và động viên thanh niên trong ngày nhập ngũ.

Ấm tình đồng đội

Sau hai đợt sốt rét, tôi sụt cân hơn 11kg, làn da xanh tái, những sợi tóc đen thi nhau rụng vào lúc chải đầu và tắm gội. Cơ thể thiếu dưỡng chất nên chứng thèm ăn hành hạ đến khốn khổ, bụng luôn cảm thấy đói. Khi ấy, chỉ cần cơm chan mắm vẫn cảm thấy ngon lạ kì. Thịt cá ít ỏi nên món ăn chủ yếu được chế biến từ rau quả. Rau rừng luộc, xào và nấu canh. Hoa chuối xào và làm nộm. Quả sung rửa sạch rồi cắt đôi dầm với mắm pha chanh, đường, ớt, tỏi. Lúc rau khan hiếm thêm món ớt muối chua cùng măng le, cay xé lưỡi. Những người lính dạn dày sương gió cho rằng, ăn ớt có tác dụng ngăn ngừa sốt rét tái phát. Vậy nên các anh tách đôi quả ớt, bỏ hạt rồi muối với măng xắt sợi và lát mỏng. Vị cay của ớt ngấm vào măng và măng làm tăng thêm vị cay của ớt hơn mức bình thường. Những bữa cơm đầu tiên, tôi e dè với món này vì quá cay nhưng các anh động viên "ráng ăn vào cho khỏi sốt" đành phải vâng lời. Ăn mãi rồi thành quen, đến giờ vẫn thích thú khi được thưởng thức.

Tác giả (ngoài cùng bên trái) cùng các đồng đội trên thao trường huấn luyện dự bị động viên.

Những ngày đóng quân nơi biên giới lưu giữ trong kí ức bao kỉ niệm đẹp, thấm đẫm tình quân dân. Cuộc sống khốn khó nhưng khi chúng tôi hỏi mua hoa chuối thì đồng bào dân tộc thiểu số chỉ "cho chứ không bán, bộ đội cứ lấy mà ăn..." Chúng tôi xin hái hoa chừng bằng bắp chân, không còn sức đậu quả, bẹ hoa sẽ khô héo theo thời gian. Đổi lại, những người mẹ, người chị hồ hởi đón nhận mớ gạo, lon muối từ cánh lính chúng tôi trao tặng. Hoa chuối được xắt thành sợi rồi bỏ vào ngâm trong nước cho bớt nhựa khi chế biến. Sau đó vớt ra rổ cho ráo nước rồi xào với tỏi hay làm nộm đều ngon, phảng phất hương vị núi rừng. Vị chát dịu của loại rau dân dã hòa cùng hương vị của gia vị cho bữa cơm thêm ấm cúng. Cơm rau đạm bạc, các anh vẫn san sẻ khẩu phần ít ỏi của mình để tôi dần hồi phục sức khỏe. Những lúc hiểm nguy, gian khó, con người thương yêu nhau hơn, tình đồng đội thêm gắn bó. Điều đó giúp tôi thêm vững bước trên những nẻo đường gập ghềnh nơi biên cương sương gió và vượt qua bao gian nan sau khi rời quân ngũ.

VÕ THANH KỲ

 

VNQD
Thống kê