Sức mạnh Việt Nam và tầm vóc thời đại qua nét vẽ Lê Huy Toàn

Thứ Ba, 17/12/2024 05:15

. AN HUY 

Họa sĩ của Điện Biên

Tên tuổi của họa sĩ Huy Toàn gần như đã gắn liền với chiến dịch Điện Biên Phủ lẫy lừng mà thời gian càng lùi xa chúng ta càng nhận diện đầy đủ hơn về tầm vóc của sự kiện lịch sử ấy.

Cùng các văn nghệ sĩ nhạc sĩ Văn Cao, họa sĩ Mai Văn Hiến, Dương Bích Liên, nhà văn Nam Cao..., ông đã có mặt ở các chiến dịch Sông Lô, Biên giới, và đặc biệt là chiến dịch làm chấn động địa cầu Điện Biên Phủ - chiến thắng lẫy lừng. Ở chiến dịch này, ông tận mắt chứng kiến những gì đã xảy ra trong suốt 56 ngày đêm của quân và dân ta chiến thắng giòn giã thực dân Pháp. Hình ảnh: áo trấn thủ, mũ nan tre, những đoàn xe đạp thồ vũ khí, lương thực, thực phẩm, đoàn dân công hỏa tuyến mở đường cho xe pháo ra trận... Rồi hình ảnh những người thiếu phụ vắt sữa của mình để cứu chữa thương binh. Những cứ điểm tác chiến đã đi vào lịch sử: Him Lam, Pha Đin, Bản Kéo, Đồi A1, Đồi C1, Đồi hầm Đờ Cát... Cũng bởi thế, nét vẽ của ông đã đồng hành cùng lịch sử, đã trở thành những trang nhật kí bằng hội họa cho các thế hệ sau. Ông đã có một bộ sưu tập đầy đủ nhất, xứng tầm nhất về Chiến thắng lịch sử này.

Năm 2004, nhân dịp kỉ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, họa sĩ Huy Toàn có dịp trưng bày trước công chúng 150 bức tranh. Từ trận quyết chiến cuối cùng trên đồi A1, pháo ta dội xuống đồi Him Lam, Phan Đình Giót cứu pháo, các nữ dân quân, mẹ già may áo, thiếu nữ Điện Biên... Ông làm người xem xúc động khi thấy được hình ảnh quân và dân góp sức làm nên chiến thắng diệu kì. Đó cũng là triển làm cuối cùng ông có thể hiện diện trong ngày lễ trọng đại của đất nước để chia sẻ về tác phẩm của mình, ba năm sau, ông đã ra đi.

Hoạ sĩ Huy Toàn.

Sức tưởng tượng tạo cho Huy Toàn ưu thế thể hiện giản dị kí họa, làm cho tranh của ông rất gần với hiện thực. Chúng cuốn hút người xem bởi cái nhìn trận chiến của người trong cuộc. Và cái nhìn ấy luôn chứa chan những ấm nóng, tin yêu. Họa sĩ Lê Lam đã nhìn ra điều này: "Không có trái tim nóng bỏng với non sông đất nước thì sao vẽ được thế này. Không có một tâm hồn Việt Nam, một tình yêu da diết với xứ sở quê hương thì sao vẽ được như thế này". Còn ông Phạm Quang Nghị - Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội trong một lần xem tranh của họa sĩ Huy Toàn đã ghi lại cảm tưởng: "Xúc động và tự hào về thắng lợi vĩ đại của quân và dân ta được thể hiện trên từng nét vẽ của một họa sĩ đầy tài năng và tâm huyết".

Trong những bức vẽ của họa sĩ Lê Huy Toàn, có thể thấy rất nhiều lực lượng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ như dân công, quân y, pháo binh, sư đoàn 312 nơi họa sĩ đóng quân, tiểu đội súng cối… Họa sĩ đã mô tả công việc của họ trong từng bức tranh, thậm chí tỉ mỉ chi tiết những công việc âm thầm lặng lẽ nhưng góp phần rất lớn trong chiến dịch.

Năm 2024, kỉ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, dù Huy Toàn đã đi xa nhưng những di sản hội họa của ông vẫn được gia đình, đặc biệt là người con trai Lê Huy Tuấn tiếp nối, gĩn giữ và giới thiệu đến công chúng. 70 bức tranh của ông đã được giới thiệu trong một triển lãm đặc biệt mang tên “Ký ức Điện Biên”. Đó không chỉ là những trang nhật kí về những ngày tháng cam go ác liệt tại chiến trường Điện Biên Phủ mà còn là những hình ảnh đẹp về vùng đất và con người Tây Bắc, nơi họa sĩ đã gắn bó. Những tác phẩm nghệ thuật cho thấy cảm xúc, những tình cảm từ trái tim của một người lính cầm cọ giữa cuộc chiến đầy khốc liệt.

Chiếm phần lớn trong số 70 tác phẩm trưng bày tại triển lãm là những bức kí họa bằng bột màu và chì, ghi lại rất nhiều hình ảnh từ chiến trận đến đời thường của những người lính Điện Biên Phủ và bà con các dân tộc ở Tây Bắc. Đó là các cô thiếu nữ cùng chăm sóc thương binh với quân y, bà con các dân tộc thăm hỏi thương binh, đó là lực lượng hậu cần tải đạn và lương thực, bữa cơm trước giờ hành quân, các chiến sĩ ngồi đánh máy giấy tờ, các chiến sĩ đào hào đánh sân bay, dân công, biểu diễn văn nghệ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trước trận đánh lớn… Hay bức “Người yêu ở Điện Biên”, mô tả một cô gái cúi đầu mải mê trong công việc ở nhà, sự cô đơn không che khuất được vẻ mạnh mẽ. Hay bức tranh có tên “Nguồn sống”, mô tả một người mẹ trẻ đang vắt từng giọt sữa của mình bên cạnh một anh thương binh. Những bức tranh ở những góc cạnh khác nhau của cuộc chiến đã gợi lên rất nhiều cảm xúc cho người xem.

Từ vô vàn kí họa

Họa sĩ Huy Toàn có hàng chồng nhật kí, kí họa mà ông giữ mãi đến sau này như một tài sản lớn. Rất nhiều, rất nhiều những kí họa mà ông đã thấy, đã gặp đều được ghi lại như những cảm xúc tươi mới tức thời. Để có được những bức tranh hoành tráng, quy mô bắt nguồn từ hàng chồng sổ nhật kí đã bạc màu thời gian, gần 50 năm chi chít những hình ảnh, nét bút mà ông lưu giữ, khiến người ta lí giải được sự hoành tráng qua từng nét vẽ của họa sĩ Huy Toàn kia bắt nguồn từ đâu. Bất cứ một sự kiện nào về chiến tranh, kể cả những cuộc vây ráp nhỏ, đánh du kích, tiêu diệt đồn địch đều được kí họa trong cuốn nhật kí của ông. Ông đã dùng con mắt và trái tim mình để thực hiện những bức tốc kí về từng giây phút trên chiến trường ngập tràn khói đạn và mùi thuốc súng, và rồi cũng từ đó ông đã ghi lại những hình ảnh về chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử, những người chiến sĩ với ý chí kiên cường và dũng cảm, một dân tộc đoàn kết, bảo vệ nền độc lập dân tộc.

Năm 1984, nhân 30 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, họa sĩ Huy Toàn được giao nhiệm vụ thiết kế bộ tem kỉ niệm. Kí ức trong ông dội về, hình ảnh đồng đội ở Sư đoàn 312 đánh chiếm hầm Đờ Cát trong trận cuối hiện lên, ngược dòng thời gian là các trận đánh vào đồi A1, Him Lam và những ngày họa sĩ luôn theo sát từng chiến thắng của chiến dịch, chỉ một thời gian, ông đã hoàn thành bộ tem gồm bảy chiếc: Họp Bộ Chính trị; Hành quân ra trận; Dân công hỏa tuyến; Kéo pháo; Bắn rơi máy bay địch; Đánh chiếm cứ điểm. Ngoài những chiếc kinh điển được lấy từ nguyên mẫu ảnh chụp, còn các tem khác ông đã tái hiện lại từ những phác họa ở sổ tay.

Sau này, từ những con tem nhỏ và những bức kí họa, họa sĩ Huy Toàn đã nâng chúng lên thành những bức hoành tráng, như các bức dài 8 mét có tên "Lịch sử Điện Biên Phủ", "Đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam" và nhất là tác phẩm bốn bức tranh mang tên "Việt Nam anh hùng ca". Đây là một trường ca bằng hình sắc, thể hiện một cách điêu luyện cho sức làm việc miệt mài, nhiệt tình sáng tạo. Với bộ tranh này, ông được bạn bè trong và ngoài nước đánh giá có "một sức làm việc phi thường".

Ông How Ta Tua Keng, nhà sưu tầm mĩ thuật người Hồng Công khi xem tranh Lê Huy Toàn đã đưa ra nhận xét: "Tranh anh hùng ca của Huy Toàn về những nhân vật của chiến trường, cùng với tranh phong cảnh, kí họa... cho thấy khả năng dồi dào của ông... Ông vẽ bằng những nét vẽ khỏe khoắn, tỉ mỉ, với những chuỗi cảm xúc không ngừng tuôn chảy. Những con người và sự kiện về đề tài chiến tranh được ông mô tả một cách sinh động, biểu lộ xúc động mạnh mẽ, đời sống tình cảm của Huy Toàn rất phong phú nhưng cũng rất riêng biệt và quan điểm đạo lí được diễn tả tài tình bằng những bức tranh đơn giản một cách kinh ngạc nhưng lại đầy quyến rũ". Có lẽ vì thế mà tranh của ông luôn có chỗ đứng trong làng hội họa đương đại, được các nhà sưu tầm nước ngoài quan tâm.

Họa sĩ Lê Huy Toàn sinh năm 1930, mất năm 2007, nguyên là đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam, từng có mặt tại hầu hết những chiến trường trọng điểm trong suốt những năm tháng quân ngũ của mình. Ngoài chiến dịch Điện Biên Phủ, họa sĩ - đại tá Lê Huy Toàn từng có mặt tại những chiến dịch lớn trong lịch sử dân tộc như chiến dịch giải phóng Biên giới năm 1950, chiến dịch Sầm Nưa và chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền nam thống nhất đất nước năm 1975.

40 năm trong quân ngũ cũng là 40 năm ông dùng những cây bút của mình ghi lại mọi điều cảm nhận được về những gì đang diễn ra quanh ông, từ chiến trường đầy cam go khốc liệt cho đến tình cảm gắn bó quân dân, song hành cùng tinh thần và ý chí quật cường của mỗi người dân đất Việt. Những bức tranh của ông không chỉ tái hiện từng giờ khắc oanh liệt và thiêng liêng của trận chiến, giúp người xem hiểu và thêm yêu quý, trân trọng sự hi sinh của những người anh hùng dân tộc mà còn cho thấy một tầm vóc thời đại, một sức mạnh Việt Nam. Người họa sĩ ấy chỉ suy nghĩ giản dị: “Cuộc đời tôi vẽ đất nước, con người Việt Nam, trước hết cho các cháu thiếu nhi, thanh niên, các cụ già, cho đồng bào mình xem, hiểu được là tôi thấy hạnh phúc”. Nhưng khối lượng tác phẩm đồ sộ mà Huy Toàn để lại thực sự là những tài sản vô giá, lưu giữ những kí ức của dân tộc qua những năm chiến tranh, những kí ức hào hùng của những tháng ngày giành độc lập dân tộc, đấu tranh giải phóng quê hương đất nước.

AH

 

 

 

 

 

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất