Cuộc canh Hà Bá trên dòng sông Thương

Thứ Hai, 22/11/2021 10:03

. NGUYỄN MẠNH HÙNG
 

Chúng tôi lên Binh đoàn Hương Giang, hay còn được gọi với tên khác: Quân đoàn 2, trong chiều nắng xuân rải vàng trên mặt con sông có cái tên hết sức dịu dàng: Sông Thương. Nước trầm tư nhận vào mình bóng những bãi, bờ cây, con thuyền, cánh chim. Nhưng đằng sau vẻ đầy thương nhớ ấy của nó, là bao câu chuyện “canh giữ Hà Bá” của những người lính Binh đoàn Hương Giang hôm nay.

Những người lính dũng cảm tường thuật lại giây phút cứu người trên sông

Trong đêm buốt giá những ngày giáp Tết âm lịch Tân Sửu 2021, ở một khúc sông Thương, nếu không có trực giác tuyệt vời và tinh thần vì dân quên mình của người lính Binh đoàn Hương Giang, một gia đình ở thành phố Bắc Giang không thể có cái tết Tân Sửu ấm áp, sum vầy và yêu thương được.

Gương mặt cương nghị điềm tĩnh, nước da ngăm ngăm và bàn tay rắn rỏi gân guốc của người đi trên sông nước nhiều, Đại úy QNCN Nguyễn Văn Đảng, thợ máy tàu 22-11-02 và Thượng úy QNCN Trần Văn Trung, thợ máy tàu 22-11-01 của đại đội 4, Tiểu đoàn 32, Cục Hậu Cần, Binh đoàn Hương Giang dẫn tôi ra boong con tàu vận tải đang neo ở cảng của đơn vị nơi đoạn sông Thương chảy qua thôn An Bình, Tân Tiến, thành phố Bắc Giang. Nguyễn Văn Đảng chỉ ra gần giữa sông, nơi phát hiện người phụ nữ bị đuối nước, giọng xúc động. “Là người đi sông nước nhiều, từng chứng kiến nhiều trường hợp đuối nước, nhưng quả thật, đây là một trường hợp khá đặc biệt. Thậm chí khó lí giải. Trời tối đen như mực. Nước sông đang lên, to, lại chảy nữa. Gió bấc thun thút. Buốt tê, buốt tái. Chị này bị ngã ở đằng cầu cách đây gần hai cây số rồi trôi tới đây…” Ánh mắt vẫn như còn lưu nét ngỡ ngàng, anh kể. Hôm ấy là 24 Tết (dương lịch ngày 5/2/2021), anh em trong đội tàu ở các nơi cơ bản đã về neo ở cảng của đơn vị để chuẩn bị nghỉ Tết. Vì thế, mỗi tàu chỉ có một vài người trực còn lại ngủ ở doanh trại trên bờ. Khoảng gần mười hai giờ đêm, khi đó mọi ở trong khoang đã ngủ hết, chỉ có Đại úy QNCN Đỗ Tiến Lực thuyền trưởng tàu 22-11-08 đang trong ca trực. Giữa lúc đang ngon giấc thì thấy Đỗ Tiến Lực chạy vào lay lay dậy giọng gấp gáp bảo, hình như có tiếng người ớ lên phía giữa sông. Mấy anh em cùng vùng dậy lấy đèn pin lia hết một lượt nhưng không phát hiện ra điều gì bất thường nên lại vào tiếp tục trùm chăn ngủ. Vài phút sau, Đỗ Tiến Lực lại vào lay dậy và khẳng định chắc chắn có tiếng người ớ lên phía ngoài kia. Mọi người tiếp tục xục dậy. Những ánh đèn pin lần này rà chậm hơn khắp mặt sông từ đầu đến cuối cảng.

Đại úy QNCN Nguyễn Văn Đảng

“Nếu như không phải là những người có kinh nghiệm, có lẽ sẽ khó phát hiện ra bởi chỉ có một tí mặt nạn nhân trồi lên lập lờ giống ma nơ canh. Mà cũng có người cho rằng đó là ma nơ canh thật. Nhưng vì có tiếng ớ, tôi và Trung xác định là người nên vội cởi quần áo nhảy ùm xuống. Trời quá lạnh. Vừa bơi, răng vừa đánh vào nhau lập cập. Cái lạnh buốt lên tới óc. Bơi tới nơi, phát hiện là người thật, hai anh em vội vàng dìu vào cùng những người ở trên đưa lên tàu. Lúc ấy, người đàn bà chân tay đã cứng đờ. Bàn tay vẫn quặp chặt chiếc khẩu trang. Mọi người lập tức lấy củi nhóm một đống lửa thật to để sưởi rồi mang quần áo, chăn bông trùm cho người đàn bà đó. Một chút thì chị ấy tỉnh lại. Sau đó, chúng tôi báo chỉ huy đơn vị để báo cho công an tìm gia đình rồi đưa người phụ nữ ấy vào bệnh viện”.

Thượng úy QNCN Trần Văn Trung

Từng có câu chuyện, một người lính Binh đoàn Hương Giang là Đại úy Trần Xuân Tiến, Đại đội trưởng Đại đội 4, Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn 421, Sư đoàn 306) sau khi hoàn thành nhiệm vụ tăng cường huấn luyện diễn tập dự bị động viên, trên đường từ xã Tiên Hưng về xã Cương Sơn (Lục Nam, Bắc Giang), đến khu vực cầu Lục Nam thì nghe tiếng mọi người hô hoán có người nhảy cầu tự tử. Theo hướng tay người trên bờ chỉ, Trần Xuân Tiến lập tức nhảy theo. Sau vài sải bơi, anh bắt kịp người vừa nhảy xuống. Vì sinh ra và lớn lên ở huyện Giao Thủy (Nam Định), một nơi rất gần biển nên lặn ngụp từ bé, ở đơn vị cũng thường xuyên được huấn luyện nên Trần Xuân Tiến rất kinh nghiệm. Thấy mái tóc đang bập bềnh, anh túm ngay lấy và kéo vào bờ. Nhưng vì người phụ nữ quyết tâm quyên sinh nên vẫy vùng rất quyết liệt, đạp cả vào người anh để cố thoát ra. Đang mùa tháng 8 nước lớn, phải hết sức lựa anh mới kéo được người phụ nữ vào trụ cầu bê tông gần nhất cách bờ khoảng 10 mét, còn chưa kịp thở vì mệt thì bất thần người phụ nữ khóc lớn miệng liên tục bảo không muốn sống nữa để cho mình chết rồi đập đầu liên tục vào trụ bê tông. Trần Xuân Tiến phải giữ người phụ nữ chặt hơn đồng thời khéo léo dùng hai đứa con mà người phụ nữ để lại trên cầu để tác động. Nghe nhắc đến con, người phụ nữ xuôi dần và thôi không vùng vẫy lao ra sông, đập đầu vào trụ cầu nữa, và chị đã được cứu sống.

Nghe các anh kể, tôi thầm nghĩ với những người lính, không có việc gì là khó cả, kể cả việc xây dựng và lan tỏa hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ trong thời 4.0.

N.M.H
Ảnh: Thành Duy

 

VNQD
Thống kê