. PHÙNG VĂN ĐỊNH
Mùa xuân năm 1986, tôi nhập ngũ vào Trung đoàn 18, Sư đoàn 325, Quân đoàn 2 đóng quân tại tỉnh Hà Bắc cũ (nay là tỉnh Bắc Giang). Biên giới phía Bắc thời đó vẫn chưa im tiếng súng. Để động viên chúng tôi lên đường chiến đấu, đoàn kịch Tổng cục Chính trị đã về diễn vở kịch Lời thề thứ 9 của Lưu Quang Vũ như để nhắc nhở chúng tôi đừng bao giờ quên trọng trách và nhiệm vụ của người lính ở bất cứ nơi nào.
Xe chở chúng tôi đi từng đoàn hướng tỉnh lị Hà Tuyên (nay là tỉnh Hà Giang). Khi còn ở sâu phía ngoài địa phận Hà Tuyên được di chuyển ban ngày, nhưng khi gần đến nơi thì hành quân ban đêm. Điểm tập kết xung quanh toàn núi rừng mà không được thông báo địa điểm cụ thể nên chúng tôi không biết đã gần biên giới chưa. Đêm xuống, khi nghe thi thoảng vọng tiếng súng phía xa xa, chúng tôi mới hiểu rằng mình đang sẵn sàng trong tư thế chiến đấu. Ở lại một đêm trong rừng, sáng ra vẫn sinh hoạt bình thường. Cái lạnh vùng biên giới khác hẳn với miền quê Hà Bắc. Sương mù giăng che khuất tầm nhìn. Mười mét chẳng thấy nhau. Chiều xuống, chúng tôi lỉnh kỉnh đồ đạc chuẩn bị lên đường. Sau lưng chiếc ba lô cá nhân. Trước ngực một ba lô gạo mười cân. Một bao tượng gạo vắt ngang cổ. Khẩu AK báng gỗ lưỡi lê lắp sẵn, đeo hoặc vác tùy mỗi người rồi lên xe. Đang chạy, đèn vụt tắt rồi lầm lũi rẽ ngang vào con đường vắng vẻ, xe cách xe 100m cho đến khi gặp toàn núi đá thì dừng, khi ấy, chúng tôi mới biết mình ở làng Pinh. Từ làng Pinh nhìn lên chỉ thấy núi với cây rừng lờ mờ trong đêm. Ở một phía, ngọn núi hé sáng một khoảng. “Phía ấy là Trung Quốc đấy”, một anh cán bộ bảo. Nghe thế, tự nhiên tôi giật mình. Không giật mình sao được khi những ngày tới, với chúng tôi, phía ấy là sinh tử.
Minh họa: Bùi Quang Đức
Bắt đầu hành quân, tôi đi ở bộ phận đầu. Trong đêm, chúng tôi cứ nhằm phía khoảng nhờ nhờ sáng ấy mà bước. Ai nấy lầm lũi đi chẳng rõ người trước, người sau. Đi mãi, chúng tôi leo lên con đường cảm giác đá lởm chởm với một bên là núi, bên kia là thung lũng. Mệt bở hơi tai, trời không phải mưa mà là sương mù lan kín rừng núi. Bỗng bắt gặp một ngôi nhà nhỏ bên đường. Chúng tôi quyết định dừng lại nghỉ. Trời tối như bưng, không thể bật máy lửa xem gì được, nhỡ có ánh sáng phía bên kia phát hiện và nã pháo thì nguy. Một vài người do hành quân mệt nhọc nên vừa đặt lưng xuống đã ngáy vang rền. Khi đoàn phía dưới bắt kịp, chúng tôi tiếp tục lên đường. Qua một đường vòng khá xa, chúng tôi cũng đã về tới nơi đóng quân. Khi ấy đã mười giờ đêm và mới được ăn cơm.
Gió rừng biên giới Vị Xuyên lồng vào da vào thịt.
Lính vận tải nơi biên cương
Quân tư trang của chúng tôi được phân phát nhiều thứ để chống ruồi vàng, muỗi đốt, vắt rừng bám. Ở đây ruồi vàng, muỗi và vắt rừng nhiều vô kể. Chúng khiến bộ đội khốn khổ. Khi ruồi bám vào không sao, nhưng khi chúng bay đi thì mẩn ngứa gãi chảy máu rồi mưng mủ, sưng tấy lên, rồi sốt. Vắt rừng thì nhảy lách tách trong kẽ lá, nhảy bám vào người hút máu no nê căng tròn rồi tự rơi ra hồi nào không hay biết. Muỗi rừng thì vô vàn. Thảo nào trước khi lên đường làm nhiệm vụ, chúng tôi được chích thuốc chống sốt rét và lấy mẫu máu xem mình thuộc nhóm gì để nhỡ có chuyện chẳng may còn kịp thời ứng cứu.
Công việc của đơn vị chúng tôi là vận tải hàng từ kho chính của Trung đoàn vào kho trong Cọc 6 để tiếp lương thực và thực phẩm cho bộ đội tuyến trên. Đường vào rất gian truân, đi bằng hào giao thông chừng hơn 6km, cứ khoảng 10 hay 15m gì đấy lại có một cái hầm ếch thỏm sâu vào bên trong để tránh đạn pháo. Công việc gùi hàng diễn ra vào ban đêm. Khi trời bắt đầu tối, chúng tôi nhận hàng gồm gạo, rau củ quả, nước mắm cô đặc, thịt hộp, cá khô, mì tôm... để cho bộ đội các Tiểu đoàn 7, 8, 9 tuyến đầu có sức chiến đấu, tới tận 12 giờ mới hoàn thành công việc. Hôm nào tiếng pháo bên kia gầm rú thì chúng tôi nghỉ, nếu pháo lặng thì lại lầm lũi với công việc thường ngày. Việc gùi hàng vất vả hiểm nguy nhưng không đáng ngại. Khó khăn nhất là nhiệm vụ tải thương. Cứ bốn anh em thay phiên nhau cáng thương binh, liệt sĩ ra. Thương binh thì chuyển đến trạm xá, còn liệt sĩ thì đưa về cái nhà bên lề đường, nơi mà hôm đầu hành quân lên chúng tôi đã vô tư nằm ngủ.
Nhiệm vụ mới và nỗi buồn
Làm công việc vận tải được 15 ngày, tôi được cấp trên giao về làm thủ kho cho Trung đoàn. Công việc quần quật suốt ngày lẫn đêm. Mùa mưa ở đây thật kinh khủng. Như trút nước, trận này chưa dứt, trận khác đã tới. Nước từ trên đỉnh núi cao đổ ào ào như thác. Thung lũng trước mặt, mây che kín nhìn không rõ. Có bao nhiêu nước đều chảy xuống thung sâu. Một lần, đất trên cao đổ sụp xuống làm kho sập gãy hoàn toàn trong đêm. Sự bối rối, sợ sệt còn hơn bị pháo bắn. Hùng, kế toán trung đoàn đang ngủ cùng tôi trong kho vội chạy về Trung đoàn cấp báo. Tôi gọi các đồng chí phụ kho khuân vác lấy tăng bạt che đậy lượng gạo và thực phẩm còn lại cho đỡ ướt. Một lúc sau, Đại đội vận tải 25 kịp thời có mặt dầm mưa sửa lại kho. Mưa tạnh dần, công việc tới tối cũng xong. Mọi người áo quần nhem đất, mệt phờ.
Rồi trời trong trở lại.
Trời trong có nỗi sợ của trời trong. Anh em truyền nhau, có một loại chim hễ nó kêu suốt đêm là ngày mai lại có người hi sinh. Tôi đã nghiệm và thấy quả đúng thế. Cứ lần nào nghe tiếng nó trong đêm, y rằng không lâu sau là tiếng chân người khiêng xác thùm thụp, hối hả ra khâm liệm. Anh em vội vã lau chùi thi thể đồng đội cho sạch rồi bỏ vào bao ni lông màu xanh, cho vào quan tài, thắp ba cây hương… Chứng kiến cảnh ấy, chúng tôi thương đứt ruột đứt gan nhưng chẳng biết làm sao. Khi xe lặng lẽ đưa liệt sĩ đi trong đêm, nghe đâu về nghĩa trang tận dưới Hà Giang, chúng tôi thường nói một câu trong nhoẹt nhoè nước mắt: “Yên giấc ngủ nghe chúng mày!”
Những người lính vận tải sau khi bàn giao xong liệt sĩ thường ghé kho tôi xin thuốc lào hút cho ấm bụng. Tôi tặng họ những gói mì tôm là khẩu phần ăn của tôi dùng không hết. Trong những cuộc gặp gỡ ngắn ngủi họ luôn kể nhanh những chuyện gian nan, cận kề sinh tử của bộ đội tuyến đầu rồi vội vã cáo từ bằng câu “Chúng tôi phải về cho kịp kẻo mây tan (sang ngày mới - P.V.Đ) là sai mật khẩu, trả lời không được thì gặp rắc rối ngay”. Rồi họ lại mò mẫm trong đêm để về đơn vị khi mật khẩu cũ vẫn còn giá trị.
Xuống chốt
Sau sáu tháng trời chiến đấu, đến ngày thay quân. Một sư đoàn khác lên thay cho chúng tôi. Bộ đội hai bên kẻ xuống, người lên trong bí mật. Việc đổi quân chỉ diễn ra ban đêm. Khi bộ đội các chốt thay hoàn tất thì việc bàn giao kho cho đơn vị bạn cũng xong, tôi cùng các sĩ quan quân nhu trong đơn vị xuống sau cùng, tập kết ở làng Pinh chờ đêm xuống mới rút.
Xe chở chúng tôi không bật đèn pha nhưng vẫn lao vun vút vì trăng rất sáng. Có cảm giác đồng chí lái xe chạy nhiều trên con đường này đến mức thuộc từng hòn đá nhỏ, từng chút gồ lên đến mức có thể nhắm mắt quay vô lăng cho xe qua tất cả các cua tay áo. Xe phải chạy nhanh bởi đây là đoạn đường pháo Trung Quốc thường xuyên nã qua. Lại hồi hộp như dạo mới lên. Ai nấy đều cố nén sự căng thẳng để rồi khi ra khỏi tầm pháo, tất cả thở ào ra một hơi như trút bỏ mọi lo lắng. Và khi đồng chí tài xế bung tiếng hô to “Một… hai… ba...” thì tất cả anh em trên xe đồng thanh hô tiếp “Sống rồi!”
Sau những tiếng reo vui, chợt chúng tôi im lặng, lòng chùng xuống. Không ai nói ra nhưng tất cả đều nghĩ đến những người nằm lại. Tiếc và thương vô hạn nhưng chúng tôi không được phép ghé nghĩa trang đốt cho các bạn một cây hương trầm. Tất cả chỉ biết ngoái đầu nhìn lại. Một dải biên cương trập trùng nhòe đi trong sương và nước mắt...
P.V.Đ
VNQD