Đăng Cum mùa mưa

Thứ Tư, 15/09/2021 15:44

. NGUYỄN VŨ ĐIỀN
 

Đã từng hát Hành quân xa dẫu có nhiều gian khổ, vai vác nặng ta đã đổ mồ hôi… với nhịp phách hào sảng, nhưng chỉ đến khi là lính chiến trường K, tôi mới hiểu “hành quân xa” trong chiến trận thế nào. Nó muôn hình muôn vẻ cả cách thức lẫn sự gian khổ. Và có một cuộc hành quân như thế của chúng tôi trên đất Campuchia hơn 40 năm về trước.

*

*         *

Tháng 4/1979. Một buổi tối, trời mưa tầm tã. Vừa ăn cơm xong, định rủ nhau làm vài ván bài thì chuông điện thoại. Anh Lưu nghe máy rồi đốc:

- Khẩn trương. Lệnh Tiểu đoàn truyền xuống đúng 19h hành quân vào Đăng Cum.

Đăng Cum là tên một phum nằm ngay khu vực Mỏ Quạ, cách đường biên giới Campuchia - Thái Lan khoảng 2km, cách cửa khẩu Poipet khoảng 10km về phía bắc. Năm 1979 khi đất nước Campuchia được giải phóng, Pol Pot tan rã nhưng chưa bị tiêu diệt, chúng chạy về dọc biên giới giáp Thái Lan củng cố lực lượng, dựa vào các thế lực bên ngoài xây dựng hàng loạt căn cứ chống phá nhà nước cách mạng Campuchia và quân tình nguyện Việt Nam. Đăng Cum, Cao Mê Lai, Cao điểm 175 và hồ Ăm Pin trở thành những căn cứ của địch trên biên giới Bat Tam Boong, và đây cũng là hướng tác chiến chính của Sư đoàn 5 suốt những năm từ 1979 đến khi đơn vị hoàn thành nhiệm vụ quốc tế về nước.

Tiểu đoàn vừa rút khỏi Cao Mê Lai, bàn giao địa bàn cho Trung đoàn 4, trở về nghỉ ngơi được mấy ngày, giờ lại nhận lệnh đánh Đăng Cum, mà lại phải lập tức hành quân giữa đêm mưa gió thế này, mệt thật.

Mấy cậu thông tin hữu tuyến vội vàng thu dây còn vô tuyến thì kiểm tra máy móc, bật chế độ working, lên sóng. Cuốn vội tăng võng, nhét vào cạnh ba lô phía tiếp giáp với lưng để tránh cạnh máy thúc vào lúc hành quân, buộc lại dây ba lô, khoác lên lưng, tôi và Cương kều khẩn trương xuống K10 theo sự phân công của anh Tiến xoè - Trưởng mạng.

Đường từ Tà Ben vào Đăng Cum dài khoảng 30km. Nếu là mùa khô, cự li này không đáng bận tâm, vì chúng tôi hành quân bộ quen rồi. Nhưng trong đêm mưa gió, nước chỗ nào cũng ngang đầu gối thì việc đến được Đăng Cum quả không hề đơn giản.

Trong đêm tối, cả tiểu đoàn bì bõm trong nước, người sau bước theo chân người trước, đường hành quân cắt theo phương vị bản đồ nên rất khó đi, chỉ có nhìn vào khoảng tối ở lưng nhau mà dò dẫm. Quần áo ướt sũng dính chặt vào người, lại thêm sức cản của nước và trọng lượng ba lô, vũ khí, lương thực, máy móc trên lưng, nên những bước chân trở nên nặng nề, bàn chân tê dại không còn cảm giác. Chốc chốc, phía chân trời, những vệt chớp sáng loé, dù biết đó là chớp trời nhưng vẫn giật mình giống khi thấy ánh sáng đầu nòng pháo địch, theo phản xạ, đôi tai dỏng lên chờ tiếng nổ hướng nào. Thỉnh thoảng lại có tiếng ngã ùm vì bước hụt, vì vướng phải dây rừng hoặc đường trơn. Những tiếng xuýt xoa cố nén trong cổ họng...

Để quên mệt, tôi lãng đãng nghĩ về những gì đã trải qua từ ngày vào mặt trận, về những cuộc hành quân như bất tận. Mà cái xứ sở này kể cũng lạ, mùa khô đi cả tuần trong rừng không kiếm được nước, chỉ thấy khộp với le, le với khộp, rừng chỗ nào cũng giống chỗ nào, nếu như không có cái la bàn của mấy lão trinh sát để xác định phương hướng thì kiểu gì cũng lạc. Chúng tôi đi chủ yếu trong rừng, thi thoảng mới gặp những con đường đất cắt ngang đường hành quân, giật mình thấy chiếc xe bò đôi phi nhanh, bụi cuốn lên như chiếc xe tăng T54 đang tăng tốc vượt qua cửa mở... Cát dưới lòng bàn chân bỏng rát, mặt trời chói chang trên đầu càng làm cho những cơn khát trở nên khủng khiếp cảm giác như đang trong cuộc viễn chinh trên sa mạc. Đến mùa mưa thì ngược lại, chỗ nào cũng nước. Mênh mông khắp nơi, như cả đất nước này đã hoá Biển Hồ. Quần áo, giày tất ướt sũng, hôi xì, da dẻ bợt bạt như xác chết, nấm hắc lào, ghẻ lở thừa cơ tấn công những cơ thể èo uột của lính.

Đi chừng hai tiếng, có lệnh: “Truyền xuống, dừng thưa”.

Khẩu lệnh này có nghĩa dừng lại nghỉ, nhưng giãn đội hình thưa ra.

Ôi giời ơi, nghỉ thế nào đây, nước ngập ngang đầu gối nghỉ kiểu gì?

Mấy cậu lính bộ binh chống báng AK xuống đất rồi đặt ba lô lên đầu súng, hai tay uể oải giữ lấy ba lô, mặc cho nước ngập ngang lẫy cò. Tôi không có súng mà chỉ có ba lô đựng máy thông tin PRC.25 nên đành chân co chân duỗi, hai tay ôm lấy một cây khộp bên đường mà gục vào nghỉ, máu dồn xuống cổ chân tê dại. Đúng là nghỉ còn khổ hơn đi.

Chừng 10 phút sau, lệnh truyền xuống “tiếp tục hành quân”. Những tiếng ì oạp lại sôi dọc con đường. Tiếng ì oạp nhỏ dần khi những miên man kí ức tuổi thơ dày lên. Ngày nhỏ, đi học về, bọn trẻ chúng tôi đã gặp những trận mưa rừng bất chợt. Những trận mưa không được báo trước. Mưa xối xả khiến cả bọn không đứa nào chuẩn bị sẵn áo mưa, cứ đầu trần chân đất mà chạy, mà la hét. Những bước chân loạng choạng trong dòng nước đục ngầu phù sa chảy như suối dọc con đường. Nước trên đầu nhỏ xuống khiến mắt cay xè, quần áo dính chặt vào người. Vậy mà tiếng cười tuổi thơ vẫn rang rổn không gì ngăn cản được. Đến lúc ngớt mưa, mấy đứa con gái cố tình đi chậm lại, chúng lấy nón che đi một phần cơ thể, bởi xấu hổ vì quần áo dính chặt vào người, để lộ ra những dấu hiệu bắt đầu của thời thiếu nữ. Mấy thằng con trai thì tò mò, liếc sang những bầu ngực non tơ bắt đầu nhu nhú của các bạn gái. Bất giác tôi mủm mỉm cười…

Vẫn là khẩu lệnh “dừng thưa”, nhưng lần này thì không phải lõm bõm trong nước nữa. Cơ thể rão rợi của lính đổ vật xuống như những gốc cây bị đốn hạ. Quai ba lô nguyên trên vai biến thành cái gối mềm mại, mặt đất ướt nhoẹt dưới chân thành đệm bông êm ái. Giấc ngủ đến nhanh và sâu kinh khủng.

Không biết bao lâu, đang ngon giấc thì có ai đó đạp vào chân. Mở mắt ra, thấy ánh đèn pin quét loang loáng, mấy bóng người từ phía sau đi lên. Những tiếng rì rầm, tiếng lách cách của súng ống va vào thắt lưng bộ đội.

Đang cơn ngủ nên tôi lại nhắm mắt.

Bỗng có tiếng quát rõ to, giọng của ông Trạch, Tiểu đoàn trưởng ở ngay phía trước:

- Chết rồi, đứt mẹ nó đội hình rồi. Tại thằng này. Tao mà không tìm thấy đội hình thì liệu cái thần hồn!

Ông gầm lên rồi cùng trinh sát lần theo dấu vết để lại, dẫn bộ phận phía sau đuổi theo đội hình đi đầu.

Sau này tôi mới biết, thì ra khi dừng nghỉ là lính lăn ra ngủ. Lúc có lệnh tiếp tục hành quân thì thằng Công điếc, anh nuôi của Trung đội thông tin không nghe thấy khẩu lệnh truyền xuống, nên cả đội hình phía sau vẫn ngủ ngon lành. Tiểu đoàn trưởng Trạch và anh Bùi Tiến, Trung đội trưởng trinh sát đi cùng đội hình Tiểu đoàn bộ phía sau, thấy nghỉ lâu quá nên sốt ruột ngược lên xem. Đến chỗ Công, thấy hắn vẫn đang ngáy khò khò mà đầu đội hình thì không thấy đâu. Tức vì không biết phía trước đi hướng nào nên ông túm cổ áo nó gầm lên dọa.

Kể ra thằng Công cũng khổ, bị điếc lòi từ sau chiến dịch ở Sonul khi một quả cối nổ gần. Từ Đại đội bộ binh, hắn được chuyển về làm anh nuôi cho Trung đội thông tin. Nhiều khi nói chuyện, quát rõ to mà hắn cứ tru miệng lên cười, chỉ cười chứ chẳng cãi lại ai bao giờ. Ngay cả khi bị thủ trưởng túm cổ áo, mắt hắn vẫn nhìn trân trân vào nòng súng mà chẳng hiểu chuyện gì. Lại nhớ hôm đánh Cao Mê Lai, đạn địch bắn rát quá, không nghe được, nhưng nhìn thấy anh em rạp mình tránh đạn, hắn hoảng hốt nằm ép mình xuống đất, cái ba lô với nồi niêu xoong chảo lỉnh kỉnh như cái mai rùa trên lưng, bàn tay cầm cái muôi cứ cào cào trên nền đất ướt cố tạo một cái hố đút đầu xuống tránh đạn; những viên AR.15 của bọn Para bắn gần cứ cành cạch xung quanh, có viên xuyên thủng cái xoong 50 khiến hôm sau hắn phải ngồi kì cạch gò lại. Ngồi gần đó, nhìn thấy cảnh hắn rúc đầu xuống cái lỗ toen hoẻn vừa đào mà tôi vừa thương vừa không khỏi buồn cười.

Khoảng 5h sáng, trong ánh trăng vằng vặc đêm cuối tháng, chúng tôi tiếp cận Đăng Cum. Suốt đêm hành quân vất vả nhưng lúc triển khai đội hình chiến đấu, lính tráng lại tỉnh như sáo, mọi mệt nhọc dường như tan biến. Theo kế hoạch tác chiến, đơn vị tiến công theo các hướng do trinh sát dẫn. Những tiếng chát chúa của các loại súng, pháo vạch thành những vệt đỏ rực xé nát màn đêm tĩnh lặng. Mùi khói súng nồng nặc... Bọn địch bị đánh bất ngờ, bắn trả yếu ớt rồi bỏ chạy về bên kia biên giới.

Căn cứ của địch trước đây là một phum khá trù phú nhưng dân đã bỏ chạy hết khi Pol Pot xuất hiện nên giờ trống huơ trống huếch với vài chục nóc nhà xiêu vẹo ẩn dưới những vườn xoài đang chín sai trĩu quả, những cây dừa, cây thốt nốt in bóng đen thẫm trên nền trời. Mấy nóc nhà cạnh phum đang cháy đỏ, mùi khói súng vẫn còn nồng nặc. Chúng tôi tiến vào phum khi trời tang tảng sáng. Vừa đói, vừa mệt nên khi thấy những quả xoài mút rụng trắng gốc cây, ai cũng nhặt vội mấy trái, lau qua vạt áo rồi nhét tỏm vào mồm, mút lấy nước, rồi nhả ra cả vỏ cả hạt, chẳng biết nó có bị sao không. Thứ nước ngọt ngọt chua chua ấy tan biến trong người khi vừa qua cổ họng làm tỉnh cả người.

*

*          *

Sau trận đánh, kiểm lại quân số, Đại đội 11 thấy mất Thọ. Thọ vốn là dân thành phố, có bố là sĩ quan ngụy quyền Sài Gòn. Hắn đang học năm thứ ba, khoa hoá Đại học Bách khoa Sài Gòn thì đi lính. Khi mới vào đơn vị, Thọ được bố trí ở Tiểu đội hữu tuyến, Trung đội thông tin, nhưng khi biết bố Thọ là sĩ quan ngụy nên Tiểu đoàn chuyển hắn sang K11. Thọ mới vào đơn vị được mấy tháng, lại có vẻ ngoài nhút nhát, ít giao thiệp nên cũng ít người biết.

Thọ đi đâu? Nó chết hay còn sống? Tiểu đoàn cử một tổ quay lại đường hành quân đêm qua tìm nó nhưng không thấy, đành coi như mất tích.

Khoảng hai tháng sau, một hôm, anh Lưu giao cho tôi và thằng Cương mang máy ra Sư đoàn ở Sisophon để sửa. Hai thằng mượn được một chiếc xe đạp của dân. Thằng Cương đạp xe, còn tôi đeo máy, cầm AK ngồi phía sau cảnh giới. Từ Tà Ben ra Sisophon là con đường đất dài gần 30km. Mặc dù ta đã hoàn toàn làm chủ khu vực này, nhưng đây là đường độc đạo để vào Svai Check và Thma Puok, nên bọn Pol Pot vẫn thỉnh thoảng phục kích, tập kích và gài mìn gây cho ta rất nhiều thiệt hại.

Lúc hai thằng đi ngang qua phum Macak, nơi chiếc M113 bị cháy trong trận đánh ngày 5 Tết Kỷ Mùi (tức ngày 1/2/1979), thấy một tờ giấy đặt ngay cạnh đường, bốn góc có sỏi chặn lên, nhìn thấy chữ Việt Nam, tôi cầm lên đọc. Khi thấy ảnh thằng Thọ mặc bộ đồ rằn ri ở góc trang giấy, tôi hoảng hốt, giục thằng Cương đạp nhanh khỏi phum. Tôi vội lên đạn, đảo mắt xung quanh quan sát đề phòng bất trắc. Cảm giác lúc đó, tất cả những gì xung quanh đều có thể là địch. Những người đàn ông quấn xà rông, vác pơ thao (rìu) kia rất có thể là lính Pol Pot trà trộn. Những cô gái Khơ me hiền lành đang gánh nước kia, thấy bộ đội Việt Nam nở nụ cười tươi rói “coong top Viet nam lờ o lá” (bộ đội Việt Nam tốt lằm), biết đâu là một lính Pot nữ trá hình.

Đọc tờ truyền đơn, tôi mới hiểu, thằng Thọ không chịu được gian khổ và sợ chết, nên nó đã đào ngũ sang Thái Lan trong đêm hành quân vào Đăng Cum bữa nọ. Nó bị bọn phản động Việt Nam lưu vong bắt được. Chúng viết truyền đơn kêu gọi: “Hỡi các chiến binh cộng sản, hãy nêu gương anh Đào Quang Thọ, con ông… bà..., bị bắt lính và đưa sang xâm lược Campuchia để hi sinh vô nghĩa. Anh đã nhìn thấy lẽ phải nên quay súng về với chính nghĩa quốc gia...”.

Mồ hôi tôi toát ra đầy lưng, cảm giác như những nòng súng hai bên đường đang rê theo hai thằng lính đơn độc trên con đường dài hun hút. Sau này, anh Nguyễn Tiến Dũng, một người lính cùng trung đội với Thọ nói rằng, ngay sau đêm mất tích, thằng Thọ lên Đài BBC kêu gọi bộ đội ta hãy phản chiến, đào ngũ để được an toàn.

*

*          *

Đơn vị chốt lại Đăng Cum. Tôi với thằng Cương được bố trí dưới gầm sàn của một ngôi nhà ngay cạnh Đại đội bộ K10. Ngay cạnh nền nhà là một chiếc hầm mới đào ngập đầy nước. Đây là một phum rất gần biên giới, địch có thể bắn pháo hoặc tập kích bất cứ lúc nào. Vì vậy, hai thằng mắc hai võng chồng lên nhau vào hai cột nhà ngay sát miệng hầm, tôi nằm trên, thằng Cương nằm dưới.

Đêm hôm sau, vừa thiu thiu ngủ thì nghe thấy hai tiếng đề pa pháo ở hướng tây vọng tới, đang dỏng tai nghe thì thấy tiếng nổ “oàm, oàm” long óc của hai quả 105 li ngay giữa phum. Ngôi nhà tôi ở kêu răng rắc như muốn sập, mấy tàu lá dừa bị mảnh đạn tiện đứt rơi rào rào. Với phản xạ cực nhanh của lính chiến, hai thằng nhảy xuống hầm, thò mỗi cổ lên nhìn. Dễ đến 5 phút, không thấy gì nữa, chúng tôi mới lóp ngóp bò lên. Quần áo đầy bùn đất. Đúng lúc ấy, thằng Cương quay sang tôi:

- Anh Điền, em muốn đi cầu, giờ làm thế nào?

Nó bị đi ngoài suốt từ hôm qua đến giờ. Tại mấy quả xoài mút. Ban đêm, chẳng nhìn thấy gì nên nhặt lên là chén, ban ngày, khi bóc ra mới biết quả nào cũng đầy giòi. Những con giòi màu trắng đục nhung nhúc bò sau lớp vỏ hồng hồng... Hàng chục người trong tiểu đoàn bị như nó. May mà bụng dạ tôi tốt nên không sao.

Nghĩ tội cho thằng Cương. Sao lại vào lúc này? Giờ ra xa thì sợ pháo bắn chạy không kịp, mà ngồi gần thì thối, ai chịu được. Tự nhiên, tôi nảy ra sáng kiến, liền cầm cái xẻng, xúc ít đất đặt cạnh chỗ nó ngồi rồi bảo:

- Mày ị vào xẻng này này, xong rồi hất ra xa, thế là ổn.

Nó nghe theo.

Một tháng chốt ở Đăng Cum, cứ ngày nghỉ, đêm đi truy quét. Có đêm, trinh sát dẫn chúng tôi lên Mỏ Quạ - đoạn biên giới lồi sang đất Thái Lan như một cái mỏ chim. Giữa đồng không mông quạnh, nhìn sang đất Thái thấy điện đóm sáng choang, tiếng xe máy xen lẫn tiếng xe cơ giới hạng nặng chạy trên đường ầm ĩ và tiếng hát lăm thon phát ra từ những chiếc loa thùng của quán cafe cách đó mấy trăm mét mà thấy nhớ phố phường Hà Nội.

*

*         *

Chiến tranh khiến những thằng sinh viên như tôi, những đứa con thành phố như Cương kều, Hải , Tiến xoè, Hải xồm, Thanh già... từ khắp mọi miền đất nước có mặt ở cái xứ sở xa lắc xa lơ ấy… Và cho đến hôm nay, những gì đã xảy ra cách đây bốn chục năm vẫn lằn in như vừa mới hôm qua.

N.V.Đ

VNQD
Thống kê