Những gia đình nơi tuyến đầu chống dịch

Thứ Ba, 07/09/2021 06:44

“Anh ạ, mấy giỏ lan nhà mình lâu ngày em bận tham gia chống dịch không tưới được giờ đã héo rũ, con đốm em cũng vừa đưa sang ngoại, nhà toàn người lạ nên nó buồn thiu…”. Đó là những lời của chị Nguyễn Thị Mỹ Ly - Đội liên ngành chống dịch TP. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, nói với chồng là Thiếu tá, QNCN Trần Quang Trung, hiện cũng đang thực hiện nhiệm vụ chống dịch tại Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 4 - Tổng cục Hậu cần, đóng tại TP. Nha Trang. Chị nhẩm tính cũng hơn 2 tháng nay, ngôi nhà nhỏ của anh chị đã vắng hơi ấm của chồng…

Vợ chồng ở hai đầu dịch

Ngày Bộ Quốc phòng có quyết định thành lập Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 4 tại Nha Trang, Khánh Hòa cũng là ngày Thiếu tá, QNCN Trần Quang Trung nhận nhiệm vụ tại đây. Những đồng đội của anh đều chung cảnh gần 3 tháng nay đơn vị cấm trại anh chưa một lần về nhà. Tại bệnh viện Trung được giao nhiệm vụ đưa cơm nước cho bệnh nhân, phụ những bệnh nhân già yếu ăn uống và thu dọn rác. Công việc vô cùng vất vả, mỗi ngày anh phải mất tới 3 lượt, mỗi lượt hơn 3 giờ đồng hồ mặc đồ bảo hộ, đồng nghĩa với 3 lần phải thực hiện nghiêm ngặt công tác chống nhiễm khuẩn và 3 lần tắm rửa để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho “khu vòng ngoài”.

Thiếu tá Trần Quang Trung đang thực hiện nhiệm vụ tại Bệnh viện dã chiến số 4, Nha Trang, Khánh Hòa. Ảnh: PV

Chồng làm việc vất vả và nguy hiểm là vậy, còn chị Mỹ Ly vợ anh Trung cũng không kém. Chị Mỹ Ly làm việc tại Trung tâm Y tế TP. Cam Ranh, đang tham gia Đội liên ngành chống dịch của thành phố. Hằng ngày chị cũng như con thoi đi khắp các “vùng đỏ” để khẩn trương test nhanh, tổ chức lập hồ sơ, hướng dẫn, đưa đón những trường hợp F0 tới bệnh viện, lấy mẫu hàng trăm trường hợp F1, F0. Chị chia sẻ: “Hằng ngày tôi phải cùng đội liên ngành làm việc với tiến độ nhanh nhất, hiệu quả nhất và đặc biệt phải giữ được mình an toàn, đồng nghiệp được an toàn để bảo vệ lực lượng cho cuộc chiến chống dịch”. Có những thời điểm anh chị em phải đến từng nhà để test nhanh cho người dân, rất vất vả, nguy hiểm, chưa kể một số người dân trốn tránh, không hợp tác, các chị phải động viên, làm đi làm lại rất mất thời gian…

Chị Mỹ Ly và anh Trung đều mong dịch bệnh qua mau để gia đình nhỏ của họ được đoàn tụ. Ảnh: NVCC

Vì an toàn dịch bệnh, phòng lây nhiễm cho mọi người mà đã 2 tháng nay 3 thành viên trong ngôi nhà nhỏ của chị Mỹ Ly chưa gặp nhau. Chị phải đưa con về gửi bố mẹ, dù ông bà đã già yếu. Ngồi bên chúng tôi chị đưa ánh mắt nhìn xa xăm rồi tự đặt câu hỏi cho chính mình: “Đến bao giờ mới hết dịch vậy trời, để được về gặp con, nhớ nó lắm rồi chú ạ?” Nói rồi chị quay mặt chấm những giọt nước mắt…

Nhà có 4 người cùng ra tuyến đầu…

Đó là gia đình có 4 thành viên cùng tham gia tuyến đầu phòng, chống dịch của Đại tá Trần Tấn Cường, Phó Chỉ huy, Bộ CHQS tỉnh Khánh Hòa.

Tôi nhớ có đồng đội đã từng nói gọn lại về Đại tá Trần Tấn Cường trong tham gia phòng, chống dịch rằng: Dấu chân anh ấy trên Cảng Hàng không Quốc tế Cam Ranh (Khánh Hòa) cũng đã đủ vài lượt đi bộ từ đầu Móng Cái đến mũi Cà Mau... Hơn một năm rồi chứ ít gì, từ ngày Đảng, Nhà nước ta bắt đầu có những chuyến bay nhân đạo đầu tiên đón Kiều bào về nước tránh dịch, anh đã luôn chạy đôn, chạy đáo đốc thúc các bộ phận, lực lượng cố gắng làm sao có thể nhanh nhất, đồng bộ nhất các thủ tục nhập cảnh, kiểm tra dịch tễ, an ninh… để đưa công dân về khu cách li tập trung nghỉ ngơi nhanh nhất. Ước tính đến nay lực lượng Bộ CHQS tỉnh Khánh Hòa cũng đã tổ chức đón, phục vụ cách li hơn 20 ngàn Kiều bào về nước qua Cảng Hàng không Quốc tế Cam Ranh, trong đó có cả ngàn phụ nữ mang thai, người già yếu, trẻ nhỏ, các trường hợp dương tính Covid-19… Vì thế, mọi công tác chuẩn bị, phương tiện, con người như: hộ sinh khẩn cấp, cấp cứu người ngất xỉu, đưa các trường hợp dương tính đi cách li đảm bảo an toàn dịch bệnh… đều phải được tính toán và chuẩn bị rất chu đáo, quan tâm từng chi tiết nhỏ.

Đại tá Trần Tấn Cường cùng lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa kiểm tra khu cách li, điều trị cho các bệnh nhân F1, F0 nghiện ma túy tại địa phương. Ảnh: PV

Trước khi Ban chỉ đạo chống dịch các cấp được kiện toàn theo quy định mới của Thủ tướng Chính phủ, anh Cường là Trưởng Ban phòng, chống dịch của Bộ CHQS tỉnh Khánh Hòa, nơi địa phương dịch bệnh bùng phát và diễn biến rất phức tạp, có thời điểm lực lượng của Bộ Chỉ huy phải đảm đương tổ chức phục vụ cách li lên tới hơn 5 ngàn trường hợp F1. Những nơi khu cách li chưa hoàn thiện, hệ thống điện nước hỏng hóc, thiếu hệ thống mạng internet, thiếu cồn sát khuẩn… anh cũng đều có mặt kịp thời và xử lí mọi tình huống phát sinh. Như tình huống đêm 10/7, sau khi nhận được tin báo có một nhóm người đã đi bộ hơn 50 km từ phía Nam ra để về Quãng Ngãi, Đại tá Trần Tấn Cường đã tham mưu cho cấp trên tổ chức cho bà con ăn uống và khẩn trương điều 2 chuyến xe đưa 47 người dân là đồng bào dân tộc thiểu số H’re ở làng Măng, xã Ba Dinh, huyện Ba Tơ, Quãng Ngãi về quê.

Dịp này, khi Khánh Hòa đã có hơn 6.700 ca nhiễm Covid-19, anh Cường bận trăm công ngàn việc, chúng tôi muốn gặp anh mà thật khó. Hẹn mãi mới gặp vợ và con gái anh vừa trở về sau ca trực. Vợ anh là chị Nguyễn Thụy Khanh, Trưởng khoa châm cứu, Bệnh viện Y học Cổ truyền phục hồi chức năng tỉnh Khánh Hòa. Tuy trực tại Bệnh viện, nhưng chị là thành viên trong Ban phòng chống dịch của Bệnh viện, đã không ít lần tiếp xúc với các trường hợp F1, F2. Nhờ làm tốt công tác phòng chống dịch, cho đến nay Bệnh viện Y học Cổ truyền phục hồi chức năng tỉnh Khánh Hòa được an toàn, trong đó có phần đóng góp của chị…

Những ngày cả nước còn yên bình, như bao gia đình Việt Nam khác, gia đình Đại tá Trần Tấn Cường vẫn có những chuyến đi chơi vui vẻ. Ảnh: NVCC

Bên chúng tôi, chị Khanh đưa tay về hướng cô gái trẻ mặc bộ quân phục thật đẹp, tóc búi cao giới thiệu. Đó là con gái của anh chị, Binh nhất Trần Nguyễn Bảo Niên, đang công tác ở Ban Quân y, Bộ CHQS tỉnh Khánh Hòa. Công việc của Ban quân y dịp này cũng chủ yếu tập trung phòng, chống dịch, Ban được giao rất nhiều phần việc vừa đảm phòng chống dịch cho cán bộ, chiến sĩ, vừa tham gia lấy mẫu tầm soát nhiều đơn vị, địa phương, vừa theo dõi dịch tễ và báo cáo cho hàng chục ngàn trường hợp F1 tại các khu cách li tập trung... Chị kể thêm, nhà có cậu út Trần Nguyễn Tấn Đạt vừa đậu trường Đại học Nha Trang cũng ra “tiền tuyến” cùng bố mẹ và chị gái, cháu tham gia vào lực lượng tình nguyện viên của Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa, trực tiếp đi lấy mẫu xét nghiệm, tổ chức test nhanh… tham gia từ ngày thi xong đại học. Cả tháng nay gia đình 4 thành viên của chị chẳng có một bữa ăn cùng mâm. Nhiều hôm anh trở về nhà thì chị và các con lại đang trong ca trực, hay khi anh cùng các lãnh đạo, cấp trên đi thăm các bệnh nhân F0 về nhà lại “xa lánh” vợ con… một mình anh tự lo cơm nước để vợ con còn đi chống dịch.

2 người 2 bệnh viện và một đám cưới còn bỏ ngỏ

Trên mái tóc còn sũng nước, gương mặt còn hằn sâu những vết dây khẩu trang, nữ Trung úy, QNCN Nguyễn Thị Hạnh, Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 4 - Tổng cục Hậu cần, vừa hoàn thành ca trực và tắm xong trở về phòng nghỉ. Chị cho biết, sau ca trực mọi người đều phải thực hiện công tác chống nhiễm khuẩn rất nghiêm ngặt, vừa phải phun khử khuẩn, thay quần áo, giày dép và tắm rửa để ngăn ngừa virus xâm nhập...

Chị Hạnh vừa bưng hộp cơm nguội ngắt vừa nói chuyện với người chồng sắp cưới qua điện thoại, anh chị hỏi han, động viên nhau cùng chung sức chống dịch. Giờ này vị hôn phu của chị cũng đang trong ca trực tại Viện Quân y 87. Công việc tại viện dịp này phần lớn tập trung cho công tác phòng chống dịch với hàng trăm cán bộ, y bác sĩ của Viện 87 trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tại Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 4; cùng với đó là hỗ trợ địa phương xét nghiệm tầm soát cộng đồng và thực hiện công tác phòng, chống dịch tại chính bệnh viện mình…

Trung úy Nguyễn Thị Hạnh tại Bệnh viện dã chiến số 4. Ảnh: PV

Mỗi lần nói chuyện chị Hạnh không quên nhắc anh, luôn nhớ sát khuẩn tay và đeo khẩu trang đúng cách, an toàn và ăn uống đúng bữa. Giá như không có dịch bệnh bùng phát, thì bây giờ chị và anh đã làm đám cưới và có thể đã có con bồng, con bế… Được biết, trước ngày nhận nhiệm vụ ở Bệnh viện truyền nhiễm số 4, Hạnh xung phong đăng kí lên đường, chỉ huy đơn vị cũng phải đắn đo vì sức khỏe của Hạnh, bố mẹ cũng không khỏi lo lắng khi con gái phải mặc đồ bảo hộ cả 5 - 6 tiếng đồng hồ trong ca trực nhưng Hạnh đã tự tin, trấn an mọi người: “Em chịu được mà, có nhiều người còn yếu hơn em”.

Điều kiện làm việc tại Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 4 rất vất vả, nóng bức trong khi công việc đòi hỏi phải tỉ mỉ chi tiết trong công tác điều trị, chống nhiễm khuẩn, ngăn ngừa virus thâm nhập. Công việc điều trị, lấy mẫu xét nghiệm, theo dõi bệnh nhân diễn ra liên tục nên ăn uống cũng không đúng giờ giấc, nhiều hôm hết ca trực cơm đã nguội ngắt, quá giờ sinh học chị chẳng buồn ăn nữa. Hạnh thông tin thêm, đến ngày 5/9 Hạnh và đồng đội, đồng nghiệp ở Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 4 đã điều trị khỏi bệnh cho hơn 800 bệnh nhân, giúp họ được xuất viện, trở về với gia đình. Còn chị, cũng mong một ngày hết dịch để về làm đám cưới.

2 bố con ở 2 điểm dịch

Tôi về điểm nóng xã Vĩnh Lương, TP. Nha Trang trong ngày đầu tháng 9, lúc này trên địa bàn Thành phố đã có xấp xỉ 4.000 ca mắc Covid-19. Tại chốt kiểm soát đầu xã, người kiểm tra tôi là một chiến sĩ mặc quân phục, tác phong chính quy, đeo băng đỏ và nhanh nhảu căn dặn tôi: “Trong này dịch bệnh nguy hiểm lắm, anh nhớ đeo găng tay, khóa kín áo bảo hộ, phòng dịch cho tốt…”. Tôi dừng lại ở chốt, được đồng đội giới thiệu: Đây là Thiếu úy, QNCN Phạm Quốc Hùng, học viên Tiểu đoàn 1, trường Trung cấp nghề Miền Trung, Tổng cục Kỹ thuật, cả hai bố con em ấy đều đang ở tuyến đầu chống dịch đấy anh ạ…

Bố Hùng là Trung tá Phạm Văn Hiến, Phó phòng Hậu cần, Bệnh viện Quân y 103, đã tình nguyện lên đường vào TP. Hồ Chí Minh chống dịch và nhận nhiệm vụ Trưởng ban Hành chính - Hậu cần, Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm 5G, thuộc Học viện Quân y, có nhiệm vụ điều trị bệnh nhân Covid-19 mức độ nặng tại cơ sở Phân viện phía Nam Bệnh viện Y học Cổ truyền Quân đội (Tại 84/9 Kinh Dương Vương, phường 13, Quận 6, TP. Hồ Chí Minh).

Thiếu úy Phạm Quốc Hùng cùng gia đình của mình. Ảnh: NVCC

Hùng cho biết thêm, bố anh cũng tham gia chống dịch ở tâm dịch Bắc Giang hơn 3 tháng, vừa về thăm nhà được vài ngày thì Bộ Quốc phòng phát động chiến dịch lớn, bố tình nguyện lên đường vào Nam nhận nhiệm vụ. Công việc của bố Hùng hằng ngày là đảm bảo phục vụ hơn 600 người, vừa lực lượng phục vụ và bệnh nhân, phải chăm chút, đổi món cho nhiều bệnh nhân, giúp người bệnh ăn ngon, ăn được nhiều để chống chọi với dịch bệnh và cùng lực lượng y bác sĩ, nhân viên phục vụ đảm bảo giữ sức khỏe thật tốt để phục vụ… Còn Hùng, cậu con trai giờ lại là “anh thợ đụng” giữa tâm dịch tại khu vực Nha Trang. Hôm nay gạo hỗ trợ của Chính phủ đánh xe về, Hùng đi vác gạo; mai tổ chức đi lấy mẫu xét nghiệm, Hùng lại đi; ngày kia lại trực chốt kiểm soát, đi chợ giúp dân và ngày kìa lại luân phiên đi cho gà, cho vịt của dân ăn, bảo vệ tài sản cho các trường hợp F1, F0 đã đi điều trị và cách li yên tâm điều trị…

Hùng tự nhận thấy công việc của bố nặng nề hơn mình, vì mình còn sức trẻ, khỏe. Chính vì lẽ đó, Hùng rất thương, lo lắng cho bố, luôn động viên bố ăn uống, chú tâm phòng dịch thật tốt. Hùng cũng cam kết và cùng hứa với bố “Thắng dịch, bố con mình mới về với mẹ và em bố nhé..”

Kiểm tra công tác phòng dịch tại Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 4. Ảnh: PV

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ, dân quân lực lượng vũ trang; cán bộ, nhân viên y tế, ban ngành địa phương và gần 500 học viên các học viện, nhà trường… tình nguyện ra nơi tuyến đầu chống dịch. Trong số đó có nhiều chị em phải gửi lại con thơ, nhà cửa cho người thân để cùng ra tiền tuyến trực tiếp lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vaccine, chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19 và trực chốt kiểm soát; chăm sóc bảo vệ cây trồng, vật nuôi cho các trường hợp đi chữa bệnh và cách li... Họ tình nguyện ra nơi tuyến đầu với một niềm tin sớm đẩy lùi dịch bệnh, mọi gia đình sớm được đoàn viên, hạnh phúc, đất nước được an bình, phát triển…

NGUYỄN VĂN HẠNH

 

 

VNQD
Thống kê