Trung tướng Lâm Quang Đại, Chính ủy Quân chủng Phòng không – Không quân

Vũ khí có ưu việt đến đâu thì con người vẫn là quyết định

Thứ Ba, 24/08/2021 00:51

Nếu được chọn những khoảnh khắc đối đầu mang dấu ấn sâu sắc trong các cuộc chiến tranh vệ quốc thời hiện đại của Việt Nam, chắc chắn không chỉ tôi, mà rất nhiều người sẽ chọn cuộc chiến cân não 12 ngày đêm của lực lượng Phòng không - Không quân Việt Nam với B-52 của không lực Mĩ trên bầu trời Hà Nội năm 1972, bởi đó là khoảnh khắc biến những thứ tưởng chừng không thể thành có thể, những phương tiện chiến tranh tối tân bậc nhất của một cường quốc hùng mạnh nhất thế giới đã phải cúi đầu trước sức mạnh to lớn của ý chí, nghệ thuật quân sự, sự sáng tạo của quân đội một nước nghèo, nhỏ bé với vũ khí trang bị vừa phải.

Để độc giả có thể hiểu rõ hơn về lực lượng đã góp phần tạo nên dấu ấn này, các nhà văn Văn nghệ Quân đội đã có cuộc trò chuyện với Trung tướng Lâm Quang Đại, Chính ủy Quân chủng Phòng không - Không quân.

P.V: Thưa Chính ủy, trong các quân, binh chủng của Quân đội nhân dân Việt Nam, có lẽ Quân chủng Phòng không - Không quân chính là lực lượng khiến nhiều người phân vân bối rối nhất…

Trung tướng Lâm Quang Đại: (cười) Có lẽ sự phân vân, bối rối ngoài lí do có “nhiều lực lượng trong một”, thì theo yêu cầu nhiệm vụ, có một thời gian, cụ thể là ngày 22/10/1963 Quân chủng Phòng không - Không quân được thành lập trên cơ sở sáp nhập 2 lực lượng Phòng không và Không quân. Từ tháng 5/1977 đến tháng 3/1999, Quân chủng Phòng không - Không quân tách ra thành hai Quân chủng: Phòng không và Không quân; sau đó tiếp tục nhập lại cho đến nay.

Mọi thứ trong đời sống đều có “mã” - nguyên lí chung, và các quân, binh chủng trong quân đội cũng vậy. Hiểu nó sẽ không phải phân vân bối rối. Chẳng hạn, Hải quân là bảo vệ biển đảo. Pháo binh là những gì thuộc mặt đất. Cũng như thế, Phòng không - Không quân thuộc về bầu trời. Để bảo vệ không phận của Tổ quốc, sẽ cần anh ra đa quét tìm mục tiêu xâm phạm xem chúng ở đâu, sau đó chỉ thị cho anh pháo phòng không, anh không quân, anh tên lửa đất đối không, là các lực lượng hỏa lực bảo vệ bầu trời tấn công chúng. Bốn lực lượng đó hợp lại chính là Quân chủng Phòng không - Không quân chúng tôi.

P.V: Chính ủy có thể nói một chút về các lực lượng này?

Trung tướng Lâm Quang Đại: Ngày 1/4/1953, Trung đoàn Pháo cao xạ 367 được thành lập sau phát triển thành Binh chủng Pháo cao xạ. Năm 1958, Trung đoàn Ra đa cảnh giới đầu tiên ra đời và được đưa sang Liên Xô đào tạo về cách sử dụng ra đa cảnh giới, ra đa trinh sát và ra đa dẫn đường tên lửa SAM. Sau một năm huấn luyện, họ trở về nước và bắt đầu phát sóng ngay vào ngày 1/3/1959. Ngày truyền thống của Bộ đội Không quân là 3/3/1955. Tên lửa ra đời muộn hơn: 24/7/1965.

Ngày 22/10/1963, thực hiện Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh quyết định hợp nhất hai lực lượng Phòng không và Không quân thành Quân chủng Phòng không - Không quân. Đại tá Phùng Thế Tài - Nguyên Tư lệnh Bộ Tư lệnh Phòng không được bổ nhiệm Tư lệnh; Đại tá Đặng Tính, nguyên Cục trưởng Cục Không quân làm Chính ủy. Sau ngày thành lập, Quân chủng Phòng không - Không quân có ba lực lượng gồm: 11 Trung đoàn Pháo cao xạ; 3 Trung đoàn Ra đa; 3 Trung đoàn Không quân. Ngay từ những ngày đầu thành lập, cán bộ, chiến sĩ Quân chủng Phòng không - Không quân đã có những cố gắng vượt bậc để khẳng định vai trò của mình. Ngày 5/8/1964 quân, dân miền Bắc cùng với các đơn vị Phòng không đã giáng một đòn chí mạng vào cái gọi là “Uy thế không lực Hoa Kì”, bắn rơi 8 máy bay Mĩ, bắt sống giặc lái. Sau trận đánh, khí thế đánh Mĩ, niềm tin bắn rơi máy bay Mĩ ở các đơn vị lên rất cao. Ngày 3/4/1965 Biên đội Míc-17 (Phạm Ngọc Lan, Hồ Văn Quỳ, Phan Văn Túc, Trần Minh Phương) đã xuất kích bắn rơi 2 máy bay F-8U của Hải quân Mĩ trên bầu trời Hàm Rồng (Thanh Hóa). Bộ đội Tên lửa là lực lượng ra đời sau cùng trong 4 binh chủng thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân, nhưng ngay lần ra quân đầu tiên, 24/7/1965, cũng chiến thắng vang dội, diệt gọn một tốp F-4 của Không quân Mĩ, trong đó có một chiếc rơi tại chỗ, đây là chiếc máy bay thứ 400 bị bắn rơi trên bầu trời miền Bắc. Những chiến thắng ấy khẳng định chúng ta không chỉ đánh bại đế quốc Mĩ trên chiến trường miền Nam mà còn đủ sức đập tan các cuộc tập kích bằng không quân, hải quân Mĩ ra miền Bắc. Nó có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, minh chứng cho sự trưởng thành, lớn mạnh của Quân đội ta, của lực lượng và thế trận Phòng không, Không quân nhân dân trên miền Bắc.

P.V: Trong lần gặp Trung tướng Anh hùng Phạm Tuân gần đây, tôi được nghe ông kể, trong chiến dịch “Điên Biên Phủ trên không” tháng 12/1972 có lệnh, hễ B-52 vào là máy bay ta xuất kích dù đánh được hay không. Vì thế, ngày 18/12, khi B-52 xuất hiện, dù sân bay Nội Bài bị đánh phá, khói mù trời, hệ thống đèn bị trúng bom tắt gần hết, nhưng chiếc MIC 21 của ông vẫn xuất kích trên đường băng lỗ chỗ hố bom, mặc cho bánh nảy lộc cộc để lên đối đầu với B-52. Đến khi hạ cánh, không có đài chỉ huy không lưu, hệ thống đèn chiếu chưa khắc phục, đèn đường băng cái còn cái không, máy bay sa ngay vào hố bom, ba chân văng hết. Một cánh nghiêng, một cánh rà xuống đường băng, sau đó lật ngửa và quay 180 độ trở lại. May mắn máy bay không bốc cháy và ông không hề hấn gì. Cuộc xuất kích đó dù không có kết quả, nhưng nó thể hiện quyết tâm khuất phục bằng được B-52 Mĩ của Không quân Việt Nam…

Trung tướng Lâm Quang Đại: Đúng vậy, nhờ cuộc xuất kích ấy mà ta nhận ra, phải đưa máy bay ra sân bay vòng ngoài như Yên Bái, Thọ Xuân, Cẩm Thủy. Sử dụng ra đa xung quanh bên ngoài để phát hiện B-52, bởi khi máy bay vào nhiễu thẳng thì khỏe nhưng bốn xung quanh sẽ giảm đi. Và quả đúng như thế, ngày 27/12, chiếc B-52 đầu tiên đã bị Không quân ta tiêu diệt, trong cả chiến dịch 34 máy bay B-52, 5 máy bay F-111 và 42 máy bay chiến thuật khác của Mĩ đã bị bắn rơi. Chiến thắng đó khiến thần tượng “Không lực Hoa Kì” sụp đổ hoàn toàn, chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” và âm mưu đưa “miền Bắc Việt Nam trở về thời kì đồ đá” của Tổng thống Mĩ Nixon bị thất bại thảm hại. Nó tạo ra bước ngoặt lịch sử làm thay đổi căn bản cục diện cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước, buộc chính quyền Mĩ phải kí Hiệp định Paris ngày 27/1/1973, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, tạo ra thế và lực mới để nhanh chóng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Báo động SSCĐ ở Tiểu đoàn 151, Trung đoàn 250, Sư đoàn 361

P.V: Nhân câu chuyện về trận chiến B-52 trên bầu trời Hà Nội, vừa rồi trong cuộc chiến giữa Israel và lực lượng Hamas, tôi có đọc trên báo chí về cái gọi là “Vòm trời sắt” của Israel nhưng thú thực, cũng không hiểu lắm và có lẽ không riêng tôi, nhiều người cũng rất mơ hồ.

Trung tướng Lâm Quang Đại: Vòm trời sắt (Iron Dome) là hệ thống phòng không tự động dùng để đánh chặn các loại mục tiêu như tên lửa tầm ngắn, các loại đạn pháo, rốc két, máy bay có người, không người lái... Nó bao gồm ba thành phần chính: Ra đa có độ nhạy rất cao, Trung tâm điều khiển vũ khí, quản lí chiến thuật và các tổ hợp tên lửa đánh chặn. Sau khi có tín hiệu mục tiêu vào, hệ thống ra đa sẽ theo dõi hành trình của chúng và báo về Trung tâm điều khiển vũ khí để phân tích, nhận diện, đánh giá nó có gây nguy hiểm cho khu vực cần bảo vệ hay không làm căn cứ chỉ thị cho các đơn vị hỏa lực có phóng tiêu diệt hay không để tiết kiệm tên lửa. Đơn vị hỏa lực gồm các tên lửa tầm trung, tầm xa, tầm gần. Hệ thống này được vận hành kết nối không dây bảo mật từ xa. Khu vực đảm nhiệm của mỗi khẩu đội có thể lên tới gần 150km2. Tuy nhiên, dù vũ khí có ưu việt đến đâu thì nó vẫn có điểm yếu. Quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người. Chẳng hạn như việc bắn rơi B-52 Mĩ của các lực lượng phòng không, không quân Việt Nam, cho đến bây giờ ngoài ở Việt Nam ra, B-52 chưa bị bắn rơi ở bất cứ nơi nào.

P.V: Tất nhiên, yếu tố con người quyết định, nhưng “có bột thì mới gột nên hồ”, cũng phải có vũ khí ở mức độ nhất định mới có thể đánh thắng được, bởi thế, trong chiến lược phát triển của Quân đội nói chung Quân chủng Phòng không - Không quân mới được xác định tiến thẳng lên hiện đại. Hiện nay, để bảo vệ không phận của Tổ quốc, chúng ta có những loại vũ khí nào, thưa Chính ủy?

Trung tướng Lâm Quang Đại: Quân chủng Phòng không - Không quân là một trong những quân, binh chủng mà Quân đội xác định tiến thẳng lên hiện đại, vì thế, vũ khí, khí tài cũng tương đối hiện đại (thuộc thế hệ thứ 4). Đó là Hệ thống tên lửa phòng không S-300, Spyder; các máy bay tiêm kích đa năng Su-27SK, Su-30MK2, tiêm kích bom Su-22 được trang bị các loại vũ khí hàng không tiên tiến để tiêu diệt các loại mục tiêu trên không, trên đất và trên biển. Các loại trực thăng, vận tải thực hiện các nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, vận chuyển, chi viện cho binh chủng hợp thành. Các loại ra đa thế hệ mới tầm gần, tầm trung và tầm xa nâng cao khả năng và năng lực quản lí vùng trời và điều hành bay. Với các loại vũ khí cũ, chúng ta có nhiều chương trình cải tiến để phù hợp, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đề ra. Hiện nay, chúng ta có thể sản xuất Rada, cải tiến các loại khí tài bán tự động. Rồi khí tài quang điện tử nhìn được cả ban đêm. Chúng ta xác định đến năm 2030 sẽ hoàn thành mục tiêu này, vì thế mọi thứ phải chuẩn bị từ bây giờ mới kịp.

P.V: Xin quay lại vấn đề con người. Có lẽ trong các quân binh chủng thì đào tạo phi công cho Không quân là khắc nghiệt nhất. Tôi có nghe nói, tiêu chuẩn đầu vào, trăm người chọn một, trong số đầu vào đó, quá trình đào tạo khi tốt nghiệp ra trường chỉ còn khoảng 50 phần trăm. Và số 50 phần trăm đó, cũng chỉ một nửa có thể trở thành phi công chiến đấu...

Trung tướng Lâm Quang Đại: Không sai, như khóa tôi đào tạo phi công Su-22 ở Liên Xô, 20 người khi tốt nghiệp chỉ còn được 9. Tất nhiên, những người không đào tạo bay được sẽ chuyển sang học kĩ thuật và các chuyên ngành khác. Về nguồn đầu vào và đào tạo, những năm tháng chống Mĩ, đầu vào có rất nhiều nguồn, chẳng hạn như sinh viên đại học, nhất là Đại học Bách khoa. Đội ngũ này đưa luôn đi đào tạo cơ bản. Ngoài ra có những trường hợp chưa tốt nghiệp cấp ba, nhưng đủ tiêu chuẩn đầu vào cũng vẫn tuyển sau đó tiến hành dạy tiếp về văn hóa cơ bản, nhất là các môn tự nhiên cùng với ngoại ngữ sau đó đưa đi đào tạo ở nước ngoài. Từ năm 1991 trở về trước, chúng ta có nguồn đào tạo chủ yếu ở Liên Xô và Đông Âu. Sau khi Liên Xô tan rã thì không còn nữa, giai đoạn này chúng ta đào tạo trong nước bằng giáo viên chính là lực lượng đã học ở Liên Xô và Đông Âu trước đây. Khi thế hệ cán bộ này nghỉ hưu, mất một thời gian chúng ta cũng khá khó khăn trong vấn đề này.

Với quan điểm độc lập tự chủ, đa phương, đa dạng trong quan hệ đối ngoại; đối ngoại quốc phòng Việt Nam cũng có sự phát triển mới… Vì thế, những năm gần đây, bên cạnh việc chủ động đào tạo trong nước chúng tôi còn đào tạo thông qua gửi đi học ở các nước mà chúng ta mua vũ khí, khí tài, máy bay của họ. Chẳng hạn chúng ta tiếp tục hợp tác với Nga và một số nước Đông Âu, EU, Ấn Độ, Mĩ… với nhiều bậc học, nhiều loại hình. Sắp tới chúng tôi sẽ có lớp phi công đầu tiên ra trường được đào tạo theo hình thức này.

Biên đội Su-30MK2 xuất kích thực hiện nhiệm vụ

P.V: Những khó khăn thách thức mà cán bộ chiến sĩ Quân chủng Phòng không - không quân phải đối mặt và vượt qua trong tình hình hiện nay là gì, thưa Chính ủy?

Trung tướng Lâm Quang Đại: Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng đã nêu rõ: “xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại”; Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định chủ trương đó và đặt mục tiêu: “tạo tiền đề vững chắc phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”. Quân chủng Phòng không - Không quân vinh dự là một trong những lực lượng được xây dựng tiến thẳng lên hiện đại. Đây là đòi hỏi tất yếu, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của Quân chủng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng trời, vùng biển, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc trong mọi tình huống, là biện pháp bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”, không để bị động, bất ngờ.

Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ có những vấn đề khó khăn, thách thức đặt ra cần giải quyết kịp thời, như: Việc xây dựng Quân chủng tiến lên hiện đại phải được bắt đầu từ vấn đề gì? Yêu cầu xây dựng Quân chủng “hiện đại” tinh, gọn, mạnh với thực trạng vũ khí trang bị kĩ thuật và con người hiện có phải được giải quyết ra sao? Cần phải giải quyết vấn đề gì để đội ngũ cán bộ chiến sĩ nắm vững và làm chủ vũ khí, trang bị kĩ thuật mới, hiện đại?...

Giải quyết những khó khăn, thách thức ấy, chúng tôi xác định: muốn xây dựng Quân chủng tiến lên hiện đại trước hết phải bắt đầu từ xây dựng Quân chủng thực sự vững mạnh về chính trị, thực sự tinh nhuệ về chính trị, bảo đảm chắc chắn trong bất cứ hoàn cảnh nào, cán bộ, chiến sĩ Quân chủng Phòng không - Không quân cũng tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Bên cạnh đó luôn tạo điều kiện để cán bộ, chiến sĩ tích cực học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ mọi mặt, nhất là bản lĩnh chính trị, năng lực, trình độ khai thác, sử dụng vũ khí trang bị kĩ thuật mới, hiện đại; ưu tiên cử đội ngũ cán bộ trẻ, có trình độ đi học tập, chuyển loại, nghiên cứu ở nước ngoài để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ làm chủ vũ khí trang bị kĩ thuật mới, hiện đại…

P.V: Vốn xuất thân từ một phi công được đào tạo tại Liên Xô trước đây, đồng chí có thể kể một vài kỉ niệm trong quá trình đào tạo phi công của mình?

Trung tướng Lâm Quang Đại: Cuối năm 1980 trong hoàn cảnh đất nước còn rất nhiều khó khăn tôi và các đồng đội được sang Liên Xô học lái máy bay quân sự; sau hơn 3 năm học tập và rèn luyện để trở thành sĩ quan phi công lái máy bay chiến đấu tiêm kích bom, tôi có nhiều năm công tác và làm nhiệm vụ ở những nơi khó khăn, gian khổ tuyến đầu; được nhiều sự giúp đỡ của thủ trưởng cấp trên, đồng chí, đồng đội… có rất nhiều kỉ niệm đẹp đáng nhớ, có những kỉ niệm luôn đi cùng cuộc đời binh nghiệp để luôn khắc ghi…

Hồi tôi học bên Nga có rất nhiều kỉ niệm sâu sắc, đặc biệt là tình thầy trò. Tôi nhớ mãi cô giáo dạy tiếng Nga tên là Maiceva Lidia Alexanđrova. Cô nhiều tuổi, con cũng lớn, chồng là thương binh trong Chiến tranh Thế giới thứ 2. Chúng tôi hồi đó mới mười chín, hai mươi tuổi, học một cô ba trò nên cô yêu quý chúng tôi như con, chăm bẵm từng tí một. Xa nhà, nhớ nhà, cô dỗ dành chúng tôi như trẻ con. Cô uốn nắn từng tí một, kể cả trong cuộc sống, rất chu đáo.

Khi lên học bay, đầu tiên chúng tôi học lái trên máy bay L39, là một loại máy bay phản lực. Thầy dạy chúng tôi tên là Pivkin, một trung úy Giáo viên bay trẻ. Chúng tôi là sản phẩm đầu tiên của ông ấy nên ông ấy nhiệt tình vô cùng. Vì còn trẻ nên ông coi chúng tôi như anh em, dạy từng tí, những khoa mục khó chúng tôi làm sai hoặc không làm được, ông mắng luôn, thậm chí mắng thậm tệ trên máy bay. Nhưng khi ra khỏi buồng lái thì ông lại tình cảm vô cùng, ôn tồn với từng người, động viên, bảo rằng, “mình nói thế để rút kinh nghiệm thôi chứ không có ý gì, đừng buồn, đừng nản chí, mình ngày xưa học bay cũng vậy, phải cố gắng”. Có một câu nói của ông mà tôi vẫn nhớ đến bây giờ: Bay là gì, là quá trình sửa chữa khuyết điểm. Rất ngắn gọn. Rồi ông phân tích, tiếng Nga, máy bay là tự bay, nhưng khi bay nó phải tuân thủ theo sự điều khiển của con người, quá trình bay là quy trình phức tạp… khi bay sẽ phát sinh nhiều khuyết điểm, nên quá trình bay là quá trình sửa chữa khuyết điểm, cứ như thế sẽ thành kĩ năng kĩ xảo. Triết lí ấy, nó đúng cả trong cuộc sống. “Nhân vô thập toàn”, ai mà toàn diện, ai mà không bao giờ mắc khuyết điểm được. Khi ta sửa chữa được khuyết điểm này thì có thể sẽ lại mắc một khuyết điểm khác, quá trình sửa chữa khuyết điểm ấy chính là quá trình chúng ta tự hoàn thiện mình. Hiểu như thế, gặp vấn đề phát sinh trong đời sống sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều.

P.V: Xin cảm ơn Trung tướng về cuộc trò chuyện thú vị này!

P.V

VNQD
Thống kê