Khát vọng Lũng Ngàn

Thứ Tư, 11/08/2021 04:19

. CHÂU NGỌC
 

Cách biệt với thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng (Lạng Sơn) chỉ bởi một con đèo rất ngắn, nhưng Lũng Ngàn là một thế giới khác, một thế giới của cây rừng xanh thắm, tiếng suối reo, nước tung bọt trắng xóa; một thế giới của chim rừng hót tiếng tự nhiên, gió núi vi vu, không gian trong veo, trong veo… Giữa lũng núi ấy là ngôi đền trầm mặc, linh thiêng thờ Cô Chín Thượng ngàn, thuộc tứ phủ Thánh cô trong đạo Mẫu. Cạnh miếu có mạch nước quanh năm không bao giờ cạn.

Chúng tôi đi bộ thong dong qua đèo Rộ, lạc vào một lũng núi xanh mướt mát. Con đường bê tông mới tạo dựng chạy ngoằn ngoèo trên bạt ngàn đá tai mèo được ví như “Đường Trường Sơn thu nhỏ”. Xung quanh chúng tôi là xanh thắm na, bạt ngàn na. Chúng tôi chỉ nhìn thấy na, phủ khắp các triền núi đá tai mèo, nhưng với người cựu chiến binh, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Bảy thì Lũng Ngàn này không chỉ có na mà còn là nơi lưu giữ những kỉ niệm của thuở ấu thơ cắp sách đến trường, những chứng tích của một thời bom đạn.

Con đường vào Lũng Ngàn đang hình thành, dù chật hẹp nhưng có ý nghĩa lớn đối với những hộ dân trồng na. Ảnh: TL

Sự kiện Vịnh Bắc Bộ ngày 2 và 4/8/1964 đã trở thành cái cớ để Mĩ mở màn cho chiến dịch dùng không quân đánh phá miền Bắc Việt Nam, chiến dịch này kéo dài trong 9 năm, là cuộc chiến tranh tàn phá bằng không quân và hải quân quy mô lớn, gây nên những tổn thất nặng nề đối với nhân dân miền Bắc. Ga Đồng Mỏ được coi là “cảng nổi” thứ hai của Lạng Sơn, cũng là một trong những trọng điểm đánh phá của máy bay Mĩ. Từ cuối năm 1964 và năm 1965, người dân Đồng Mỏ sơ tán vào Lũng Ngàn, khi đó gọi là Nà Ngàn. Từ quốc lộ 1A thị trấn Đồng Mỏ, qua đèo Rộ là tới được Lũng Ngàn, khoảng cách chỉ vài trăm mét nhưng dốc đá dựng đứng nên chỉ có thể đi bằng chân người, thậm chí còn là một thử thách khó vượt qua đối với những người không quen leo núi. Chính vì vậy, từ bao đời nay, Lũng Ngàn cách biệt với thế giới bên ngoài, khi Đồng Mỏ đã là một thị trấn đông đúc thì có thể nói rằng Lũng Ngàn vẫn còn nhiều khu rừng nguyên sinh, chỉ có dấu chân của những tiều phu, cho đến thời kì phải sơ tán vì chiến tranh.

“Nhà tôi ở phía núi bên này, chỗ này là lớp học. Tôi học lớp một, lớp hai ở chỗ này, lớp bốn thì học ở sườn núi kia… Chỗ này trước đây có cái cây to, mấy người ôm không xuể. Chỗ này, người ta bắn được một con gấu đen, to lắm…”, Trần Bảy nói với tôi mà như nói với chính mình.

Chúng tôi nhìn lên những triền dốc đá cheo leo, nơi bây giờ chỉ còn lại một màu xanh thắm của na, không còn sót lại chút nào dấu tích của những ngôi nhà tranh tre vách nứa khi xưa, cố gắng hình dung phần nào cuộc sống của người dân Đồng Mỏ trong những tháng ngày sơ tán ở Lũng Ngàn.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Bảy nhớ lại...

“Một buổi tối cuối tháng 12/1972, tôi đang chơi tú lơ khơ với lũ bạn trong nhà thì nghe tiếng pháo bắn rát, tôi ném những quân bài trên tay xuống chạy ra ngoài sân, vừa chạy vừa hô lũ bạn: Ra xem đạn pháo đi chúng mày ơi! Nhưng vừa lúc đó, chúng tôi nhìn thấy những chớp lóe liên tục nối nhau làm cho bầu trời đêm sáng rực, nhìn rõ con đường mòn lên hang như được chiếu đèn pha vậy. Sau đó là hàng loạt tiếng nổ long trời nối tiếp nhau khoảng ba mươi phút… Chạy đi, chạy! Mọi người hô hoán nhau chạy lên hang Giếng cách đó không xa. Những tiếng nổ long trời lở đất, chưa nghe bao giờ, sau mới biết là máy bay B52 của Mĩ ném bom. Sau loạt bom ấy, là tiếng gọi í ới của bà con trong xóm, xem có ai bị thương không. Ánh đèn pin loang loáng. Dân quân khẩn trương gọi nhau đi cứu những người dân và cán bộ cơ quan huyện ủy. Đến giữa đêm thì thấy đèn đuốc sáng trên đèo Rộ, là người dân, công nhân Nhà máy Hữu Nghị sơ tán ở những lũng dưới gần thị trấn được lệnh di dời vào trong lũng núi sâu hơn. Sáng hôm sau, tôi cùng mấy thằng bạn mò ra Đồng Mỏ, cảnh tượng thật tang thương, khu Mỏ Chảo bị san phẳng, nát bét như ruộng cày. Trên đồi Khau Cảy, bộ đội cao xạ đứng bần thần. Đêm hôm ấy, máy bay B52 tiếp tục ném bom. Sáng hôm sau tôi vẫn lại cùng mấy thằng bạn trốn ra Đồng Mỏ. Ngay chân đèo Rộ, trước sân một ngôi nhà tôi thấy có mười tám chiếc quan tài, nghe nói là để mai táng bộ đội pháo binh ở đồi Khau Cảy hi sinh đêm qua.

Máy bay B52 của Mĩ tiếp tục đánh phá khu vực Đồng Mỏ thêm hai đêm nữa. Đêm thứ ba bom đánh vào trường cấp 3 sơ tán ở Nà Noong, xã Thượng Cường. Đêm thứ tư chúng trút bom xuống khu Thống Nhất, khu Hòa Bình, đầu hang phía bắc, phía nam hang nhà máy đầu máy Hữu Nghị và khu vực sân vận động Đồng Mỏ. Lúc này cả xóm phân công tám người ở lại trông coi nhà cửa, trong đó có tôi. Còn lại mọi người đều đã đi vào tít tận hang ở mỏ Ba Cùng, cách khu sơ tán tôi đang ở khoảng năm cây số. Nghe mọi người nói bom nổ ở gần xóm tôi, mẹ tôi và những bà mẹ khác cùng các ông bố, anh, chị lớn tuổi vội trở về xóm bắt tôi và những người còn lại phải đi cùng vào khu sơ tán mới. Nhưng đêm hôm đó thật yên tĩnh, không tiếng súng, không tiếng máy bay như báo hiệu một điều gì đó… Sáng hôm sau tôi và mấy thằng bạn lại tụ tập và quyết định trốn trở lại xóm và ra thị trấn Đồng Mỏ nghe ngóng tình hình. Ra đến phố chúng tôi thấy khá đông người, có cả công an đứng hai bên đường từ sân vận động vào thị trấn. Chúng tôi cùng nhau ra sân vận động. Trận bom đêm thứ tư đã làm cổng đổ nát, mặt sân đầy hố bom. Nhưng ở một khoảng sân còn nguyên lành, chúng tôi thấy trải hai dải vải to, màu đỏ bắt chéo nhau thành hình dấu cộng. Một lúc sau trên bầu trời vang lên tiếng máy bay, rồi chiếc trực thăng chở Phó Thủ tướng Đỗ Mười đáp xuống vị trí hai dải vải đó. Phó Thủ tướng lên xe con đi về phía thị trấn. Tôi nghe người lớn nói: Hòa bình rồi! Tôi vô cùng sung sướng, chạy một mạch qua đèo Rộ, qua Lũng Ngàn, vào tận mỏ Ba Cùng, nơi mẹ tôi và bao người dân đang ẩn náu, vừa chạy vừa reo: Hòa bình rồi! Hòa bình rồi, mọi người ơi...”

*

*         *

Ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris được kí kết, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình tại miền Bắc Việt Nam. Mùa xuân năm 1973, người dân từ các nơi sơ tán trở về Đồng Mỏ. Lũng Ngàn lại trở về là một lũng núi hoang vu, thưa vắng dấu chân người. Nhưng rồi sau đó, những người dân từng sinh sống ở Lũng Ngàn đã rủ nhau trở lại canh tác, trồng bí, trồng ngô. Khoảng những năm 1980, khi cây na trở thành cây thương phẩm của Chi Lăng thì người ta bắt đầu trồng na ở Lũng Ngàn, dần dần, do hợp về thổ nhưỡng, Lũng Ngàn trở thành lũng na. Hiện có cả thảy tám mươi chín hộ dân có vườn na tại Lũng Ngàn này.

Con đường qua đèo Rộ là một thử thách đối với người trồng na. Từ những năm đầu thế kỉ XX, người Pháp đã từng có ý định mở đường qua đèo Rộ để vận chuyển quặng khai thác trong núi ra quốc lộ 1A. Nhưng qua khảo sát, họ đã đổi ý. Thay vì làm đường bộ, họ nối dài đường sắt từ Than Muội lên Đồng Mỏ và xây dựng hệ thống đường ray trên vách núi cao, cho xe goòng vận chuyển quặng rồi thả thẳng xuống ga Đồng Mỏ. Hiện giờ trên vách đá, vẫn còn vết tích của đường ray xe goòng.

Hai mươi năm trồng na trên Lũng Ngàn là hai mươi năm người làm na mơ một con đường. Đúng là cây na đã giúp nuôi sống họ, nhưng những người nông dân nơi này cũng chẳng dư dả gì, tiền làm đường lại chi phí lớn nên lực bất tòng tâm. Người làm na quá vất vả khi một bao phân bón năm mươi cân phải chia thành từng túi nhỏ, vợ chồng, con cái vai đeo tay xách vượt qua con đèo dốc đứng, lởm chởm đá tai mèo. Quả na đến kì thu hoạch, qua tay người, qua vai người, xuống chân đèo Rộ, ra đến quốc lộ 1A là thấm đẫm mồ hôi và cả nước mắt của người nông dân theo đúng nghĩa đen.

Ngay dưới chân đèo Rộ, có gia đình cựu binh Nguyễn Văn Rơi. Anh Rơi sinh ra và lớn lên ở Hải Phòng, nhưng duyên phận đã đưa anh đến đây. Nhà anh làm na ở Lũng Ngàn muộn do mua phần đất người khác nhượng lại, cách đây chừng mười năm. Mùa thu hoạch đầu tiên, khi gánh na về Đồng Mỏ, qua con đèo dốc đứng cheo leo, bố con ngã dúi dụi, về đến nhà thì na thâm xì hết cả. Ý tưởng làm con đường qua đèo Rộ đã nung nấu trong anh từ lâu, chỉ cần một con đường đủ lăn bánh xe máy, chở phân bón đi, chở na về. Nhưng ai làm? Làm như thế nào? Thì các hộ dân trồng na trong Lũng Ngàn sẽ phải làm thôi, bỏ sức ra mà làm, làm đến khi nào có đường đi thì thôi. Chia sẻ ý định với nhiều người, được sự thống nhất cao, anh Rơi mời tám mươi chín hộ dân đến họp. “Tôi chỉ hỏi anh em, cô dì chú bác một câu thôi, chúng ta quyết tâm làm đường qua đèo Rộ, ai đồng ý thì giơ tay?” Tám mươi chín cánh tay giơ cao.

Cuộc họp nhanh chóng bầu ra ban chỉ đạo, ban quản lí quỹ, tổ thư kí và các tổ, nhóm. Sau cuộc họp, ban chỉ đạo họp bàn, đưa ra phương án tỉ mỉ về kinh phí, về vật tư, thời gian, tiến độ… và sau khi thống nhất, họ bắt tay vào việc.

Đầu tiên là giải phóng mặt bằng, phân giới, cắm mốc, công việc này dự kiến ít nhất trong sáu tháng. Ban chỉ đạo lên danh sách rồi đến từng hộ dân là chủ đất của những đoạn mà con đường sẽ đi qua, trước nhất là thông báo về chủ trương làm đường qua đèo Rộ, sau là vận động hiến đất. Con đường mòn cũ chỉ vừa dấu chân người, nay mong muốn được mở rộng 2,5m. Nếu các gia đình không tự nguyện hiến đất thì thỏa thuận về giá cả để sang nhượng lại. Thế mà rồi một trăm phần trăm các hộ dân đồng ý hiến đất làm đường, công việc giải phóng mặt bằng xong trong vòng một tháng.

Thừa thắng xông lên, những người nông dân hóa thành công nhân với tay choòng tay búa, phá đá mở đường. Tám mươi chín hộ dân chia làm 4 tổ, mỗi tổ lại chia làm hai ca, thay nhau lên “công trường”. Ngày động thổ ra quân, từ trẻ đến già đều góp sức, khí thế hăng say ngùn ngụt. Thì ra khát vọng có con đường đã dồn nén trong lòng họ bấy lâu nay. Để vận chuyển vật liệu, ban chỉ đạo đã thống nhất chi tiền mua bảy chiếc xe máy cũ, đường xong tới đâu thì dùng xe máy làm phương tiện vận chuyển vật liệu. Một xe đá tám khối đổ dưới chân đèo Rộ mất hai mươi lít xăng để vận chuyển sâu vào bên trong. Một xe xi măng mất một can xăng trị giá bốn trăm nghìn. Mà phải giải tỏa thật nhanh để không gây ùn tắc giao thông quốc lộ 1A. Vậy là xe máy chạy cả ngày như mắc cửi, bên trong công trường tấp nập, rộn ràng, người tay dao tay búa, người tay xẻng, tay xô…

Nhìn cảnh bà con đồng tâm hiệp lực, mười người như một, quyết tâm chinh phục đèo Rộ, anh Rơi không nén được xúc động. Anh chạy bổ về nhà, lấy giấy bút ra ghi liền một mạch: “Thông báo: Hiện nay toàn thể bà con trên lũng đang cùng nhau mở đường từ chân đèo Rộ đến đền Cô Chín. Dài 1200m, rộng 2,5m. Do điều kiện đóng góp của bà con nhân dân còn gặp khó khăn, kính mong các cơ quan đoàn thể và nhân dân gần xa chung tay giúp đỡ và ủng hộ. Mọi sự ủng hộ của cá nhân, tổ chức xin gửi nộp về ban quản lí xây dựng… Xin chân thành cảm ơn!” Rồi anh đem ra cửa hàng quảng cáo, in bạt hai tờ khổ 60x80cm, một đem treo ở ngay chân đèo Rộ, lối từ quốc lộ 1A rẽ vào, một đem dán ở cổng chợ. Anh Rơi còn viết một bức “tâm thư” tự tay đem gửi tới lãnh đạo, nhân dân xã Hòa Bình, đề nghị có sự trợ giúp về nhân lực, bà con nhân dân thôn Mỏ Ba (xã Hòa Bình) đã nhiệt thành góp công, góp sức.

Công cuộc làm đường qua đèo Rộ đã gây được tiếng vang, bà con nhân dân Đồng Mỏ nhiều người góp công, góp của, cổ vũ, động viên, chính quyền địa phương vào cuộc. Bí thư Chi bộ khu Hòa Bình, Hoàng Tắc Quắn; Bí thư Đảng ủy thị trấn Đồng Mỏ, Linh Văn Phúc trực tiếp đến tận nơi thị sát, chỉ đạo triển khai các phương án trợ giúp bà con. Ngoài trợ giúp xi măng từ nguồn vốn phát triển giao thông nông thôn của chương trình Nông thôn mới, chính quyền còn là nơi kết nối, khuyến khích các doanh nghiệp địa phương hỗ trợ về máy móc, phương tiện kĩ thuật. Công ti Thượng Thành cử chuyên gia đến giúp đỡ và hướng dẫn bà con cách phá đá góp phần “thần tốc” đẩy nhanh tiến độ làm đường. Cậu chuyên gia kĩ thuật nói vui, mà cũng là nói thật “Nếu không có chúng cháu, thì các chú các bác phải mất mười năm mới xong con đường này!” Mọi người nghe nói thế chỉ cười xòa còn anh Rơi thì vừa cười vừa toát mồ hôi hột vì biết mình đã quá liều khi đứng lên kêu gọi bà con làm đường qua đèo Rộ. Nhưng cũng vì liều mà ơn trời, giấc mơ sắp thành hiện thực…

Khi tôi hỏi ước tính chi phí làm đường, bao gồm cả nhân công và vật liệu, anh Rơi lắc đầu nguầy nguậy:

- Công sức thì không biết bao nhiêu mà kể cô ơi. Hiện giờ chúng tôi tạm dừng việc làm đường để tập trung nhân lực cho mùa na năm nay. Xong vụ na, chúng tôi lại tiếp tục. Mặc dù làm na bao nhiêu năm nay, chúng tôi chả giàu lên được, nhưng cô xem, tám mươi chín hộ dân, mỗi hộ dân trung bình thu từ năm mươi đến trên dưới một trăm triệu, có hộ thu trên dưới hai trăm triệu tiền na một vụ, thì một vụ na Lũng Ngàn thu nhập bao nhiêu? Cũng là một con số lớn đấy chứ? Đất không phụ người, mà người lại phụ đất hay sao? Sau vụ na, chúng tôi lại tiếp tục đấy, chắc chừng hai năm nữa thì con đường sẽ hoàn thành.

Hai năm nữa, vị chi là hơn ba năm cho một đoạn đường dài một nghìn hai trăm mét, đủ hiểu sự gian nan vất vả của khát vọng đem sức người chinh phục dốc đá tai mèo lởm chởm, biến hóa thành “dải lụa’’ mềm mại, nương dịu bước chân người.

- Hồi 1972, mấy ngày máy bay B52 thả bom, có một quả rơi đúng chỗ này này… - Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Bảy vẫn đắm chìm trong những hoài niệm.

“Chỗ này này” hiện là một ngôi nhà cấp bốn rộng rãi, bao quanh là một vườn nghiến non chừng khoảng hơn hai mươi năm tuổi.

*

*        *

Khi tôi trở về, chuẩn bị viết bài này thì nhận được điện thoại, cựu chiến binh Nguyễn Văn Rơi hồ hởi thông báo: Ban quản lí tiếp tục nhận được những đóng góp sức người, sức của cho con đường qua đèo Rộ. Người góp công, người góp vật liệu, người góp tiền. Có cô giáo ngày xưa từng công tác tại điểm trường sơ tán Lũng Ngàn, biết tin làm đường qua đèo Rộ, cũng gửi tiền về góp với bà con. Tất cả đều cùng mong muốn có một con đường để chạy xe máy.

Tôi chia sẻ niềm vui với anh Rơi, với những hộ dân trồng na trên núi đá. Họ sắp có một con đường “để chạy xe máy”. Nhưng trong đầu tôi vẫn dội lên ý nghĩ: tại sao không mơ một con đường rộng rãi, xe ô tô của du khách muôn phương có thể chạy thẳng đến sân đền Cô Chín? Giữa cái ồn ào đến nghẹt thở của phố xá, chỉ cần đi lạc vào Lũng Ngàn, vừa chiêm bái cảnh đền uy linh, u tịch vừa nghe tiếng chim rừng hót trong veo, thấy lòng mình như được thanh lọc, được tiếp thêm năng lượng. Lũng Ngàn rất có tiềm năng để phát triển du lịch, tại sao không?

C.N

VNQD
Thống kê