P.V: Thưa Trung tướng Trần Việt Khoa! Học viện Quốc phòng là một cái tên mà ngay cả các nhà văn áo lính chúng tôi mỗi khi nghe nhắc đến là có cảm giác như nghe một tiếng sấm uy nghiêm. Bởi đây là ngôi trường đặc biệt, mang một sứ mệnh đặc biệt. Cánh sĩ quan trẻ ở đơn vị thường kháo với nhau “Ai học qua Học viện Quốc phòng thì đều có cơ lên tướng.” Điều này càng tăng thêm vẻ huyền bí, kích thích trí tò mò của nhiều người, đặc biệt là độc giả của Văn nghệ Quân đội. Bởi lẽ đó, Tạp chí rất mong đồng chí Giám đốc giúp bạn đọc cả trong và ngoài quân đội hiểu rõ hơn về ngôi trường này.
Trung tướng Trần Việt Khoa: Chả riêng gì các anh đâu, ngay cả tôi ngày xưa cũng thế. Khi còn là một cán bộ trung đội, chỉ cần nghe đồng chí trung đoàn trưởng tốt nghiệp Học viện Lục quân Đà Lạt là đã thấy ngưỡng mộ lắm rồi; còn trường Bưởi (tên gọi thân thuộc của Học viện Quân sự cao cấp, sau đổi thành Học viện Quân sự cấp cao và Học viện Quốc phòng như hiện nay - P.V), thú thực là tôi thấy cao xa vời vợi. Là bởi ngôi trường gắn liền với tên tuổi những vị Giám đốc vốn là những danh tướng như Lê Trọng Tấn, Hoàng Minh Thảo, Nguyễn Hữu An... Họ là những người đã kinh qua mấy cuộc chiến tranh, giàu chiến tích công trạng. Họ là những nhà quân sự, nhà lí luận quân sự hàng đầu Việt Nam không chỉ được quân và dân trong nước kính trọng, mà khiến cả đối phương cũng phải nể vì. “Trường Bưởi” là nơi chuyên đào tạo cán bộ cấp chiến dịch, chiến lược - những người sẽ được bổ nhiệm làm lãnh đạo, chỉ huy các quân đoàn, quân khu, quân chủng, binh chủng, học viện, nhà trường..., vì thế rất có khả năng được phong hàm tướng. Là một người lính, ai chả có ước mơ trở thành tướng. Tôi cũng vậy nên đã nuôi hoài bão: phải phấn đấu để một ngày trở thành học viên “trường Bưởi”. Được học ở một ngôi trường như thế, với những người thầy như thế hỏi còn hạnh phúc nào bằng! Nhưng khi toại nguyện, vào học trong trường tôi mới nhận thức đầy đủ rằng, tốt nghiệp Học viện Quốc phòng chỉ là một điều kiện cần trong quá trình bổ nhiệm cán bộ cao cấp trong Quân đội. Mà như các anh đã hiểu “quy luật hình nón” rồi đấy, nhiều người đã tốt nghiệp tại đây nhưng vì nhiều lí do họ không được bổ nhiệm vào vị trí chỉ huy lãnh đạo cấp cao, đồng nghĩa với việc không được phong tướng.
P.V: Vậy có lẽ cần phải sửa lại câu nói “Ai học qua Học viện Quốc phòng đều có cơ hội lên tướng” thành “Những người được phong tướng chắc chắn đã học qua Học viện Quốc phòng”?
Trung tướng Trần Việt Khoa: Điều đó đúng, nhưng chưa đủ. Bởi Học viện Quốc phòng đào tạo nhiều đối tượng.
Thứ nhất là đào tạo theo chức vụ. Đây là đối tượng có thời gian đào tạo một năm, nửa năm (1 học kì); học viên là những cán bộ chỉ huy quân đội cấp sư đoàn - tỉnh đội, cán bộ cấp cục của các cơ quan chiến dịch của quân khu, quân đoàn, quân binh chủng và các đồng chí cán bộ trong ban giám đốc (giám hiệu) các học viện, nhà trường quân đội. Những đồng chí thuộc diện này cơ bản là chưa có quân hàm tướng, sau khi học xong chương trình tại Học viện, họ có thêm điều kiện để phát triển lên những vị trí lãnh đạo, quản lí cao hơn, và lúc đó thì trần quân hàm sẽ tương ứng với chức vụ.
Đối tượng thứ hai là đào tạo sau đại học ở tầm chiến dịch - chiến lược.
Đối tượng thứ ba là bồi dưỡng kiến thức quốc phòng an ninh cho những cán bộ đối tượng 1 do Trung ương quản lí. Những người này tối thiểu phải là thường vụ tỉnh ủy, thường vụ thành ủy..., trong số này có người đã là giám đốc công an thành phố, đã được phong tướng. Hoặc các đồng chí cán bộ cao cấp trong quân đội, các đồng chí cục trưởng, cục phó đã đeo quân hàm thiếu tướng, trung tướng, nhưng chưa qua lớp bồi dưỡng quốc phòng an ninh thì vẫn phải về học.
Thế nên, nói một cách đầy đủ, không chỉ các tướng lĩnh quân đội, công an, mà cả các lãnh đạo dân chính Đảng từ bộ trưởng, bí thư tỉnh ủy, chủ tịch tỉnh - thành phố trực thuộc Trung ương... trở lên, đều phải học qua Học viện Quốc phòng.
P.V: Một trong những điều mà độc giả tò mò, đó là những bộ giáo trình dùng để giảng dạy trong Học viện Quốc phòng. Nếu không phải là vấn đề bí mật, đồng chí có thể chia sẻ?
Trung tướng Trần Việt Khoa: Những năm mới thành lập, Học viện sử dụng những bộ giáo trình do các nhà lí luận quân sự tiền bối soạn, đúc kết từ thực tiễn chiến tranh giải phóng, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của Việt Nam. Những cuốn sách như Xây dựng mỗi huyện thành một pháo đài quân sự, Từ Đồng Quan đến Điện Biên của Đại tướng Lê Trọng Tấn; Học tập khoa học quân sự Xô-viết; Tổ tiên ta đánh giặc; Thất bại của một sức mạnh phi nghĩa; Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử; Tìm hiểu một số vấn đề về nghệ thuật chỉ huy; Nghệ thuật tác chiến, Mấy vấn đề lí luận và thực tiễn; Về cách dùng binh, Mấy vấn đề về nghệ thuật quân sự của Thượng tướng, Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Hoàng Minh Thảo... thực sự là những bộ cẩm nang hữu ích để các thế hệ sau này tiếp tục nghiên cứu, kế thừa, phát triển và vận dụng, bổ sung, hoàn thiện những bộ giáo trình phù hợp với từng giai đoạn.
Trong giai đoạn hiện nay, học viên sẽ được nghiên cứu những vấn đề cơ bản về phương pháp luận triết học Mác - Lênin; tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; nâng cao năng lực tư duy của người cán bộ chiến dịch, chiến lược trong thời kì mới; những vấn đề lí luận và thực tiễn cách mạng Việt Nam; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và quản lí nhà nước ở nước ta hiện nay; nâng cao nhận thức về đường lối, quan điểm của Đảng, Nhà nước về quốc phòng - an ninh; về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kì mới theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đồng thời, nghiên cứu về công tác đối ngoại quốc phòng; chiến lược quân sự, quốc phòng Việt Nam trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc; các vấn đề về nghệ thuật chiến dịch Việt Nam; công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam... Đây là những nội dung quan trọng và thiết thực giúp học viên nâng cao năng lực tư duy, dự báo chiến lược; nâng cao trình độ nhận thức, năng lực tham mưu và tổ chức thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh; nhận định đánh giá tình hình, giải quyết tốt những vấn đề lí luận và thực tiễn đặt ra trên từng lĩnh vực, nội dung cụ thể ở các cơ quan, đơn vị, địa phương. Trên cơ sở đó, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, bảo đảm cho đất nước luôn chủ động về chiến lược, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng, phát triển đất nước nhanh và bền vững trong thời kì đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; hội nhập và mở rộng quan hệ, hợp tác quốc tế.
Lớp đào tạo cán bộ chỉ huy cấp chiến dịch, chiến lược của Học viện Quốc phòng cho Quân đội nhân dân Lào - Ảnh: Duy Đạt
P.V: Điều nhiều độc giả quan tâm là trong những tháng năm diễn ra hai cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc và Tây Nam, công tác giảng dạy và hoạt động thực tế của Học viện thế nào?
Trung tướng Trần Việt Khoa: Học viện Quân sự cao cấp được quyết định thành lập vào ngày 21/2/1976, nghĩa là sau ngày đất nước thống nhất. Nhưng đến ngày 3/1/1977 mới tổ chức được khóa học đầu tiên. Thời gian học tập của các Khóa 1, Khóa 2, Khóa 3 đúng vào thời điểm Pol Pot xua quân xâm lấn biên giới Tây Nam, rồi chiến tranh biên giới phía Bắc. Trước tình hình đó, Học viện đã tăng cường lực lượng cho các mặt trận. Những cán bộ của Học viện và học viên đã tốt nghiệp được đưa ngay về các quân khu, quân đoàn chỉ huy đơn vị trực tiếp chiến đấu. “Vừa chiến đấu, vừa nghiên cứu, đúc rút kinh nghiệm từ thực tiễn” đã trở thành hoạt động xuyên suốt các khóa học trong hai cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc và biên giới Tây Nam.
P.V: Thế còn hiện nay...?
Trung tướng Trần Việt Khoa: Hiện nay, chế độ đi thực tế của Học viện vẫn được duy trì.
Theo chủ trương của Quân ủy Trung ương, Học viện đã thực hiện nghiêm chế độ điều động và luân chuyển cán bộ giảng viên về các đơn vị để nắm tình hình và tham gia hoạt động như một chỉ huy, lãnh đạo thực thụ. Sau thời gian từ 1 đến 3 năm, họ sẽ trở về Học viện tiếp tục giảng dạy. Đây là hoạt động vô cùng bổ ích, bởi sau thời gian công tác ở đơn vị, các cán bộ giảng viên sẽ thu hoạch được nhiều kinh nghiệm thực tiễn để bổ sung vào quá trình biên soạn tài liệu, biên soạn giáo trình phục vụ công tác giảng dạy. Nhưng như thế cũng không đủ được. Để có thêm thực tiễn, giảng viên của Học viện còn có những chế độ thực tế độc đáo. Ví như qua kênh tương tác với học viên. Trong quá trình giảng dạy, giảng viên sẽ nêu ra những vấn đề mà học viên đã trải qua để lớp cùng thảo luận, từ đó hiểu rõ, hiểu sâu hơn về đơn vị. Kênh thực tế này rất phong phú, bởi học viên nhiều thành phần, nhiều quân binh chủng, từ hải - lục - không quân, biên phòng, cảnh sát biển... cho tới cán bộ của các học viện, nhà trường, cán bộ lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp..., có khả năng cung cấp cho giảng viên nhiều kiến thức bổ ích. Hoặc các trang tin trên mạng internet cũng là một kênh thông tin quý giá để cán bộ giảng viên khai thác. Thời đại 4.0, ngoại trừ những thông tin thuộc độ mật cao, còn mọi thứ đều có trên mạng, giảng viên có thể tra cứu và nghiên cứu về lịch sử, truyền thống, kinh nghiệm, chiến lệ của các chiến dịch trong các cuộc chiến tranh...
Với học viên, lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh, thời gian ngắn, chỉ 35 ngày, nhưng học viên vẫn được đi thực tế từ 3 đến 5 ngày ở các tỉnh thành, các bộ ngành, các đơn vị quân đội, công an để khảo sát, trao đổi về mô hình phát triển kinh tế gắn với xây dựng tiềm lực quốc phòng, xây dựng khu vực phòng thủ... Tới đây, chương trình dành cho đối tượng này không chỉ dừng lại ở 19 chuyên đề, mà sẽ được nâng lên 25 chuyên đề, thời gian học tập sẽ được nâng lên từ 40 đến 45 ngày, vì thế chúng tôi đã đề nghị và được Ban Tổ chức Trung ương nhất trí, các học viên sẽ phải đi thực tế vào vùng sâu, vùng xa. Mục đích của hoạt động này nhằm giúp cho lớp cán bộ chiến dịch, chiến lược của Đảng, Nhà nước thấy được thực trạng công tác quân sự quốc phòng gắn với phát triển kinh tế ở những nơi đặc biệt khó khăn và cả những địa bàn nhạy cảm về phát triển kinh tế có các yếu tố đầu tư từ nước ngoài.
Với đối tượng đào tạo chỉ huy cấp chiến dịch - chiến lược, thời gian đào tạo một năm, chế độ đi thực tế là nghiên cứu địa hình, nghiên cứu về các loại hình tác chiến trên địa bàn từ cấp quân khu tới cấp chiến trường, thời gian trong một tuần. Đây là nội dung quan trọng, nếu học viên không hoàn thành sẽ không thể xây dựng được tình huống tưởng định, không thể tham gia diễn tập và không thể có luận văn sắc sảo bảo vệ cuối khóa. Ngoài ra, đối tượng này cũng đi nghiên cứu mô hình ở các địa phương, thậm chí là cả nước ngoài, chủ yếu là các nước có quan hệ quốc phòng với Việt Nam trong khối ASEAN, thời gian từ một tuần đến 10 ngày.
P.V: Qua quan sát của chúng tôi, những học viên đối tượng 1 do Trung ương quản lí sau khi tốt nghiệp Học viện Quốc phòng, trở về nắm những vị trí lãnh đạo chủ chốt ở địa phương đều có khả năng phản biện rất cao. Trong những năm gần đây, nhờ sự tham mưu của họ mà tình trạng xây dựng các công trình kinh tế không đảm bảo yếu tố quốc phòng an ninh đã không còn...
Trung tướng Trần Việt Khoa: Khi học xong ở đây, các đối tượng, đặc biệt là lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh đối tượng 1 đều có tư duy về phát triển kinh tế gắn với quốc phòng an ninh. Họ sẽ tham mưu cho lãnh đạo địa phương trong việc xây dựng những công trình lưỡng dụng phục vụ phát triển kinh tế thời bình, nhưng sẵn sàng chuyển đổi công năng phục vụ quốc phòng khi có chiến tranh xảy ra. Tại sao sau khi học xong ở đây anh em lại có tư duy đó? Là bởi xuất phát từ quan điểm xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh kết hợp phát triển kinh tế xã hội trong các nghị quyết qua các kì đại hội, Học viện đã xây dựng thành các chuyên đề nghiên cứu lớn. Trong quá trình đào tạo, đặc biệt là lớp bồi dưỡng đối tượng 1, học viên sẽ trao đổi các thông tin cùng các giảng viên, các nhà khoa học xung quanh mối liên quan giữa quốc phòng an ninh với các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, dân tộc, tôn giáo..., từ đó đối chiếu với nghị quyết của trung ương và địa phương. Nhờ đó, khi trở về nắm những trọng trách, họ có tư duy đúng trước mỗi đề xuất, mỗi quyết định. Có thể nói, những chuyên đề này của Học viện đã thẩm thấu sâu rộng vào đời sống xã hội thông qua các học viên đối tượng 1. Các đồng chí bộ trưởng, bí thư, chủ tịch tỉnh - thành phố... đều nhận thức rất rõ về vấn đề phát triển kinh tế gắn với quốc phòng an ninh.
P.V: Chúng tôi được biết Học viện Quốc phòng có hệ đào tạo Quốc tế. Học viên của hệ này có gì khác không, có đóng góp gì trong công tác đối ngoại quốc phòng?
Trung tướng Trần Việt Khoa: Ngoài hai nước có học viên học tập tại Học viện Quốc phòng là Vương quốc Campuchia và Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào là học viên quốc tế truyền thống, từ năm 2008 đến nay, cứ hai năm Học viện lại mở một lớp đào tạo quan chức quốc phòng cho các nước có quan hệ quốc phòng với Việt Nam. Mục đích là để bạn bè quốc tế hiểu được đường lối quốc phòng của Việt Nam, hiểu được lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, hiểu được tính chính nghĩa của Việt Nam qua các cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mĩ, chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc.
Ngoài đào tạo quốc tế, Học viện còn mở những cuộc hội thảo trao đổi học thuật và tình hình an ninh khu vực và thế giới với các học viện và trường đại học quốc phòng của các nước có quan hệ quốc phòng với Việt Nam. Qua các hoạt động này, Học viện đã có đóng góp quan trọng vào kênh đối ngoại quốc phòng của quân đội. Điển hình như Hội nghị quan chức quốc phòng cao cấp ASEAN mở rộng (ADSOM+) với sự tham gia của các nước ngoài ASEAN như Mĩ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand. Đây là hội nghị hai năm tổ chức một lần. Nội dung không gò bó trong vấn đề an ninh quốc phòng mỗi nước, mà mở rộng ra khu vực và thế giới. Ngoài mục tiêu ngăn chặn chiến tranh từ sớm, từ xa, hướng tới xây dựng một thế giới hòa bình, phát triển, các bên còn thảo luận về những vấn đề quan trọng khác. Ví như tại Hội nghị Hà Nội tháng 11/2020, các bên đã bàn thảo một nội dung rất cấp bách, đó là quân đội các nước ASEAN+ chung tay đối phó với đại dịch Covid-19.
P.V: Nghiên cứu Nghị quyết Đại hội XIII, chúng tôi nhận thấy mục tiêu nhất quán của Đảng ta là xây dựng một nền quốc phòng toàn dân vững mạnh. Và phần phương hướng Chiến lược bảo vệ Tổ quốc đã có những bổ sung. Với tư cách là Ủy viên Trung ương Đảng, đồng chí có thể cho biết công tác nghiên cứu khoa học của Học viện Quốc phòng đóng góp vào việc xây dựng Nghị quyết như thế nào?
Trung tướng Trần Việt Khoa: Nghiên cứu khoa học là một nhiệm vụ quan trọng của Học viện Quốc phòng. Các nhà khoa học, các giảng viên của Học viện không chỉ nghiên cứu những cuộc chiến tranh từ lịch sử xa xưa trong nước; mà còn luôn cập nhật những thông tin mới nhất, những biến động mới nhất về các cuộc chiến tranh nổ ra trên thế giới; không chỉ nghiên cứu các cuộc xung đột lớn giữa các nước, mà còn nghiên cứu những mâu thuẫn ngay trong mỗi quốc gia, đặc biệt là những điểm nóng ngay ở Việt Nam như cuộc tụ tập đông người ở Tây Nguyên năm 2001 và 2004, đòi thành lập Vương quốc Mông tự trị ở Mường Nhé, Điện Biên năm 2011, cuộc biểu tình phản đối Formosa năm 2016, cuộc biểu tình phản đối Luật đặc khu năm 2018... Từ những nghiên cứu này, các nhà khoa học sẽ đưa ra những dự báo chiến lược, những kiến nghị, đề xuất. Ví dụ như cuộc cách mạng công nghệ 4.0 có tác động thế nào đến công tác quốc phòng, quân sự. Rồi là những vấn đề an ninh phi truyền thống, chiến tranh phi quy ước, các cuộc “cách mạng màu” ở châu Âu, các cuộc biểu tình, bạo loạn dẫn tới lật đổ chế độ ở một số nước Trung Đông... Những nội dung này không chỉ được bổ sung vào giáo trình giảng dạy trong Học viện, mà còn là một kênh thông tin quan trọng để Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng nắm và tham mưu cho Đảng, Nhà nước những vấn đề quốc phòng an ninh; là tài liệu cho Tiểu ban Văn kiện tham khảo để soạn thảo nội dung quốc phòng - an ninh trong nghị quyết mỗi kì đại hội.
P.V: Qua cuộc trò chuyện này chúng tôi hiểu: nhiệm vụ của Học viện Quốc phòng là đào tạo ra những thế hệ cán bộ lãnh đạo ở tầm chiến dịch - chiến lược, không chỉ cho quân đội, mà cho cả hệ thống chính trị, phục vụ đắc lực nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân và đường lối chiến tranh nhân dân?
Trung tướng Trần Việt Khoa: Đúng vậy! Nhìn lại lịch sử, các cuộc chiến tranh mà cha ông ta phải tiến hành đều là chiến tranh tự vệ. Dù là nước nhỏ, nhưng bao giờ nước Việt cũng giành chiến thắng trước các thế lực ngoại bang có sức mạnh gấp nhiều lần. Đó là nhờ vào sức mạnh toàn dân. Có dân ủng hộ thì không sợ bất cứ kẻ thù nào. Chính vì thế mà Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, trước mối đe dọa từ đế quốc Nguyên - Mông đã tự tin nói một câu bất hủ: “Vua tôi đồng lòng, anh em hòa mục, cả nước gắng sức, giặc phải bị bắt!” Và sự thực quân dân nhà Trần đã ba lần đánh tan đạo quân xâm lược hùng mạnh bậc nhất thế giới thế kỉ XIII. Ý thức được vai trò to lớn của dân, nên Hồ Nguyên Trừng, trong cuộc bàn thảo phương cách chống giặc Minh đầu thế kỉ XV đã nói một câu thẳng thắn: “Thần không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo!” Và thực tế đã chứng minh, dù có thành cao hào sâu, binh bộ chặt chẽ, vũ khí đầy đủ, có cả súng “thần công”, nhưng do chính sách không được lòng dân, nhà Hồ đã nhanh chóng thất thủ.
Qua hai câu chuyện trên cho thấy, “dân” là thành tố quan trọng bậc nhất trong chiến tranh vệ quốc. Vì thế, trong chiến lược quân sự Việt Nam thời kì mới, Đảng ta tiếp tục nhất quán kiên định đường lối chiến tranh nhân dân, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, lấy lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt. Đây là sự kế thừa truyền thống, nghệ thuật quân sự của người xưa. Những bài học giữ nước của cha ông ta đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Dù chiến tranh có phát triển tới hình thái nào, kẻ địch có mạnh đến mấy, vũ khí có hiện đại đến đâu... cũng phải bất lực trước một nền quốc phòng toàn dân, một “thế trận lòng dân” vững chắc mà toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã dày công xây dựng.
Và Học viện Quốc phòng là ngôi trường có sứ mệnh chuyển tải thông điệp này tới học viên - những người sẽ nắm các vị trí chủ chốt trong nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
P.V: Vâng, thay mặt độc giả Văn nghệ Quân đội, xin cám ơn Trung tướng về cuộc trò chuyện cởi mở và thú vị này!
P.V
VNQD