Trên đỉnh Pò Hèn

Thứ Ba, 29/06/2021 00:50

. PHẠM HỌC

 

Ông Bùi Văn Thung, ông Hoàng Như Lý, ông Nguyễn Đức Tuấn - những chiến sĩ của Đồn Công an vũ trang 209 năm xưa đưa chúng tôi vào thăm Nhà bia liệt sĩ Pò Hèn. Đứng trước tấm bia đá khắc tên của 86 liệt sĩ gồm 58 cán bộ chiến sĩ Đồn Công an vũ trang 209 và 28 cán bộ công nhân của Nông Lâm trường Hải Sơn, nhân viên ngành Thương nghiệp, một cơn xúc động mãnh liệt dâng trào trong tôi. Vậy là tại đây hơn 40 năm trước đã có ba lực lượng cùng chiến đấu và đa phần hi sinh trong ngày 17/2/1979. Trong số đó, có hai người yêu nhau, đó là Bùi Anh Lượng, chiến sĩ Đồn Công an vũ trang 209 và Hoàng Thị Hồng Chiêm, mậu dịch viên của ngành Thương nghiệp Quảng Ninh. Câu chuyện về họ đã ám ảnh tôi, không chỉ trong thời gian ở Pò Hèn, mà tới tận khi về nhà tôi vẫn chưa thôi nghĩ về họ. Có một cái gì đó thôi thúc khiến tôi quyết định đi tìm thêm thông tin.

Trên trận địa Đồi Quế năm xưa

Tình yêu bên chiến hào

Đứng trước bàn thờ liệt sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm trong một căn nhà nhỏ tại phường Bình Ngọc, thành phố Móng Cái, không rõ là khói hương hay câu chuyện về chị làm tôi cay cay khóe mắt.

Cụ Vương Thị Lượng, thân mẫu của liệt sĩ Chiêm kể: Chiêm sinh năm 1954. Là cô gái trắng trẻo nhanh nhẹn, tháo vát, niềm nở, nói năng dễ nghe nên được mọi người rất yêu quý. Chiêm ngoan ngoãn nhất nhà, đảm nhất nhà. Là con thứ ba trong gia đình có 10 anh chị em nhưng Chiêm được coi là trụ cột của gia đình. Chiêm học khá, thường được phiếu “Cháu ngoan Bác Hồ”. Chiêm thích quàng khăn đỏ và thường được các bạn bầu làm cán bộ lớp, làm chỉ huy đội. Anh cả thì lấy vợ định cư ở Hòn Gai, chị gái đi dạy học vì thế Chiêm là người chăm lo cho gia đình từ việc lớn đến việc nhỏ, từ làm ăn công điểm đến việc học hành của các em, việc chữa bệnh cho mẹ...

Bà Hoàng Thị Liễm, chị gái của liệt sĩ Chiêm, vợ của Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng, hiện ở phường Hồng Hà, thành phố Hạ Long, bùi ngùi kể cho tôi nghe câu chuyện về em gái mình: “Chiêm có ngoại hình xinh đẹp, thời đó mà cao đến 1,63m. Chiêm rất ham đọc sách, hay đi thư viện và thích ghi nhật kí, thích nghe những câu chuyện mà bố tôi (cụ Hoàng Vĩnh Hảo từng là du kích tham gia đánh Pháp - P.H) kể. Chiêm còn thích đọc truyện. Cụ quản Tiến trong làng có một tủ sách, bố tôi vẫn mượn sách về đọc, dù bố tôi có cất kín đến đâu thì Chiêm vẫn tìm ra bằng được và đọc ngấu nghiến. Sau này, Chiêm vẫn giữ cái tính mê đọc sách như thế. Ở bộ đội chuyển ngành về chỉ mấy tháng Chiêm đã ngốn hết bao nhiêu sách. Vì đọc sách nhiều nên Chiêm viết thư rất hay. Có khi thấy tôi bận việc, Chiêm còn thay tôi viết thư động viên anh Hưởng yên tâm chiến đấu. Vừa học xong lớp 7 Chiêm nói với tụi em: Chúng bay ở nhà, chị đi Nam đánh Mĩ với anh Hưởng”.

Nói là làm, Hoàng Thị Hồng Chiêm khai tăng tuổi để được đi bộ đội, trở thành chiến sĩ của Trung đoàn 8, Quân khu 3. Với sức khỏe dẻo dai và tác phong nhanh nhẹn tháo vát, chị được giao nhiệm vụ làm cấp dưỡng phục vụ 200 người. Sau đó, chị chuyển từ đơn vị ở Yên Hưng vào Ba Chẽ tham gia làm đường. Những đêm giữa rừng chị thường kể cho đồng đội nghe câu chuyện về người chú ruột là Hoàng Vĩnh Tùy đã anh dũng hi sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Rồi chị theo đơn vị mới hành quân vào Nam tham gia cuộc kháng chiến chống Mĩ nhưng đến nửa đường thì bị ốm nặng phải ngược trở ra.

Năm 1975, Hoàng Thị Hồng Chiêm chuyển ngành về Hợp tác xã Mua bán huyện Móng Cái. Chị xung phong lên làm mậu dịch viên của cụm thương nghiệp Pò Hèn gần Đồn Pò Hèn heo hút. Chị thường xuyên xuống Móng Cái rồi vượt 30km đường rừng để chuyển hàng lên điểm cao biên giới. Thấy vậy bạn bè khuyên chị nên xin về gần nhà làm cho tiện, nhưng chị chỉ cười. Những tháng năm này chị rất yêu đời. Mọi người vẫn thường được nghe giọng hát của chị với những bài Những cánh chim tuổi trẻ, Xa khơi... Chị vô tư hồn nhiên như bông hoa đẹp in vào đồi núi đèo dốc đường rừng khiến nhiều chàng trai yêu thầm nhớ trộm.

Đầu năm 1977, Thượng sĩ Bùi Anh Lượng được chuyển ra công tác tại Trạm kiểm soát cửa khẩu của đồn thì quen Hoàng Thị Hồng Chiêm qua những buổi học hát, tập kịch, cổ vũ thi đấu bóng chuyền giữa hai đơn vị kết nghĩa. Trai tài gái sắc gặp nhau. Thượng sĩ Bùi Anh Lượng là cây đập chủ công của đội bóng chuyền Đồn Công an vũ trang 209. Còn Hoàng Thị Hồng Chiêm là chiến sĩ tự vệ xuất sắc, năm nào tổ chức hội thao cũng đoạt giải nhất bắn súng lực lượng tự vệ ngành Thương nghiệp. Trong các đêm liên hoan văn nghệ, anh chị đã song ca bài Trước ngày hội bắn, Cuộc đời vẫn đẹp sao... Anh mê giọng hát của chị, còn chị mê tài bóng chuyền của anh. Tình yêu đã đến với họ một cách tự nhiên như hương quế lan tỏa trên núi rừng Pò Hèn. Anh em chiến sĩ trên Đồn Công an vũ trang 209 cũng đã coi chị như một thành viên của đồn.

Bà Hoàng Thị Liễm nhớ lại: “Hồi đó tôi đang học Cao đẳng Sư phạm ở Uông Bí, một hôm Chiêm dẫn Lượng lên chỗ tôi chơi và giới thiệu rằng đây là chồng sắp cưới của em. Em rể của chị đấy. Tết này bọn em phải trực chiến. Bọn giặc đã kéo pháo về gần biên giới rồi. Tết này chưa chắc bọn em đã được ăn tết. Chuyện cưới xin phải để ra giêng... Nghe vậy, tôi mừng lắm, ra sức vun vén cho hai em. Thương gia đình người yêu khó khăn, mẹ già yếu, bố mất sớm, chị gái lại tàn tật nên Chiêm đã về xin phép gia đình sẽ tổ chức đám cưới đơn giản ở trên Pò Hèn. Dự định cưới xong cũng sẽ ở hẳn lại làm kinh tế mới. Chiêm thưa với cha mẹ rằng, ở Pò Hèn đất vừa rộng vừa tốt tha hồ vỡ vạc gieo trồng. Gia đình tôi đã âm thầm sắm sửa mọi thứ chỉ chờ ngày tổ chức đám cưới cho hai đứa... Nhưng như có điềm báo - giọng bà Liễm bỗng nghẹn lại - Chiêm nhờ tôi thêu cho đôi gối cưới nhưng nhất định bắt thêu chỉ trắng, không được thêu chỉ đỏ chỉ hồng. Tôi đã thêu theo yêu cầu của Chiêm, nhưng mãi chưa xong. Ngày 17/2/1979, nghe tin giặc đánh vào Pò Hèn, tôi không thể nào đi nổi một đường kim vào đôi gối ấy nữa”.

Tôi đã tìm về phường Cao Xanh, thành phố Hạ Long để gặp ông Bùi Văn Huy, anh trai của liệt sĩ Bùi Anh Lượng. Ông Huy rưng rưng kể: “Chú Lượng cao hơn tôi, trắng trẻo đẹp trai lắm nên có nhiều cô gái thích. Lượng và Chiêm yêu nhau hơn một năm. Vào dịp Tết Nguyên đán Kỉ Mùi 1979, Lượng dẫn Chiêm về quê ăn tết. Nhà tôi neo người chỉ có hai anh em trai, hai chị em gái đã lấy chồng xa. Bố tôi đã mất sớm. Lượng muốn động viên mẹ nên dẫn người yêu về và lên kế hoạch tới đây sẽ làm lễ ăn hỏi, lễ cưới. Mẹ tôi mừng lắm và đang chuẩn bị sắm sửa trầu cau, háo hức đợi chờ. Có ai ngờ em tôi trở lại đơn vị thì giặc xâm lược biên giới. Và em tôi không bao giờ về nữa”...

Ông Huy dừng lời hồi lâu. Chợt ông ngước lên bàn thờ nơi có di ảnh hai liệt sĩ bảo: “Biết tin em tôi hi sinh mẹ tôi đau ốm rồi qua đời ngay trong năm đó. Bà cụ không kịp có con dâu”.

Về trường hợp hi sinh của Bùi Anh Lượng và Hoàng Thị Hồng Chiêm, ông Nguyễn Đức Tuấn hiện ở phường Trần Hưng Đạo, thành phố Hạ Long, từng là trinh sát Đồn Pò Hèn, đã kể cho tôi nghe trên đường lên thăm Pò Hèn: “Chiều 16/2, chị Chiêm đã nhận lệnh của cửa hàng trưởng tên là Vượng lên dọn dẹp một số hàng ở kho. Nhân tiện, chị cũng qua đồn thăm và cổ vũ cho anh Lượng đánh bóng chuyền buổi chiều. Chiến sự nổ ra, chị thấy bọn giặc ùa lên như sóng biển. Chị đã nhận ngay một khẩu CKC và hai quả lựu đạn, xông ra chiến hào. Chị Chiêm đã chặn giặc cạnh chúng tôi mấy tiếng đồng hồ. Đến lúc tôi bị thương, máu ra nhiều, không còn bông để băng, chị Chiêm đã xé áo của tôi để lấy vải băng lại. Rồi chị nhanh chóng lao lên ném lựu đạn, bắn yểm trợ đồng đội. Rồi một mình chị chạy về chốt chiến đấu của đồn. Thấy vậy, Đồn phó Đỗ Sỹ Họa vui mừng: Cô Chiêm! Cô lên thật đúng lúc, Lượng đang nhắc cô bên kia. Đêm đó, anh Lượng trực chiến trên chốt. Vì thế đôi tình nhân Chiêm - Lượng đã cùng Chủ tịch xã Pò Hèn Cao Lê Thắng, Cửa hàng trưởng Vương, Y sĩ Định và nhiều đồng đội khác đã sát cánh bên nhau chiến đấu trong một chiến hào.”

Phụ họa lời kể của ông Tuấn, ông Hoàng Như Lý, từng là trinh sát Đồn Pò Hèn, hiện sinh sống và nuôi tôm tại thành phố Móng Cái nhớ lại: “Ban đầu chúng tôi khuyên chị Chiêm lui về tuyến sau nhưng chị kiên quyết xin Đồn phó Đỗ Sỹ Họa cho ở lại. Chị đã lao vào băng bó cho thương binh, tiếp đạn cho bộ đội và trực tiếp chiến đấu. Thế rồi chị Chiêm bị thương vào tay trái, máu nhuộm đỏ cánh áo. Chiến sĩ Khổng Văn Dũng luồn đường hào đến bên định băng vết thương và bảo chị vào hầm nằm nghỉ thì chị gạt đi: Băng bó cho những anh em khác đang bị thương trước đi. Tôi còn một tay vẫn bắn được. Nói rồi chị lại tì súng lên chiến hào bắn tiếp. Một lúc sau, súng hết đạn, chị được Hạ sĩ Nguyễn Bá Chuyên phụ trách tiểu đội bảo vệ cổng chính trao cho khẩu K54 Đồn phó Đỗ Sỹ Họa vẫn dùng. Chị trở lại vị trí chiến đấu. Lần này, một loạt đạn trung liên quét tới làm chị bị thương rất nặng ở cột sống. Kẻ thù bắt được chị, trói tay bằng dây điện, trói chân bằng dây thừng rồi dùng báng súng đánh chị cho đến chết.”

 

Đám cưới của những linh hồn

Trong tâm thức của các thân nhân và những người lính đã chiến đấu ở Pò Hèn thì Lượng và Chiêm không bao giờ chết cả. Bởi vậy, nhiều năm sau, đám cưới của hai người vẫn được tổ chức.

Ông Bùi Văn Huy ngậm ngùi kể: “Tháng 8/2017, hai bên gia đình chúng tôi gặp lại nhau. Chúng tôi đã tổ chức ra Móng Cái rước dâu về Hạ Long. Đám cưới đơn sơ, người chứng kiến là họ hàng hai bên và đồng đội cũ của chú Lượng. Riêng nhà trai có hai vợ chồng tôi và một cô em gái. Đám cưới cũng có đủ trầu cau nhưng chỉ thiếu cô dâu, chú rể. Gia đình tôi đem lễ và ảnh của Lượng từ Hạ Long ra Móng Cái. Xin dâu xong, nhà trai gửi lại nhà gái ảnh của liệt sĩ Lượng như thể trao rể và rước ảnh chân dung của liệt sĩ Chiêm về Hạ Long. Từ sau đám cưới đặc biệt này trên bàn thờ nhà tôi có thêm di ảnh liệt sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm. - Ông Huy nuối tiếc - Giá như đừng có chiến tranh thì các em tôi đã rất hạnh phúc bên nhau. Nhưng thôi... giờ thì chắc linh hồn mẹ tôi và các em tôi đã được an ủi”.

Ông Huy cho tôi biết thêm, tên em dâu ông, người nữ mậu dịch viên Hoàng Thị Hồng Chiêm đã từng được đặt cho một trường học ở quê hương chị, cho một con đường ở thành phố Hạ Long. Chị cũng được các nhạc sĩ: Phạm Tuyên, Dân Huyền, Thế Song, Trần Minh đưa vào các ca khúc của mình. Nhà điêu khắc Lý Xuân Trường sinh thời cũng đã làm một tượng đài về chị trên quê hương Móng Cái. Ngay năm 1979, Trung ương Đoàn cũng đã truy tặng liệt sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm Huy chương Tuổi trẻ anh hùng bảo vệ Tổ quốc, ghi tên chị vào trang sử truyền thống của Đoàn.

Nói về chuyện này, ông Hoàng Như Lý khẳng định: “Lượng và Chiêm yêu nhau tha thiết. Tình yêu của họ gắn bó mật thiết với tình yêu quê hương đất nước. Do vậy dù họ không còn nữa nhưng hình ảnh của họ, tình yêu của họ vẫn trường tồn cùng mảnh đất biên cương này.”

Tôi tin vào điều ông Lý nói, như tin vào màu xanh của rừng quế, màu mây trắng trên đỉnh Pò Hèn kia. Mây vẫn quần tụ bên nhau. Và có thể ở một cõi xa xăm nào đó, anh chị cũng đang sát cánh bên nhau như hơn 40 năm trước ở Pò Hèn.

Chuyện kể về những người anh hùng

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc tại Đồn Pò Hèn đã xuất hiện nhiều tấm gương dũng cảm chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, tiêu biểu là Đồn phó Đỗ Sỹ Họa.

Trung úy Đỗ Sỹ Họa sinh năm 1947, quê ở thôn Trà Phương, xã Hồng Vân, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Trước đó, Trung úy Họa từng tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, lập công xuất sắc, được thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba. Dù bị thương, sức khỏe giảm sút song vẫn tình nguyện về biên giới Quảng Ninh nhận nhiệm vụ, được giao chức Đồn phó phụ trách quân sự Đồn Công an Vũ trang 209 (nay là Đồn Biên phòng Pò Hèn).

Dự cảm được tình hình, chiều ngày 15/2/1979, Đồn phó Đỗ Sỹ Họa đã cùng với Chính trị viên Phạm Xuân Tảo kiểm tra công sự, hệ thống bố phòng, sẵn sàng chiến đấu. Khi quân địch bất ngờ tràn qua biên giới thì Đồn trưởng Vũ Ngọc Mai đi công tác, Đồn phó quân sự Đỗ Sỹ Họa trực tiếp chỉ huy chiến đấu. Chốt Đồi Tây gồm 5 cán bộ, chiến sĩ, giáp bờ sông biên giới bị địch bao vây, các chiến sĩ hi sinh hết. Chốt Đồi Quế là một điểm được trang bị hỏa lực mạnh, gồm 9 cán bộ, chiến sĩ, 1 đồng chí đi công tác, còn lại 8 người, đã chiến đấu trên từng mét chiến hào, giữ từng mét đất. Nhưng vì lực lượng quá chênh lệch, Đồi Quế bị địch chiếm giữ. Quyết giành lại, Đồn phó Đỗ Sỹ Họa đã tổ chức lực lượng phản công, chiếm lại được Đồi Quế. Địch lùi ra gọi pháo bắn dữ dội vào Đồi Quế, kêu gọi các chiến sĩ ta đầu hàng. Đồn phó Đỗ Sỹ Họa thét lên: “Người Việt Nam chúng tao không biết quỳ gối đầu hàng quân xâm lược!”

Ông Hoàng Như Lý nhớ lại: “Anh Họa đã đi tới từng ụ súng, động viên chiến sĩ quyết tâm chiến đấu bảo vệ đồn. Nhìn người chỉ huy mặt bê bết máu, ánh mắt rực lửa chúng tôi vô cùng xúc động, tin tưởng. Noi gương người chỉ huy, cả đơn vị ngoan cường chiến đấu, tiêu diệt 227 tên địch, giữ vững trận địa. Đến lần thứ ba bị thương, anh Họa mất máu nhiều và hi sinh ngay trên chiến hào. Chị Chiêm rưng rưng nước mắt vuốt mắt cho Đồn phó Họa, đặt hai tay anh lên ngực, đắp lên người anh một tấm chăn.”

Ngừng giây lát lau nước mắt, ông Lý kể tiếp: “Trước khi nhắm mắt anh Họa dặn chúng tôi phải chiến đấu để giữ vững trận địa. Đến tận bây giờ, hơn 40 năm rồi hình ảnh ấy vẫn còn mãi trong tâm trí tôi.”

Ngày 10/3/1979, liệt sĩ Đỗ Sỹ Họa được truy phong từ quân hàm trung úy lên thượng úy và được truy tặng Huân chương Quân công hạng Nhì. Ngày 19/12/1979, Thượng úy Đỗ Sỹ Họa được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.

Chị Đỗ Lan Huệ hiện ở khu 5, phường Cẩm Thạch (Cẩm Phả) kể cho tôi nghe một câu chuyện xúc động. Sinh thời vợ chồng Đồn phó Đỗ Sỹ Họa muộn con. Trước cuộc chiến Đỗ Sỹ Họa được em gái nhắn nhủ rằng, năm nay nếu em sinh con thì sẽ cho anh nhận một cháu để nuôi. Khi Đỗ Sỹ Họa hi sinh cũng là năm chị Huệ ra đời. Chị chưa hề biết mặt cha nuôi - bác ruột của mình nhưng luôn tự hào về cha và coi đó là động lực phấn đấu. Chị bảo: “Mình không chỉ là con liệt sĩ Họa mà còn là con của tất cả các liệt sĩ hi sinh cùng ngày với bác mình hơn 40 năm về trước. Họ đều là những anh hùng!”

 

Gương mặt của người anh hùng

Ở Pò Hèn còn có một mối tình xúc động khác là của Hạ sĩ Vũ Trọng Hiên với cô thanh niên xung phong Nguyễn Thị Thê quê ở huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng. Ra Pò Hèn lúc đó, hành trang mà Thê mang theo là những điệu hát chèo lúng liếng. Giọng hát chèo của cô đã làm cho nhiều chiến sĩ biên phòng mê mẩn, theo đuổi, trong đó có Hạ sĩ Vũ Trọng Hiên.

Tình yêu của họ đã được đồng đội vun đắp, che chở trong hoàn cảnh tình hình biên giới đang rất căng thẳng. Hai người đã báo cáo đơn vị. Hai đơn vị đồng ý cho phép hai người về quê để xin phép gia đình bàn chuyện cưới xin. Nhưng rồi đám cưới đành gác lại…

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới tại Pò Hèn, Thê cùng nhiều thanh niên xung phong của lâm trường trực tiếp tiếp đạn cho chồng cùng đồng đội đánh trả quân xâm lược. Sau trận đánh, Thê cùng 77 thanh niên xung phong khác và một số cán bộ, chiến sĩ bị quân địch bắt. Tám ngày sau thì hai bên trao đổi tù binh, Thê được trả về Pò Hèn.

Lúc này Thê mới biết chồng chưa cưới của mình đã hi sinh. Đau đớn rụng rời, Thê đã tưởng không thể sống nổi. Còn may là khi ấy Thê đã mang thai được hai tháng. Vì giọt máu thiêng liêng của liệt sĩ để lại đang tượng hình trong cơ thể mình, Thê như được tiếp thêm nghị lực sống.

Hơn bảy tháng sau, ngày 28/9/1979, cậu con trai của người lính biên phòng với cô thanh niên xung phong chào đời. Thê đặt tên con là Vũ Trọng Hùng, ghi quê quán của con là xã Phong Cốc, huyện Yên Hưng (nay là TX Quảng Yên) theo họ tên và quê quán của liệt sĩ Vũ Trọng Hiên. Thê ở vậy nuôi con và xin về lâm trường Hoành Bồ công tác để gần gia đình hơn và có lẽ cũng là để trốn chạy một miền kí ức đau thương thời son trẻ.

Sau này Đồn Pò Hèn và đồng đội của liệt sĩ Hiên đã xác nhận cho mẹ con Thê hưởng chế độ gia đình liệt sĩ. Gia đình liệt sĩ Hiên cũng tìm đến nhận, đón cháu Hùng về nuôi nấng cho đi học. Hiện nay, sau khi tốt nghiệp Trung cấp Cơ điện ở Uông Bí, Hùng xin vào làm công nhân kĩ thuật điện ở một công ti gần nhà. Vợ chồng anh phụng dưỡng mẹ khi bà Thê đã vào tuổi xế chiều. Những đứa con anh đều ngoan ngoãn chăm học. Dù bà Thê không nói ra nhưng nhìn vào ánh mặt nụ cười của bà tôi đoán rằng với bà, như thế là hạnh phúc.

Còn anh Hùng từ chỗ chưa biết mặt bố mà bây giờ có rất nhiều bố. Tất cả đồng đội của liệt sĩ Hiên đều coi Hùng như con. Và anh đều gọi họ là “bố” một cách rất kính trọng. Ông Lý và các đồng đội đã tìm thấy trên gương mặt người đàn ông 41 tuổi này nét gần gũi thân thương của hạ sĩ Hiên, người đã cùng các ông chiến đấu, chia ngọt sẻ bùi ở biên giới năm xưa. Với họ, liệt sĩ Hiên đã hi sinh nhưng hình ảnh người đồng đội này còn mãi hiển hiện qua ánh mắt nụ cười của Hùng.

*

*        *

Để có bài viết này, tôi đã gặp cựu chiến binh Hoàng Như Lý nhiều lần. Bởi ông là một trong những nhân chứng sống trong trận chiến đấu giữ Pò Hèn 42 năm trước. Ông đã tận mắt chứng kiến hình ảnh đồng đội ngoan cường chiến đấu và anh dũng hi sinh. Ông cũng chính là người bị thương, ngất đi và trở thành tù binh. Sau bốn tháng bị địch giam cầm, ông được trao đổi. Là người may mắn ít ỏi còn sống trở về nên ông luôn tự hào và biết ơn đồng đội. Ông đã nhiều lần vận động tu bổ, trồng thêm cây, thêm hoa, che bớt sương muối và gió lạnh cho Đài Liệt sĩ Pò Hèn. Ông lên chiến hào năm xưa vạch từng lùm cây bụi cỏ đánh dấu nơi đồng đội hi sinh, đặt bia tưởng niệm... Ông và những người lính đã từng chiến đấu ở đây đều coi khu tưởng niệm là phần quan trọng nhất của đơn vị. Dù đã có tuổi, hay ốm đau nhưng mùng một hàng tháng ông vẫn cố sức lên Pò Hèn thắp hương. Cuối năm, ông lại làm mâm cơm mời đồng đội về ăn tết cùng.

Sau những chuyến đi theo các cựu chiến binh Đồn Công an vũ trang 209 thăm lại chiến trường xưa, tôi đã sáng ra nhiều điều. Đất nước đang bước vào thời kì hội nhập, cuộc sống đang hối hả, nhiều người đang hồ hởi với những mối giao thương quốc tế, với những dự định cho tương lai; nhưng với những người lính đã kinh qua những ngày chiến đấu bảo vệ Tổ quốc thì luôn đau đáu về quá khứ. Cuộc sống dù thay đổi đến đâu cũng không làm họ mất đi những hoài niệm thiêng liêng. Tại Phòng Truyền thống của Đồn biên phòng Pò Hèn, tôi đã rất ấn tượng với một tấm ảnh chụp chung cán bộ chiến sĩ của đồn trước khi giặc tấn công. Tấm ảnh đã ố mèm, nhiều người trong ảnh đã anh dũng hi sinh. Nhưng qua những câu chuyện của những nhân chứng thì tôi hiểu, không ai trong tấm hình này và không điều gì ở mảnh đất Pò Hèn này bị lãng quên cả.

P.H

VNQD
Thống kê