Tận tâm, trách nhiệm với nghề, những năm qua, các cán bộ làm công tác sưu tầm của Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Quân khu 5 và Bảo tàng Khu 5 đã tìm kiếm, sưu tầm được hàng trăm tư liệu, tài liệu, hiện vật có giá trị lịch sử quan trọng, góp phần đáp ứng tốt hơn nhu cầu tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu, học tập của đông đảo du khách cả trong và ngoài nước mỗi khi đến với Bảo tàng.
Hơn 15 năm gắn bó với nghề, Thiếu tá Phạm Hải - Trợ lí sưu tầm không thể nhớ hết mình đã trực tiếp tham gia tìm kiếm, xác minh, sưu tầm được bao nhiêu hiện vật, kỉ vật kháng chiến và các mô hình, văn bản SSCĐ liên quan đến LLVT Quân khu 5. Chỉ biết rằng qua thời gian, những cuốn sổ ghi chép của anh cứ mỗi ngày lại dày thêm, dày thêm mãi. Chia sẻ về công việc của mình, anh Hải cho biết: “Sau 46 năm giải phóng, các cựu chiến binh, các nhân chứng sống trực tiếp tham gia chiến đấu ngày càng già yếu, do đó chúng tôi luôn phải chạy đua với thời gian để tiếp cận, tìm gặp các nhân vật, lắng nghe và ghi chép những câu chuyện liên quan đến những trận đánh, chiến công của các cô, các bác ngày xưa, đồng thời thuyết phục họ tặng lại cho Bảo tàng các tư liệu, hiện vật có giá trị, ý nghĩa lịch sử.
Nhân viên Bảo tàng Quân khu 5 đang lau chùi, bảo quản các hiện vật.
Với những người lính bước ra từ khói lửa chiến tranh, mỗi bức thư tình, mỗi tấm vải dù, mỗi trang tài liệu năm xưa đều chất chứa những kỉ niệm sâu sắc về một thời hoa lửa hào hùng, nơi họ và đồng đội từng "nếm mật, nằm gai", vào sinh ra tử, cống hiến tuổi xuân, xương máu. Cách đây vài năm, tôi kết nối được với gia đình một chiến sĩ biệt động thành Đà Nẵng. Gia tài sau khi ông mất chỉ còn lại chiếc xe máy cũ, là phương tiện từng theo ông tham gia những trận đánh lớn và lập rất nhiều chiến công trước ngày giải phóng. Tuy đã có nhà sưu tầm tư nhân đề nghị mua lại chiếc xe với một số tiền rất lớn, song khi tôi vận động, thuyết phục, gia đình đã đồng ý hiến tặng vô điều kiện cho Bảo tàng”.
Trung úy Nguyễn Thanh Tuấn - Trợ lí sưu tầm chia sẻ: “Hiện nay, ngoài các bảo tàng Nhà nước, còn có rất nhiều bảo tàng tư nhân, cá nhân có nguồn lực tài chính lớn, đang đẩy mạnh công tác tìm kiếm, sưu tầm hiện vật, kỉ vật kháng chiến trên địa bàn Quân khu 5, điều đó đã tạo nên “cuộc chạy đua” âm thầm mà quyết liệt cho những người làm công tác sưu tầm hiện vật. Cùng một hiện vật, chuyện có 3 - 4 đầu mối đơn vị đến liên hệ tìm hiểu, xin tiếp nhận diễn ra như cơm bữa. Nếu không đam mê, tâm huyết và có “duyên”, rất dễ phải ra về tay trắng. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc, ngoài việc nghiên cứu tư liệu, tài liệu, sách báo, tìm gặp các nhân chứng lịch sử, thời gian qua, chúng tôi tích cực kết nối với các hội cựu chiến binh, các ban liên lạc truyền thống và các đồng chí là cán bộ, sĩ quan, tướng lĩnh, chỉ huy trong những năm kháng chiến để tìm kiếm nguồn thông tin”.
Làm công tác sưu tầm hiện vật cần phải có sự say mê và tâm huyết.
Kể về chiếc bàn nhôm, hiện vật đặc biệt mà mình sưu tầm được khi mới về Bảo tàng, Trung úy Nguyễn Thanh Tuấn chia sẻ: “Cuối năm 2017, qua sách báo tôi được biết trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có một cựu chiến binh từng công tác, chiến đấu tại Trường Sa nên đã báo cáo, xin phép chỉ huy cơ quan lên Tây Nguyên tìm gặp chú. Nhà chú ở vùng sâu, giao thông đi lại rất khó khăn, mỗi lần đi là một lần khó khăn, vất vả. Vậy mà oái oăm thay, cả ba lần tôi tìm đến, chú đều đi rẫy vắng. Lần thứ tư, bí quá, tôi nhờ người thân của chú chỉ đường, rồi một mình cắt rừng, đi bộ gần 30 cây số để tìm chú. Thấy tôi quá tâm huyết, nhiệt tình, khi chia tay, chú đã tặng tôi một chiếc bàn nhôm, kỉ vật thiêng liêng mà chú tìm được trên tàu HQ-505 sau trận hải chiến Trường Sa ngày 14/3/1988”.
Những ngày này, đến thăm Bảo tàng Khu 5, nhiều du khách rất ngạc nhiên, thích thú khi tiếp xúc với các hiện vật hoàn toàn mới ở căn phòng số 12. Đó chính là chiếc mặt nạ phòng độc, bộ khí tài phòng da mà cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Phòng hoá 78 (Bộ Tham mưu) đã sử dụng trong quá trình cơ động phun khử khuẩn, ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19 ở Đà Nẵng, Quảng Nam giữa năm 2020; đôi ủng cao su, chiếc xẻng gỗ, bộ quân phục dã chiến lấm lem bùn đất của các cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 270 đã sử khi tham gia cứu hộ cứu nạn, tìm kiếm các nạn nhân mất tích sau vụ sạt lở đất kinh hoàng tại Trà Leng, Nam Trà My, Quảng Nam cuối năm 2020... đã để lại ấn tượng, dư âm sâu sắc đối với người xem.
Thêm một hiện vật được trưng bày, các cán bộ sưu tầm như càng có thêm động lực để hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ của mình. Bằng những việc làm thầm lặng, các anh như những chú ong thợ cần mẫn và bền bỉ, ngày đêm góp mật xây đời.
Hùng Hà
VNQD