Pakistan có nhiều hồ nước đẹp, như hồ Borith nằm ở độ cao 2.600 mét so với mực nước biển, hay như hồ sông băng Passu giữa núi non trùng điệp… nhưng hồ Attabad với tuổi đời rất trẻ, chỉ mươi năm nay lại là hồ độc đáo hơn cả, bởi nó được hình thành từ một thảm họa. (Ảnh trên là hồ Attabad chụp từ vệ tinh)
Trận động đất kinh hoàng xảy ra vào tháng 10 năm 2010 tại thung lũng Hunza đã khiến đất đá từ trên núi ập xuống và chôn vùi ngôi làng Attabad, thuộc vùng Gilgit Baltistan, cách thủ đô Islamabad của Pakistan khoảng 760 kilomet. Trận lở đất khiến khoảng 6000 người phải di tản. Khi đó Pakistan đã phải huy động quân đội sơ tán người dân địa phương, tạm thời chuyển họ tới một thung lũng khác trong điều kiện đường cao tốc duy nhất bị ngập, các phương tiện và hàng hóa phải di chuyển trên mặt nước bằng thuyền gỗ.
Hồ Attabad hình thành giữa các khe núi. Ảnh: Lukas Bischoff
Trận động đất cũng đã làm đất đá đổ vào khu vực thoát nước của sông Hunza và nhanh chóng lấp đầy một vùng, tạo ra hồ nước mới trùm lấp lên ngôi làng bị chôn vùi. Nước nhanh chóng dâng cao, khoảng 5 tháng sau thảm họa, con hồ này hồ đã mở rộng dài đến 21 kilomet và sâu hơn 100 mét. Người ta gọi nó với cái tên hồ Attabad, vốn là tên ngôi làng bị chôn vùi ở đó. Nằm nép mình giữa những dãy núi Karakoram hùng vĩ ở miền bắc Pakistan, hồ Attabad hiện là hồ lớn nhất ở vùng Gilgit-Baltistan. Hồ chạy dọc theo thung lũng, hẹp như một con rắn lớn màu xanh lam, làm tăng thêm vẻ đẹp ngoạn mục của thung lũng Gilgit và Hunza.
Cảnh đẹp hồ Attabad. Ảnh: Withawas Siri/Shutterstock
Đến nay, hơn mười năm sau thảm họa, nơi đây trở thành một điểm thu hút lượng lớn khách du lịch. Khách sạn và nhà nghỉ đã mọc lên xung quanh hồ cùng với nhiều hoạt động giải trí khác nhau như chèo thuyền, mô tô nước và câu cá.
Nhưng đối với những người dân từng sống ở đây, họ vẫn không thể quên kí ức kinh hoàng về trận động đất đã làm 4 ngôi làng đã bị nhấn chìm, trong đó có có Attabad. Những vườn táo với nhiều cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi, các di tích Phật giáo, nhà thờ Hồi giáo, đền thờ, nhà gỗ với cột chạm khắc công phu tinh xảo giờ đây đều nằm sâu dưới lòng hồ. Bởi thế, hồ Attabad còn được gọi với cái tên “hồ thảm họa”, dù nó rất đẹp.
HẢI LONG tổng hợp
VNQD