Những năm gần đây lượng du khách đến Phú Quốc ngày càng đông và trào lưu tìm kiếm những bức ảnh sống ảo "độc-đẹp-lạ” khiến du khách đổ về mũi Chuồng Vích, khu vực làng chài Rạch Vẹm, tạo dáng chụp hình cùng sao biển rất nhiều. Những bức ảnh long lanh chụp cùng sao biển sau chuyến đi đã khiến dân mạng trầm trồ.
Tuy nhiên, gần đây, chính các du khách và cộng đồng mạng cũng lên án hành vi chụp ảnh với sao biển gây nguy hại đến chúng. Việc bắt sao biển lên bờ để chụp ảnh một cách thiếu ý thức và thiếu hiểu biết, cách li chúng khỏi môi trường nước sẽ dẫn đến việc sao biển bị chết. Sao biển chỉ có thể thở dưới nước bằng đường thở là những lỗ nhú và đường ống khắp nằm khắp cơ thể. Chúng chỉ có khả năng dừng thở trong vòng 10 giây. Bởi vậy, những hành động gom sao biển xếp hình trên bãi cát chụp ảnh và các hoạt động tạo dáng với sao biển của một số du khách tới Phú Quốc vừa qua đã bị cộng đồng mạng chỉ trích.
Sao biển ở bãi biển Chuồng Vích, Rạch Vẹm xuất hiện nhiều nhất từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Những ngày trời nóng và nước trong, chúng dạt nhiều vào gần bờ. Vì vậy du khách có thể chụp ảnh dưới nước nhưng không nên cầm chúng lên. Vì rất có thể mạng sống của chúng sẽ bị đe doạ chỉ sau một bức ảnh tự sướng như trên, khi sao biển bị cách li khỏi môi trường nước. Ngoài ra, mắt của sao biển nằm ở vị trí đầu mỗi chi, nên nếu bắt chúng lên mà cầm dính bộ phận này thì sao biển sẽ bị thương tổn.
Sao biển thuộc họ da gai, chúng có khoảng 2 nghìn loại, phân bố ở khắp các đại dương trên thế giới ở các độ sâu khác nhau. Hầu hết chúng đều có hình dạng hình ngôi sao 5 cánh đối xứng với một điểm trung tâm nằm ở giữa.
Theo các nhà khoa học biển, mỗi loại sinh vật đều có đóng góp cho hệ sinh thái chung, đặc biệt tạo nên tính liên tục trong chuỗi thức ăn mà một khi chuỗi thức ăn này bị phá hủy sẽ gây tác động không ít đến cả một hệ sinh thái. Sao biển là loài chủ chốt (keystone species) trong hệ sinh thái. Thức ăn chủ yếu của chúng là xác thối, động vật thân mềm, cá nhỏ, tảo hoặc mùn bã hữu cơ. Sự xuất hiện của sao biển đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình luân chuyển hữu cơ, vận hành hệ sinh thái mà chúng tồn tại. Vì vậy, việc thiếu vắng hoặc suy thoái của sao biển có thể dẫn đến sụp đổ cả hệ sinh thái dưới biển.
Phương Linh tổng hợp
VNQD