Nhanh quá nhỉ? Vậy là tháng ba lại ùa về với những cơn mưa nối tiếp ngày đêm nhưng những giọt buồn rớt xuống. Tia nắng xuân ấm áp lẩn trốn đâu mất rồi để vòm trời hôm nay trở lên âm u, ảm đạm. Kìa! trước mắt tôi là ngôi trường thân quen đã hơn chục năm tôi gắn bó. Cánh cổng trường khép lại giữa khoảng không gian im ắng lạ thường. Vài cơn gió xuân không đủ sức để làm sân trường rộn rã. Ai gửi vào gió mang đến nơi đây bao vấn vương, thương nhớ, nỗi niềm của cô trò mong chờ ngày gặp lại.
Ảnh minh họa.
Ngôi trường này tôi đã gắn bó nhiều năm, được xây dựng trên miền quê lúa yên bình. Kể từ khi dịch bệnh Covid 19 trở lại hoành hành trên mảnh đất Hải Dương cũng là lúc cuộc sống nơi đây không ít thay đổi. Học trò không thể tới lớp, cô giáo dở dang chuyến đò giữa dòng sông tri thức. Trang sách khép lại với những bài học chờ khám phá. Sân trường nơi rộn ràng tiếng nói cười của đàn con trẻ nay bỗng lặng thinh, chỉ còn tiếng thở dài của bác si già trong nỗi buồn cô đơn, trống trải. Những chiếc lá rơi ngả rơi nghiêng lạo xạo ngoài sân nay chẳng còn ai nhặt lấy để ép trong trang lưu bút như hôm nào. Bác trống trường buồn tênh thèm lắm được đánh nhịp cắc tùng trong mỗi giờ tập thể dục. Bồn hoa trường vẫn tốt tươi khoe sắc tỏa hương nhưng chẳng giấu nổi nỗi buồn khi chẳng có ai ngắm nghía hàng ngày.
Thế rồi khi dịch bệnh lan tràn, ngày càng xuất hiện nhiều ca bệnh, trường tôi biến thành khu cách li. Bàn ghế học trò xếp lại thành những chiếc giường nhỏ. Chú ếch, chú chim, cái quạt, con tôm đáng yêu trò gấp được trưng bày trong tủ trở thành đồ chơi của em bé đi cách li cùng mẹ. Hành lang nơi học trò vẫn đứng ríu rít trò chuyện cùng nhau nay trở thành nơi phơi quần áo người lớn trẻ con, quần tã đủ cả. Tiếng cười của cô cậu học trò đâu mất chỉ còn tiếng khóc của trẻ em quấy hờn mẹ, tiếng gọi điện cho chồng, bố mẹ của công nhân cách li nghe chất chứa nỗi niềm. Sân trường lại trở lên rộn rã, nhưng là một sự rộn rã khác biệt. Bác trống trường được gõ những nhịp cắc tùng quen thuộc cho chị em tập thể dục hàng ngày để có sức khỏe đánh bại con Covid. Thấp thoáng đâu đây là màu áo blouse trắng của những con người thầm lặng hi hi sinh hạnh phúc riêng xung phong vào đây để chăm sóc, hỗ trợ người không may mắn bị cách li vì dịch bệnh. Đặc biệt thay, trường tôi bỗng là nơi đón giao thừa của biết bao con người. Những giọt nước mắt đã rơi trong khoảnh khắc đặc biệt nhất năm. Giọt nước mắt của nỗi buồn, một chút tủi thân và chất chứa nỗi nhớ gia đình, người thân da diết.
Ngày nào cũng vậy, thầy trò tôi lại gặp nhau trong những bài giảng trực tuyến sớm mai. Đôi mắt em thơ trong veo, nụ cười tươi sáng giữa mùa dịch khiến lòng người thầy như ấm lại. Các em tíu tít hỏi cô: Cô ơi, cô khỏe không? Cô ơi, em muốn đến trường lắm rồi. Cô ơi, em nhớ cô, nhớ các bạn ạ... Tất cả những câu hỏi ấy làm lòng tôi như trầm lại. Trên đôi mắt của cô, của trò cùng ánh lên niềm hi vọng vào bình minh tươi sáng của ngày mai, ngày mà trên những nẻo đường làng thân thuộc, bênh cánh đồng lúa mươn mướt màu xanh, các con lại tung tăng tới lớp; và tôi thướt tha trong bộ áo dài trắng giữa vùng trời bung sắc đỏ của hoa gạo.
Còn bây giờ, trên những tuyến đường, hình ảnh các thầy cô tham gia chống dịch trở thành những ngọn đuốc sáng ngời nơi tâm dịch. Những đôi bàn tay khéo léo, đảm đang làm những bữa cơm ngon lành, nóng nổi chan chứa yêu thương cho người dân bị cách li. Tự hào thay khi đồng nghiệp của mình trong màu áo đoàn xanh quyết thắng đi tận ngõ gõ tận nhà hướng dẫn nhân dân trong việc phòng dịch. Dù là ở cương vị người dạy học, hay trong vai trò người chiến sĩ chống dịch thì hình ảnh người thầy thật vĩ đại, luôn là tấm gương sáng cho lớp lớp học trò noi theo.
Cho đến hôm nay, mảnh đất tỉnh Đông tôi dần dần lấy lại sự bình yên vốn có. Trong cái se lạnh của tháng ba với những cơn mưa nối tiếp, tôi mong chờ cái nắng tháng ba sẽ tới để sưởi ấm, mang lại bình minh cho mảnh đất này sau những ngày đông ảm đạm. Trường tôi vẫn trầm tư đứng đó đợi học trò quay trở lại để nơi đây rộn ràng tiếng nói, tiếng cười của đàn con trẻ.
Nguyễn Thanh Thủy
(Giáo viên trường Tiểu học Minh Hòa, thị xã Kinh Môn, Hải Dương)
VNQD