Bám sát tình hình, nhiệm vụ, thẳng thắn nhìn vào thực lực, tập trung đột phá nâng cao chất lượng huấn luyện, SSCĐ..., cán bộ, chiến sĩ Binh chủng Công binh đang nỗ lực phấn đấu xứng đáng với truyền thống 75 năm “Mở đường thắng lợi”, Đơn vị hai lần Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân... Với sự tin cậy, yêu mến của Đảng, Nhà nước, Nhân dân đối với người chiến sĩ công binh đi trước về sau và đang chiến đấu trong thời bình, trước thềm 75 năm ngày truyền thống Binh chủng Công binh (25/3/1946-25/3/2021), đồng chí Tư lệnh Binh chủng - Thiếu tướng Trần Trung Hòa đã có những chia sẻ với VNQĐ về lực lượng công binh hôm nay.
Thiếu tướng Trần Trung Hòa. Ảnh: Thành Duy
VNQĐ: Xin chào đồng chí Tư lệnh! Những ngày đầu của năm mới cũng là những ngày mà toàn quân ta đang ra sức chuẩn bị cho một mùa huấn luyện mới, nên chúng tôi muốn bắt đầu câu chuyện đầu năm hôm nay ở mảng công tác này. Và có lẽ đây cũng là mảng công tác Binh chủng Công binh quan tâm, dành ưu tiên đặc biệt, bởi với Bộ đội Công binh, hơn và trực tiếp hơn bất cứ lực lượng nào, thực hiện nhiệm vụ là liên quan đến tính mạng con người. Chúng tôi được biết huấn luyện cũng là mảng mà Binh chủng Công binh có nhiều đổi mới trong chỉ đạo lực lượng công binh toàn quân trong năm vừa qua. Đồng chí Tư lệnh có thể chia sẻ về điều này?
Thiếu tướng Trần Trung Hòa: Các đồng chí đã nêu rất trúng vấn đề trăn trở của tôi trên cương vị Tư lệnh Binh chủng. Trong những năm qua, Bộ đội Công binh đã tập trung huấn luyện theo phương châm “Cơ bản - Thiết thực - Vững chắc”, coi trọng huấn luyện đồng bộ và chuyên sâu; tăng cường huấn luyện đêm, huấn luyện thực hành sát thực tế chiến đấu, phù hợp với địa bàn, đối tượng tác chiến, điều kiện địch sử dụng vũ khí công nghệ cao; phù hợp với tổ chức biên chế và trang bị vũ khí của Quân đội ta. Binh chủng đã tăng cường huấn luyện bộ đội trong điều kiện khó khăn phức tạp; huấn luyện chuyên sâu cho các phân đội công binh kiêm nhiệm tìm kiếm, cứu nạn khắc phục hậu quả sập đổ công trình, chống khủng bố bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra. Năm 2020 vừa qua, ngoài nhiệm vụ huấn luyện cho các đối tượng theo quy định, Binh chủng đã tổ chức huấn luyện, hợp luyện Đội Công binh tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, diễn tập Hội thao Các đội chống khủng bố sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có lệnh; tập trung huấn luyện cho bộ đội nắm chắc về kĩ thuật thi công công trình chiến đấu, dò tìm, xử lí bom mìn, vật nổ, xử lí bom đạn cấp 5, trong đó chú trọng quán triệt và chấp hành nghiêm các quy trình, quy tắc bảo đảm an toàn trong huấn luyện và thực hiện nhiệm vụ.
VNQĐ: Đồng chí Tư lệnh có thể trao đổi cụ thể hơn?
Thiếu tướng Trần Trung Hòa: Trong huấn luyện, trước đây Binh chủng đã tổ chức huấn luyện một cách toàn diện cả kĩ thuật và chiến thuật, song thường coi trọng kĩ thuật, nay phải gắn với yêu cầu: kĩ thuật phục vụ chiến thuật, bởi vậy trên cơ sở huấn luyện tốt về kĩ thuật, sẽ chú trọng hơn về chiến thuật, tổng hợp. Chiến thuật công binh có nhiều hình thức, gắn với tác chiến của các lực lượng. Binh chủng đã chú trọng ngay từ chủ trương, kế hoạch, thời lượng, huấn luyện đêm, huấn luyện trong điều kiện khó khăn. Điều này cũng được vận dụng ngay trong tập huấn, hội thi, hội thao. Trước đây quan tâm nhiều đến yếu tố kĩ thuật, hành động cá nhân, nay chú trọng chiến thuật tổng hợp trong đội hình, gắn với nhiệm vụ nhiều hơn. Ở Hội thao Công binh toàn quân, chúng tôi đã xây dựng quy chế, thao trường, các nội dung hội thao đều gắn với chiến thuật phân đội thay vì hành động cá nhân đơn lẻ; thực hiện các bước từ khi nhận lệnh đến khi hoàn thành, thực hành tuần tự hoặc đan xen các nhiệm vụ, gắn với ý định chiến thuật. Ví dụ, một đội bảo đảm vận động, nếu như trước đây chỉ huấn luyện bắc cầu, dỡ cầu, ghép phà, chèo chở thì nay phải gắn với nhiệm vụ, tình huống đảm bảo cho một mũi tiến công từ điểm A đến điểm B. Lực lượng tham gia phải tổ chức trinh sát nắm tình hình, xây dựng kế hoạch, giao nhiệm vụ cho phân đội, cử lực lượng đi trước cùng trinh sát để điều chỉnh kế hoạch cho sát thực tế. Đưa ra nhiều tình huống như khi gặp vật cản, chướng ngại suối sâu, sông hẹp, gần địch, địch đánh phá thì phải tập trung xử lí; khi qua cầu phải bảo đảm giãn cách, vượt sông xong phải nhanh chóng thu cầu, gặp vật cản phải tiếp tục xử lí... Tất cả là một chuỗi các tình huống, diễn ra liên tục, gắn với thực tế chiến đấu nhằm nâng cao năng lực tổng hợp của bộ đội.
Cùng với đó là khả năng cơ động cũng là vấn đề mà Binh chủng đang tập trung nâng cao; là nội dung mà Hội nghị Toàn quân vừa rồi đồng chí Tổng Tham mưu trưởng rất quan tâm, cũng là một trăn trở của chúng tôi. Hiện tại Binh chủng đang tập trung đột phá về khả năng cơ động, trước mắt là làm chuyển biến về nhận thức. Điều này xuất phát từ thực tế, như tình hình lũ lụt, sạt lở đất tại miền Trung năm qua đòi hỏi lực lượng làm nhiệm vụ phải cơ động rất nhanh, trong điều kiện thiên tai bão lũ phát sinh nhiều tình huống ngoài dự kiến. Từ thực tế ấy, chúng tôi đã rút kinh nghiệm đột phá vào huấn luyện cơ động sẵn sàng chiến đấu và cơ động phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn cả nước; phải có phương án đồng bộ về con người, phương tiện, vũ khí, trang bị, đủ khả năng xử lí các tình huống phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, như xác định các trục đường hành quân, tìm đường vòng tránh, điều chỉnh, bổ sung lực lượng tại chỗ kịp thời. Thời gian tới Binh chủng sẽ tập trung luyện tập thành thục những nội dung này.
Bộ đội công binh diễn tập phương án dò tìm vật liệu nổ và chống khủng bố bảo vệ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Ảnh: Thành Duy
VNQĐ: Và nỗ lực của Bộ đội Công binh đã thu hái được những kết quả... Đội công binh tham gia thi đấu tại Army Games năm qua chẳng hạn…
Thiếu tướng Trần Trung Hòa: Một trong những kết quả dễ nhìn thấy trong công tác huấn luyện năm qua, đó là Đội công binh tham gia Hội thao Quân sự quốc tế (Army Games) tại Cộng hòa liên bang Nga đã đoạt thành tích Huy chương đồng và danh hiệu “Tiểu đội công binh xung kích” xuất sắc nhất. Toàn đội đã có những vận dụng sáng tạo trong khai thác sử dụng xe máy, trang bị và chiến thuật thi đấu tốt. Đa số xe máy, trang bị thi đấu tại Army Games đều chưa được phổ biến trong công binh Việt Nam. Nên khi ở trong nước Binh chủng đã tổ chức huấn luyện trên các phương tiện, trang bị tương tự; khi sang Nga thi đấu, chỉ có 2 tuần trước ngày khai mạc, bộ đội đã tận dụng tối đa thời gian để làm quen, thậm chí bạn mời đi tham quan, anh em cũng xin phép ở lại để có thêm thời gian luyện tập, tìm hiểu đúc rút kinh nghiệm thi đấu. Bởi thế, thành tích đạt được là cả sự nỗ lực, sáng tạo và sự hi sinh rất đáng tự hào. Cách tổ chức, chấm điểm của Army Games cũng cho thấy việc điều chỉnh nội dung, tổ chức phương pháp huấn luyện là sát với tình hình nhiệm vụ.
VNQĐ: Từ kết quả huấn luyện, Bộ đội Công binh đã tham gia trực tiếp vào các hoạt động của Quân đội và diễn biến thực tế của đất nước mà Quân đội phải tiên phong nhập cuộc. Có thể nói, năm 2020 vừa qua là năm thử thách với Bộ đội Công binh khi tình hình thiên tai, các bất ổn của thời tiết và biến động địa chất dẫn đến những hi sinh, tổn thất của các chiến sĩ tại một số đơn vị, trong đó không thể không kể đến vai trò của Bộ đội Công binh trong việc khắc phục hậu quả…
Thiếu tướng Trần Trung Hòa: Trong huấn luyện Binh chủng chúng tôi luôn gắn chặt với các nhiệm vụ, nhất là nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, nhiệm vụ phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; thường xuyên theo dõi nắm chắc tình hình. Chính vì vậy, khi xảy ra các sự vụ sạt lở đất đá ở miền Trung như năm qua, chúng tôi đã kịp thời tham mưu cho Bộ sử dụng ngay lực lượng, phương tiện tại chỗ; Công binh Quân khu 4, Quân khu 5 đã “tác chiến” rất nhanh, chi viện ứng cứu kịp thời tại hiện trường, đẩy nhanh công tác tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả. Mỗi khi có sự việc mất an toàn dù là trong hoàn cảnh nào chúng tôi đều rất xót xa. Năm ngoái, ngay khi có chiến sĩ ta hi sinh và bị thương trong khi làm nhiệm vụ rà phá bom mìn để quy tập hài cốt liệt sĩ ở Vị Xuyên, Hà Giang, Binh chủng đã tổ chức một bộ phận gồm những đồng chí có chuyên môn sâu, nhiều kinh nghiệm thực tiễn rà phá bom mìn lên ngay Hà Giang, đến trực tiếp hiện trường, phối hợp cùng Quân khu 2 rà soát lại toàn bộ sự việc để điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện quy trình, đánh giá hết các yếu tố khách quan, khắc phục các yếu tố tâm lí, chủ quan bảo đảm an toàn. Tôi đã từng chỉ huy bố trí mìn mở cửa mở trong diễn tập và thử nghiệm vũ khí, diễn tập xong phải tổ chức rà phá để bảo đảm an toàn tuyệt đối; chỉ trong một phạm vi rất nhỏ, sơ đồ rõ ràng mà còn nguy hiểm, khó khăn nói gì những bãi mìn đã qua mấy chục năm sau chiến tranh. Dũng cảm, dám chấp nhận gian khổ, hi sinh hoàn thành nhiệm vụ là một phẩm chất cao quý của người chiến sĩ công binh. Bộ đội Công binh mà e ngại thì ai sẽ làm? Nhiệm vụ là rất cao cả nhưng không đánh đổi hi sinh của bộ đội trong thời bình là chủ trương xuyên suốt của Thủ trưởng Bộ, là trách nhiệm, tình cảm đồng chí, đồng đội sâu nặng trong mỗi chúng tôi.
VNQĐ: Công tác khắc phục hậu quả bom mìn và vật nổ sau chiến tranh luôn là vấn đề nóng bỏng với nhiều câu chuyện nhức nhối thương tâm. Nhiều năm qua Bộ đội Công binh đã thực hiện nhiệm vụ này. Đồng chí Tư lệnh có thể tóm lược một số việc đã và đang làm?
Thiếu tướng Trần Trung Hòa: Việt Nam chúng ta trong số hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới còn phải chịu ảnh hưởng nặng nề của bom mìn, đạn dược tồn dư sau chiến tranh. Điểm khác biệt căn bản là các cuộc chiến tranh mà chúng ta bắt buộc phải trải qua đều là chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, chống lại các thế lực ngoại xâm. Chiến tranh đã lùi xa nhưng một khối lượng lớn bom mìn, vật nổ chủ yếu do quân đội ngoại xâm mang đến vẫn còn tồn đọng, làm ô nhiễm hàng triệu héc ta đất đai, gây nên nhiều thiệt hại về tính mạng, tài sản của nhân dân và cán bộ, chiến sĩ ta. Đảng và Nhà nước ta đã đặc biệt quan tâm; ngay sau chiến tranh, chúng ta đã tổ chức nhiều chiến dịch thu gom, tiêu hủy hàng triệu bom mìn các loại để đảm bảo an toàn cho nhân dân và phát triển kinh tế xã hội. Đặc biệt, sau gần 10 năm thực hiện Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010-2025 (Chương trình 504), với sự nỗ lực vượt bậc của các bộ ngành, địa phương do Bộ đội Công binh làm nòng cốt cùng sự hợp tác, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh đã đạt được những kết quả quan trọng. Mỗi năm hàng chục nghìn héc ta đất đai được rà phá sạch bom mìn, vật nổ đưa vào canh tác, nhiều vùng “đất chết” do chiến tranh đã trở lại màu xanh hòa bình, hi vọng. Tuy nhiên, do số lượng bom mìn, đạn dược còn lại sau chiến tranh là rất lớn, rải rác trên diện rộng, nên đến nay diện tích đất đai bị ô nhiễm do bom mìn, vật nổ vẫn còn khoảng 6 triệu héc ta, tương đương 18% diện tích cả nước. Chúng ta vẫn cần thời gian, công sức và nguồn kinh phí rất lớn để tiếp tục khắc phục. Thời gian tới, Bộ đội Công binh cùng các lực lượng sẽ tập trung thực hiện Chương trình 504, giai đoạn 2021-2025, phấn đấu đến năm 2025 tỉ lệ đất đai ô nhiễm do bom mìn sau chiến tranh chỉ còn dưới 15%.
VNQĐ: Công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh với các vùng miền khác nhau trên cả nước đã được giải quyết cơ bản gắn liền với hình ảnh Bộ đội Công binh. Nhiều khu vực, nhiều vùng miền đã được giải phóng khỏi “thần chết”, đất đai được hồi sinh để phục vụ cuộc sống và sản xuất. Nhìn vào những gì người lính công binh làm thì đúng là chiến tranh đã khép lại nhưng chưa kết thúc, thậm chí còn ám ảnh dai dẳng. Chắc hẳn đồng chí Tư lệnh cũng có nhiều tâm tư trước nhiệm vụ đặc biệt của lực lượng mình?
Thiếu tướng Trần Trung Hòa: Khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh là công việc nguy hiểm, năng nhọc, độc hại, là chiến đấu giữa thời bình. Nhờ xác định tốt quyết tâm, trách nhiệm mà trong suốt những năm qua, nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ công binh đã ngày đêm thầm lặng chiến đấu, hi sinh để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đặc biệt này. Bộ đội Công binh ở khắp mọi miền Tổ quốc đã rà phá, xử lí an toàn hàng nghìn tấn bom mìn, vật nổ, giải phóng hàng triệu héc ta đất đai để phục vụ sản xuất và bảo đảm an toàn cho người dân. Bước chân của người chiến sĩ công binh đã in dấu trên những vùng đất đai được hồi sinh, nhiều công trình, nhà máy trọng điểm của các vùng miền đã mọc lên, phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Đó chính là niềm vui, thành quả từ sự cống hiến, hi sinh của Bộ đội Công binh.
Thực hiện nhiệm vụ đặc biệt này, chủ trương của các cấp là làm từng bước, từ dễ đến khó, hiện tại những vùng đất chưa được giải phóng là những nơi còn nhiều khó khăn, nguy hiểm. Khu vực biên giới phía Bắc do điều kiện địa hình hiểm trở, sau chiến tranh nhiều nơi trở thành hoang hóa, ít ai dám đặt chân đến. Khi khảo sát, rà phá, địa hình, dòng chảy đã thay đổi, sạt lở không còn như trước gây rất nhiều khó khăn. Vị Xuyên - Hà Giang là khu vực bãi mìn dày đặc, giáp biên, khi rà phá phải áp dụng quy trình khu vực “bãi đặc biệt” và phải hết sức cẩn trọng..., còn khu vực miền Trung phần lớn là ô nhiễm bom mìn Mĩ trên diện rộng nên còn phải cần nhiều thời gian và công sức. Một số khu vực ở biên giới phía Bắc còn nhiều mìn bộ binh và đạn pháo cỡ lớn nằm sâu trong lòng đất rất nguy hiểm, Binh chủng đang đặt mục tiêu sớm giải phóng để đồng bào ta có thêm đất đai canh tác.
Cùng với việc rà phá bom mìn, vật nổ sau chiến tranh, chúng tôi tập trung đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền giáo dục về an toàn cho người dân, trong đó coi trọng đối tượng học sinh, hướng dẫn cho các cháu biết cách nhận biết, phòng tránh để giữ an toàn cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Cùng với đó là công tác hỗ trợ nạn nhân không may gặp tai nạn về bom mìn, hỗ trợ chân tay giả, tạo sinh kế, tạo điều kiện để họ được học nghề đảm bảo cuộc sống. Hiện tại chúng tôi đang phối hợp thực hiện Dự án “Việt Nam - Hàn Quốc hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh từ 2018 - 2021” với kết quả rất tốt và đang xúc tiến xây dựng dự án “Việt Nam - Hàn Quốc chung tay xây dựng khu dân cư hòa bình và phát triển”, dự kiến sẽ triển khai từ năm 2022 - 2026.
VNQĐ: Trên đất liền thì Bộ đội Công binh cùng các lực lượng rà phá bom mìn, phân giới cắm mốc, tìm kiếm hài cốt liệt sĩ..., còn trên biển, được biết Bộ đội Công binh những năm qua cũng đã đồng hành chặt chẽ với các lực lượng cắm chốt giữ biển… đặc biệt là thiết kế, thi công các Trạm dịch vụ Kinh tế - Khoa học kĩ thuật trên biển như một minh chứng và là một nhiệm vụ đáng tự hào…
Thiếu tướng Trần Trung Hòa: Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về xây dựng các công trình quốc phòng kinh tế trên biển, năm 1988 Bộ Tư lệnh Công Binh được giao nghiên cứu, thiết kế các Trạm dịch vụ Kinh tế - Khoa học kĩ thuật trên các thềm san hô có độ sâu từ 5 đến 25 mét tại thềm lục địa phía Nam Tổ quốc cách đất liền hàng trăm ki lô mét. Theo đó Bộ Tư lệnh Công binh có nhiệm vụ tham mưu, đề xuất, tổ chức nghiên cứu, thiết kế xây dựng các công trình này. Đây là một nhiệm vụ mới, yêu cầu rất cao về kĩ thuật công nghệ, điều kiện khí hậu thời tiết phức tạp, sóng gió thất thường, nhất là mùa mưa bão; khu vực thi công thường có tàu nước ngoài xâm phạm, khiêu khích. Dưới sự lãnh đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, sự giúp đỡ hiệu quả của các cơ quan Bộ, Quân chủng Hải quân, các bộ, ban ngành của Nhà nước, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Liên doanh dầu khí Việt - Xô, với tinh thần nỗ lực khắc phục khó khăn, tập trung sức lực, trí tuệ cao nhất, tranh thủ mọi thời gian; các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ vừa khảo sát, thiết kế vừa nhanh chóng tổ chức thi công, mỗi công trình với hàng nghìn tấn sắt thép, cấu kiện với yêu cầu kĩ thuật cao đã được hoàn thành chỉ trong thời gian rất ngắn. Càng về sau chất lượng công trình càng cao, giá thành hạ, tiết kiệm. Quá trình thi công ngoài biển, phụ thuộc lớn vào điều kiện sóng gió; kĩ thuật thi công cũng rất đặc thù, phải tính toán chi li làm sao để công trình đủ sức chống chịu lâu bền, chân cọc của công trình trên nền san hô thường xuất hiện hiện tượng giao động do tác động của sóng biển, các kĩ sư, các nhà khoa học đã tập trung nghiên cứu khắc phục bằng nhiều giải pháp kĩ thuật mới để ổn định vững chắc, chống ăn mòn và hàn, cắt kim loại dưới biển sâu.
Từ năm 1989-1998, sau 10 năm Binh chủng được giao thực hiện nhiệm vụ đặc biệt này, các Trạm dịch vụ Kinh tế - Khoa học kĩ thuật thế hệ đầu tiên đã được hoàn thành trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Trong đó, có nhiều công trình trên nền san hô vùng DKI, trên nền đất yếu vùng bãi cạn Cà Mau, nhiều công trình có sân đỗ trực thăng, trạm khí tượng hải văn, hải đăng và thiết bị quan sát cảnh giới trên biển. Các Trạm dịch vụ Kinh tế - Khoa học kĩ thuật là sự hiện hữu vững vàng, góp phần khẳng định và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển và thềm lục địa của Tổ quốc. Đến nay hệ thống Trạm dịch vụ Kinh tế - Khoa học kĩ thuật đã được củng cố, nâng cấp, xây dựng vững chắc trên các bãi đá ngầm từ Phúc Tần, Huyền Trân đến Phúc Nguyên, Quế Đường, Tư Chính, Ba Kè và cực Nam là Bãi cạn Cà Mau, trở thành những cột mốc chủ quyền, chốt tiền tiêu cảnh giới, là vành đai bảo vệ công tác thăm dò khai thác dầu khí và là chỗ dựa tin cậy để ngư dân ta vươn khơi, bám biển.
VNQĐ: Với điều kiện đứng chân trên biển, để có các Trạm dịch vụ Kinh tế - Khoa học kĩ thuật suốt mấy chục năm như những cột mốc chủ quyền thì rất cần sự hiện diện của lực lượng công binh, trong suốt quá trình ấy, những người lính công binh luôn bám biển, đồng hành với các lực lượng xây dựng và bảo vệ biển đảo của Tổ quốc…
Thiếu tướng Trần Trung Hòa: Việc theo dõi hoạt động, duy tu bảo dưỡng các công trình trên biển là vô cùng quan trọng. Trước những diễn biến bất thường của biến đổi khí hậu, chiều cao sóng, tốc độ gió đều vượt quá số liệu tính toán thiết kế, đã làm một số công trình thế hệ đầu trên biển bị xuống cấp, hư hỏng. Với tinh thần không ngừng học tập nâng cao trình độ, nhanh chóng tiếp cận, nắm bắt và ứng dụng những tiến bộ khoa học công nghệ mới vào tổ chức chỉ huy, thi công nên chất lượng và tiến độ xây dựng các công trình ngày càng được nâng cao. Cán bộ, chiến sĩ các cơ quan, đơn vị đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách hoàn thành tốt nhiệm vụ góp phần bảo vệ vững chắc toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền, tài nguyên quốc gia. Tháng 3 năm 1988, xảy ra xung đột trên vùng biển quần đảo Trường Sa của Việt Nam, cán bộ, chiến sĩ công binh đã anh dũng chiến đấu, hi sinh bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Tiêu biểu trong những tấm gương anh dũng đó là Anh hùng Nguyễn Văn Lanh (thuộc Trung đoàn Công binh 83, nay là Lữ đoàn Công binh 83) đã dũng cảm cùng đồng đội chiến đấu giữ vững lá cờ của Tổ quốc trên đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa. Sau nhiệm vụ xây dựng công trình tại Trường Sa, Đại đội 8 thuộc Tiểu đoàn 3 Lữ đoàn 229 được tuyên dương danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Những chiến sĩ công binh trên biển, họ vừa là người lính thợ vừa là người chiến sĩ chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Sau hơn 30 năm, các Trạm dịch vụ Kinh tế - Khoa học kĩ thuật đã khẳng định tầm nhìn chiến lược của Bộ Chính trị Trung ương Đảng, sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Đảng, Nhà nước mà trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; sự phối hợp hiệp đồng chặt chẽ giữa Binh chủng Công binh, Quân chủng Hải quân, các cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành liên quan; các đơn vị tham gia xây dựng, đặc biệt là sự đóng góp trí tuệ, công sức của các thế hệ cán bộ khoa học kĩ thuật đầu ngành về xây dựng công trình biển của cả nước và những đóng góp bằng sức lực, tài năng và cả sự cống hiến hi sinh của Bộ đội Công binh.
VNQĐ: Như vậy là nhìn về hôm qua, nhìn vào hôm nay, chúng tôi thấy Bộ đội Công binh vừa căng mình cho các nhiệm vụ nơi biên giới, hải đảo, vừa phải thực hiện các nhiệm vụ khác cũng không kém phần quan trọng, như việc tham gia bảo vệ an toàn cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII vừa qua... Được biết những người lính công binh cũng là lực lượng tin cậy bảo đảm an toàn cho sự kiện chính trị lớn này. Các đồng chí đã chuẩn bị cho nhiệm vụ ấy như thế nào?
Thiếu tướng Trần Trung Hòa: Tham gia bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các sự kiện chính trị lớn của đất nước đã trở thành nhiệm vụ thường xuyên của Bộ đội Công binh. Chúng tôi có các phân đội công binh SSCĐ chống khủng bố, các đội viên đều được tuyển lựa, giáo dục, huấn luyện kĩ lưỡng, luôn sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có lệnh. Binh chủng đã được đầu tư một số phương tiện, trang bị tương đối hiện đại. Các cơ quan, đơn vị đã tập trung huấn luyện làm chủ trang bị mới; cập nhật, nghiên cứu các thủ đoạn, phương tiện, phương pháp điều khiển nổ ở nhiều dạng loại bom khủng bố trên thế giới. Từ đó đưa ra nhiều tình huống, phương án để huấn luyện, luyện tập. Hiện nay, hoạt động khủng bố rất tinh vi, nhiều chủng loại thuốc nổ, cơ chế gây nổ rất đa dạng, để vô hiệu hóa bom khủng bố là việc làm rất khó, chỉ một sơ suất nhỏ là có thể ảnh hưởng tới tính mạng của nhiều người và bản thân cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ. Ngay trong huấn luyện, diễn tập, các thiết bị giả định đều rất phức tạp, có rất nhiều vi mạch, nhiều sợi dây dẫn nổ, người chiến sĩ chỉ mắc một sơ suất nhỏ là đèn báo đỏ, mất an toàn. Vì thế, lực lượng công binh chống khủng bố phải bản lĩnh, tinh thông, cẩn trọng, quyết đoán; phải luôn nắm vững tình hình, vận dụng linh hoạt các phương án, cơ động nhanh, sử dụng trang bị thành thạo, sẵn sàng chiến đấu cao mới có thể hoàn thành nhiệm vụ. Tham gia bảo vệ an toàn tuyệt đối Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII vừa qua, Binh chủng đã quán triệt, triển khai toàn diện, triệt để, tổ chức chặt chẽ, chu đáo, kĩ lưỡng, liên hoàn thống nhất, hoàn thành tốt nhiệm vụ, được Bộ khen thưởng và đánh giá cao.
VNQĐ: Qua trao đổi với đồng chí Tư lệnh, chúng tôi bỗng nảy ra ý này, chúng ta đang thực hiện chủ trương xây dựng Quân đội chính quy, hiện đại, một số quân binh chủng tiến thẳng lên hiện đại, vậy trong bối cảnh chung ấy, Bộ đội Công binh mà nòng cốt là Binh chủng Công binh - lực lượng bảo đảm, đồng hành với các lực lượng khác - ở đâu, cũng như được xác định về mặt chiến lược như thế nào cũng là một vấn đề đáng để suy ngẫm, thưa đồng chí Tư lệnh…
Thiếu tướng Trần Trung Hòa: Công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng từ Đại hội VI (1986) đã đưa đất nước ta vào thời kì mới và khi đất nước đổi mới cũng là thời kì Binh chủng Công binh tham gia nhiều nhiệm vụ mới, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, kế hoạch tác chiến của Bộ và các quân khu, quân đoàn, quân, binh chủng; công binh ba thứ quân đã triển khai xây dựng hệ thống công trình phòng thủ lâu bền trên các tuyến biên giới, ven biển, hải đảo, ngoài biển khơi và làm nhiệm vụ quốc tế. Hiện tại và trong những năm tới, Bộ đội Công binh tiếp tục thực hiện nhiều nhiệm vụ với khối lượng công việc lớn, phân tán, độc lập; nhiều nhiệm vụ ở vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; tổ chức biên chế các cơ quan, đơn vị công binh toàn quân tiếp tục có sự điều chỉnh theo hướng tinh, gọn, mạnh. Ngoài nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng công trình quốc phòng, Binh chủng còn tham mưu cho Bộ tổ chức lực lượng công binh toàn quân và sử dụng lực lượng công binh trong các nhiệm vụ. Bộ đội Công binh còn phải hoàn thành các nhiệm vụ trong tình hình mới như phòng chống khủng bố, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, rà phá bom mìn, vật nổ, sẵn sàng đối mặt với các thách thức an ninh phi truyền thống. Chúng tôi xây dựng lực lượng công binh theo chủ trương từng bước hiện đại, chuẩn bị tốt nhất về con người và cơ sở vật chất để ứng phó thắng lợi với mọi tình huống.
Vai trò của lực lượng công binh hôm nay là rất lớn, có mặt trong tất cả các lực lượng của Quân đội, vì thế cần tổ chức đồng bộ, hiệu quả. Binh chủng tham mưu cho Bộ từng bước hiện đại lực lượng, trang bị, trong đó ưu tiên hai hướng: Thứ nhất, nghiên cứu tự sản xuất để tự chủ theo hướng hiện đại; thứ hai là mua sắm một số trang bị mới cho một số chuyên ngành cần thiết. Toàn quân đang phấn đấu đến năm 2025 điều chỉnh tổ chức, biên chế theo hướng tinh, gọn, mạnh, đến năm 2030 một số quân, binh chủng hiện đại, tạo thế để từ năm 2030 xây dựng Quân đội hiện đại. Theo lộ trình chung ấy, Binh chủng Công Binh ưu tiên hiện đại một số lĩnh vực như vượt sông, rà phá bom mìn, phòng chống khủng bố... Trong lĩnh vực phòng chống khủng bố, khi được trang bị các thiết bị nghe, nhìn, soi, chiếu, phân tích kĩ thuật cao, được trang bị robot thay thế một số thao tác của con người sẽ an toàn và chính xác hơn; khi có nhiều xe chuyên dụng vận chuyển bom khủng bố sẽ an toàn hơn cho lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ và bảo đảm an toàn cho nhân dân khi vận chuyển qua các khu đô thị, các khu dân cư đông đúc. Ngoài ra còn một số lĩnh vực như xây dựng công trình quốc phòng, xây dựng đường hầm khâu độ lớn cũng cần thiết ưu tiên đầu tư tiến thẳng lên hiện đại…
VNQĐ: Lật lại vấn đề một chút, qua công tác tổng kết chiến tranh đã đúc kết, chúng ta chiến đấu và chiến thắng bởi yếu tố con người. Với Bộ đội Công binh cũng vậy, và người lính công binh hôm nay vẫn phát huy tốt truyền thống vẻ vang của các thế hệ cha anh, dũng cảm đương đầu với những nhiệm vụ mới trong tình hình mới của đất nước. Đồng chí Tư lệnh có thể chia sẻ một chút về điều này?
Thiếu tướng Trần Trung Hòa: Công binh là một trong những binh chủng ra đời sớm của Quân đội nhân dân Việt Nam, Đơn vị hai lần Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, lãnh đạo, giáo dục rèn luyện. 75 năm qua, các thế hệ cán bộ chiến sĩ công binh đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Truyền thống “Mở đường thắng lợi” là một di sản lớn của Bộ đội Công binh do chính Chủ tịch Hồ Chí Minh trao truyền vẫn vẹn nguyên giá trị, trải qua chiến tranh gian khổ ác liệt, Bộ đội Công binh đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử. Trong thời bình cũng còn nhiều khó khăn, thách thức, Bộ đội Công binh phải tiếp tục nỗ lực phấn đấu hi sinh khắc phục khó khăn, bền bỉ thực hiện nhiệm vụ. Tôi là Tư lệnh thứ 12 kể từ khi Binh chủng được thành lập; thực tế thì Bộ đội Công binh đang chiến đấu giữa thời bình; không dễ gì người chiến sĩ biết trước mặt mình là bãi mìn dày đặc, là bom khủng bố cực kì nguy hiểm nhưng vẫn bình tĩnh, tự tin bước vào nhiệm vụ! Đó là nhờ bản lĩnh chính trị vững vàng, niềm tin vững chắc vào quy trình, quy tắc, kĩ năng nghề thành thục, là yếu tố con người, yếu tố chính trị tinh thần, cội nguồn làm nên mọi chiến thắng của Quân đội ta, Nhân dân ta. Chúng tôi sẽ tiếp tục “hiện đại” từ con người để giữ vững và phát huy phẩm chất, truyền thống tốt đẹp Bộ đội Cụ Hồ thời kì mới.
VNQĐ: Vâng! Xin cảm ơn những trao đổi thẳng thắn, chân tình của đồng chí Tư lệnh. Chúc Binh chủng Công binh luôn đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành mọi nhiệm vụ trong tình hình mới!
PV
VNQD