Chuyển quân

Thứ Sáu, 02/07/2021 16:28

. THÁI CHÍ THANH

 

Năm 2000, khi cùng đoàn nhà báo tham dự lễ động thổ làm đường Hồ Chí Minh tổ chức ở Cự Nẫm, tôi tranh thủ đi khắp xã mà không thể hình dung nổi nơi ngày xưa mình trú chỗ nào. Tất cả đã đổi thay, trù phú, an lành như chưa từng có bom đạn cày xéo nơi đây. Chỉ khi đến nghĩa trang liệt sĩ thắp hương với hàng ngàn ngôi mộ thẳng tăm tắp, trang nghiêm, thì chiến tranh, với tất cả sự ác liệt, mới hiện ra.

Kỉ niệm trong tôi giống những thước phim hiện lên, như vừa mới đây thôi.

 

Đường Trường Sơn

Đầu năm 1972, tiểu đoàn chúng tôi nhận lệnh vào mặt trận. Trên đường hành quân, chúng tôi dừng lại một tháng gần đèo Ngang, sẵn sàng chiến đấu nếu địch liều lĩnh bí mật theo đường biển, tập kích chiếm giữ vị trí trọng yếu này, hòng cắt đường tiếp viện từ hậu phương. Tiểu đoàn đóng quân ở xã Kỳ Lạc, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh), vừa chờ lệnh đánh địch, vừa tranh thủ tập thêm nhiều loại vũ khí mới, nhất là cách sử dụng các súng bộ binh, “pháo đi cùng” của địch.

Đóng quân một tháng, cùng ăn ở trong nhà dân mới thấy sự chịu đựng phi thường của mọi người ở đây thế nào. Nhà tôi ở có chị Trì (gọi theo tên chồng), là con dâu trưởng, rất xinh xắn, hiền lành, cam chịu, lúc nào cũng như cái bóng. Gần 30 tuổi rồi mà sức xuân cứ phải giấu vào trong. Chị có đứa con rất ngoan, kháu khỉnh, đã mười tuổi mà chưa lần nào gặp cha. Bố chồng chị thương con trai một, thương con dâu mười. Có lần, tôi đổi gác đêm về, thấy ông ngồi lặng góc sân, nhìn như thôi miên về phía Nam, nơi đang nhì nhằng những tia chớp đầu mùa. Tôi ngồi cạnh ông, an ủi:

- Anh nhà mình đi B dài, khó liên lạc được lắm.

- Vẫn biết rứa, nhưng tui linh cảm hắn không còn, đứa mô trong xóm đi đợt nớ cũng có tin cả rồi, đứa tin tốt, đứa tin bằng giấy báo tử…

- Nhưng dù sao mình cũng hi vọng. Chiến tranh cách biệt mà…

Ông thở dài:

- Vẫn biết rứa, nhưng mà con vợ nó khổ quá, thà chết rồi thì cứ báo tử, để cho nó còn đi bước nữa, chứ ai lại hơn mười năm trời bặt tin... - Ông lại thở dài. Vừa lúc đó, chị Trì nhẹ nhàng bước ra:

- Bọ vô ngủ đi, mai còn đi cày...

- Mi kệ tao...

Lưỡng lự chút, chị Trì nói:

- Đã bao lần rồi, tui nói với bọ là đừng khi mô nhắc đến chuyện nớ. Anh Trì có làm chi thì tui vẫn là con nhà mình... Thôi, vô ngủ đi, bữa mô cũng ri thì mần răng có sức đi cày, đi bừa...

Vừa khi tiếng gà gáy sáng le te. Tôi về võng mà cứ trằn trọc cho đến khi trực ban thổi còi thúc quân dậy.

Ở xã Kỳ Lạc còn một cô gái độ tuổi chúng tôi, chẳng rõ gia cảnh thế nào mà cô ở một mình, trong căn nhà tranh nhỏ bên bờ sông Rác (dân mình gọi là rào Rác). Cô vui tính, hồn nhiên, mặt hoa, da phấn rất ưa nhìn, nên cánh lính hay trêu đùa. Cũng chẳng rõ cô tên thật là gì, nhưng cánh lính đều gọi là em Thư, và dân làng cũng gọi theo như thế. Chẳng là các đợt quân đóng ở đây, lính ta lấy thư theo hòm thư quân đội rất lâu và khó nhận, nên dùng luôn địa chỉ của cô, chỉ cần phía sau đề thêm tên người nhận. Căn nhà nhỏ của Thư đồ thì ít, mà thư gửi cho lính thì nhiều, tôi thấy cô xếp căng mấy bị cói, xếp từng chồng rất cẩn thận đặt trên gác.

- Sao em không chuyển cho người nhận mà giữ chi nhiều vậy? - Một lần tôi hỏi.

Đang vui, Thư bỗng thở dài, rầu rĩ:

- Khổ rứa các anh nạ. Toàn thư các anh lớp trước vô trong nứ rồi, tui giữ lại, may ra có người trở lại nhận. Mới tháng trước có anh từ trong mặt trận ra, nhận được bốn lá, trong đó có thư người yêu. Anh nớ vui lắm, còn chọn ra bao nhiêu là thư đồng đội trong đơn vị, người hi sinh, người bị thương, nhưng nhiều anh đang sống.

Ở cùng nhà tôi có anh bạn vui tính và rất bạo miệng, cười hỏi:

- Rứa em có yêu bộ đội không?

Thư nhìn mấy chúng tôi:

- Yêu chứ, các anh hi sinh vì mọi người, gian khổ rứa, ai mà nỏ yêu.

- Đó nhá. - Anh bạn tôi chộp ngay - Tối nay anh đi gác, ghé qua nhà em coi có thư anh không.

Phải mấy giây, Thư mới hiểu, mặt đỏ rần lên:

- Anh mà đi một mình thì liệu hồn, em là dân quân, bắt anh giao cho đơn vị đó.

Bạn tôi khiếp hồn, cười lảng.

Rồi đơn vị tôi nhận lệnh lên đường khẩn cấp trong đêm, chẳng kịp chào ai, chia tay ai cả.

*

*          *

Ai đã từng vào mặt trận hẳn không quên được những chặng đường hành quân đầy gian lao. Đến xã Cự Nẫm (huyện Bố Trạch, Quảng Bình) lúc gần sáng, chúng tôi được phân ra ngủ trong các căn hầm chật chội của dân. Tôi từng nghe nhiều chuyện tếu của lính về vùng đất ác liệt này với những nhân vật “bọ” và “mạ”, toàn những mẩu về sinh hoạt, trái khoáy phong tục, ngôn ngữ địa phương với cánh lính đủ vùng miền qua đây, chưa mảy may nghe về sự ác liệt, nản chí của đồng bào vùng chiến tuyến này. Chúng tôi vừa đến đã mau chóng chia ra, theo bà con chui xuống các hầm để nghỉ.

Tôi được phân ngủ chung với gia đình rất đông người. Một phản toàn trẻ con đang ngủ say. Chắc chúng đã quá quen, chẳng hơi đâu để ý đến cánh lính ngày nào cũng quấy nhiễu. Một phản có hai người, đã chật, thêm tôi càng chật. Đang mệt và buồn ngủ ríu mắt nên tôi len vào khoảng trống giữa ngủ như thằng chết rồi. Sáng bảnh mắt, dậy, thấy hầm trống vắng, chỉ còn một người mặc đồ lính, tóc cắt trọc đang nhặt rau ở cửa hầm.

- Bọ ơi, mọi người đâu cả rồi.

- Người lớn làm đồng, con nít đi học rồi. Chú ngủ say hỉ? Ngáy dữ mà gác chân cũng dữ.

Tôi quá ngạc nhiên khi nghe tiếng đàn bà, và biết đó là mạ. Vậy là đêm qua tôi ngủ giữa bọ và mạ lại cứ tưởng ngủ với hai anh nào. Ở đây sinh hoạt đến tối giản, quần áo đều bộ đội, đàn ông, đàn bà đều cắt tóc ngắn cho đỡ vướng nên đêm tối hoặc trong hầm rất khó phân biệt. Mạ nép sát cửa hầm cho tôi chui ra ngoài, vừa lúc có tiếng rít đạn đại bác từ ngoài biển bay vào, nổ chát chúa đâu đó không xa lắm. Tôi vội thụt đầu trúng xà gỗ khiến da bị sứt, máu chảy ướt mặt. Mạ cười món mém:

- Chú chưa quen, chứ pháo biển sợ chi.

Mạ lấy ít thuốc lào, rịt vào chỗ xước, một chút cầm máu ngay. Lại mấy trái pháo biển rít qua, chắc thấy tôi rụt người theo phản xạ, mạ lại cười, giải thích, chiến hạm địch bắn từ ngoài khơi, bắn vu vơ, tránh mô hết nên đừng sợ. Tôi “vâng”. Rồi để tỏ dũng khí của người lính, vừa hỏi chuyện, vừa nhặt rau giúp mạ. Nhưng sau đó hết phản lực tọa độ, lại B52 rải thảm dọc sông Côn, làm căn hầm chao đảo như thuyền gặp bão thì tôi không thể bình tĩnh được nữa làm mạ cứ bỏm bẻm cười. Mạ bảo, rồi chú cũng quen thôi, chứ ở đây, ngày mô nỏ giống ngày mô, sợ thì còn mần được chi. Mạ nói đúng, vì sau đó tôi thấy từ người già đến trẻ nhỏ cứ điềm nhiên sống và làm việc như vùng quê khác, chỉ đêm ngủ hay có bom pháo gần, họ mới chui xuống hầm. Cứ thế ngày này qua ngày khác, trong khi chúng tôi là lính, chỉ ghé có hai hôm đã thấy căng thẳng quá chừng. Quen ư? Quen với cái chết, với bom đạn, ai muốn, nhưng biết làm gì hơn, phải quen để sống.

Rời Cự Nẫm, chúng tôi dừng ở Nông trường Việt Trung, rồi từ đó có ô tô chở đến Bãi Hà, trạm giao liên cuối cùng trên đất Bắc. Đi bộ triền miên, mỏi nhão cả chân, nên nghe lệnh hành quân bằng ô tô, chúng tôi vui quá, hò hét như lũ điên. Lúc mới lên xe gặp mưa, ướt sũng nhưng chẳng ai quan tâm, trái lại cùng nhau gào thật to: Xe tôi băng qua muôn núi ngàn sông... Những chiếc GAT 63 cao lênh khênh, ngất nga ngất nghểu, ban đêm chỉ có đèn gầm chiếu dăm bảy mét trước mặt, đường lại cực kì khó đi nên chúng tôi bắt đầu thấy sợ. Cũng may, máy bay địch liên tục thả pháo sáng giúp cánh lái xe nhìn rõ đường hơn. Sợ nhất những đoạn qua ngầm nước, xe dồn ứ lại, chiếc Zin ba cầu kéo theo khẩu pháo chạy trước, cứ bò lên lại trượt xuống, có lần đâm cả nòng pháo vào xe chúng tôi, đẩy tuột xuống dốc, suýt rơi xuống vực, rất kinh. Đi được nửa đường thì B52 đánh đoạn trước mặt, mưa gió cũng hùa theo, làm đường vừa nhầy nhụa, vừa trơn. Ngồi xe mà ruột gan thót hết lại. Rồi điều lo sợ cũng đến, xe chở chúng tôi chạy qua đoạn đường lầy lội, đầy cây cối công binh chưa kịp dọn, đi chệch đường xe trước, bỗng ự lại, cứ nghiêng dần, nghiêng dần rồi từ từ lật úp xuống bùn. May có hai xe chạy sát trước và sau nhảy xuống cứu, dựng nghiêng xe lên rồi hối hả lôi bọn tôi như móc cá dưới ao bùn. Tưởng đi đứt cả mười hai đứa trên xe, nhưng chỉ có hai bị thương. Lúc đó, chúng tôi mới nhớ tới người lái xe. Trong ca bin không có, tìm lại dưới hố bùn cũng không thấy, đành gọi to, mới thấy cậu ta đi ra từ sau hố đất không xa, người cũng nhuộm bùn, vừa khóc vừa run. Cậu ta sợ lính đánh nên trốn. Hỏi ra mới biết, lái xe chưa đầy 19 tuổi, người Hà Nội, học lái xe có hai tháng và đây là chuyến đầu tiên chở quân vào mặt trận.

Chúng tôi lánh sang khu rừng bên cạnh để ngủ. Rừng vùng này bị bom pháo cày xới, phát trụi, nên tìm nơi mắc võng rất khó, lấy đâu đủ chỗ. Loay hoay mãi rồi có đứa “sáng kiến”, tất cả võng mắc chụm vào một cọc, đầu kia là các cây xung quanh. Đã thống nhất lúc lên xuống võng phải “hợp đồng tác chiến”, thế mà không hiểu thằng quỷ nào thần hồn nát thần tính, nghe tiếng pháo biển vu vơ hét rinh lên nhảy ra làm đổ hết võng khiến tất cả nhuộm bùn lần nữa.

Sáng hôm sau, có xe trở lại đón, gặp lại đơn vị đang nghỉ ở binh trạm Bãi Hà, là binh trạm cuối cùng trên đất Bắc, chuẩn bị vượt sông Bến Hải sang chiến tuyến phía Nam.

*

*         *

Vào gần mặt trận, chúng tôi càng phải đi nhanh hơn, mặc dù sức khỏe bắt đầu rão và đã có người bị ốm. Trong đơn vị có người ốm là điều đáng sợ trên đường hành quân. Một người ốm, cả phân đội hơn mười người (phân đội đặc công hồi ấy tương đương với đơn vị trung đội bộ binh, nhưng biên chế lúc đủ nhất cũng chỉ mười đến mười hai người), phải vất vả bởi mất hai người khiêng người ốm, ba lô, trang thiết bị súng đạn của ba người phải chia ra cho cả đơn vị mang. Tất cả gia tài người lính đều trên vai cả, súng, đạn, lựu đạn, thủ pháo đều phải đủ cơ số, rồi cuốc, xẻng, dao, kéo cắt thép, thuốn, tiêu dò mìn, dây dù vượt chướng ngại, bông băng, lại cả đồ của đơn vị như nồi quân dụng, thức ăn mắm muối, đường dây điện thoại, giày dép, quần áo, tăng, võng, dù, hai bao tượng gạo… có lúc đến gần sáu chục kí. Đúng là chỉ có tuổi trẻ mười tám đôi mươi mới gồng gánh đi hàng trăm, hàng nghìn cây số theo những con đường khúc khuỷu, trèo leo, có lúc phải chạy tránh pháo, tránh bom... Sau này nghĩ lại, chắc nhiều đồng đội cũng như tôi, không hiểu sao mình có thể khỏe và dẻo dai như vậy.

Một lần, mới chập tối, chúng tôi hành quân đến cửa rừng, thấy nhiều thùng phi xăng của cánh lính xăng dầu tập kết. Anh em chạy xuống, đang định vặn nắp thùng phi để lấy thêm xăng vào bật lửa thì mấy cô du kích chạy đến, hét tướng lên:

- Đừng... Đừng... Mấy anh không biết chi à?

- Biết chi? Bọn tôi chỉ xin tí xăng bỏ bật lửa...

Một cô kiên quyết ngăn rồi chỉ bãi cháy vẫn còn than đỏ cách đó không xa, cho biết mới hai hôm trước một đơn vị qua đây, cũng có người xuống lấy xăng, không hiểu có phải thử bật lửa hay va chạm chi đó mà xăng bùng cháy, nổ dây chuyền, máy bay địch phát hiện đến thả bom, bộ đội người chết cháy, người chết bom, rất nhiều.

Lính mới vào hay lo xa chứ thực ra sau này, chẳng thằng lính trận nào sử dụng bật lửa được trang bị cả. Có nghìn lẻ cách làm ra lửa giữa chiến trường. Lúc đầu bọn tôi hay rút những que thuốc phóng trong vỏ đạn pháo mặt đất 130 li chất đầy dọc các đường giao liên, đặt lên sống dao găm miết mạnh vào bất cứ đồ sắt nào như xẻng hay lưỡi lê, là lửa bùng lên ngay, dù mưa gió. Nhưng mấy ông lính pháo binh cảnh báo, các bố cứ rút hết thuốc phóng, sau này bọn tớ bắn, đạn lại đấm lưng các bố đấy. Chúng tôi bèn cải tiến, chỉ sử dụng một dây sắt, tốt nhất là những dây lấy từ pháo sáng của địch, kéo cưa mấy lần vào cây cối, đặt gì vào đấy cũng bén lửa.

Mặt trận đã cận kề, bom pháo mỗi lúc một dày. Những lần nghỉ dọc đường hành quân cứ ngắn dần và liên tục phải chạy qua những cao điểm, trọng điểm nguy hiểm. Sau lần ngủ võng bị bom B52 dội vào dải núi bên cạnh, có mấy người cuống quá, vùng vẫy mãi trong màn như cá mắc lưới đến khi thoát được chui xuống hầm thì đã xong cả ba loạt bom rải. May mà bom không trúng đội hình. Từ đó, chẳng cần giục, nghỉ ở đâu, dù chỉ một hai tiếng để lấy sức, anh em cũng tự giác đào hầm, chí ít cũng khoét cái hố để nằm, phòng bom pháo.

Một lần, đơn vị dừng nghỉ đêm trong cánh rừng, tôi và anh bạn thân thấy có khoảng đất khá phẳng, xung quanh không có gốc cây to nên xí ngay để đào. Hai đứa mừng lắm vì ít khi tìm được địa điểm ngon ăn như vậy, đất tơi, xốp, lại chẳng hề gặp rễ cây hay đá tảng. Mới được mấy lớp đất thì... trời ơi, một lớp tăng võng bó hài cốt lộ ra cùng mùi tử khí bốc lên nồng nặc. Nhìn màu tăng võng biết ngay là đồng đội mình. Hai chúng tôi lặng đi. Một nấm mộ mới được đắp lên.

*

*           *

Cuối tháng 10 năm 1972, D19 được lệnh hành quân ra Quảng Trị nhận nhiệm vụ mới. Tôi cùng tám anh em khác tiền trạm, nhận địa bàn. Biết càng lùi ra càng ác liệt nhưng không hiểu sao lại thấy háo hức bởi cảm giác đang tiến về hậu phương. Qua sông Mỹ Chánh sang đất Quảng Trị được vài cây số, chúng tôi bắt đầu vượt trọng điểm cực kì ác liệt mà lính hồi đó gọi là “cổng lửa”, nằm trên trục đường H, dài chỉ hơn cây số, phơi bụng đối diện với cao điểm 367 mà địch chiếm lại từ hơn hai tháng trước. Thật khủng khiếp, la liệt xác xe pháo của ta bên vệ đường, cả mùi tử khí của những đồng đội hi sinh đâu đó không thu gom được. Đang mùa mưa, đường lầy lội, công binh rải nhiều khúc gỗ, lá cây nên đường vừa trơn, vừa nhoe nhoét bùn rất khó đi. Chúng tôi chờ sau loạt bom tọa độ rồi mới bắt đầu chạy qua đoạn đường tử thần, vì thông thường, sau đó phải một giờ nữa máy bay địch mới đánh tiếp. Người tôi ngây ngấy sốt, lại lỉnh kỉnh trang bị nặng trĩu vai nên đi rất chậm. Thấy vậy, một người anh lớn tuổi nhất đại đội tên Khuôn cầm hộ khẩu AK. Chúng tôi chạy được vài trăm mét, đến đoạn trống nhất, pháo địch trên 367 bắt đầu bắn, không biết bao nhiêu khẩu, nhưng nhiều viên trúng mặt đường ngay loạt đầu. Nhìn khói trên cao điểm 367 biết chúng bắn DKZ chúc nòng, đạn thẳng căng, nổ chát chúa. Lúc đầu còn nghe “xoẹt” sau chỉ thấy đất đá, khói mù đường. Một nhoáng, tốp đi cách tôi hơn 100 mét bị pháo địch bắn tập trung. Tôi đứng lại, định tìm chỗ ẩn thì có tiếng thét to:

- Thanh. Thanh phải không? Thanh ơi.

Tôi nhìn lên, thấy cách mình khoảng 50 mét trên sườn dốc đỏ lòm đất bị cày xới là Đàn, Nguyễn Xuân Đàn, đang vẫy vẫy. Nhận ra bạn học cùng lớp suốt thời phổ thông, tôi cũng gào lên sung sướng:

- Đàn à... Tao đây... Thanh đây!

Đàn đứng trên miệng cửa hầm vẫy vẫy và hét lên gì đó, chắc bảo tôi lên đấy. Nếu ở hoàn cảnh khác, không phải bám theo đoàn, hay không bị pháo địch đuổi, tôi nhào lên ngay. Nhưng vì phải cố bám đoàn vượt qua cổng lửa, nên chỉ vẫy vẫy rồi cắm đầu chạy. Được một đoạn, tôi thấy anh Khuôn chạy cách hai, ba chục mét, còn tốp trên đã mất hút sau góc cua. Anh quay đầu lại, vẫy tôi, hình như còn cười khích lệ. Tôi cố vượt qua làn pháo đang tập trung bắn vào hai anh em. Bỗng một quả nổ sát, hất anh lên rồi ngã sấp. Anh cố quay lại đưa một tay ngoắc ngoắc vài nhịp rồi im hẳn. Tôi gào lên: “Anh Khuôn!” Chạy đến, thấy thân thể anh bị nát, hai chân lìa khỏi người. Tôi chỉ kịp vác một chân của anh chạy vài chục mét lại trượt ngã. Tôi chồm dậy cố chạy tránh pháo. Thấy có hầm bị bùn tràn đầy, nhảy ào xuống đấy. Chắc bọn địch tưởng tôi đã chui gọn xuống hầm, nên chuyển pháo khoan. Loại này không sợ như pháo sát thương “nổ tức thì”. Tôi sợ dễ bị “cả cái” đúng hầm, hoặc nổ quá gần bị sức ép nên nhào lên vác cả đùi anh Khuôn chạy tiếp.

Vượt qua khoảng nguy hiểm nhất, tôi sang triền dốc bên kia, khuất tầm bắn của địch. Anh em đang ngồi ở đó, dưới một hố bom. Có người bị thương ở vai, máu đầm đìa, mấy người khác xây xước… Thấy tôi, mọi người ùa lên và hiểu anh Khuôn đã hi sinh. Trời chuyển tối và mù nhiều, chúng tôi quay lại nhặt thi hài anh Khuôn rồi chôn, không quan tài, chỉ bó trong tấm tăng võng (cũng của chính anh, có bỏ lọ penicillin đựng miếng giấy ghi họ tên, đơn vị, quê quán mà lính thời đó ai cũng có sẵn trong người), khắc tên anh lên gốc cây bên cạnh, tìm vỏ thùng lương khô rỉ, đục tên cắm lên mộ anh. Không hương, hoa quả, tất cả cúi đầu vĩnh biệt anh.

Tôi thương anh vô cùng. Anh Khuôn có sức khỏe phi thường, suốt 9 năm lính trận mà chưa hề bị sốt rét và cũng chưa dính vết thương nào, điều hiếm thấy ở chiến trường thời ấy. Anh lại rất chịu khó, chăm chút anh em đơn vị như người anh cả. Bất kì ai, bất kì việc gì anh đều giúp nhiệt tình, vô tư, đến nỗi mấy ông lính lười, ỷ việc, anh cũng chẳng nề hà. Hành quân đến đâu, anh cũng xắn tay đào hầm, làm bếp. Ai hi sinh anh cũng đào huyệt rất sâu, bó tử sĩ chu đáo; những lúc đóng quân trên đỉnh núi cao, trong lúc mọi người nghỉ, anh lấy ba lô xuống khe sâu gùi nước đổ đầy hầm (lót ni lông) cho mọi người dùng. Cả đơn vị, ai cũng yêu quý, gọi là “anh cả Khuôn”.

Đáng ra, chúng tôi đến nơi, có đơn vị bạn đón, nhưng làm xong việc chôn cất anh Khuôn thì đã muộn. Chúng tôi tìm được trạm y tế dã chiến của một đơn vị bạn, vào xin cái gì đó để ăn. Nuôi quân của trạm bảo thương binh chỉ có một ngày một lạng, nên không giúp được. Ai dè, mấy ông bạn láu cá thấy có xoong cơm (nồi B12), trong bếp, bí mật “xin một nửa” rồi vẫy nhau đi xa ăn. Tôi không thể hình dung được cơm đó ngon thế nào. Đến khi ăn xong tất cả mới ớ ra, lúc chôn anh Khuôn tay bết máu, giờ cơm nóng đã làm sạch bong.

Mệt và buồn rũ, chúng tôi tìm được mấy căn hầm cũ dọc đường nghỉ tạm để sáng mai tiếp tục hành quân. Chúng rất sơ sài và đầy mùi ẩm mốc, lại bị nước rỉ tong tong lên người, lên mặt nên rất khó chợp mắt. Thường mệt, tôi ngủ say lắm, nhưng hôm đó cứ trơ trơ, hết nghĩ về anh Khuôn, lại nghĩ về Đàn, người bạn gặp chớp nhoáng giữa pháo địch lúc chiều. Đàn là đứa bạn thân học với tôi gần mười năm phổ thông, thông minh và nghịch ngợm nổi tiếng cả vùng. Nó chốt ở đấy chắc là lính công binh vì đoạn đường liên tục bị bắn phá, lại là cổng lửa độc đạo cho tuyến đường huyết mạch của chiến trường. Tôi bỗng thấy thương nó, trụ mãi ở cổng lửa không hiểu chịu đựng được bao lâu. Khi tôi xung phong nhập ngũ đợt đầu tiên của trường, Đàn và thầy bạn đã tiễn chúng tôi rất tình cảm. Sau đó, trước khi vào mặt trận tôi có nghe hầu hết anh em bạn bè cũng lần lượt tòng quân về Đoàn 22 rồi vào chiến trường, đến nỗi ngày thi tốt nghiệp cấp 3, cả huyện Quỳ Châu chỉ còn 19 bạn, hầu hết là nữ... Tôi cũng không ngờ, hai năm sau, một lần được ra Hà Nội tập huấn chuẩn bị cho chiến dịch năm 1975, vào Đại học Sư phạm Vinh thăm bạn bè, tình cờ gặp lại Đàn đang là sinh viên khoa Toán ở đó. Mừng và cảm động, hai đứa cứ ôm nhau mà cười khóc. Đàn kể, sau lần gặp đó nó bị thương rất nặng, ra Viện 4 điều trị rồi thi vào đại học...

*

*         *

Hôm sau, chúng tôi tiếp cận địa bàn mới, một vùng ác liệt mà quân ta và địch đang giành giật nhau từng mảnh đất, ngọn đồi. Nơi chúng tôi dự định đóng quân lại nát tươm bởi bom, pháo. Đây là địa bàn của đơn vị bạn phần lớn mới hi sinh, số còn lại đang kéo ra phía sau củng cố. Trong hầm, bếp, nhiều chỗ vẫn còn quân tư trang, nhất là súng, cứ như mọi người đang đi đâu đó sẽ trở lại. Có những ba lô còn cả ví, thư từ, ảnh bạn bè, gia đình, sổ lưu niệm, những vỏ gối vải trắng thêu hai con bồ câu hay khăn mùi xoa có dòng chữ kỉ niệm còn bọc trong áo mưa... Tôi không cầm nổi nước mắt khi thấy dưới đáy một ba lô là cuốn sổ lưu niệm, lại có cả sách giáo khoa Đại số lớp 10 đã nhàu nát bìa. Chủ nhân các kỉ vật đó chắc mới hi sinh hôm trước, hoặc cùng lắm cũng chỉ vài ba hôm thôi. Lại cả một bộ quân trang vải Tô Châu mới tinh được giấu cẩn thận trong một bọc vải dù pháo sáng. Chúng tôi tò mò, xem kĩ, thấy có dòng chữ viết bằng mực xanh trên áo: “Gửi bố Thái Bá...” Thương quá. Bộ quân phục bạn cố tằn tiện, gìn giữ cho người cha nơi quê nhà mãi mãi chẳng đến được tay. Và người cha khi nhận giấy báo tử con mình, cũng đâu biết hết được tấm lòng người con nơi chiến trận yêu thương, vẫn dành dụm những gì có thể cho người ở quê nhà.

Sau khi dọn đủ hầm cho quân số đơn vị, chúng tôi nhận được tin sét đánh. Trên đường kéo quân ra, anh em đã hi sinh và bị thương gần một phần ba. Đau quá. Cũng chỉ sơ sểnh, một phút chủ quan. Chiến trường Quảng Trị hồi ấy, không ai ngủ trên mặt đất, dù chỉ tranh thủ một vài tiếng giữa đường hành quân. Đồng đội thoát chết mếu máo kể trong nước mắt, vì mệt quá, chạy bộ qua trọng điểm lầy bùn cả cây số, tưởng đứt hơi, nên xuống đến thung lũng, mọi người được lệnh nghỉ tạm 2 tiếng. Cũng có người khoét hố để lót lưng, nhưng nhiều anh em nằm ngả luôn trên nền đất phó thác cho may rủi. Vả lại, thung lũng khuất tầm pháo, bom thì không phải lúc nào cũng rải nên chỉ huy “thông cảm” không bắt đào hố. Có ai ngờ, chưa kịp chợp mắt thì bom B52 dội trúng đội hình, hẳn một vệt. Chết, bị thương nhiều lắm, nhất là anh em C8 hỏa lực, riêng C43 của tôi cũng năm người hi sinh, ba người bị thương. Tin sốc làm tôi rũ rượi. Lần tổn thất này tôi mất đến bốn người bạn thân, trong đó có Kỷ, dân tộc Thái, đứa em đẹp trai và trẻ nhất đơn vị, mới bổ sung vào trung đội hai tháng trước, thường ngủ chung hầm với tôi. Kỷ vui tính, hơi nhát gan, nhưng ai cũng quý vì cái tính hồn nhiên đến ngây ngô. Hồi mới nhập đơn vị, khi trực thăng “tâm lí” của địch có mấy đứa “thiên nga” ngồi cửa ăn mặc hở hang, cầm loa hát nhạc vàng, Kỷ giành ống nhòm xem rồi thốt lên, “đẹp quá”. Cu cậu bảo chưa thấy cô gái bản nào đẹp bằng rồi bảo nếu thời bình, cô ấy ưng, nó lấy liền, làm anh em cứ lăn ra cười... Hai đảng viên kết nạp tại trận cùng đợt tôi cũng không còn. Vậy là chỉ sau hơn hai tháng, cả 5 đảng viên mới kết nạp của D19 còn lại mỗi tôi. Trước đó có Minh, đã rời đơn vị vì ác liệt quá và nhớ vợ. Tôi với nó thân nhau từ trước khi vào chiến trường. Trước khi đi B, vợ hắn đến thăm, cả đơn vị xôn xao vì cô đẹp. Đêm chia tay, đại đội bố trí cho nghỉ ở “lán hạnh phúc” là ngôi nhà trực ban. Anh em lính gác quên cả nhiệm vụ cứ thập thò, nép sát phên lán để may ra nghe trộm được âm thanh “kì diệu” của vợ chồng trẻ. Không rõ có nghe được gì không nhưng sau này trên đường vào chúng nó kể cười chảy nước mắt. Hồi đó, lính tráng toàn 17, 18 tuổi, từ ghế nhà trường, hầu hết chưa ai có mảnh tình vắt vai chứ nói chi “biết mùi đời”, nên chuyện yêu đương, trai gái cực kì hấp dẫn, ai có vợ rồi thì nhìn ngưỡng mộ lắm, họ kể gì cũng há hốc mồm nghe như lũ trẻ nghe chuyện cổ tích. Nhiều thằng “sĩ diện” còn bịa ra chuyện này chuyên nọ kể cho oai.

Điều làm tôi day dứt nhất chính là Đại đội phó Chung, người giới thiệu tôi vào Đảng, rất lì trong đánh nhau, thương tôi như em ruột. Anh bảo, ghét nhất là hèn, nao núng, ai chẳng có một lần chết, thà chết xanh cỏ còn hơn sống hèn nhát. Ấy vậy mà anh rời đơn vị không biết lí do. Trong số tử sĩ, thương binh của trận B52 đó, không có anh. Nhiều anh em bảo thấy anh khóc khi điểm mặt từng đồng đội hi sinh, sau đó mất tăm... Mãi sau hòa bình mấy năm, tôi đang ngồi trên xe ca dọc đường 48, tình cờ thấy anh đang ngồi trên xe trâu chở mía. Xe lên dốc, chạy chậm, tôi oằn người ra khỏi cửa xe, gào to: “Anh Chung! Anh Chung ơi...”. Anh có quay lại, không hiểu có nhận ra tôi không vì sau đó bị khuất tầm nhìn...

T.C.T

VNQD
Thống kê