Sinh năm 1932, năm nay Đại tá Nguyễn Quốc Thịnh đã ở tuổi xưa nay hiếm nhưng ông vẫn mạnh khỏe và minh mẫn. 50 năm gắn bó với màu áo lính, nếu gọi cuộc đời của ông bằng một gam màu thì chắc hẳn nó sẽ là màu xanh. Bởi ngoài việc cả cuộc đời gắn bó với màu xanh áo lính thì khi tuổi đã xế chiều, ông đã giữ cho mình một triết lí sống xanh như màu xanh áo lính, để những giá trị truyền thống mãi được giữ gìn và lan tỏa.
Sinh ra và lớn lên tại Phố Huế cho đến trước khi gia nhập Quân đội, nhưng quê gốc của Đại tá Nguyễn Quốc Thịnh thuộc xã Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội. Suốt cuộc đời quân ngũ, từ khi còn là một cậu bé ông đã tham gia bảo vệ Hà Nội những ngày đầu kháng chiến, sau đó lên chiến khu, tham gia chiến dịch Điện Biện Phủ, về giải phóng Thủ đô và gắn bó với các đơn vị quân đội sau này, khi thì làm cán bộ quân sự, lúc lại làm cán bộ chính trị. Trước khi nghỉ hưu ông là Phó Giám đốc Học viện Khoa học Quân sự. Nửa thế kỉ gắn bó và trưởng thành cũng những dấu mốc lịch sử của Quân đội, cuộc đời ông có những câu chuyện mà đến nay không nhiều người biết đến.
Đại tá Nguyễn Quốc Thịnh (phải) cùng đồng đội thời trẻ. Ảnh: NVCC
15 tuổi đã vào quân ngũ
Sau này khi nhìn lại cuộc đời binh nghiệp, rất nhiều người thường nhớ về cái mốc là ngày nhập ngũ, còn với Đại tá Nguyễn Quốc Thịnh, nếu phải có một ngày nói về việc chính thức vào quân ngũ của ông thì đó là ngày 26 tháng 7 năm 1947. Ông cùng một số anh em khác cùng tham gia phong trào Hướng đạo sinh tại Hà Nội. Sau đó các anh lớn giác ngộ sớm hơn đã gia nhập Việt Minh và rủ ông theo cùng. “Anh Hồng Cư (sau này là Trung tướng - Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị - PV) bảo tôi, “để tao vào xong tao gọi mày”. "Thế là anh vào ngày 24 tháng 7, hai ngày sau thì anh gọi tôi. Chúng tôi trước đó cùng sinh hoạt trong Đội liên lạc đặc biệt chuyển tài liệu vào Thành, sau chuyển sang Đội thanh niên tuyên truyền đặc biệt do Đoàn Thanh niên cứu quốc tổ chức. Đội này do ông Lý Ban tổ chức và duy trì hoạt động. Ông Lý Ban tức Lý Bích Sơn, là một trong hai người Việt tham gia Vạn lý Trường chinh của Trung Quốc. Đơn vị chúng tôi nhập ngũ vào khi ấy là là Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, thuộc Bộ Tổng Tư lệnh bảo vệ Trung ương Đảng và Chính phủ”, ở tuổi chín mươi, trong ngôi nhà ven tỉnh lộ 70 nối Hà Đông với Hoài Đức, ông chia sẻ. Lúc đó đơn vị ông hoạt động chủ yếu ở vùng Chúc Sơn, thuộc Chương Mỹ, Hà Nội, vùng tiếp giáp với Quốc Oai. “Anh Hồng Cư giữ vị trí Chính trị viên đại đội, Đại đội trưởng là anh Trương Đình Mậu. Còn tôi làm liên lạc viên. Năm ấy, tôi 17 tuổi, vì thực tế tôi sinh năm 1932, nhưng theo tuổi lí lịch thì chỉ có 15”.
Lúc mới vào bộ đội, thậm chí quần áo ông cũng không có mà mặc, có mỗi đôi dép mang theo từ nhà thì quý hơn vàng, vì không có nó không thể đi trên đường đá lởm chởm được. Sau này ông được phát mười đồng phụ cấp mỗi tháng. “Tôi được phát một thanh đại đao, nhưng là thép rỉ. Khổ một nỗi là nếu để rỉ là bị phạt, nhưng dù có lau hàng ngày thì nguy cơ bị han cũng rất lớn. Tôi thường rình dịp nhà dân nào mổ gà thì xin một ít mỡ gà thoa lên bề mặt để bảo quản vũ khí”, ông nhớ lại những ngày đầu vào Quân đội.
Đi làm cách mạng đương nhiên là khó khăn. Cả Đại đội trưởng Trương Đình Mậu, Chính trị viên Hồng Cư và ông chỉ có một chiếc chăn, cùng chui vào ngủ chung. Ngủ không có màn, không tránh được muỗi đốt nên sau này ai cũng bị sốt rét. Quần áo ông mặc đi từ nhà dần rách hết cả, sau đó ông được đàn anh Trần Xuân Trường cho một cái áo sơ mi, nhưng áo rộng mà người ông thì bé nhỏ, phải xắn giữa tay lên và khâu bớt lại cho ngắn để mặc, còn phần vai thì vẫn rộng thùng thình. Người anh Trần Xuân Trường mà ông nói đến khi đó giữ vị trí Chính trị viên của một đại đội, ông chính là con trai nhà văn Nguyễn Tuân. Sau này ông Trần Xuân Trường phát triển, giữ chức Chính ủy Học viện Chính trị Quân sự.
Lúc gia nhập quân đội đi đánh giặc thì nghĩ là đi đến khi nước nhà độc lập thì về, thế nhưng bước đường hành quân cứ kéo dài ra mãi. Thế rồi ông đã đi hết quãng đời binh nghiệp cũng đã hết nửa thế kỉ, nghỉ hưu tới nay cũng đã gần ba mươi năm, cũng đã đi hết một đời người. Cái ngày nhập ngũ ấy, dù đã hơn bảy mươi năm, nhưng với ông vẫn còn tươi xanh vẹn nguyên trong kí ức. Tất cả như mới chỉ hôm qua…
Bảy ngày chỉ ăn lá mùi tàu
Cả cuộc đời binh nghiệp của Đại tá Nguyễn Quốc Thịnh có biết bao kỉ niệm đáng nhớ, nhưng kỉ niệm về những ngày Tết năm 1954 thì đến giờ ông vẫn kể cho các cháu của mình nghe câu chuyện suốt bảy ngày trời chỉ ăn lá mùi tàu mà sống. Đó là quãng thời gian đơn vị ông được lệnh truy kích địch trên đất Lào, trước chiến dịch Điện Biên Phủ. Mải mê truy kích địch, chút thực phẩm ít ỏi mang theo đã hết, toàn rừng núi, xa dân cư, toàn đơn vị bị đói. Khi đi dọc lòng suối, không có gì ăn, ông và đồng đội thấy có rất nhiều cây rau mùi tàu mọc, một loại cây mà khi ở nhà ông thấy mọi người vẫn dùng làm rau thơm, ông bèn vặt từng nắm mùi tàu rửa qua nước suốt và cho vào miệng nhai ngấu nghiến. Đó là thứ rau lá hình răng cưa thô nhám thường dùng làm rau thơm, nó đã nuôi sống ông và đồng đội suốt bảy ngày trời trên đất Lào.
Chiến dịch Điện Biên Phủ đã lùi xa nhưng người lính Điện Biên năm xưa vẫn giữ cho mình chiếc áo trấn thủ. Ảnh: NVCC
Mãi đến khi đi đến vùng có bản người Lào, gặp được dân, xin được một ít gạo nếp, anh em đơn vị sung sướng cho vào ruột tượng mang về. Khi dừng chân là ngay lập tức mang gạo nấu xôi. Nhưng trời ơi, nồi xôi nếp vừa chín, mọi người háo hức trước món ăn quý giá thì ai cho vào miệng cũng đành nhè ra vì đắng ghét, đắng còn hơn kí ninh, không thể nuốt nổi. Thì ra là bao tượng đựng gạo trước đó đựng bộc phá, do dính thuốc nổ chưa được giặt nên đã thấm vào gạo làm cho gạo đắng không thể ăn được. Dù rất đói và thèm, ông và đồng đội cũng đành vứt bỏ. Hôm ấy là mùng hai Tết năm 1954. Ông đã có một cái Tết thật đáng nhớ trên đất Lào. Một cái Tết của rau mùi tàu và nắm xôi đắng nghét. Sau đó cả đơn vị được lệnh rút về tham gia chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ lúc này đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp chuyển phương châm từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc”.
Hôn nhân thời chiến và tuổi già an lạc
Chuyện đám cưới thời chiến của Đại tá Nguyễn Quốc Thịnh cũng thật đặc biệt. Năm 1956, ông đang đóng quân làm nhiệm vụ huấn luyện ở Sơn Tây, trong một chuyến về phép đã bén duyên với bà.
Ông có một người bạn là Lê Dũng thuộc Trung đoàn Thủ đô thì đóng quân ở Tây Mỗ. Lần ấy ông đến chơi với bạn ở Tây Mỗ, xã lân cận gần nhà ông, thì ông gặp bà Đỗ Thị Ca, người sau này là trở thành vợ, cùng ông đi suốt phần đời còn lại. Đơn vị của Lê Dũng khi đó đóng quân nhờ nhà dân, chính là nhà bố mẹ vợ ông sau này.
Thời gian đó, người anh cả của ông đã vào Nam từ năm 1943 không có tin tức gì, anh thứ hai cũng vào Nam năm 1946, đều ở xa tít mù khơi, ông thì cũng theo đơn vị di chuyển nay đây mai đó, gia đình chẳng còn ai, bởi thế ông cũng muốn yên bề gia thất để bố mẹ yên tâm, có người ở nhà lo cho các cụ. Nên việc gặp bà Ca, duyên bén rất nhanh và cả hai đến với nhau cũng rất nhanh. Việc tìm hiểu diễn ra nhanh chóng, từ tháng 10 năm 1956 đến tháng 7 năm 1957 thì cưới. Vợ ông kém ông đúng 10 tuổi. Ông bà tổ chức lễ cưới vào ngày 20 tháng 7 năm 1957, đám cưới cũng đơn giản, chỉ có vài mâm cơm, mấy bao thuốc Ba Vì, đơn vị ông cử 10 người về dự. Ông vừa cưới xong thì có sự cố, đê Mai Lâm ở Hà Nội bị vỡ, đơn vị ông phải tăng cường để đi vá đê. Thế là ông vội gác duyên mới sang một bên, cùng đồng đội sang Gia Lâm cùng tham gia cứu đê chống lụt.
Đại tá Nguyễn Quốc Thịnh và vợ, bà Đỗ Thị Ca trong một chuyến về thăm lại chiến trường xưa. Ảnh: NVCC
Cả cuộc đời ông đi bộ đội, lấy vợ mà chẳng mấy khi được ở bên vợ con, gia đình. Ông bảo vợ ông cũng thiệt thòi nhiều. “Khi cưới bà ấy tôi còn không có đủ tiền để mua một chiếc áo sơ mi, cũng không có quà gì cho vợ”, Đại tá Nguyễn Quốc Thịnh chia sẻ. Đến khi về hưu, ông đã phần nào bù đắp được cho vợ khi cùng bà an hưởng tuổi già, vui vầy bên con cháu. Ngôi nhà xưa ông bà xây chỉ từ một bao xi măng được một người bạn ủng hộ nay đã được các con xây dựng lại khang trang trên chính mảnh vườn ông bà tổ tiên để lại. “Tôi vẫn đùa bà ấy là tôi đã lo cho bà hơn người rồi, tiêu chuẩn “một vợ, hai con, nhà ba tầng, xe bốn bánh” tôi đã vượt, người ta một vợ hai con thì tôi một vợ ba con, nhà thì cũng thừa ba tầng rồi, xe ô tô tôi không có nhưng các con tôi có, còn đi nước ngoài thì từ khi nghỉ hưu tôi đã đưa bà nhà tôi đi 10 nước chứ không phải 5 nước. Bởi thế cũng không có gì phải băn khoăn nữa”, người lính già tỏ ra lạc quan trong vai trò "trụ cột".
Ba bông hồng xanh
Niềm vui và niềm an ủi lớn của Đại tá Nguyễn Quốc Thịnh đó là ông có một gia đình lớn yên ấm. Người vợ đồng cam cộng khổ từ những ngày gian khó đến nay vẫn mạnh khỏe bên ông. Một niềm vui lớn nữa đó là 3 cô con gái của ông dù chọn những con đường khác nhau nhưng cuối cùng đều khoác trên mình màu xanh áo lính, tiếp nối sự nghiệp của cha.
Người con gái đầu của ông bà là Nguyễn Thị Thắng, con gái thứ hai là Nguyễn Thị Lâm Anh, con gái thứ ba là NguyễnThị Hải Lý. Cả ba cô con gái của ông bà đều là những nữ quân nhân công tác trong môi trường Quân đội.
Chị Nguyễn Thị Thắng, con gái đầu của ông bà học tập và công tác tại Học viện Khoa học Quân sự, nơi ông công tác khi xưa. Chị Nguyễn Thị Lâm Anh được nhận vào làm giáo viên tiếng Anh tại Học viện Chính trị Quân sự. Ban đầu chị chỉ có bằng Ngoại ngữ sư phạm tiếng Nga, sau này Lâm Anh học lên Thạc sĩ về Tiếng Anh và từng bước khẳng định mình, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ tại đơn vị. Còn cô con gái thứ ba Nguyễn Thị Hải Lý tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân, ban đầu cũng đi làm tại một số cơ quan dân sự, nhưng rồi duyên số run rủi thế nào mà cuối cùng cũng vẫn vào Quân đội khi chị đầu quân về Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel thời đơn vị này mới thành lập, thế rồi gắn bó ở đó cho đến bây giờ và cũng đã trở thành quân nhân.
Đại tá Nguyễn Quốc Thịnh cùng vợ và 3 con gái là những nữ quân nhân. Ảnh: NVCC
Đại tá Nguyễn Quốc Thịnh rất vui và tự hào khi đến nay, các con đều có gia đình riêng đầm ấm. Càng vui hơn khi gia đình các con đều vui vẻ, đoàn kết và gắn bó với nhau. Những kì nghỉ, gia đình của chị Thắng, chị Lâm Anh và chị Hải Lý thường tổ chức gặp gỡ, đi chơi chung với nhau và mời ông bà đi cùng rất vui vẻ.
Về chủ đề giữ lửa đoàn kết yêu thương trong gia đình hiện đại, Đại tá Nguyễn Quốc Thịnh chia sẻ: “Điều đáng buồn nhất hiện nay, đó là trong gia đình nhiều thế hệ, nhiều người không tìm được tiếng nói chung. Cái gọi là mâu thuẫn thế hệ luôn luôn có, nhưng mỗi người nên chọn cách ứng xử thế nào, mỗi thành viên, mỗi thế hệ chọn cách nào để hài hòa thì không phải gia đình nào cũng làm được. Mỗi thế hệ có những cách nghĩ, những quan điểm, những sở thích, những yêu cầu, nhu cầu, mong muốn riêng. Điều quan trọng nhất là đừng áp đặt nhau, đừng vì mình là bố là mẹ, là ông là bà mà áp đặt các cháu, thì chúng nó sẽ gần gũi tôn trọng mình”, ông nói. Ông bảo rằng, phải thấy được, mình là điểm tựa tinh thần của con cháu, nhưng ngược lại, con cháu cũng là điểm tựa tinh thần của mình. Vì thế mà vì nhau, cần nhau một cách tự nguyện, như một nhu cầu tự thân thì mới tự nhiên và bền vững.
“Các cháu tôi có những lựa chọn nghề nghiệp khác, không đứa nào theo nghiệp nhà binh, âu cũng là lẽ tự nhiên của một đất nước đã hòa bình”, ông nói như một sự đúc kết. Bởi cách suy nghĩ hiện đại như vậy nên ông luôn có một cuộc sống hài lòng ở tuổi già, nơi con cháu hội tụ và chia sẻ, nơi những giá trị truyền thống vẫn được giữ gìn và tôn vinh. Triết lí sống xanh từ màu xanh áo lính ông gắn bó cả cuộc đời đã lan tỏa và tạo ra những giá trị sống mới.
NGUYỄN XUÂN THỦY
VNQD