Trước diễn biến rất phức dịch Covid-19, những người lính biên phòng thành phố biển Đà Nẵng đã tình nguyện ra tuyến đầu chống dịch. Câu chuyện về Thiếu tá Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (phòng Chính trị) và con trai là Binh nhì Phan Văn Gia Huy (Đồn Biên phòng Phú Lộc) cùng tham gia làm nhiệm vụ tại các chốt phòng, chống dịch Covid-19 khiến nhiều người nể phục. Vừa là mẹ con, vừa là đồng chí, hai người lính đã bỏ lại sau lưng những vất vả, hiểm nguy để cùng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Dưới tiết trời 40 độ C, Thiếu tá Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, nhân viên Ban Tuyên huấn, phòng Chính trị Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Đà Nẵng vẫn kiên trì đứng kiểm tra giấy đi đường của người qua chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 trên đường Nguyễn Tri Phương (quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng). Đã hơn 10 ngày nay, thực hiện Nghị quyết số 08 của Thành uỷ, Chỉ thị 05 của UBND thành phố Đà Nẵng về triển khai các biện pháp cấp bách trong phòng, chống đaị dịch Covid-19, nhiều chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 được thiết lập nhằm hạn chế mức thấp nhất người ra đường. Lại nghĩ, suốt 2 năm qua, nhiều đồng chí, đồng đội của mình đã không ngại nguy hiểm làm nhiệm vụ tại các khu cách li, Thiếu tá Nguyễn Thị Mỹ Hạnh đã đề xuất với cấp trên cho phép mình được làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát, phòng, chống dịch Covid-19. Là nữ, Thiếu tá Nguyễn Thị Mỹ Hạnh được các đồng đội nam ưu tiên trực ca ngày hoặc ca tối kết thúc trước 22h để về nhà nhưng sáng nào cũng thế, chị đều đến sớm trước ca trực 15 phút để “đồng đội trực đêm có thể về sớm hơn nghỉ ngơi”.
Thiếu tá Nguyễn Thị Mỹ Hạnh làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 trên đường Nguyễn Tri Phương.
Hàng ngày, chị Hạnh có thể lựa chọn cung đường từ chốt sang đường Lê Độ rồi ra đường Nguyễn Tất Thành, từ đó rẽ về nhà. Tuy nhiên, chị Hạnh thường chọn cung đường xa hơn, đó là từ chốt lên đường Điện Biên Phủ, qua đường Dũng Sĩ Thanh Khê, rẽ sang đường Lý Thái Tông rồi mới ra đường Nguyễn Tất Thành để về nhà. Sở dĩ chị chọn đi đường vòng như vậy để trên đường có thể gặp con trai của mình là Binh nhì Phan Văn Gia Huy, làm nhiệm vụ tại chốt trước Khu cách li tại trường Tiểu học Lê Văn Tám hoặc Tiểu đoàn 29, Lữ đoàn 28, Quân chủng Phòng không - Không quân. Kể từ ngày con trai nhập ngũ đến nay đã được hơn 5 tháng, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các đơn vị đều cấm trại nên ngay cả khi con đã huấn luyện xong, về Đà Nẵng rồi, chị Hạnh cũng chưa một lần được ngồi nói chuyện với con. Chọn cung đường này, chị Hạnh có thể nhìn thấy con mình vẫn khỏe mạnh, đang cùng đồng chí, đồng đội làm nhiệm vụ. Đó là một niềm an ủi lớn với chị.
Binh nhì Phan Văn Gia Huy vốn hát hay, đàn giỏi và là một “dancer” nhảy hiện đại, vì mong muốn một ngày nào đó sẽ được cùng mẹ đi biểu diễn phục vụ bà con ngư dân nên tốt nghiệp lớp 12, Huy đã viết đơn tình nguyện nhập ngũ vào lực lượng BĐBP Đà Nẵng. Ngày 31/7 vừa qua, Huy hòan thành khóa huấn luyện chiến sĩ mới tại Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động BĐBP Quảng Bình, được cấp trên phân công về Đồn Biên phòng Phú Lộc. Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phúc tạp nên ngày hôm sau, Binh nhì Phạm Văn Gia Huy đã tham gia làm nhiệm vụ tại các chốt phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Đối với các chiến sĩ mới, Đồn Biên phòng Phú Lộc chỉ bố trí trực một ca để dần làm quen với công việc nhưng Phan Văn Gia Huy vẫn “xin” trực thêm một ca và thường là ca đêm (từ 22h đêm hôm trước đến 6h sáng hôm sau) vì “mọi người mấy tháng nay đã mệt vì trực rồi, cứ để bọn em thay ca”.
Bình nhì Phạm Văn Gia Huy trên chốt phòng, chống dịch.
Khu cách li tại Trường Tiểu học Lê Văn Tám và Tiểu đoàn 29 có quy định thời gian gửi đồ tiếp tế cho các F1 nhưng nếu là đồ ăn đêm cho các cháu nhỏ hoặc cụ già hay người sức khỏe yếu, Phan Văn Gia Huy vẫn sẵn sàng tiếp nhận rồi gọi bộ phận phục vụ ra chuyển vào. Huy tâm sự: “Phải vào khu cách li ai cũng lo lắng bởi vậy mà anh em canh chốt luôn cố gắng tạo điều kiện tốt nhất cho các F1 để họ yên tâm cách li, phòng chống dịch. Khi nhận nhiệm vụ, tất cả anh em đều biết rằng người trong khu cách li đều là bà con trên địa bàn thành phố cả nên mỗi người lính phải coi như người nhà để có những hành xử đúng mực. Đây cũng là lúc mọi người cùng chung tay, đoàn kết đẩy lùi dịch Covid-19”. Những lời chia sẻ của chàng trai vừa tròn 18, dù chỉ mới qua 5 tháng huấn luyện quân ngũ nhưng có thể khiến người nghe yên tâm hơn về những người ở tuyến đầu.
Mấy lần Thiếu tá Nguyễn Thị Mỹ Hạnh “đi đường vòng” để có đôi phút được thấy con. Có hôm, chị Hạnh nấu món ăn lúc ở nhà con trai vẫn thích, trên đường đi trực chốt ghé qua đưa nhưng con trai chị nhất quyết không nhận mà nói: “Ở đây, cơm bánh rất đầy đủ, mẹ đừng làm thế. Con không muốn khác mọi người”. Nghe con trai nói, chị Hạnh thấy mừng và hạnh phúc vì con đã trưởng thành, đã quen với môi trường quân ngũ và biết sống cho người khác.
THANH TRÚC
VNQD