. NGUYỄN HỘI
Ngày 21/2/2021, báo Business Insider, trang điện tử lớn của nước Mĩ ca ngợi: Không quốc gia nào có cùng quy mô dân số lại kiềm chế virus Covid-19 tốt như Việt Nam. Còn trong bảng xếp hạng 98 nước trên thế giới về mức độ thành công trong ứng phó đại dịch Covid-19 do Viện nghiên cứu Lowy (Australia) công bố ngày 28/01/2021, nước ta chỉ đứng thứ 2, sau New Zealand. Tuy nhiên Kamal Malhotra, điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, tin rằng quốc gia hình chữ S ứng phó với đại dịch tốt hơn cả New Zealand.
Thành quả này có sự đóng góp của rất nhiều lực lượng, trong đó có những người lính nói chung và lính biên phòng Long An nói riêng.
Để tang cha trên chốt chống dịch
Tháng 8/2018, Trung uý Nguyễn Đình Thông, quê ở xã Kim Hoa, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh tốt nghiệp loại ưu Học viện Biên phòng chuyên ngành Quản lí Biên giới với 3 năm liền là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, được điều động về công tác tại Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An. Năm đầu trên cương vị Đội trưởng Vũ trang Đồn Biên phòng Thạnh Trị, Thông đã cùng 1.200 lượt anh em đồng đội tham gia 240 lần tuần tra, kiểm soát trên biên giới, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ hàng chục vụ buôn lậu, vận chuyển hàng hoá qua biên giới, xuất nhập cảnh trái phép, góp phần giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh trên đoạn biên giới đơn vị phụ trách. Khi đơn vị thành lập chốt phòng chống dịch, anh được Ban Chỉ huy đồn tin tưởng giao nhiệm vụ làm chốt trưởng.
Biết bố Thông bị bệnh hiểm nghèo, đầu năm 2020, đơn vị tạo điều kiện cho anh về thăm. Trước lúc Thông trở lại đơn vị, cha anh đã dặn: “Dù bất kì điều gì xảy ra, con phải giữ vững ý chí Bộ đội Cụ Hồ”. Có lẽ người cha mang trong mình căn bệnh ung thư quái ác ấy đã có linh cảm về ngày ra đi, đứa con trai, niềm tự hào của ông sẽ không về kịp.
Nhận được điện thoại của mẹ lúc 13 giờ ngày 2/4/2020, Thông như chết lặng, làm sao có thể về chịu tang cha khi chốt vừa mới lập, việc quản lí địa bàn, việc tuyên truyền cho người dân, việc ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép… còn ngổn ngang. Trong khi đó, quân số đơn vị có hạn, anh em đã chia nhau căng mình, rải dọc đường biên giới. Không muốn ảnh hưởng đến kế hoạch chung của đơn vị, Thông báo cáo chỉ huy sẽ ở lại công tác cho đến khi dịch dã tạm yên mới xin nghỉ phép về quê chịu tang cha. Nhận được tin, cả Chính ủy và Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An đã xuống Chốt số 1, cùng Thông và đồng đội lập bàn thờ. Đêm biên giới đen đặc, trong ánh sáng mờ mờ từ đèn bình tích điện, Thông cầm bó hương quay mặt về hướng quê nhà bái vọng. Anh đã khấn thầm, mong cha thứ lỗi, vì nhiệm vụ con không về được.
Tháng 5/2020 Nguyễn Đình Thông đã vinh dự được Ban Tuyên giáo Trung ương tuyên dương điển hình tiên tiến làm theo lời Bác; tháng 7/2020, anh tiếp tục được Bộ Quốc phòng tuyên dương điển hình tiên tiến trong phòng chống dịch Covid-19. Có điều trùng hợp đặc biệt là cả hai sự kiện quan trọng này lại đúng vào hai ngày thất tuần và bách nhật của cha anh.
Cuối năm 2020 Thông được điều chuyển giữ chức Đội trưởng Vận động Quần chúng Đồn Biên phòng Tuyên Bình. Ngoài công tác chuyên môn ở đơn vị, anh còn cùng hai chiến sĩ trực tiếp đứng lớp dạy các em trong trường học tình thương do đơn vị mở. Gọi là trường học tình thương vì 48 học sinh ở đây được phân thành 5 lớp, từ lớp 1 đến lớp 5. Các em là con em các hộ gia đình ở khu vực Bình Châu, xã Tuyên Bình, Vĩnh Hưng, Long An, phần lớn đều chưa có hộ tịch, hộ khẩu do nhiều đời sinh sống bên Campuchia. Mấy năm trở lại đây vùng Biển Hồ cạn kiệt cá tôm, chính quyền sở tại siết chặt việc quản lí dân ngụ cư, họ trở về quê cha đất tổ làm ăn. Chính quyền huyện Vĩnh Hưng quan tâm cấp đất cho họ dựng nhà cặp bờ kênh. Hàng ngày các em nhỏ phải phụ giúp cha mẹ chặt lục bình, mần mướn, bán vé số… kiếm sống, tối mới có thời gian đến với lớp học tình thương do Bộ đội Biên phòng tổ chức. Chia sẻ với chúng tôi, Trung uý Nguyễn Đình Thông hồ hởi: “Được chỉ huy quan tâm luân chuyển sang đơn vị và vị trí công tác mới, em rất vui. Vui vì ngoài nhiệm vụ bảo vệ biên giới, phòng chống dịch Covid-19, em còn được làm thầy giáo quân hàm xanh truyền trao kiến thức cho các em nghèo hiếu học. Dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, các cấp chính quyền, đoàn thể và các nhà hảo tâm trao tặng tiền, quà cho lớp học tình thương lên tới gần một trăm triệu đồng, được chia đều cho tất cả. Đây thực sự là món quà không hề nhỏ, những ngày tết các em đã được thơm tho, ấm áp hơn ngày thường.”
“Tạm hoãn cưới nhé em”
Từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát mọi hoạt động của đời sống xã hội bị thay đổi, thậm chí bị đảo lộn. Đến những việc hệ trọng của đời người cũng không được diễn ra như dự định. Điển hình như Trung uý quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Tiến Đức, nhân viên lái xe Phòng Hậu cần Biên phòng Long An đã phải hai lần hoãn cưới.
Nhìn chàng trai sinh năm 1992 mảnh dẻ, nói năng nhẹ nhàng như con gái ấy, ít ai nghĩ rằng ở Đức lại có sức mạnh và nghị lực phi thường. Sinh ra và lớn lên ở Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh trong một gia đình không có nhiều may mắn. Bố là bệnh binh, mất sức lao động, mẹ đi bước nữa. Ngay từ nhỏ hai anh em Đức chỉ có một ước mơ là đi bộ đội để được rèn luyện và trưởng thành. Năm 2013, sau thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự và học xong lớp lái xe, Đức được điều về Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An công tác. Cậu em trai khi ấy cũng thi đỗ vào Trường Sĩ quan Lục quân 1. Dù ở bất cứ vị trí công tác nào, Đức đều quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được anh em đồng đội tin yêu. Kể từ khi ra trường, dù đồng lương ít ỏi nhưng tháng nào Đức cũng dành một phần gửi về quê cho bố thuốc thang. Đất lành chim đậu, Đức bén duyên cùng cô nhân viên văn phòng xinh đẹp có cái tên rất đậm chất miền Tây: Nguyễn Ngọc Mỹ Tiên quê Chợ Gạo, Tiền Giang. Biết hoàn cảnh chàng rể khó khăn nhiều thứ, gia đình nhà gái không đòi hỏi gì cho lễ cưới. Thậm chí, còn tạo điều kiện cho hai đứa ở chung nhà, khi nào có điều kiện thì ra ở riêng. Đầu tháng 2/2020, sau khi đăng kí kết hôn, chuẩn bị làm đám cưới thì tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Vậy là đám cưới được dời sang đầu tháng 4. Cuối tháng 3 thiệp mời đã phát, cỗ bàn đã đặt, nhưng trước đám cưới 3 ngày, theo quy định của Chỉ thị 16, việc cách li toàn xã hội được thực hiện. Chàng trai sắp trở thành chú rể thực hiện lệnh cấm trại, thường trực 24/24 giờ tại đơn vị sẵn sàng cho những chuyến xe lao nhanh về biên giới. Đám cưới hoãn lại lần hai, Mỹ Tiên khóc nức nở. Đây là thử thách đầu tiên trong đời người vợ lính. Hai bên gia đình điện thoại đến từng người ngại ngần báo hoãn. Đến mãi tháng 6/2020, khi tình hình dịch bệnh tạm yên, đám cưới mới được diễn ra đơn giản, gọn nhẹ theo tinh thần phòng chống dịch với hai bên gia đình và những bạn bè thân thiết nhất tham dự.
Theo thống kê của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, trong thời gian thực hiện cao điểm phòng chống dịch Covid-19, trong toàn lực lượng đã có 48 đồng chí “tạm hoãn cưới vợ” để thực hiện nhiệm vụ. Sau này, hãng hàng không Viet Jet Air đã tặng những cặp vé máy bay khứ hồi và tiền phòng khách sạn hạng sang cho 48 cặp vợ chồng ấy. Và vợ chồng Đức đã có kì nghỉ 3 ngày thật đặc biệt tại Phú Quốc. Đó là những giây phút vô cùng hạnh phúc nhưng cũng vô cùng ngắn ngủi, bởi sau đó Đức lại cùng đồng đội ngày đêm thực hiện nhiệm vụ trên tuyến đầu biên giới. Hôm Mỹ Tiên vào bệnh viện đa khoa Tiền Giang sinh con, Đức đang ở Đồn Biên phòng Cửa khẩu Mỹ Quý Tây cách nhà hơn 100km. Nhìn hình cậu con trai nặng 3,7kg vừa cất tiếng khóc chào đời qua màn hình điện thoại, Đức không ngăn được dòng nước mắt hạnh phúc lăn dài trên gò má đã rám đen vì nắng gió.
Hai cha con cùng trên tuyến đầu
Trên tuyến biên giới tỉnh Long An có nhiều câu chuyện về hai anh em trai, hai anh em cọc chèo và hai cha con cùng chung tuyến đầu chống dịch. Nhưng câu chuyện về “đồng chí cha”, Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Văn Hô, Đội Vận động quần chúng Đồn Biên phòng cửa khẩu Mỹ Quý Tây và “đồng chí con”, Trung uý sĩ quan Nguyễn Hữu Nhật, đặc biệt trong hơn một năm thực hiện nhiệm vụ kép, vừa bảo vệ biên giới vừa phòng chống dịch Covid-19, được nhiều người nhắc đến hơn cả.
Địa bàn quản lí của Đồn Biên phòng cửa khẩu Mỹ Quý Tây trải rộng trên hai xã vùng sâu biên giới của huyện Đức Huệ. 14km đường biên là ngần ấy đường bờ ruộng với biết bao nhiêu đường mòn lối tắt của bà con nhân dân thường ngày qua lại. Đây là điều kiện vô cùng thuận lợi để các đối tượng vượt biên trái phép. Việc ngăn chặn, bắt giữ là nhiệm vụ chính của các tổ đội tuần tra, các chốt trạm biên phòng. Còn nhiệm vụ chính của Đội Vận động quần chúng nói chung là tuyên truyền, vận động người dân tự giác chấp hành nghiêm các quy định về quản lí, bảo vệ biên giới, đồng thời phối hợp, giúp đỡ Bộ đội Biên phòng gìn giữ an ninh trật tự. “Mỗi người dân biên giới là một cột mốc sống”. Trước đây, Mỹ Quý Đông, Mỹ Quý Tây là hai xã địa bàn phức tạp về buôn lậu, xuất nhập cảnh trái phép nhưng nhờ làm tốt công tác vận động quần chúng, nhiều năm trở lại đây, địa bàn đã bình yên trở lại. Nhiều người dân trước đây tham gia buôn lậu, vận chuyển hàng hoá trái phép nay đã an tâm sản xuất nông nghiệp hay làm công nhân trong các khu công nghiệp ở Đức Hoà, Củ Chi, đời sống dần dần ổn định.
Trong thời gian chiến đấu với đại dịch Covid-19, vai trò của công tác tuyên truyền vận động càng trở nên quan trọng. Từ năm 2020, trên chiếc xe gắn máy cà tàng, “đồng chí bố” Nguyễn Văn Hô cùng anh em trong đội đã kiên trì ròng rã đến nhiều địa điểm, thực hiện hơn 800 buổi nói chuyện. Thông qua loa phát thanh có, những buổi sinh hoạt xóm ấp có. Đặc biệt, anh em còn đến tận nhà 1.300 hộ dân của 5 ấp biên giới trao tận tay họ hàng ngàn tờ rơi tuyên truyền về biện pháp phòng chống dịch bệnh, hàng ngàn chiếc khẩu trang y tế, hàng trăm chai nước sát khuẩn. Rồi phối hợp với các ban ngành đoàn thể của địa phương và bà con nhân dân tổ chức dọn dẹp vệ sinh khu dân cư, phát quang bụi rậm, phun thuốc khử khuẩn…
Còn “đồng chí con” Nguyễn Hữu Nhật, Đội trưởng Kiểm soát hành chính Đồn Biên phòng Thuận Bình, những ngày chống dịch được giao thêm nhiệm vụ chốt trưởng chốt khu vực mốc 194. Mốc 194 nằm ở vị trí đầu mũi Mỏ Vẹt. Phía Campuchia thuộc ấp Cos Rứ Sây, xã Tul So Đây, huyện Chăn Tria, tỉnh Svay Riêng, còn bên Việt Nam, địa điểm này chia đôi địa bàn hai huyện Đức Huệ (ấp 1, xã Bình Hoà Hưng) và huyện Thạnh Hoá (ấp 61, xã Thuận Bình) tỉnh Long An. Đây là địa điểm mà đường biên giới ăn sâu nhất vào lãnh thổ nước ta. Trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước, Xoài Riêng là căn cứ quan trọng Quân giải phóng miền Nam sử dụng để tập trung lực lượng trước khi tấn công vào các tỉnh miền Đông Nam Bộ và một phần miền Tây Nam Bộ. Cách Mỏ Vẹt không xa về hướng cửa khẩu Mỹ Quý Tây có căn cứ Ba Thu nằm bên nước bạn, đây là trạm giao liên và quân y viện dã chiến của bộ đội giải phóng Việt Nam. Thương binh ở vùng Đức Hoà và cả Sài Gòn - Gia Định sẽ được chuyển qua đường giao liên đến quân y viện Ba Thu cứu chữa, nếu sức khỏe đảm bảo sẽ quay trở lại chiến trường còn nếu không sẽ theo đường Campuchia để ra Bắc tiếp tục điều trị. Ngày nay xung quanh khu vực Mỏ Vẹt, cả hai bên biên giới đều trồng bạt ngàn rừng tràm. Phía Việt Nam đường tuần tra đã nối liền với đường nhựa ra tới huyện lị Đức Huệ, Thạnh Hoá, còn phía Campuchia, bạn đang tiến hành đổ đất làm đường vành đai biên giới.
Quay trở lại câu chuyện Trung uý Nguyễn Hữu Nhật. Chốt khu vực mốc 194 nằm trên đường tuần tra biên giới. Hàng ngày anh em biên phòng, công an, dân quân xã phối hợp cùng nhau tuần tra, kiểm soát trong khu vực được phân công phụ trách. Vì người dân hai bên biên giới thường làm ruộng sát đường biên cho nên việc phân biệt dân địa phương hay dân nơi khác đến được đặc biệt chú ý. Từ kinh nghiệm công tác vận động quần chúng của người cha, Nhật nắm chắc tên tuổi, vị trí ruộng của từng hộ dân ở cả hai nước để khi người lạ xuất hiện trên biên giới, anh em sẽ thuận lợi trong quá trình kiểm tra. Tuy nhiên, khi màn đêm buông xuống thì tình hình trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Do vậy chỉ còn một cách, Nhật và anh em chia nhau giăng võng nghỉ ngay dưới tán cây tràm dọc theo đường tuần tra biên giới. Nhiều hôm mưa giông bất ngờ ập tới, nước hắt qua tấm tăng che tạm, võng mền anh em ướt nhẹp nhưng không ai dời bỏ vị trí, bởi đó là lúc các loại đối tượng dễ lợi dụng để hoạt động. Trong năm 2020, Trung uý Nguyễn Hữu Nhật đã trực tiếp chỉ huy anh em trong chốt phát hiện, bắt giữ 8 vụ vận chuyển hàng hoá trái phép qua biên giới, thu giữ 13.000 gói thuốc lá ngoại nhập lậu, đặc biệt đã bắt giữ 05 vụ với 19 đối tượng (Việt Nam 2, Campuchia 17) có hành vi xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới. Với những thành tích đó, năm 2020 Nhật đã được nhận danh hiệu Chiến sĩ tiên tiến, điển hình Gương mặt trẻ tiêu biểu trong Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An và Bằng khen của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng.
Thêm một điều khá thú vị là chuyện cưới hỏi của Nhật khá giống với Trung uý Nguyễn Tiến Đức. Dù đã thương nhau rất lâu, hẹn ngày Nhật ra trường hai đứa sẽ làm lễ thành hôn, nhưng suốt trong năm 2020, tình hình dịch bệnh luôn diễn biến phức tạp nên đám cưới giữa chàng sĩ quan biên phòng Nguyễn Hữu Nhật và cô giáo trường cấp 1 Mỹ Quý Tây là Nguyễn Mỹ Phương phải hoãn đi hoãn lại. Nhà gái cho hay, theo phong tục truyền thống, tuổi của cô dâu chỉ có thể về nhà chồng trong năm Canh Tý, còn không thì phải chờ những... ba năm sau.
Công việc bộn bề, quân số đơn vị trực gác liên tục nên không thể thiếu vắng vị trí chốt trưởng dài ngày. Trước ngày Nhật làm lễ cưới, tôi bất ngờ gặp anh đang làm thủ tục kiểm tra người qua lại trên đường tuần tra biên giới. Việc tạm ổn anh xin tranh thủ hai ngày lo việc riêng. Đám cưới hạn chế khách mời, chủ yếu trong nội bộ hai bên gia đình. Làm thủ tục hôn lễ xong, Nhật hối hả trở về đơn vị, để lại phía sau ánh mắt ngóng trông của người vợ trẻ.
Và hậu phương chung tay
Không chỉ riêng Trung úy Nguyễn Hữu Nhật, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, cả lực lượng Bộ đội Biên phòng nói chung, cán bộ chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An nói riêng phải thường trực 100% quân số, 24/24 giờ. Việc nghỉ tranh thủ của anh em có hộ khẩu thường trú ở ngay trong tỉnh cũng chỉ được giải quyết với những trường hợp có lí do quan trọng, do thủ trưởng Bộ Chỉ huy phê duyệt. Chế độ nghỉ phép năm đối với anh em cả ở trong và ngoài tỉnh được hạn chế đến mức thấp nhất, ngoại trừ những trường hợp thật đặc biệt. Đời người lính Biên phòng dù thời bình hay thời chiến thì vẫn là cảnh xa nhà biền biệt. Chỉ những người vợ ở hậu phương mới thấm thía nỗi vất vả khi một mình phải làm tròn hầu như tất cả các vai để người nơi tiền tuyến an tâm công tác. Ngoài thiên chức người vợ hiền chung thủy, người mẹ dịu dàng tần tảo, người vợ lính Biên phòng còn kiêm luôn cả việc làm người cha nghiêm trang cứng rắn, người đàn ông gánh vác những việc nặng nhọc trong nhà. Rồi còn biết bao nhiêu việc đối nội, đối ngoại, chăm sóc mẹ cha những khi trái gió trở trời. Một mình em gánh cả/ Làm mẹ và làm cha/ Làm chồng và làm vợ/ Ngoài chợ và trong nhà.
Trong buổi trưa ngày 30 Tết năm Tân Sửu, tình cờ tôi đọc được trên tài khoản Facebook có tên Dung Truong một bài viết có tựa đề Thư gửi cho chồng. Rất nhanh, dòng trạng thái đã nhận được nhiều lời động viên vô cùng ấm áp từ cộng đồng mạng. Tác giả là bác sĩ Trương Thị Huệ Dung, hiện đang công tác tại Trạm y tế xã Lợi Bình Nhơn, thành phố Tân An, tỉnh Long An. Buổi sáng hôm ấy, sau khi chăm sóc cho cô con gái nhỏ xinh chưa đầy 4 tuổi vệ sinh, ăn uống xong để chuẩn bị gửi bên nhà ngoại, trong khi hai mẹ con đang sắp xếp những hộp kim chi trộn tai heo để Huệ Dung giao cho khách trên đường đến cơ quan (công việc làm thêm từ ngày cô lấy chồng bộ đội), Nguyễn Gia Bình, cô con gái nhỏ cứ luôn miệng hỏi: Mẹ ơi chừng nào ba về? Ba hứa với con là đến tết ba sẽ về chở mẹ con mình đi chơi nhà nội rồi mà, con nhớ ba, nhớ nội, nhớ chị hai Su Su quá à… Nghe những tiếng nằn nì của đứa con gái nhỏ, tự nhiên hai hàng nước mắt của người mẹ trẻ lăn nhanh trên gò má nóng hổi. Mặc dù đã lấy nhau 5 năm, nhưng thời gian hai vợ chồng ở bên nhau gộp chung lại chưa đầy 2 tháng. Nhưng đó là khoảng thời gian vô cùng hạnh phúc của 4 năm về trước, còn năm 2020 này, mặc dù đơn vị chồng công tác chỉ cách nhà 60km, nhưng anh mới được về tranh thủ hai lần, mà cũng chỉ nhoáng nhoàng. Biết bao nhiêu nhớ nhung chờ đợi, hi vọng về một cái tết đoàn viên, dù chỉ một ngày, vài giờ thôi, nhưng tất cả đều gác lại khi Huệ Dung nhận được tin nhắn của chồng: Tết này đơn vị tiếp tục trực 100% trên biên giới, năm nay anh không nghỉ phép năm. Chồng cô là Thượng uý quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Chí Linh, nhân viên kiểm tra giám sát Trạm Biên phòng cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp. Như hàng ngàn anh em đồng đội, hàng ngày Nguyễn Chí Linh phải thường trực trên biên giới thực hiện nhiệm vụ. Theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng chính phủ, hoạt động xuất nhập cảnh đã được hạn chế, chỉ những trường hợp người Việt Nam và chuyên gia nước ngoài được phép của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh mới được nhập cảnh, sau đó thực hiện cách li y tế ngay. Tuy nhiên, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá tại cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp vẫn diễn ra bình thường, mỗi ngày vẫn có hàng trăm tấn hàng hoá thông quan. Anh em Hải quan, Biên phòng và các lực lượng chức năng mặc bộ đồ bảo hộ y tế để làm thủ tục. Trong thời điểm hiện tại, ngoài việc kiểm tra, giám sát hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, còn phải đề phòng các đối tượng trốn trong xe hàng, các container. Buổi tối, anh em chia nhau gác từ vị trí chốt Cây Keo đến chốt Gốc Xoài do Trạm cửa khẩu đảm nhiệm. Đã mấy lần Dung nhắn cho chồng, muốn lên đơn vị thăm để hai vợ chồng có thêm đứa con nữa cho vui cửa vui nhà, hoàn thành kế hoạch, nhưng anh đều phải khéo léo nhẹ nhàng từ chối vì thời gian làm nhiệm vụ kín mít, lại hàng ngày phải tiếp xúc với nhiều người, đành rằng đã mặc đồ bảo hộ cẩn thận, nhưng nhỡ đâu… Là một bác sĩ, Huệ Dung hiểu hơn ai hết những suy nghĩ và hành động của chồng. Nghĩ thì nghĩ vậy, nhưng nhiều lúc không kiềm chế được cảm xúc của mình. Như bữa sáng 30 tết ấy, sau khi đưa con đến nhà ngoại, giao hàng cho khách xong, chạy xe qua đoạn chợ hoa trước cửa Ủy ban nhân dân phường 6, nhìn hai bên đường phố trang trí cờ hoa rực rỡ, tự nhiên nước mắt Huệ Dung rơi lã chã xuống miệng môi mặn chát. Một nỗi tủi thân trỗi lên. Thư gửi cho chồng được cô viết trong tâm trạng ấy. Người vợ trẻ kể về những khó khăn, nhưng cuối cùng vẫn dặn chồng nơi biên cương xa xôi hãy an tâm cùng anh em đồng đội chân cứng đá mềm. Càng ngày tết nhiệm vụ càng nặng nề vất vả, ở hậu phương cô và con luôn tự hào về anh, gắng đợi anh về. Và dù biết rằng, cuộc chiến với đại dịch còn dài lâu, nhưng người vợ trẻ ấy vẫn vững niềm tin chờ ngày chiến thắng. Bởi vì họ cùng ở hai tuyến đầu chống dịch. Em mong hết dịch anh về/ Cho em cu tí bế bồng nha anh! Status của Huệ Dung có rất nhiều bình luận của những người vợ bộ đội biên phòng bày tỏ sự đồng cảm, chia sẻ kèm lời động viên: đã xác định là vợ lính có nghĩa là phải chấp nhận những gian khó, hi sinh.
Ngoài điểm tựa từ gia đình, những người lính biên phòng trên tuyến đầu chống dịch còn luôn được đón nhận những tình cảm ấm áp thân thương từ nhân dân mọi miền đất nước. Dưới những bức ảnh cán bộ chiến sĩ biên phòng ăn lán, ngủ rừng… làm nhiệm vụ mà cộng đồng đưa lên mạng luôn có rất nhiều comment, like và share… Không chỉ thế, riêng với Bộ đội Biên phòng Long An còn nhận được sự quan tâm của những đơn vị “tuyến sau đỡ đầu tuyến trước”. Đó là các huyện nội địa hỗ trợ các đồn biên phòng, các xã biên giới trong thời gian chiến đấu với đại dịch Covid-19. Trong năm 2020, hàng chục đoàn công tác của các các cơ quan, ban ngành, đoàn thể đã lên biên giới trao tặng cho bộ đội những vật tư, hoá chất phục vụ phòng chống dịch như nhiệt kế hồng ngoại cầm tay, khẩu trang y tế, khẩu trang vải kháng khuẩn, dung dịch sát khuẩn, gel rửa tay khô, bộ trang phục bảo hộ chống dịch, đèn năng lượng mặt trời… và những nhu yếu phẩm như mì tôm, nước uống, lều bạt, võng cá nhân… tổng giá trị quà tặng lên tới trên 2 tỉ đồng. Điển hình như Hội Liên hiệp phụ nữ xã Hưng Điền An, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An, trong thời gian mới bùng phát dịch, khi ấy khẩu trang y tế, kể cả khẩu trang vải cũng vô cùng quý hiếm; Hội đã vận động các nhà hảo tâm ủng hộ vải để các chị tự may 20.000 chiếc khẩu trang vải kháng khuẩn, trị giá 50 triệu đồng tặng cho các đồn, trạm, chốt biên phòng.
Không chỉ các tổ chức cơ quan, mà các cá nhân cũng nhiệt tình chung tay ủng hộ bộ đội biên phòng chống dịch. Như trường hợp cô Hai Nhặt ở xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An. Trong một lần thăm con gái bên thị xã Kiến Tường, cô Hai Nhặt đi dọc theo đường tuần tra biên giới, thấy anh em bộ đội ở các chốt ven đường thiếu thốn đủ thứ, lòng người mẹ cũng có con đang công tác trong bộ đội bùi ngùi xúc động. Về tới nhà, cô Hai Nhặt rút toàn bộ tiền trợ cấp một năm làm cán bộ dân số ấp, rồi vận động thêm được cô Hai Mẫn, chị Lan ở chợ Tho Mo góp tiền mua mì tôm, nước uống trị giá hàng chục triệu đồng rồi thuê xe lôi chở lên tặng bộ đội biên phòng. Ba lần lên thăm, động viên các chốt trên biên giới, cô Hai Nhặt đã đi từ mốc 189 đến mốc 200, từ huyện Đức Huệ sang huyện Thạnh Hoá, tỉnh Long An.
N.H
VNQD