Nhường đất để bộ đội dựng chốt phòng, chống dịch

Thứ Hai, 27/09/2021 07:00

Gần 2 năm qua, những người lính Biên phòng trên các Chốt quản lí, bảo vệ biên giới và phòng chống dịch Covid-19 của Đồn Biên phòng Xín Cái, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Hà Giang luôn kiên cường nơi tuyến đầu. Để có được như vậy, các anh không chỉ nhận được quan tâm của cấp trên mà còn có sự đùm bọc của nhân dân trên địa bàn. Những tình cảm ấy là điểm tựa vững chắc để người lính nơi tuyến đầu vượt qua khó khăn, thử thách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Đồn Biên phòng Xín Cái quản lí 24 km đường biên giới qua địa phận 2 xã biên giới là Xín Cái và Thượng Phùng (xã Sơn Vĩ, tỉnh Hà Giang). Việc có nhiều đường mòn, lối mở qua lại hai bên biên giới đã gây khó khăn không nhỏ trong việc phòng, chống xuất nhập cảnh trái phép. Thiếu tá Mua Mí Cáy, Chính trị viên Đồn Biên phòng Xín Cái cho biết: Phía biên giới đối diện là trấn Thèn Phùng, huyện Phú Ninh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, dân cư, cơ sở hạ tầng phát triển, đường sá đi từ nội địa ra biên giới rất thuận tiện. Bởi vậy, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, đây là một trong những điểm nóng về tình trạng nhập cảnh trái phép từ Trung Quốc vào Việt Nam. Có những ngày, đơn vị đã phát hiện gần 200 trường hợp công dân Việt Nam nhập cảnh trái phép. Việc đó tiềm ẩn rất lớn nguy cơ lây lan dịch Covid-19 vào địa bàn.

Trước tình hình trên, Đồn Biên phòng Xín Cái lập 7 chốt quản lí bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch Covid-19 (gọi tắt là chốt).

Tính đến hết tháng 6/2021, tất cả các chốt của đơn vị đã được hoàn thiện bán kiên cố, tạo điều kiện thuận lợi cho bộ đội sinh hoạt và làm việc. Để có được kết quả trên, ngoài việc Bộ Tư lệnh BĐBP, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã quan tâm đầu tư, còn có những chốt được các Nhà máy thủy điện sông Nho Quế, nhà xe Quốc Khánh (chuyên chạy tuyến Mèo Vạc - thành phố Hà Giang) cùng chung tay xây dựng. Không chỉ vậy, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Xín Cái cũng thường xuyên nhận được sự đùm bọc, chia sẻ của đồng bào trên địa bàn. Điều đó được thể hiện qua việc: Tuy cuộc sống khó khăn nhưng người dân sẵn sàng hoãn lại việc canh tác, sản xuất để cho bộ đội mượn đất dựng chốt. Điều đó đã phần nào thể hiện “sức mạnh lòng dân” cùng BĐBP chống dịch. Điển hình: Chốt ra mốc 450 được dựng trên phần đất của gia đình chị Mua Thị Dính (thôn Mỏ Phàng, xã Thượng Phùng). Chị Dính là dân quân thôn Mỏ Phàng nên hơn ai hết chị hiểu được những vất vả của BĐBP khi phải căng mình trên đường biên ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép để dịch bệnh không lây lan qua biên giới. Chị Dính đã chủ động nói cán bộ, chiến sĩ kéo điện từ nhà sang chốt để thắp sáng. Nước ở vùng núi đá này rất hiếm nhưng chị Dính cũng sẵn sàng chia sẻ vì “bộ đội nhiều việc thế lấy đâu ra thời gian mà xách nước”.

Chốt quản lí, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch ra mốc 485 của Đồn Biên phòng Xín Cái.

Anh Sùng A Nhi ở thôn Lùng Thàng (xã Xín Cái) có một mảnh đất trên đường ra mốc 485. Trước khi có dịch Covid-19, anh đã bàn với vợ sẽ mở quán bán hàng phục vụ cho người dân qua lại. Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 bùng phát, thấy cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Xín Cái đi khảo sát vị trí để dựng chốt, anh Nhi bàn với vợ cho BĐBP mượn đất. Ban đầu, vợ anh có chút lăn tăn, anh đã động viên: “Thời tiết ở Hà Giang mình khắc nghiệt, mấy năm nay mùa đông nào cũng có tuyết rơi, các anh Biên phòng phải chịu khó khăn, gian khổ cũng là để bảo vệ nhân dân mình khỏi nguy cơ dịch bệnh. Các anh phải có chỗ để dựng chốt kiên cố, có thế mới vượt qua được mùa đông”. Nghe vậy, vợ anh liền đồng ý. Anh Nhi chủ động gọi cho Thiếu tá Mua Mí Cáy nói rằng, nếu Đồn Biên phòng Xín Cái chưa có chỗ dựng chốt thì gia đình anh sẵn sàng cho mượn. Có lần anh Nhi ra chốt, thấy bộ đội phải dùng xe máy chở từng can nước, anh về nhà lấy ô tô chở cả thùng phuy nước cho mọi người. “Đường dốc, vòng vèo, các anh bộ đội cứ dành thời gian làm việc, gia đình tôi sẽ chở nước giúp” - Anh Nhi nói với Thiếu tá Mua Mí Cáy.

Từ nhà bạt dã chiến, dần dần, các chốt của Đồn Biên phòng Xín Cái được thay bằng lán gỗ rồi nhà tôn lắp ghép, đảm bảo chỗ sinh hoạt, làm việc cho cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ lâu dài. Đặc biệt, tại tất cả các chốt, những người lính Biên phòng đều dành thời gian, công sức để cải tảo đất dành cho tăng gia sản xuất. Rau cỏ thì mùa nào thức ấy, ngan vịt nuôi cả đàn, giống như một mô hình điểm về phát triển kinh tế. Những người lính Biên phòng vẫn thường xuyên chia sẻ với người dân về sản phẩm mình tăng gia được cũng như sẵn sàng “chuyển giao kĩ thuật” cho bà con. Cứ thế, trong gian khó, tình quân dân nơi biên giới càng thêm gắn bó, bền chặt.

Thanh Trúc

 

VNQD
Thống kê