Trung tướng Phạm Tiến Dũng, Chính ủy Học viện Chính trị

Thời chiến hay thời bình, việc chính trị, tinh thần đều rất quan trọng

Thứ Sáu, 05/11/2021 00:04

Xuyên suốt lịch sử thế giới, các nước nhỏ có vị trí địa lí quan trọng, tài nguyên thiên nhiên phong phú luôn bị các nước lớn nhòm ngó, thôn tính. Trong cuộc chiến không cân sức này, muốn tồn tại, sức mạnh tinh thần của họ phải rất cao.

Không tránh khỏi quy luật đó khi Việt Nam là cầu nối đất liền giữa phần lớn nhất của lục địa Á, Âu với khu vực Đông Nam Á đa sắc tộc, giàu tài nguyên, tuyến biển là hành lang luân chuyển hàng hóa thế giới. Vì thế, không phải ngẫu nhiên, lịch sử của chúng ta trải dài với những cuộc chiến vệ quốc vĩ đại.

Văn nghệ Quân đội có cuộc trò chuyện với Trung tướng Phạm Tiến Dũng, Chính ủy Học viện Chính trị, một trung tâm đào tạo cán bộ chính trị và nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn quân sự mạnh của Quân đội và quốc gia xoay quanh những vấn đề về xây dựng nhân tố chính trị, tinh thần cho quân và dân ta trong các cuộc chiến tranh cũng như công cuộc bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

PV: Thưa đồng chí Trung tướng, trong các cuộc chiến tranh của dân tộc ta, nhân tố chính trị, tinh thần đứng ở đâu so với vũ khí, kĩ chiến thuật?

Trung tướng Phạm Tiến Dũng: “Trong mọi cuộc chiến tranh, rốt cuộc thắng lợi đều tùy thuộc vào tinh thần của quần chúng đang đổ máu trên chiến trường. Lòng tin vào cuộc chiến tranh chính nghĩa, sự giác ngộ rằng cần phải hi sinh đời mình cho hạnh phúc của những người anh em, là yếu tố nâng cao tinh thần của binh sĩ và làm cho họ chịu đựng được những khó khăn chưa từng thấy”. Câu nói ấy của Lênin khái quát khá đầy đủ vai trò nhân tố chính trị tinh thần trong chiến tranh. Ngày đầu kháng chiến chống Pháp, để khích lệ tinh thần những chiến sĩ Trung đoàn Thủ Đô, Hồ Chủ tịch đã viết: “Các em là đại biểu cái tinh thần tự tôn, tự lập của dân tộc ta mấy nghìn năm để lại, tinh thần quật cường đó đã kinh qua Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, truyền lại cho các em. Nay các em gan góc tiếp tục cái tinh thần bất diệt đó, để truyền lại cho nòi giống Việt Nam muôn đời về sau”.

Từ xưa, để khởi lên tinh thần gan góc chống lại thú dữ, thiên tai, người Việt dùng thức xăm mình, thờ các vật tổ, các vị thần bảo trợ. Lý Thường Kiệt chống Tống dựa vào hai vị thần Trương Hống, Trương Hát đọc bài thơ Nam quốc sơn hà trên sông Như Nguyệt thổi bùng tinh thần quyết chiến của binh sĩ. Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn, rồi thích chữ “Sát thát” vào tay giúp khí thế giết giặc Nguyên của quân dân nhà Trần lên cao ngút. Cuộc chiến chống Minh, Nguyễn Trãi dùng mỡ viết chữ “Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần” lên lá cây cho kiến đục rồi thả trôi trên sông, suối để vừa kêu gọi nhân dân hưởng ứng cuộc khởi nghĩa chống giặc Minh do Lê Lợi lãnh đạo, vừa tạo niềm tin mãnh liệt về một chiến thắng cuối cùng và sau đó là bản hùng ca Đại cáo bình Ngô. Thời Quang Trung, nhà Nguyễn cũng không ngoại lệ. Sau này, khi nước ta bị thực dân Pháp biến thành thuộc địa, nguy cơ “vong bản, vong quốc” rõ rệt, Vua Hàm Nghi đã ra chiếu Cần Vương kêu gọi nhân dân đứng lên kháng Pháp tạo nên một phong trào rộng khắp.

PV: Nhưng trong các cuộc chiến, nếu chỉ có tinh thần thì liệu có đủ?

Trung tướng Phạm Tiến Dũng: Trước hết phải là tinh thần đã, cái tinh thần ấy là gốc để tạo ra mưu lược và những vũ khí phù hợp giúp ta giành thắng lợi. Và không chỉ trong chiến tranh, tinh thần cũng là gốc để tạo ra những kì tích phát triển đất nước. Nước Nhật bắt đầu từ đống đổ nát, mấy chục năm sau, với ý chí, tinh thần Nhật, họ đã khiến cả thế giới phải kinh ngạc.

PV: Và ý chí, tinh thần Việt Nam…

Trung tướng Phạm Tiến Dũng: Ý chí, tinh thần Việt Nam giúp chúng ta không bị đồng hóa dù hàng ngàn năm Bắc thuộc, rồi quá trình khai hóa văn minh của người Pháp. Ý chí và tinh thần ấy, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng giúp ta chiến thắng hai đế quốc sừng sỏ là Pháp và Mĩ.

Trung tướng Phạm Tiến Dũng nhận cờ “Đơn vị xuất sắc tiên tiến trong phong trào Thi đua quyết thắng toàn quân giai đoạn 2015 - 2020” của Bộ Quốc phòng tặng Học viện Chính trị tại Đại hội Thi đua quyết thắng toàn quân lần thứ X.
Ảnh: TL

PV: Sự ra đời của Học viện Chính trị là để cụ thể hóa mục đích xây dựng yếu tố chính trị tinh thần cho quân đội?

Trung tướng Phạm Tiến Dũng: Đúng vậy. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng tháng 2/1951 khẳng định sự cần thiết phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng vũ trang nhân dân đáp ứng những đòi hỏi cấp bách của cuộc kháng chiến đang ở giai đoạn quyết liệt, trong đó nhấn mạnh chú trọng đến việc tăng cường giáo dục cho cán bộ về tư tưởng cũng như năng lực công tác, tổ chức đào tạo và bổ túc cho cán bộ trong các trường huấn luyện cũng như tại chức. Từ đó, Tổng Quân uỷ quyết định tăng cường công tác giáo dục chính trị, đặt giáo dục chính trị thành vấn đề quan trọng hàng đầu, lấy việc giáo dục chính trị cho cán bộ từ cấp tiểu đoàn trở lên làm chính. Để cán bộ quân đội được luân phiên về trường học tập nâng cao trình độ, nắm vững đường lối cách mạng, đường lối kháng chiến, tháng 7/1951 Trường Chính trị Trung cấp Quân đội nhân dân Việt Nam (tiền thân của Học viện Chính trị ngày nay) ra đời do đích thân đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị làm Giám đốc, đồng chí Võ Hồng Cương, Cục Trưởng Cục Tuyên huấn làm Phó Giám đốc.

PV: Vai trò của nhà trường trong chiến tranh thế nào, thưa đồng chí?

Trung tướng Phạm Tiến Dũng: Giai đoạn kháng Pháp, Trường đặc biệt coi trọng nguyên lí giáo dục lí luận liên hệ với thực tiễn, gắn nhà trường với chiến trường, với yêu cầu của cách mạng và yêu cầu chiến đấu của quân đội. Kết quả đào tạo đã mang lại hiệu quả thiết thực: các học viên đã nâng cao nhận thức tư tưởng, trình độ giác ngộ dân tộc và giai cấp; nắm vững đường lối, quan điểm chính sách của Đảng, Chính phủ; phân biệt được ranh giới bạn, thù; mục tiêu chiến đấu của quân đội, nâng cao lòng yêu nước, chí căm thù giặc, quyết tâm chiến đấu đến thắng lợi hoàn toàn.

Cuộc chiến tranh chống đế quốc Mĩ xâm lược là một thử thách to lớn đòi hỏi quân đội ta phải có ý chí chiến đấu dũng cảm ngoan cường, sức chịu đựng kiên trì, dẻo dai và lòng tin sắt đá, dám đánh Mĩ và tìm ra cách đánh thắng Mĩ, sáng tạo ra nghệ thuật quân sự Việt Nam. Từ năm 1954 cho đến cuối năm 1964, nhà trường bổ túc chính trị 7 khóa cho cán bộ trung, cao cấp quân đội và 3 khoá đào tạo cán bộ chính trị trung cấp; đặc biệt đã mở chuyên ngành các bộ môn, tham gia giảng dạy chủ nghĩa Mác - Lênin, đường lối của Đảng cho nhiều nhà trường trong và ngoài quân đội như: Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương, Trường Tuyên huấn Trung ương và Trường Đại học Tổng hợp… đồng thời đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học. Những công trình nghiên cứu của nhà trường về bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, chống chủ nghĩa cơ hội xét lại, chống chủ nghĩa cá nhân, xây dựng chủ nghĩa tập thể… đã có sức hấp dẫn giới khoa học trong và ngoài quân đội.

Từ năm 1965 đến năm 1975, Học viện đã đào tạo, bồi dưỡng được trên mười sáu nghìn cán bộ chính trị sơ cấp, trung cấp và cao cấp, kịp thời cung cấp cho các chiến trường; đào tạo, bồi dưỡng chính trị cho cán bộ quân đội một số nước như: Quân đội nhân dân Lào, Campuchia,… Đồng thời, các cán bộ, giáo viên của Học viện đã luân phiên đi thực tế, tham gia chống chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, tăng cường cho chiến trường miền Nam và chiến đấu trên đất bạn Lào, Campuchia. Họ trở thành linh hồn của cuộc chiến đấu, giáo dục, bồi dưỡng cho toàn thể cán bộ, chiến sĩ giữ vững bản chất cách mạng, trung thành vô hạn với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân, sẵn sàng hi sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc.

Trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, gần 100 cán bộ, giáo viên của Học viện được tăng cường cho các đơn vị chiến đấu, cùng với cán bộ, chiến sĩ chiến đấu anh dũng, góp phần vào chiến thắng chung của quân và dân ta. Đầu năm 1979, một bộ phận cán bộ, giáo viên của Học viện đã được điều động đi xây dựng Quân đoàn 14, góp phần vào việc bảo vệ vững chắc biên giới phía Bắc của Tổ quốc.

Thực hành diễn tập chỉ huy tham mưu một bên, một cấp trên bản đồ và thực địa.
Ảnh: PV

PV: Trong thời bình, nhà trường liệu có còn phát huy được vai trò của mình như trong thời chiến?

Trung tướng Phạm Tiến Dũng: Thời chiến hay thời bình, việc chính trị, tinh thần đều rất quan trọng. Làm tốt công tác chính trị tinh thần thời bình sẽ giúp huấn luyện quân tinh, mạnh, kỉ luật nghiêm, sẵn sàng cho các tình huống chiến tranh, giúp giữ ổn định chính trị, tư tưởng, làm tiền đề để phát triển kinh tế. Như vào cuối những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỉ XX, khi chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, Đông Âu lâm vào thoái trào, các thế lực thù địch điên cuồng chống phá cách mạng nước ta bằng chiến lược “diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, thực hiện âm mưu “phi chính trị hoá” quân đội… Khi ấy, Học viện đã tỏ rõ lập trường kiên định, đấu tranh không khoan nhượng với quan điểm, tư tưởng sai trái, nhanh chóng vươn lên thành một trung tâm đào tạo cán bộ chính trị và nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn quân sự mạnh của Quân đội và của quốc gia, đáp ứng kịp thời sự nghiệp đào tạo đội ngũ cán bộ chính trị có đủ phẩm chất và năng lực, tham gia có hiệu quả vào hoạt động nghiên cứu khoa học, cung cấp luận cứ khoa học cho việc xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; củng cố và xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong thời kì mới.

Học viện đã từng bước bổ sung, hoàn thiện mục tiêu, yêu cầu đào tạo; mở rộng quy mô và đa dạng hoá các loại hình, ngoài đào tạo cán bộ chính trị binh chủng hợp thành, cán bộ chính trị quân, binh chủng, giáo viên KHXHNV quân sự, Học viện còn đào tạo sau đại học, cung cấp nguồn nhân lực cho sự nghiệp CNH, HĐH đất nước; bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho cán bộ cấp cục, vụ, viện và tương đương; đào tạo, hoàn chỉnh cao cấp lí luận chính trị, các lớp hoàn thiện, các lớp bổ túc, tập huấn và các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho Quân đội nhân dân Lào, Quân đội Hoàng gia Campuchia; các lớp đào tạo cán bộ báo chí… Nhiều đồng chí cán bộ được đào tạo, bồi dưỡng ở Học viện, hiện nay đang giữ những cương vị cao trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị, Bộ Tổng Tham mưu và các tổng cục; nhiều đồng chí là cán bộ chủ trì các quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng, học viện, nhà trường ... Nhiều công trình khoa học cấp Quốc gia; đề tài cấp Bộ Quốc phòng và cấp Học viện được triển khai nghiên cứu, góp phần quan trọng giúp Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương đề ra chủ trương đường lối, nhất là trong hoạch định đường lối quân sự, quốc phòng; trực tiếp cung cấp cơ sở khoa học phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ­ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị và cấp ủy, chỉ huy các cấp trong toàn quân.

Lịch sử 70 năm xây dựng và phát triển đã xây đắp nên truyền thống vẻ vang của Học viện Chính trị anh hùng: “Kiên định và phát triển, đoàn kết và kỉ luật, chủ động, sáng tạo, khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ”.

PV: Vâng, thời chiến hay thời bình, việc chính trị, tinh thần đều rất quan trọng. Đã từng là một chính trị viên tham gia chiến đấu ở chiến trường nước bạn Campuchia, Trung tướng có thể chia sẻ về sự khác biệt trong công tác chính trị, tinh thần giữa thời chiến và thời bình, những kỉ niệm của mình về thời gian này?

Trung tướng Phạm Tiến Dũng: Tôi được nghe nhiều thủ trưởng kinh qua chiến tranh chia sẻ, trong một trận chiến đấu cụ thể, đối tượng quan trọng hàng đầu để làm công tác tư tưởng của chính ủy/chính trị viên chính là người chỉ huy, bởi chính ủy/chính trị viên và chỉ huy là một cặp không bao giờ tách rời. Nếu người chỉ huy có người chính ủy/chính trị viên vững vàng kiên định, sáng suốt, làm chỗ dựa tinh thần cho mình thì sẽ rất tự tin chỉ huy bộ đội chiến đấu bám trụ đến cùng.

Người chính ủy/chính trị viên còn là chỗ dựa tinh thần cho toàn đơn vị, đồng thời tham gia hiệu quả vào các phương án đánh địch trong suốt quá trình chiến đấu. Tôi vẫn nhớ câu chuyện của Trung tướng Lê Nam Phong, người đi qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ, kể rằng, người chính ủy gần gũi, tin tưởng nhất trong đời cầm quân của mình là Trung tướng Nguyễn Văn Thái, nguyên Cục trưởng Cục Tuyên huấn, khi hai người, một là Sư trưởng một là Chính ủy Sư đoàn 7, Quân đoàn 4. Ông kể, một lần đơn vị hành quân chiến đấu, đến vị trí phát hiện có một vườn tre gai, mọi người nghiêng về phương án cho bộ đội trú quân ở đó, bởi tre gai cây nhỏ gai nhiều chằng chịt như một hàng rào chống B40, sẽ bảo vệ rất tốt cho bộ đội. Khi ấy, riêng Chính ủy Nguyễn Văn Thái lại can, bảo ta bảo vệ được ta thì cũng sẽ không đánh được địch, như thế cũng bằng không. Cuối cùng quyết định không trú trong đó nữa và trận đó ta giành thắng lợi giòn giã.

Về khác biệt trong công tác chính trị, tinh thần giữa thời chiến và thời bình, tôi nghĩ, ở một góc độ nào đó, làm công tác chính trị tinh thần trong chiến tranh dễ hơn thời bình. Thời chiến lương bổng như nhau, mọi thứ như nhau, kể cả sinh tử. Còn thời bình thì điều kiện mỗi người rất khác biệt. Khác biệt kinh tế, gia đình, tình cảm rồi những mặt trái của cơ chế thị trường, mạng xã hội... tác động. Trong chiến đấu không có điều kiện học tập tập trung, mỗi trung đội một cụm chốt, tiểu đội đóng riêng, canh gác cả ngày cả đêm. Người chính trị viên làm công tác chính trị tinh thần với bộ đội chủ yếu thông qua sự gương mẫu, trách nhiệm, sâu sát, gần gũi, hòa đồng. Anh em làm gì, mình làm đó. Nói đào hầm thì mình ra cầm xẻng đào trước, anh em sẽ theo sau. Cùng ăn cùng ở cùng làm với bộ đội.

PV: Thế còn những kỉ niệm của Trung tướng?

Trung tướng Phạm Tiến Dũng: Tôi có ba năm chiến đấu ở Battamboong giai đoạn cuối chiến trường Campuchia trên cương vị Phó đại đội trưởng về chính trị. Khu vực đó cơ bản là rừng khộp, mùa khô, đào sâu xuống mấy cũng rất khó gặp nước nên thứ thiếu nhất là nước. Hành quân, lúc nào trên lưng cũng gắn với chiếc can 20 lít, chủ yếu là nước ao. Nhiều cuộc hành quân, khi gần hết nước, bộ đội ta thậm chí phải lấy ca giữ lại nước tiểu của mình để đề phòng khi cần dùng. Hồi ấy, chúng tôi thường tìm một loại cây, bên mình gọi là chặc chìu, dùng làm dây cho trâu, bò kéo cày, to gần bằng bắp tay, chặt gốc trước, ngọn sau cách nhau vài mét rồi hứng lấy nước của nó. Có chuyện, một chiến sĩ mới do chưa có kinh nghiệm nên khi hành quân được một đoạn đã tu hết nước mang theo. Đến khi nghỉ giải lao, khát quá, thấy bình tông nước của thủ trưởng vẫn còn, không dám xin, đành viện cớ uống thuốc để xin một nắp. Tất nhiên, thủ trưởng không lạ gì, nhưng vẫn đưa bình tông của mình cho cậu chiến sĩ. Đó là chuyện thiếu nước, còn đời sống tinh thần, tôi nhớ nhất lần một số văn nghệ sĩ trong nước không quản vất vả, hiểm nguy sang thăm nói chuyện với bộ đội. Hình ảnh nhà thơ Phạm Tiến Duật đọc bài thơ về cô gái Thạch Kim, Thạch Nhọn (Bài thơ Gửi em cô thanh niên xung phong - PV), chất giọng truyền cảm của ông khiến bộ đội im phắc ngồi nghe, gương mặt ai cũng xúc động rưng rưng đến giờ vẫn nguyên vẹn trong tâm trí tôi.

PV: Với những cái khó của công tác chính trị, tinh thần thời bình, Học viện có cách gì thiết thực để giúp những cán bộ chính trị ở đơn vị?

Trung tướng Phạm Tiến Dũng: Học viện Chính trị có thuận lợi là nơi rất nhiều sĩ quan ở tất cả quân, binh chủng, các vùng miền khác nhau trên cả nước có bề dày quản lí đơn vị về đây học tập. Họ đã trải qua rất nhiều cương vị, gặp rất nhiều tình huống thực tiễn cần xử lí liên quan đến vấn đề chính trị tinh thần. Thông qua họ, các tình huống, cách xử trí được chúng tôi tập hợp, biên soạn thành cuốn sách Các tình huống CTĐ, CTCT ở đơn vị cơ sở trong Quân đội Nhân dân Việt Nam. Cuốn sách sẽ được bổ sung cập nhật thường xuyên, làm cẩm nang cho cán bộ chính trị ở cơ sở giải quyết các vấn đề phát sinh ở đơn vị mình, không để dẫn đến hậu quả đáng tiếc.

Dự án này chúng tôi đã làm được gần một năm rồi. Thời gian tới sẽ cho ra mắt.

PV: Cảm ơn Trung tướng về cuộc trò chuyện thú vị này!

PV

VNQD
Thống kê