Giá trị văn hóa đọc ở Trường Sĩ quan Chính trị

Thứ Hai, 06/03/2023 00:31

. PHẠM QUANG

V.I.Lênin - nhà tư tưởng vĩ đại, lãnh tụ của cách mạng vô sản thế giới - luôn hiểu rõ tầm quan trọng của trí tuệ, cho rằng trí thức chính là “niềm tự hào vĩ đại của nhân loại”. Câu nói rất nổi tiếng của Lênin là: “Học, học nữa, học mãi.” Còn Chủ tịch Hồ Chí Minh thì nói “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại.” Thấu triệt những tư tưởng đó, Trường Sĩ quan Chính trị đã gây tạo phong trào đọc sách sôi nổi cho cán bộ, giáo viên, học viên; và sự học, sự đọc được gắn với việc tự học, tự rèn luyện trong nhà trường.

“Có một thống kê chỉ ra mỗi người Việt Nam hằng năm chỉ đọc được 2,7 cuốn sách, 7,07 tờ báo - một tỉ lệ đọc sách thấp hơn nhiều so với trung bình của thế giới; còn người hoàn toàn không đọc sách chiếm tới 26%” - Lương Văn Thưởng (học viên chuyên ngành kinh tế chính trị năm thứ 3, Tiểu đoàn 11 đào tạo giáo viên) dáng nhỏ con, mắt lấp loá sau đôi kính cận, tay lần giở cuốn Tinh hoa kinh tế học nói với tôi. Rồi giọng em có vẻ phân bua: “Trong môi trường khá tĩnh tại của nhà trường, việc tiếp cận với các thiết bị công nghệ, internet còn hạn chế cũng là cơ hội quý báu để chúng em có một không gian học, đọc, nâng cao hiểu biết, mở mang tư duy. Ấy cũng là cách làm mới mình, để không bị tụt hậu trước cuộc cách mạng công nghệ 4.0.”

Thiếu tá Phạm Thị Vân, Phó trưởng ban Thông tin khoa học quân sự, có thâm niên 10 năm làm công tác thư viện của nhà trường chia sẻ: “Thư viện của chúng tôi lưu trữ hàng chục ngàn đầu sách, chủ yếu là các giáo trình, tài liệu, các đầu sách tham khảo, chuyên khảo trên hầu hết các lĩnh vực, trong đó 70% tập trung vào lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn quân sự; còn có nguồn báo, tạp chí, băng đĩa, tư liệu được bảo quản, lưu trữ từ năm 1976 đến nay... Chúng tôi cũng thường xuyên cập nhật, bổ sung nguồn tài liệu, tư liệu mới, đặc biệt là đang từng bước số hóa toàn bộ nguồn sách, tài liệu trên hệ thống thư viện số dùng chung trong Bộ Quốc phòng. Đến nay, về cơ bản, thư viện nhà trường đã và đang thực hiện tốt công tác phục vụ bạn đọc kiểm tra, tra cứu, mượn, trả tài liệu trên hệ thống thư viện số với hàng trăm lượt mượn tài liệu/ ngày. Chúng tôi mở cửa cả ngày nghỉ, luôn có người trực sẵn sàng phục vụ nhu cầu mượn và đọc sách của cán bộ, giáo viên, học viên.”

Giảng viên, học viên Trường Sĩ quan Chính trị tích cực lan toả văn hóa đọc

“Những năm qua, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường Sĩ quan Chính trị thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức tốt các hoạt động thông tin - thư viện. Hàng năm, thư viện nhà trường tổ chức hàng chục đợt triển lãm, trưng bày sách, báo, tài liệu. Đặc biệt là duy trì hoạt động Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4) hàng năm, có những dấu ấn nổi bật, mang bản sắc riêng đối với các đối tượng bạn đọc ở nhà trường, trong đó chú trọng tổ chức hội nghị bạn đọc, hội nghị giới thiệu sách; tặng sách, trang thiết bị cho các trường học trên địa bàn nhà trường đóng quân… tạo sức lan tỏa, góp phần thúc đẩy văn hóa đọc của nhà trường” - Trung tá Hoàng Trọng Khang, Trưởng ban Thông tin khoa học quân sự của nhà trường, chia sẻ. Và, song song với hoạt động thư viện, mỗi tiểu đoàn, hệ trong nhà trường đều có một phòng Hồ Chí Minh; đây đồng thời cũng là một “phòng đọc” với lượng sách, báo nhất định, thuận tiện cho người đọc có thể tra cứu, đọc ngay tại chỗ.

“Chính việc khuyến khích cán bộ, giáo viên, học viên đọc sách, báo đem lại lợi ích kép: vừa củng cố, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, vừa nâng cao đời sống chính trị, văn hóa tinh thần trong nhà trường. Văn hóa đọc không phải chỉ được thể hiện ở số lượng (đọc nhiều hay đọc ít, bao nhiêu người đọc), tuy nhiên số lượng người đọc, số lượng sách được đọc là yếu tố quan trọng để duy trì và tạo nên văn hóa đọc, hình thành văn hoá sống - văn hoá quân nhân trong đơn vị, nhà trường. Đáp ứng cao nhất yêu cầu đào tạo, cùng lượng kiến thức chuyên sâu về xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước, việc đọc sách rộng rãi cũng đã góp phần phát triển các giá trị nhân sinh quan, thế giới quan khách quan, toàn diện hơn cho những người cán bộ chính trị, giáo viên khoa học xã hội nhân văn “vừa hồng, vừa chuyên” để Quân đội cành vững mạnh trong thời kì mới” - Trung tá Hoàng Trọng Khang khẳng định.

P.Q

VNQD
Thống kê