Nhớ một thời trai trẻ

Thứ Hai, 30/01/2023 00:27

. ĐINH PHƯƠNG
 

Đoàn cựu chiến binh (CCB) của Tiểu đoàn 76, Sư đoàn 304B, Quân khu Việt Bắc (sau này là Đoàn 3002) vừa về đến xã Thượng Đình, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên, trời đang nắng găng bỗng sầm ngay lại, lắc rắc mưa. Nhà văn Nguyễn Trọng Luân ngồi trong xe ngó trân trân ra ngoài, những cái tên đồng đội nào đang được điểm trong đầu ông, hình bóng nào đang đi qua ông. Lẩm bẩm, ông nói với đoàn người trong xe, hay như nói với chính mình: “Sèn ơi, Sèn Vạn Vần ơi, mày về với chúng nó trước, đợi bọn tao…”

Những người lính hào hoa của hiện tại

Người bạn biên giới không về được

Sèn Vạn Vần dân tộc Nùng, người đồng đội cũ ở Tiểu đoàn 76 vừa mất cách nay hai ngày, không kịp dự cuộc gặp 50 năm kỉ niệm ngày lên đường chiến đấu vào 15 tháng 9, dù trước đó đã hẹn phải về, gặp nhau đông đủ lấy một lần, uống với nhau chén rượu cốt, đọc cho nhau câu thơ cay, hát cho nhau nghe bài ngang phè tự sáng tác năm xưa dưới chiến hào giữa hai đợt pháo. Phải nói thêm về người chiến sĩ có tên đặc biệt này quê ở xã biên giới Thèn Phàng, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang. Ông là một trong những cán bộ, chiến sĩ có nhiều thành tích nhất của Trung đoàn 64, Sư đoàn 320 (Quân đoàn 3) giai đoạn 1973 - 1975. Được hai Bằng Dũng sĩ năm 1974, một cấp Ưu tú, một cấp Hai; hai Bằng Dũng sĩ năm 1975 đều cấp Ưu tú; một Bằng Dũng sĩ diệt xe cơ giới cấp Ưu tú; một Huân chương Chiến công hạng Ba; một Huân chương Chiến công hạng Hai, cùng rất nhiều bằng khen. Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam hiện còn đang lưu giữ khẩu súng B41 trong chiến đấu của ông.

Khi được hỏi về người đồng đội cũ, nhà văn Nguyễn Trọng Luân nghẹn ngào kể lại: Năm 1977 Sèn Vạn Vần ra quân, phiêu bạt nhiều nơi trước khi trở lại ngôi nhà sinh ra ở Xín Mần. Là một chiến sĩ nhiều thành tích, cống hiến trong chiến tranh nhưng khi trở về thời bình lại thường ốm đau bệnh tật và không được hưởng chế độ chính sách gì. Phải đến 40 năm sau chiến tranh, may mắn bạn chiến đấu mới tìm được Vần. Nhờ sự giúp đỡ của anh em, báo đài, các chuyến đi từ Tây Nguyên ngược lên Hà Giang tìm đủ loại chứng nhận, giấy tờ, đến ngày 14 tháng 9 năm 2020 Vần mới được hưởng chế độ thương binh.

Dâng sách tại tượng đài chiến sĩ Tây Nguyên

Đỡ đẻ giữa chiến trường

Nửa thế kỉ như một chớp mắt, những chàng trai sinh viên Đại học Sư phạm, Đại học Cơ điện, Đại học Nông nghiệp, Đại học Y khoa… ngày nào bỏ lại giảng đường hoa nắng phía sau, khoác ba lô cầm súng theo tiếng gọi Tổ quốc lên đường vào Nam chiến đấu, ngoài những người nằm lại - còn trẻ mãi, thì những người về đây đều đã lên ông lên bà cả. Mới hay sinh lão bệnh tử vốn là điều chẳng thế tránh của con người. Trong sinh có tử, trong tử có sinh, mọi thứ đều tuần hoàn theo quy luật tự nhiên thế cả. Thấy tôi bần thần khi nghe chuyện chiến trường khốc liệt, bác sĩ Đinh Ngọc Sỹ, một người lính của Sư đoàn 320, bảo để thay đổi không khí sẽ kể chuyện đỡ đẻ vào những ngày tháng áp chót của cuộc chiến giải phóng miền Nam.

Cụ thể, vào ngày 18 tháng 3 năm 1975, khi lệnh “triệt thoái cao nguyên” của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu được đưa ra đã tạo cảnh hỗn loạn trên đường số 7. Binh lính Việt Nam Cộng hòa không chấp hành mệnh lệnh cấp trên đem theo cả gia đình. Đến lúc bị Sư đoàn 320 đánh chặn ở Cheo Reo - Phú Bổn, họ rút vào rừng cố thủ, bỏ vợ con ở lại. Trong số nhiều người phụ nữ theo chồng hôm ấy có những người bụng mang dạ chửa vượt mặt chờ sinh, oái oăm thay có người bỗng chuyển sinh ngay lúc dầu sôi lửa bỏng. Trước tình thế nguy cấp ấy, những chàng lính sinh viên y khoa nhận lệnh cấp trên đỡ đẻ ngay cho các sản phụ. Các “bà mụ” bất đắc dĩ dùng nồi quân dụng đun nước tắm cho bé, bông băng cá nhân tập trung cả lại, dao găm khử trùng cắt dây rốn. Kết quả, hơn chục ca chuyển dạ được xử lí thành công, mẹ tròn con vuông cả.

Cái đáng nói ở đây, khi ta dùng loa gọi hàng lính bên kia, hàng ngàn lính ra hàng. Trong số đó có người hỏi tìm bằng được người đã đỡ đẻ cho vợ mình. Bảo, lúc Đinh Ngọc Sỹ đỡ đẻ cho vợ mình thì ông ta cũng nằm nấp trong bụi cây gần đó. Nếu phát hiện trong mắt Sỹ có chút tà tâm nào nổi lên lập tức trái lựu đạn rút chốt sẵn bung ra…

Và tất nhiên chẳng có tà tâm nào lúc ấy. Người lính bên kia thấy được sự nhân từ của người lính Bắc Việt bên này đã chấp nhận buông súng ra hàng. Còn bản thân chàng trai trẻ Đinh Ngọc Sỹ sau chiến tranh cũng trở về với việc học hành dang dở của mình. Học tiếp lên tiến sĩ y khoa, rồi thành phó giáo sư, Thầy thuốc Nhân dân, làm tới chức Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương. Câu chuyện kia cứ nằm ngủ mãi cho đến ngày những người lính Tiểu đoàn 76 tìm, tập hợp nhau lại ở mảnh đất Phú Bình, chuyện gọi chuyện, kỉ niệm gọi kỉ niệm, hồi ức chiến trận phải được ghi lại cho người còn sống, cho cả người nằm xuống nữa. Mỗi lần họp mặt phải có món quà tinh thần gì đó mang về cho con cháu để chúng trân trọng hơn quá khứ cha ông chứ. Có lẽ từ gợi ý đấy mà cuốn sách Thời trai trẻ hào hoa, tập hợp những dòng hồi ức của cựu cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 76, Sư 304B ra đời. Sách đã ra đến tập hai, tập hợp hàng chục bài viết, thơ, cả nhạc nữa. Khi đọc xong cuốn sách tôi ấn tượng ghê gớm với hồi ức Trở lại phun Sâm của Đại tá Khuất Duy Hoan, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3, với chi tiết xin pháo bắn chùm lên trận địa. Khi hỏi từ gợi ý nào mà ông có quyết định “liều lĩnh” thế, với cặp kính trắng, nụ cười tươi trẻ hiền lành, ông bảo nhờ xem nhiều phim Liên Xô đấy. Rồi dòng hồi ức đưa ông trở lại những ngày tháng bên đất bạn Campuchia...

“Gửi” sách cho đồng đội

“Có cần thiết phải như thế không?”

Những ngày đầu tháng 8 năm 1978, chiến sự càng ngày càng ác liệt. Tiến công chính diện không được, địch chuyển sang bao vây, chia cắt trận địa chốt của Tiểu đoàn 9 với phía sau. Đã hai ngày liền không nhận được tiếp tế ở trên. Gạo đạn hết dần, thương binh, tử sĩ không chuyển được về sau, thông tin hữu tuyến mất hoàn toàn, chỉ còn liên lạc bằng vô tuyến qua mật danh quy định. Trung đoàn tổ chức đánh giải vây hai lần chưa thành công.

Địch tức giận vì nhiều ngày đánh không chiếm được trận địa của ta nên đã tập trung ba tiểu đoàn bộ binh có cả xe tăng đồng loạt tiến công vào các chốt. Trên tất cả các hướng từ C3, C9 đến D bộ đều có địch. Đạn chống tăng B41 chỉ còn ba quả. Sững sờ, lo lắng, Khuất Duy Hoan quyết định bàn với chính trị viên Minh xin pháo cấp trên bắn trực tiếp vào D bộ. Bức điện ngắn gọn được Phạm Văn Xuyến chiến sĩ thông tin truyền đi. Chờ đợi đến 20 phút sau, khi đang đứng cửa hầm cảnh giới thì Xuyến gọi vào gặp cấp trên. Vừa “A lô”, đã nghe từ bên kia “Tôi là Tiến đây”. Ông nhận ra giọng nói của Tư lệnh Sư đoàn Khuất Duy Tiến. Tư lệnh hỏi tiếp: “Có cần thiết phải như thế không?” “Rất cần như thế ạ!” “Vậy cửa nhà sao rồi?” Hiểu ý thủ trưởng hỏi về tình hình công sự bộ đội, ông trả lời ngắn gọn: “Dạ, khang trang và chắc chắn.” Máy cúp, lát sau Xuyến truyền lệnh cho bộ đội vào hầm ngay. Kể từ lúc nghe thủ trưởng dặn so lại đồng hồ để khớp giờ pháo bắn, ông chỉ mong nghe tiếng pháo ta nổ trên đầu. Hồi đánh Mĩ nghe pháo chụp là lo lắm nhưng bây giờ thì lại mong.

Kết quả, nhờ có công sự, trận địa vững vàng. Nhờ có những loạt đạn pháo chính xác của sư đoàn mà bộ đội ta an toàn, địch buộc phải lui ra. Cũng ngay trong đêm ấy, Tiểu đoàn 2 của E48 do Tiểu đoàn trưởng Lê Văn Lan chỉ huy đã phá tan trận địa chia cắt của quân địch, nối thông đường vận chuyển vũ khí đạn dược, nhu yếu phẩm, đồng thời vận chuyển được anh em thương binh về tuyến sau cứu chữa…

Cũng trong cuộc gặp mặt đoàn CCB của Tiểu đoàn 76, Sư 304B, tôi còn gặp được hai Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân nhân là Trần Xuân Thiện và Nguyễn Vi Hợi. Anh hùng Trần Xuân Thiện là một xạ thủ bắn B40 “thần sầu”, trong đời quân ngũ của mình đã cùng đồng đội tiêu diệt nhiều xe tăng, xe bọc thép, phá hủy các đồn chốt, công sự, tiêu diệt và bắt sống hàng trăm tên địch. Kỉ niệm ông nhớ nhất là trận đánh rạng sáng ngày 29 tháng 4 năm 1975 ở cầu Sáng, đường 5, vào quận Hóc Môn. Trong trận đánh này ông đã bắn 18 quả đạn B40 trúng đích. Tính riêng năm 1975 ông đã tham gia hơn 10 trận đánh lớn nhỏ, góp phần vào giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Còn Anh hùng Nguyễn Vi Hợi trong Chiến dịch Tây Nguyên, vào ngày 18 tháng 3 năm 1975 tại cầu Cây Sung trên đường 7, khi địch tháo chạy từ Cheo Reo sang đã tiêu diệt được 7 xe tăng và xe bọc thép góp phần vào chiến thắng chung của Sư đoàn bộ binh 320. Chiến thắng đường số 7 đồng thời đặt dấu chấm hết cho Quân đoàn 2 của Việt Nam Cộng hòa.

Khi được hỏi về đây dự gặp mặt kỉ niệm 50 năm ngày lên đường chiến đấu của các CCB Tiểu đoàn 76, Sư 304B các bác mong muốn gì nhất, cả hai Anh hùng chẳng ai bảo ai đều trả lời mong muốn khoảng cách thời gian những lần gặp mặt rút từ 5 năm xuống còn 2 hoặc 3 năm thôi. Già yếu cả rồi, 5 năm trước về dự đây còn hơn trăm người, lần này chỉ chừng 80. Bao nhiêu khuôn mặt quen cứ như lá rụng dần chẳng còn thấy nữa...

Chia tay những người lính Tiểu đoàn 76 hào hoa, tôi chợt nhớ những giọt nước mắt của binh nhất Lê Đức Huy - học viên thuộc Trung đội 3, Đại đội 2, Tiểu đoàn 2, Trường Quân sự Quân khu 1 - nơi tượng đài chiến sĩ Tây Nguyên, khi cuốn sách Thời trai trẻ hòa hoa 2 được dâng hóa cho đồng đội hi sinh vì Tổ quốc. Huy chia sẻ, gặp các chú các bác, nghe trực tiếp những câu chuyện chiến trường, đọc những dòng chữ chắt ra từ kí ức máu thịt, em thấy cảm phục và yêu hơn màu áo xanh mình đang mặc…

Đ.P

VNQD
Thống kê