Dòng chảy

Mùa xuân nơi “mắt thần” gác biển

Thứ Sáu, 06/01/2023 17:23

Một mùa xuân mới đang về trên biển trời Đông Bắc, có lẽ cảm nhận rõ nhất điều ấy là các chiến sĩ ra đa đóng quân nơi các điểm cao nhất trên các hòn đảo của vùng biển này. Có dịp đi một vệt trên tuyến đảo cùng đoàn công tác Bộ Tư lệnh Vùng 1 Hải quân vào những ngày giáp tết nguyên đán Quý Mão 2023 tôi đã cảm nhận rõ điều ấy.

Đặc thù của các trạm ra đa hải quân là thường đứng chân ở những nơi cao nhất, xa nhất để những đôi “mắt thần” có thể vươn xa, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc một cách hiệu quả nhất. Bao nhiêu năm qua, dù phương tiện, trang bị kĩ thuật, khí tài đã được cải tiến, hiện đại hóa thì điều này vẫn không hề thay đổi. Khắp các trạm ra đa mà Tiểu đoàn 151, Vùng 1 Hải quân quản lí từ Vịnh Bắc Bộ đến vùng biển sát khu vực địa giới với tỉnh Quảng Bình, dọc thềm lục địa, nơi nào có những ngọn núi cao nhất trên các đảo là nơi ấy thường có sự hiện diện của các chiến sĩ ra đa hải quân.

Trên "mái nhà" Vịnh Bái Tử Long

Trà Bản là hòn đảo có diện tích lớn nhất trong hàng trăm hòn đảo của Vịnh Bái Tử Long, rộng vào khoảng trên 80 cây số vuông, thuộc huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, nằm cách đất liền 20km. Trên đỉnh núi cao nhất của đảo là nơi án ngữ của những đôi “mắt thần” như phên dậu cho đất liền. Nếu như trận địa này thuộc Trạm ra đa có tên 485 thì điểm cao mà nó đứng chân cũng ở mức tương đương với con số phiên hiệu, cỡ 480 mét so với mực nước biển. Từ quân cảng Lữ đoàn 170 chạy tàu ra Trà Bản chỉ mất khoảng hai tiếng, nhưng để lên được trận địa ra đa nơi những con “mắt thần” làm nhiệm vụ cảnh giới trên biển chúng tôi cũng phải mất chừng ấy thời gian để leo bộ ngược núi trên chặng đường có độ dài ước chừng 7km với phân nửa là đất đá lởm chởm. Nửa còn lại của chặng đường, thuộc phần cao nhất, từ ba năm nay đã được Quân chủng Hải quân đầu tư xây bậc, đổ xi măng cho dễ đi lại nhưng với độ dốc bở hơi tai như vậy thì ngay cả leo bậc cũng là một thử thách.

Đơn vị đóng ở dưới chân núi nhưng trận địa trực chiến thì ở mãi “trên trời”, bởi thế, các kíp trực chiến đấu và những thành phần đi làm nhiệm vụ của Trạm 485 cũng sẽ phải vượt qua chặng đường như chúng tôi đang đi, tất nhiên với họ đây là công việc thường xuyên chứ không phải chỉ một lần “trải nghiệm” như chúng tôi khi đến với Trà Bản.

Chiến sĩ quan sát mắt Trạm ra đa 485.

Bắt đầu hành trình leo núi, mỗi người trong đoàn công tác được phát một chiếc gậy trúc, một đôi giày leo núi và khuyến cáo bỏ lại những hành lí nặng cũng như trang phục chống rét cồng kềnh vì “leo núi đằng nào cũng nóng”. Thượng úy CN Nguyễn Văn Thành, kĩ thuật viên ra đa của Trạm, người đồng hành hỗ trợ chúng tôi leo núi lên với bộ đội đeo chiếc ba lô đựng nước uống sau lưng, thi thoảng anh còn gom những đồ vật của khách mang hộ cho đỡ nặng. Những kĩ thuật viên như Thành có nhiệm vụ đảm bảo sức khỏe của “mắt thần”. Mỗi tuần, vào ngày kĩ thuật các anh sẽ phải từ khu B của Trạm vượt qua chặng đường này có mặt ở nơi đặt đài ra đa để làm công tác bảo dưỡng định kì cho máy móc thiết bị. Thời tiết trên cao ẩm ướt, tình trạng chập cháy, han gỉ thường xuyên xảy ra gây khó khăn cho công tác đảm bảo để khí tài luôn trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu. Cho nên, ngoài ngày kĩ thuật, bất cứ lúc nào những đôi mắt thần có dấu hiệu trở bệnh, dù ngày hay đêm, được thông báo là anh em kĩ thuật viên phải hỏa tốc lên đường mang theo đồ nghề thăm khám, điều trị, khắc phục hỏng hóc.

Thượng uý Nguyễn Văn Thành hái quả từ cây chanh tại trận địa ra đa Trạm 485 trên điểm cao 480 mét đảo Trà Bản chuẩn bị cho đơn vị đón tết. 

Thượng úy Phạm Văn Định, Trạm trưởng Trạm 485 cho biết, vị trí đóng quân đã khiến việc đảm bảo hậu cần, kĩ thuật của đơn vị gặp nhiều khó khăn, việc vận chuyển máy móc, khí tài cùng phương tiện thay thế khi hỏng hóc cũng tốn rất nhiều công sức của bộ đội. Bên cạnh đó, cái ăn cái mặc của bộ đội ra đa cũng không thể tươi sống, tươm tất như các đơn vị ở dưới thấp. Trước đây, khi chưa được trên đầu tư làm đường lên thì còn khó khăn hơn nữa, việc đảm bảo nước ngọt cho sinh hoạt hoàn toàn trông chờ vào nước mưa, nhưng bể chứa có hạn, mỗi năm bị thiếu nước khoảng hai tháng, đơn vị đã khắc phục bằng cách cho bộ đội xuống suối gánh về. Cán bộ chiến sĩ trong trạm xuống nhánh suối cách trận địa độ 200 mét tắm, tắm xong lại tranh thủ làm vài can nước thồ lên, mang được nước lên tới doanh trại thì mồ hôi lại vã ra… như tắm, người lại về như cũ. Có thời gian mưa kéo dài, đường đi bị xói lở, lực lượng trực chiến phải ăn mì tôm trừ bữa.

Từ khi đường được xây dựng một phần, việc lên xuống núi đỡ vất vả hơn, trên lại đầu tư trang bị tủ lạnh để trữ thực phẩm thì đời sống của bộ đội được đảm bảo tốt hơn, rút ngắn khoảng cách ở đỉnh núi và chân núi. Mới đây, thêm một bể nước được đầu tư xây để có thể trữ nước dùng quanh năm, bộ đội đã không còn phải xuống suối gánh nước về dùng nữa.

"Mắt thần" nơi đảo cực Bắc

Đảo Trần (thuộc xã Thanh Lân, huyện đảo Cô Tô, Quảng Ninh) là đảo cực Bắc trên biển Đông Bắc, nơi chỉ cách đường phân giới Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc hơn mười cây số. Trên mỏm núi cao nhất của đảo là trận địa ra đa của Trạm 480, liền với đó là cột cờ Tổ quốc cao 25m, công trình nhiều ý nghĩa do Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh xây dựng; nằm thấp hơn một chút là Hải đăng Đảo Trần.

Đến với các chiến sĩ ra đa nên tiếng là đi biển nhưng thực tế ngoài thời gian di chuyển ra đảo bằng tàu thì phần lớn thời lượng của chuyến đi chúng tôi dành cho việc… leo núi. Sau chặng leo bộ 7km có khứ hồi như một thử thách ở đảo Trà Bản, chúng tôi được trấn an rằng đảo Trần sẽ “nhẹ nhàng” hơn nhưng thực tế thì cũng khó khăn không kém. 5 giờ sáng hôm sau, tại đảo Trần, Chuẩn Đô đốc, Tư lệnh Vùng 1 Hải quân Nguyễn Viết Khánh dẫn đầu đoàn tiếp tục ngược dốc với ánh sáng từ đèn led những chiếc điện thoại của các thành viên trong đoàn. Con đường lên trận địa ra đa ở đây tuy có ngắn hơn nhưng cũng khúc khuỷu và lồi lõm số má ngang ngửa ở Trà Bản. Có những đoạn mưa xói lở khoét thành rãnh lớn giữa lối đi. Các phóng viên của Truyền hình Tuyên Quang trong đoàn sáng kiến bật chiếc đèn phục vụ việc quay phim để soi cho mọi người vượt qua đoạn hiểm trở. Leo mãi, nhìn lên chỉ thấy hút lên cao, hai tai ù đi vì thay đổi áp suất không khí. Trong màn sương mù dày đặc lúc tờ mờ sáng, nghe thấy vài tiếng chó sủa các phóng viên trong đoàn mừng “rơi nước mắt” vì đó là dấu hiệu của việc sắp lên đến đỉnh.

Đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Vùng 1 Hải quân đến Trạm ra đa 480 trên đảo Trần khi trời đã tối.

Lắc rắc trong màn mưa xuân hòa cùng hơi sương dày ẩm bay ngang trời, ẩn hiện trong những tán cây rừng là những căn nhà mới được đầu tư xây dựng khá tươm tất. Vào đầu buổi làm việc với Trạm trước đó, Chuẩn Đô đốc Nguyễn Viết Khánh hỏi ngay Thiếu tá Vũ Quang Luân - Trạm trưởng Trạm 480 về tình trạng sét đánh vào các trang bị, khí tài sau khi lắp đặt hệ thống thu lôi mới đã cải thiện và hạn chế hơn trước chưa. Là bởi, do đặc điểm ở trên cao, một phần nữa là do cấu tạo địa chất của đảo có chứa những khoáng sản kim loại nên ở đảo Trần xảy ra tình trạng sấm sét rất dày. Ba năm trước, tôi ra đảo Trần, khi ấy đảo chưa có điện lưới, nguồn điện trên đảo hoàn toàn trông vào hệ thống điện gió và năng lượng mặt trời cùng máy phát. Thế nhưng vài trụ điện gió dựng trên sườn núi cũng bị sét đánh làm hỏng.

Tôi đứng cùng Trung úy Đỗ Quang Minh, Trạm phó quân sự Trạm 480 trong màn sương mù bao bọc. Tốt nghiệp chuyên ngành Ra đa của Học viện Hải quân, Minh về trạm nhận công tác hai năm nay. Minh cho biết, trước khi ra trường anh đã tìm hiểu để nắm được đặc thù của bộ đội ra đa, từ nhiệm vụ chuyên môn đến vị trí đóng quân nên khi về đơn vị, đối mặt với thực tế công việc và cuộc sống, trước những khó khăn Minh bình thản đón nhận. Trong thời gian một năm làm quen với công việc trước khi bổ nhiệm Trạm phó anh cũng học hỏi thêm kinh nghiệm từ những người đi trước, nhờ vậy mà giờ đây Minh có thể hoàn thành nhiệm vụ trên chức trách được giao.

Những cái tết ở trên cao

Tết với bộ đội ra đa luôn có phong vị riêng. Trong những năm tháng quân ngũ, nếu ai đó đã hoặc đang là bộ đội ra đa chắc chắn sẽ được đón khoảnh khắc sang xuân ở trên cao. Mùa xuân mới, hơi xuân thu vào tầm mắt lính ra đa cả một không gian rộng lớn của đất trời, của rừng và biển. Có lẽ họ là những người có cảm nhận tổng thể về mùa xuân một cách rõ rệt nhất.

Tại Phòng đón Xuân được trang trí khá sớm ở Trạm ra đa 480 trên đảo Trần có đôi câu đối được viết theo kiểu thư pháp: Xuân sang ra đa thêm vững bước/ Tết về vạn sự được bình an. Tôi hỏi xem ai là người sáng tác và thể hiện thì câu trả lời từ các chiến sĩ trẻ là “nhạc và lời” đều của Thiếu tá Nguyễn Văn Chỉnh, Chính trị viên Trạm. Những cành đào, cây mai đang được bộ đội ra đa 480, 485 thắp lên sắc đỏ, sắc vàng, không khí tết đã bắt đầu chộn rộn trên gương mặt chiến sĩ. Sắp tết, nhà lại có khách, Trạm 485 thịt hẳn một con lợn tạ vừa làm cơm đãi khách, vừa lấy thịt gói bánh chưng và phục vụ bộ đội đón xuân. Trong dãy chuồng tại khu chăn nuôi vẫn còn những chú lợn khác chun mũi như hỏi han những vị khách lạ. Trạm 480 thì thế mạnh lại là chăn nuôi dê nên thực đơn có ngả về dê trong mâm cơm ngày tết. Ngoài ra cái thiếu ở đảo vẫn là rau xanh và các thực phẩm, gia vị khác, thường phải tiếp sức từ đất liền.

Trang trí đón tết tại Trạm ra đa 485. 

Khi tôi hỏi Trạm trưởng Trạm ra đa 485 Phạm Quang Định xem ai là người ăn nhiều cái tết trên trận địa nhất thì được giới thiệu gặp Thượng úy Lê Xuân Thủy, Trưởng ngành Thông tin. Thế nhưng ngay cả cuộc trò chuyện nhỏ ấy với anh tôi cũng đành gác lại bởi anh Thủy đang trong ca trực, phải xử lí một tình huống không thể rời vị trí. Gần hai mươi năm gắn bó với Trạm 485, những cái Tết xa nhà của anh Thủy liệt kê cũng dài dài.

Có lẽ vì thế mà những người như Trung úy Đỗ Quang Minh của Trạm 480, dù cả hai năm đều trực tết vẫn được coi là “tân binh” trong việc đón tết tại đảo trước nhiều cán bộ khác có thâm niên cao hơn nhiều, không ở đảo này thì đảo khác. Thượng úy CN Nguyễn Văn Thành, người đồng hành với chúng tôi, cũng từng có 5 năm công tác tại đảo Trần, trước khi đi học và về nhận nhiệm vụ tại Trạm ra đa 485 trên đảo Trà Bản thì anh cũng đã có thời gian làm nhiệm vụ tại đảo Bạch Long Vỹ. Rất nhiều những cán bộ khác của hai Trạm 480 và 485 đều đã từng ngang dọc khắp các vùng biển đảo của Tổ quốc. Thượng úy CN Đỗ Văn Chanh, người ngồi gần tôi trong bữa cơm tại đảo Trần chẳng hạn. Tuy ở đảo Trần nhưng anh từng 4 lần đi tăng cường cho Trường Sa ở các đảo khác nhau, mỗi lần như thế kéo dài một năm, và cả 4 năm ấy anh đều ăn tết Trường Sa. Bây giờ trở lại đảo Trần thì lại ăn tết đảo Trần như nhiều chiến sĩ ra đa khác.

Thượng uý Lê Xuân Thuỷ (trái) và Thiếu tá Lê Văn Phúc (phải) trên trận địa Trạm ra đa 485.

Trong thành phần đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Vùng 1 Hải quân, có một người dáng dong dỏng leo núi phăm phăm, những bước chân nhẹ như không. Anh là Thiếu tá Lê Văn Toản, Trưởng ban Ra đa của Vùng 1. Và để được tin tưởng giao nhiệm vụ ấy thì anh Toản đã phải có quá trình công tác, trải qua thực tế tại đơn vị. Chuyến công tác này với anh Toản cũng là trở lại đơn vị cũ bởi anh vốn là Trạm trưởng Trạm ra đa 485 trước đây. Không hiểu do từng quen thuộc với địa hình đèo dốc nên kĩ năng leo núi tốt hay vì hăm hở khi thăm lại đơn vị cũ mà cảm giác anh không có một chút mệt nhọc. Kỉ niệm về những năm tháng gắn bó với trận địa ra đa trên đảo Trà Bản với anh Toản là ít khi bộ đội được ăn thịt cá tươi, đa phần là đồ khô cho dễ tích trữ, mổ được con lợn là phải xông khói, gác bếp ăn dần, vì sự cách trở khiến việc tiếp phẩm hàng ngày là bất khả. Những ngày ấy đơn vị vẫn nấu ăn bằng củi, có những ngày mưa, củi ướt, khói mù mịt, anh nuôi cay đỏ mắt mới nấu xong cơm cho bộ đội. Ngay cả nước sinh hoạt nhiều năm còn phải vừa ăn tết vừa tiếp nước mới đủ dùng. Không riêng gì Thiếu tá Lê Văn Toản, Trung tá Đào Xuân Nhung, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 151 cũng từng là Trạm trưởng Trạm ra đa 485. Trước khi về Vùng 1 làm nhiệm vụ ở vị trí cao hơn các anh đều có những năm tháng gắn bó với biển đảo, ở nơi đầu sóng ngọn gió, nơi khó khăn gian khổ nhất như đảo Trà Bản, đảo Trần. Ở cương vị chỉ huy, các anh từng lo những cái tết cho đơn vị, cùng anh em đón những mùa xuân xa nhà. Người lính ở lại trực tết không có gì là lạ, nhưng với lính ra đa thì “hơn người” ở chỗ họ có cơ hội ăn những cái tết ở trên cao. Anh em công tác trong đơn vị đa phần thuộc các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, nhưng cũng có những người ở xa, như Thiếu tá CN Lê Văn Phúc, Ngành trưởng ngành Ra đa Trạm 485, quê anh Phúc ở mãi Hà Tĩnh nhưng năm nay anh cũng ở lại trực tết. Bộ đội là thế, thay nhau ở lại trực và về ăn tết với gia đình, làm sao bảo đảm đủ quân số trực sẵn sàng chiến đấu theo chỉ lệnh của trên. Và họ luôn vui vẻ, sẵn sàng với một cái tết xa nhà.

Chuẩn Đô đốc Nguyễn Viết Khánh, Tư lệnh Vùng 1 Hải quân hỏi chuyện và động viên chiến sĩ Trạm ra đa 480. 

Hôm trước, khi chúng tôi đến được cơ sở của Trạm ra đa 480 trên đảo Trần thì trời đã tối. Trong buổi làm việc với Trạm, Chuẩn Đô đốc Nguyễn Viết Khánh đã rất lưu tâm đến các chiến sĩ trẻ đang làm nhiệm vụ tại đơn vị. Có những chiến sĩ trên đảo lần đầu ăn tết xa nhà, có những chiến sĩ đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự, chuẩn bị rời đảo về Tiểu đoàn làm thủ tục xuất ngũ về ăn tết với gia đình. Ông động viên các chiến sĩ rằng, tết là dịp sum họp nhưng ăn một cái tết với đồng chí đồng đội cũng là một kỉ niệm đẹp của tuổi trẻ trong những năm tháng quân ngũ. “Như tôi đây, đã nhiều năm phục vụ quân đội, đến tuổi này rồi, tôi cũng muốn ăn tết với gia đình nhưng năm nay tôi cũng phải ở lại đơn vị trực”, ông nói. Tại trận địa ra đa trên nóc đảo Trần ở độ cao 200 mét tôi đã gặp Trung sĩ Trần Văn Huy, quê Bỉm Sơn, Thanh Hóa. Huy là một trong bốn chiến sĩ vài hôm nữa sẽ vào bờ để ra quân. Huy cho biết, sau khi xuất ngũ anh có ý định đi lao động xuất khẩu để tích lũy kinh tế xây dựng cuộc sống sau này, nhưng trước hết và gần nhất là một cái tết với gia đình sau thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự. Anh chia sẻ thêm, bốn chiến sĩ của Trạm dù mỗi người mỗi quê nhưng đã hẹn khi về nhà tết này đến nhà nhau chơi, bởi thời gian cùng ở đơn vị đã khiến họ gắn bó, coi nhau như anh em một nhà. Như vậy những cái tết lính, những cái tết của bộ đội ra đa trên những đỉnh cao đã lan tỏa cả về những miền quê chiến sĩ.

Trời xuân trên biển Đông Bắc. 

Một mùa xuân mới đang về trên biển Đông Bắc, trong hơi xuân tỏa khắp đất trời vẫn có những cánh sóng ra đa lặng lẽ ngày đêm vươn xa làm nhiệm vụ cảnh giới. Những đôi “mắt thần” trên biển ấy đã thức vì Tổ quốc, góp phần để cái tết dưới mỗi mái nhà thêm trọn vẹn.

Đem mùa xuân ra tuyến đảo Đông Bắc

Nhân dịp tết nguyên đán Quý Mão 2023, Bộ Tư lệnh Vùng 1 Hải quân đã tổ chức các đoàn ra kiểm tra công tác sẵn sàng chiến đấu, thăm, động viên và chúc tết cán bộ, chiến sĩ, các lực lượng trực chiến cùng quân và dân một số đảo trong tuyến đảo Đông Bắc.

Nằm trong khu vực Vịnh Bắc Bộ, các đảo trên biển Đông Bắc là địa bàn đứng chân của Vùng 1 Hải quân với nhiều vị trí trọng yếu về quốc phòng, vì thế, bộ đội hải quân và các lực lượng đóng quân nơi đây luôn nêu cao cảnh giác, khả năng sẵn sàng chiến đấu, không để Tổ quốc bị bất ngờ bởi các tình huống, nhất là các tình huống trên biển.

Chuẩn Đô đốc, Tư lệnh Vùng 1 Hải quân Nguyễn Viết Khánh dẫn đầu đoàn công tác đã đến kiểm tra và chúc tết hai đơn vị tiêu biểu là Trạm ra đa 485 và Trạm ra đa 480. Cũng trong dịp này, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Vùng 1 đã tổ chức các đoàn đến thăm, động viên và chúc tết các đơn vị bộ đội đóng quân trên một số đảo như đảo Trần, đảo Trà Bản, đảo Bạch Long Vỹ cùng chính quyền địa phương và nhân dân trên đảo. Thay mặt lãnh đạo chỉ huy Bộ Tư lệnh Vùng 1, Chuẩn Đô đốc Nguyễn Viết Khánh chúc bà con đón một cái tết đầm ấm, an vui, cùng vun đắp sự đoàn kết thống nhất giữa quân và dân trên đảo để bảo vệ vững chắc vùng biển, vùng trời của Tổ quốc.

Bài và ảnh: NGUYỄN XUÂN THỦY

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)