Mặc dù còn nhiều ảnh hưởng bởi đại dịch, thế nhưng chương trình xuất bản 2022 cho thấy rất nhiều nỗ lực cũng như tham vọng cố gắng giới thiệu những gương mặt mới của các công ty và nhà xuất bản trong nước.
Ảnh minh hoạ.
1. Những chuyện tình thế kỷ mới, Tàn Tuyết, Nguyễn Thị Thúy Hạnh dịch
Là nhà văn Trung Quốc được dịch ra tiếng nước ngoài nhiều nhất, thế nhưng tính cho đến nay thì cuốn tiểu thuyết trọn vẹn đầu tiên của bà mới được chuyển ngữ và giới thiệu tại Việt Nam. Với chủ trương sáng tác “văn học thuần túy”, đọc Những chuyện tình thế kỷ mới ta sẽ thấy được sự giải cấu trúc, yếu tố kỳ ảo cũng như chủ nghĩa hiện thực… được phân mảnh và trải rải rác ra khắp mọi nơi.
Tàn Tuyết là một trường hợp không hề dễ đọc. Văn chương của bà có sự phân cực vô cùng mạnh mẽ, hoặc là rất được yêu thích, hoặc là không thể hiểu nổi. Cũng như Milord Pavic với hình thức mới, Italo Calvino kết hợp khoa học… Tàn Tuyết chỉ dùng văn chương nhưng là thách thức đòi hỏi nỗ lực từ phía độc giả. Phố Ngũ Hương, phần đầu của tiểu thuyết này, cũng vừa thông báo sẽ được chuyển ngữ tiếp tục, là một tín hiệu vô cùng đáng mừng.
2. Sáng mắt, José Saramago, Nguyễn Quang Huy dịch
Phải một thập niên từ khi Mù lòa ra mắt bạn đọc Việt Nam thì phần “song sinh” với nó mới được chuyển ngữ và giới thiệu mới. Trong bối cảnh đại dịch và các trào lưu hậu tận thế lên ngôi, José Saramago là cái tên được nhiều độc giả quan tâm tìm đến. Lý giải cho hiện tượng đó, có thể nói ông ngoài là một nhà văn thì cũng là nhà tiên tri vô cùng thức thời với các vấn đề xã hội.
Tuy bộ đôi Mù lòa – Sáng mắt hoàn toàn hư cấu, thế nhưng nền móng cùng những khung xương đều là những gì bắt nguồn từ trong thực tế. Xã hội lạnh lùng, chế độ toàn trị, lòng tham quyền lực… tất cả đã được khắc họa trong những câu chuyện lạ về nội dung, nhưng ẩn đằng sau là nhiều tầng nghĩa.
3. Những kẻ tuyệt vọng, Minh Tran Huy, Thuận dịch
Là tác giả thuộc thế hệ di dân sống xa quê hương, thế nhưng Minh Tran Huy có cách thể hiện nỗi tha hương vô cùng đặc biệt. Trong sự xóa nhòa ranh giới Đông – Tây, mới – cũ… Những kẻ tuyệt vọng là một nỗ lực tìm lại dấu vết thời gian, dựa trên cốt lõi của xã hội hiện đại, từ đó khai thác vô số tổn thương tâm lý cùng với những chuyện tình vẫn luôn xuất hiện.
Với cách viết xóa nhòa thể loại, khi thì bi lụy như những tiểu thuyết thời Victoria, khi thì gothic như là thriller, khi thì vỡ òa với sự giao thoa các truyện cổ tích… Những kẻ tuyệt vọng là sự giải phẫu căn tính, cho thấy có thứ hòa trộn và cũng có thứ luôn luôn tách biệt.
4. Một dòng họ Do Thái, Camille de Toro, Thuận dịch
Là nhà văn từng lọt vào đến chung khảo giải thưởng Goncourt, Camille de Toro bằng cách sử dụng hình ảnh – thơ ca – văn xuôi đã viết nên cuốn tiểu thuyết vô cùng độc đáo, có ý phá tan giới hạn về mặt thể loại. Bằng nghệ thuật đó, sự di truyền, con đường thời gian cũng như những tổn thương tinh thần… đã được soi xét, phản chiếu trong một tiểu thuyết vô cùng cảm động.
Nếu W.G.Sebald là nhà văn người Đức lạnh lùng, cô độc dời bước quanh những khoảng vườn văn chương để suy ngẫm về thời gian, thì Camille de Toro đích thực là “bản sao” Pháp, người quanh quất qua những di sản để lại, từ đó khái quát câu chuyện đời mình. Một cuộc gặp gỡ giữa hai nhà văn lớn.
5. Tro tàn của Angela, Frank McCourt, Nguyễn Bích Lan và Hoàng Nguyên dịch
Nổi tiếng với tác phẩm “nghìn bản” Người thầy, Tro tàn của Angela tiếp tục là cuốn hồi ký về thuở thiếu thời của chính tác giả, nhà văn, nhà giáo. Như một kỷ vật đậm tính hài hước, châm biếm cũng như chất chứa đầy sự chân thật, Frank McCourt đưa người đọc qua mẫu hình chung của một Ireland mờ xám với những gia đình mất mát và những biến động tôn giáo.
Frank McCourt bằng cách viết điêu luyện để kể được câu chuyện chung của rất nhiều người. Phần tiếp theo của cuốn hồi ký cũng đang trong giai đoạn chuyển ngữ tới đây, hứa hẹn sẽ là phần tiếp theo của một trong những cuốn hồi ký hay nhất của thế giới văn chương.
Các nhà văn nổi bật được giới thiệu tại Việt Nam trong năm qua.
6. Shuggie Bain, Douglas Stuart, Nguyễn Quốc Tân dịch
Là một tay ngang hoạt động trong ngành thời trang và đã chiến thắng Booker 2020 không ai ngờ đến, Shuggie Bain hệt như màu xám của những bao than, với mưa rơi xiên góc, với những mỏ than, với người mẹ “thiếu sống thừa chết”, với người cha bội phản… đã họa nên một cõi lòng lạnh lùng, cô độc và chỉ còn tin vào mỗi chính mình.
Shuggie Bain – Chiếc linh hồn nhỏ đến với người đọc bằng sự thương xót cũng như đồng cảm. Từ đó quá trình trưởng thành, vươn lên trong cuộc sống này đã được truyền đi một cách chân thật. Douglas Stuart tài năng trong việc nắm bắt tâm hồn, từ đó “vẽ” ra hữu hình để ta nhìn thấy, để được trải nghiệm… bởi rất nhiều người trong thế giới này.
7. Con nhân mã ở trong vườn, Moacyr Scliar, Nhật Phi dịch
Được nhiều thế hệ yêu thích qua bản chuyển ngữ của dịch giả Trịnh Lữ thế nhưng đã tuyệt tích từ lâu, Con nhân mã ở trong vườn ngày trở lại này vẫn là thanh âm đập rất rộn ràng của những vó ngựa đại ngàn và những con người chịu nhiều uất hận. Qua tác phẩm này, người đọc không nhìn nó dưới nhãn quan của các chủng tộc riêng lẻ, mà là chính mỗi chúng ta trong các hành trình vươn đến tự do.
Moacyr Scliar bằng cách khai thác giống loài thiêng liêng đã cho thấy những nỗi bức bối cũng như dồn nén khi không được là người. Để từ chính phông nền ấy, ông cũng ca ngợi văn hóa Do Thái, tình yêu, niềm tin cũng như hy vọng trong cuộc đời này. Tác phẩm quan trọng của nhà văn Do Thái – Latin nổi tiếng nhất.
8. Mắt nào xanh nhất, Toni Morrison, Thiên Nga dịch
Nhà văn đoạt giải Nobel 1993 tính cho đến nay vẫn là tác giả da màu được yêu thích nhất và vĩ đại nhất trong nền văn chương đương đại của nước Mỹ. Mắt nào xanh nhất là tác phẩm hay nhất, tàn bạo nhất, nhiều xung động nhất và cũng rõ nhất về một chủng tộc vốn vẫn bị xem là ngoại tộc, đặt ngoài cộng đồng và bị chà đạp.
Cho đến ngày nay nó vẫn đang bị cấm khỏi các trường học Mỹ vì mức độ tàn bạo và từ chối khuôn khổ. Không cần những sự “khóc thuê” của chủng tộc khác, Toni Morrison lần nữa cho thấy xung đột vẫn còn tồn tại trong những vỉa tầng hiện đại, chờ dịp khuếch tán như I can’t breathe hay Black live matter… trở đi trở lại.
9. Vành đai sao Thổ, W.G.Sebald, Hương Châu dịch
Là tác phẩm đầu tay nhưng cũng quan trọng, khó đọc và đặc sắc nhất của W.G.Sebald. Như cuộc đi bộ qua miền ký ức giống với Thoreau băng qua khu rừng, Sebald đã khảo sát lại dòng chảy thời gian và những tha hóa, vết thương, tổn thương… sẽ mãi hiện tồn. Như sự nuốt trọn, như ngài thoát thân… sao Thổ và sự xoay chuyển sẽ mãi lặp lại như một vòng tròn luôn không ngừng nghỉ.
Như vậy cả 4 tác phẩm của nhà văn yểu mệnh đã được ra mắt đông đảo Việt Nam. Sau 20 năm tạ thế, đây có thể coi như lời tri ân cho nhà văn lớn với người nỗ lực phá vỡ giới hạn của các thể loại, cũng như luôn mang trong mình tâm thức chịu tội, vì căn cước, danh tính… và mãi bước đi trong những vùng đất không có chủ quyền.
10. Sáu nhân vật đi tìm tác giả, Luigi Pirandello, Trần Dương Hiệp dịch
Không phải thể loại quá được ưa chuộng, không phải tác giả có phần phổ biến… thế nhưng Luigi Pirandello cũng như những nhà văn khác, là người không thôi trăn trở về việc phá vỡ giới hạn. Trong đó Sáu nhân vật đi tìm tác giả được coi như tác phẩm nổi tiếng và độc đáo nhất, đã làm xoay chuyển nền kịch nghệ một lần và mãi mãi.
Bám theo chủ điểm xuyên suốt văn nghiệp của mình – đi tìm danh tính, vở kịch độc đáo này là cuộc hành trình đi vào nội tâm, để phân tích xem đó là vai diễn hay là đời thực, đó là diễn viên hay con người thực… Thực và ảo đan xen, thêm một lần nữa khiến ta đặt ra nghi vấn về hư cấu, và mức độ xâm chiếm của nó lớn đến bao nhiêu vào trong đời thực.
ĐOÀN TUẤN ANH
VNQD