Chiều 15/12/2022, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trung ương họp báo về hội thảo khoa học toàn quốc năm 2022 với chủ đề “Nhìn lại 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TƯ của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kì mới” và kì họp thứ hai (nhiệm kì 2021-2026) của Hội đồng.
Hội thảo hướng tới 4 mục tiêu chủ yếu: Đánh giá kết quả hoạt động tuyên truyền, phổ biến, triển khai Nghị quyết số 23-NQ/TƯ; làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn, nguyên nhân của những thành tựu, hạn chế sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TƯ trong lĩnh vực sáng tạo, nghiên cứu, phát triển lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật, công tác xây dựng và phát triển văn nghệ sĩ, hợp tác quốc tế, xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật ở địa phương; đề xuất phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục phát triển văn học, nghệ thuật; thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng được Thường trực Ban Bí thư giao.
Tiến sĩ Ngô Phương Lan, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng chủ trì cuộc họp.
Theo Tiến sĩ Ngô Phương Lan, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng, ban tổ chức đã nhận được hơn 150 bài tham luận. Số lượng tham luận cho thấy sự hưởng ứng của đông đảo cơ quan tuyên giáo, văn hóa, văn nghệ, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình và văn nghệ sĩ cả nước với chủ đề của hội thảo. Trong đó, những vấn đề được nhiều tham luận đề cập là đội ngũ và đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ; văn học, nghệ thuật với vấn đề chuyển đổi số và chiến lược phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng lý luận, phê bình; văn học, nghệ thuật với bảo vệ chủ quyền biển, đảo, gìn giữ bản sắc văn hóa; đổi mới lãnh đạo, quản lí văn học, nghệ thuật…
Hội thảo dự kiến quy tụ 250 đại biểu, trong đó có lãnh đạo thay mặt Ban Bí thư Trung ương Đảng; lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương; ban tuyên giáo các tỉnh, thành ủy; các hội văn học nghệ thuật địa phương và nhiều nhà khoa học.
Sau Hội thảo, Hội đồng lựa chọn các tham luận có chất lượng cao để biên tập, in Kỉ yếu. Đây là tài liệu tham khảo giá trị, hữu ích cho những người làm công tác quản lí văn hóa, văn nghệ các cấp, các ngành liên quan đến văn học, nghệ thuật, các nhà nghiên cứu lí luận, phê bình văn học, nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sĩ.
Ngay sau hội thảo, kì họp thứ hai (nhiệm kì 2021-2026) của Hội đồng sẽ diễn ra tại Hà Nam vào ngày 20/12. Kì họp sẽ tập trung thảo luận, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2022 và kết quả thực hiện nhiệm vụ giữa kì họp thứ nhất và kì họp thứ hai; cho ý kiến về nhiệm vụ của Hội đồng dự kiến triển khai trong năm 2023 và cả nhiệm kì 2021-2026.
Các nhiệm vụ trọng tâm bao gồm: xây dựng, đề xuất và thực hiện Chương trình nghiên cứu tổng kết thực tiễn văn học, nghệ thuật thời kì đổi mới và hội nhập; thực hiện Chương trình xây dựng hệ thống lí luận văn nghệ Việt Nam (giai đoạn 2); xây dựng Chương trình dịch thuật, biên tập, xuất bản các công trình trọng điểm quốc gia về văn học, nghệ thuật nhằm giới thiệu các công trình lí thuyết văn học, nghệ thuật và mĩ học quan trọng của thế giới, làm cơ sở cho việc nghiên cứu, giảng dạy, học tập; tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật; đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả các công việc thường niên của Hội đồng: Xây dựng kế hoạch để chủ động tham gia cùng Ban Tuyên giáo Trung ương tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kì mới”: 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.
Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương hi vọng hội thảo khoa học toàn quốc và kì họp thứ hai của Hội đồng sẽ nhận được sự ủng hộ, quan tâm, động viên của các đại biểu, các nhà nghiên cứu, những người liên quan đến lĩnh vực văn học, nghệ thuật và các cơ quan báo, đài trong cả nước, Tiến sĩ Ngô Phương Lan bày tỏ.
PV
VNQD