Sáng ngày 19/11, tại sân khấu của đơn vị (số 2, ngõ 65 Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà nội), Nhà hát kịch nói Quân đội tham gia Liên hoan Quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ V - 2022 với vở Hoa khôi dạy chồng. Hoa khôi dạy chồng với kịch bản của NSND Doãn Hoàng Giang; Đạo diễn, NSƯT Hồ Ngọc Hà; Đạo diễn, NSND Nguyễn Tiến Dũng; chỉ đạo nghệ thuật: Đại tá, NSƯT Mai Phương, Phụ trách Giám đốc Nhà hát Kịch nói Quân đội.
Hoa khôi dạy chồng vốn là một vở hài kịch do tác giả Doãn Hoàng Giang công bố tại Hà Nội năm 1993. Kịch bản có cốt truyện khá đơn giản với những triết lí, bài học nhân sinh sâu sắc được tổng kết ngay từ màn đầu “Cười người chớ vội cười lâu- cười người hôm trước hôm sau người cười”, xoay quanh những tình huống dở cười dở khóc trong một gia đình: Sau khi con gái nhà ông bà Tham là tiểu thư Hồng Ngọc đoạt được giải Hoa khôi Bắc Kì, ông bà liền truyền tin muốn kén chồng cho con mặc dù cô đã có người yêu là cậu Tú Thành. Ông bà muốn tìm cho con gái tấm chồng giàu sang, có quyền cao, chức trọng. Một hôm, có cậu Kim Ấm đến nhà. Ấm ngỏ ý hỏi Hồng Ngọc, nhưng bị ông bà Tham và cả Ngọc từ chối thẳng thừng vì Ấm tuy giàu nhưng lại lại cư xử không nhã nhặn. Kim Ấm ra về, trong lòng không nguôi nỗi hận phải làm cho gia đình ông bà Tham bẽ bàng, làm cho cuộc đời Hồng Ngọc không thể ngẩng mặt lên nhìn ai. Ấm âm mưu sai tôi tớ là Xuân Ất đóng giả học sinh mới đi du học ở Paris về đến hỏi cưới tiểu thư Hồng Ngọc. Lúc này, ông bà Tham cực kì vui mừng, gấp rút tổ chức hôn lễ cho hai người. Nhưng đúng đêm tân hôn, "thằng tớ" Ấm hiện nguyên hình là cậu chủ, sấn sổ sang nhà Tham đòi áo mão giày dép hòng làm nhục Hồng Ngọc trước bàn dân thiên hạ. Ông bà Tham vừa sợ vừa nhục rúm cả người, còn Ngọc dõng dạc nhận liều thằng tớ Ất là chồng danh chính ngôn thuận, rồi lễ phép "mời" Kim Ấm về. Kể từ lúc ấy, Hồng Ngọc dốc công dạy Ất học tập, hẹn rằng chỉ khi nào anh ta lấy được bằng đíp-lôm mới cho động phòng. Chưa đầy ba năm sau, Kim Ấm tiêu sạch gia sản vào cờ bạc, phải ra đường hành nghề đánh giày thuê. Trong lúc đó, Ất tu chí học hành và chiếm được bảng vàng, chính thức trở thành "thằng rể quý" nhà ông bà Tham, không phụ lòng cô Ngọc.
NSƯT Uy Linh và NSƯT Kim Dung trong vai ông bà Tham và tập thể diễn viên Đoàn diễn 1, Nhà hát Kịch nói Quân đội.
Cùng với “happy- end”- một cái kết đẹp như cổ tích, vở diễn ca ngợi hình tượng người phụ nữ cổ điển mà rất hiện đại trước Cách mạng tháng Tám: mạnh mẽ, bản lĩnh, ý chí, nghị lực, như Hoa khôi Hồng Ngọc tuy phải chịu cảnh “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, chấp nhận nghịch cảnh, nhưng biết vượt lên định kiến xã hội, đóng cửa dạy chồng! Hình tượng nhân vật chính cùng với người chồng ham học hỏi, tu chí vươn lên truyền cảm hứng tích cực tới khán giả hôm nay: có tình yêu, có trí tuệ, có ý chí nghị lực, ắt sẽ có ngày thành công, có tất cả! Thông điệp của kịch bản là khát vọng muôn đời của con người hướng tới Chân - Thiện - Mĩ, đã được thể hiện thật khéo léo, nhuần nhuyễn trong bản diễn mới nhất của Nhà hát Kịch nói Quân đội tham gia Liên hoan sân khấu thử nghiệm lần này.
Chất liệu dân gian của vở hài kịch Hoa khôi dạy chồng đã được hai đạo diễn sử dụng như một chìa khóa để mở ra lối đi sáng tạo cho vở diễn hôm nay. Từ ngôn ngữ thoại mang màu sắc thơ của tác phẩm nổi tiếng này đã được các diễn viên Nhà hát Kịch nói Quân đội kịch hóa bằng những kĩ thuật đài từ, nhấn nhả chữ thật ấn tượng, vừa trào lộng chất dân gian vừa đầy tính biểu cảm hành động của kịch. Những tình huống trớ trêu kiểu “ông hóa thằng, thằng hóa ông” của Kim Ấm- Ất cũng được hai diễn viên Mạnh Tuấn và Mạnh Hùng cùng diễn viên Lê Huế biểu hiện thật hài hước mà thâm thúy, thuyết phục.
Nghệ sĩ Mạnh Tuấn trong vai Ất và nghệ sĩ Mạnh Hùng trong vai Kim Ấm.
Chất liệu dân gian cũng chính là chìa khóa sáng tạo thật ấn tượng về thiết kế mĩ thuật sân khấu của vở diễn. Không phông màn, chỉ có 4 tấm panô với hai mặt biểu hiện khác nhau của những bức tranh dân gian quen thuộc (cá chép, hổ, trúc, mai) mà mở ra, khép vào những cánh cửa của sự thay đổi cuộc đời, thay đổi thân phận khác nhau: khi là nụ cười, khi là nước mắt, khi là hận thù, khi là đau khổ, khi là nhục nhã, khi là vinh quang, hạnh phúc... Không gian nhà ông bà Tham thoắt trở thành không gian nhà Kim Ấm; rồi cũng không gian nhà ông bà Tham mà khi trang trọng ngày bố mẹ Hoa khôi kén rể, khi rộn ràng ngày Hoa khôi lấy chồng, khi bẽ bàng trống trơn ngày bộ mặt trần trụi của chồng Hoa khôi bị lật tẩy, khi trầm lắng lúc Hoa khôi dạy chồng, rồi lại bừng lên hạnh phúc ngày chồng Hoa khôi đỗ bảng vàng, “thằng hóa ông”, bõ công nàng dạy anh đèn sách… Chỉ một bục nhỏ và 4 tấm panô, câu chuyện cứ thế liên tục diễn ra, liên tục thay đổi không gian và thời gian, cùng với sự thay đổi thân phận nhân vật, không cần tắt đèn, chuyển cảnh! Có thể nói, đây là những sáng tạo thử nghiệm về thiết kế sân khấu hiện đại và đáng được ghi nhận.
Cảnh kết của vở diễn Hoa khôi dạy chồng.
Nhà hát Kịch nói Quân đội với đề tài truyền thống về người lính, về chiến tranh cách mạng, với cảnh trí gồm nhiều bục bệ, khói đạn, tiếng súng, nay dàn dựng Hoa khôi dạy chồng mang đậm chất liệu dân gian mà vẫn rất hiện đại, hiện đại từ cách xử lí của nhân vật nữ chính, tới cách xử lí sân khấu, từ chuyển cảnh tới chuyển vai, chuyển màu sắc nhân vật. Những nhân vật quen đóng vai chính diện, chuyên đóng vai bi, nay đóng vai phản diện, vai trào lộng cũng ra chất ra màu của vai đó. Diễn viên trẻ Kim Dung đã diễn đúng chất hài mà bi, vênh có ngày “váo” của bà Tham, bên cạnh một ông Tham gia trưởng, khệnh khạng đấy, mà đau đớn, mà tự vả vào mặt mình đấy (NSUT Uy Linh). Diễn viên trẻ Mạnh Tuấn, Mạnh Hùng cũng thật duyên dáng trong vai “ông hóa thằng, thằng hóa ông”. Lê Huế, Quốc Tuấn, Mạnh Trường đúng là những gương mặt đẹp của những vai đào, vai kép tiêu biểu của vở kịch có chất liệu dân gian … Có thể nói, với vở kịch Hoa khôi dạy chồng lần này, Nhà hát Kịch nói Quân đội đã tự làm mới chính mình cũng như làm mới những diễn viên của mình cùng những màu sắc mới, những thử nghiệm mới.
Hoa khôi dạy chồng là vở diễn đã được Nhà hát Kịch nói Quân đội dàn dựng từ năm 1995, đi biểu diễn phục vụ bộ đội, nhân dân và đã dành được nhiều tình cảm của công chúng trên mọi miền đất nước. Đến hôm nay, với một bản diễn mới cùng những hơi thở đầy sắc màu của sáng tạo, vở diễn hứa hẹn sẽ ghi được những dấu ấn riêng của Nhà hát Kịch nói Quân đội với bạn nghề, với khán giả trong và ngoài quân đội, đặc biệt là trong Liên hoan Quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ V- 2022 tại Hà Nội.
VŨ HOÀNH HẠNH
VNQD