Nhiếp ảnh gia Nick Út, tác giả của bức ảnh nổi tiếng Em bé Napalm và nhân vật chính trong ảnh, bà Phan Thị Kim Phúc đã có cuộc hội ngội tại Việt Nam sau tròn 50 năm từ sự kiện đau thương mà từ đó bức ảnh ra đời. Một cuộc gặp gỡ giữa họ với phóng viên báo chí tại Hà Nội đã diễn ra tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam tối 31/10/2022.
Từ bức ảnh đi vào lịch sử ảnh báo chí
Bức ảnh Em bé Napalm của nhiếp ảnh gia Nick Út đã nổi tiếng trên toàn thế giới, cũng là một trong những bức ảnh nổi tiếng nhất trong chiến tranh Việt Nam.
Nhân vật chính trong bức ảnh là cô bé Phan Thị Kim Phúc, lúc đó 9 tuổi. Còn Nick Út, người chụp bức ảnh, tên thật là Huỳnh Công Út, khi đó 21 tuổi, đang là phóng viên của hãng AP tại Việt Nam.
Bức ảnh Em bé Napalm do Nick Út chụp ngày 8/6/1972 tại Trảng Bàng, Tây Ninh.
Bức ảnh đã đoạt giải Pulitzer về ảnh báo chí năm 1973, một năm sau khi nó được chụp tại Trảng Bàng, Tây Ninh, trong một trận bom napalm đốt cháy một ngôi làng khiến nhiều người thương vong. Kim Phúc cùng các anh chị em và những đứa trẻ khác đau đớn, sợ hãi và tuyệt vọng, vừa chạy vừa kêu khóc. Đã có nhiều người chụp ảnh tại sự kiện chiến tranh ấy, nhưng họ chụp xong rồi bỏ đi. Trước cảnh cô bé bị cháy bỏng, bong tróc từng mảng da ám khói, nam phóng viên ảnh 21 tuổi vô cùng thương cảm. Nick Út đã dốc bi đông nước mang theo tưới cho cô bé đỡ bị bỏng, sau đó anh không về Sài Gòn đi làm ảnh để gửi cho tòa soạn như phải thế mà đã đưa Kim Phúc cùng những đứa trẻ đi bệnh viện. “Tôi có một chiếc xe, tôi có thể giúp cô ấy”.
Cả mấy anh em cô bé được đưa lên xe. Ông ẵm Kim Phúc khi đó đang kêu khóc gọi tên anh trai: “Anh Tâm ơi em sắp chết rồi”. Bệnh viện Củ Chi cách Trảng Bàng, Tây Ninh hơn nửa giờ lái xe. Nhưng khi đến nơi, các bác sĩ ở đây nói anh phải đưa cô bé về bệnh viện Nhi đồng ở trung tâm Sài Gòn. Anh phóng viên trẻ giải thích rằng, với tình trạng nặng như vậy, rất có thể cô bé sẽ chết trước khi về tới Sài Gòn, cô cần được cứu chữa kịp thời. Năn nỉ mãi vẫn không được tiếp nhận, Nick Út đưa thẻ nhà báo ra gây áp lực, dọa sẽ tường thuật sự việc trên các báo ngày mai. Bệnh viện miễn cưỡng tiếp nhận và chữa trị. Cô bé Kim Phúc tạm thời được cứu sống.
Khi đó Nick Út mới về Sài Gòn tráng phim, gửi ảnh cho toà soạn. Sau khi được đăng tải, bức ảnh đã có sức lan tỏa ghê gớm, gây chấn động nước Mĩ và trên toàn thế giới. Truyền hình và báo chí các nước đã loan tải bức ảnh để nói lên tiếng nói chống chiến tranh. Trong suốt 50 năm qua, Em bé Napalm đã luôn như một biểu tượng đấu tranh cho hòa bình và bảo vệ trẻ em trên toàn thế giới.
Tại sự kiện, nhiếp ảnh gia Nick Út đã kể lại câu chuyện. Cả cuộc đời gắn với hoạt động báo chí, nhưng Em bé Nepalm vô tình trở thành tác phẩm dấu mốc trong sự nghiệp của ông. Khi có ứng xử đẹp trước sự việc, với nhân vật mình chụp ông mới 21 tuổi. Anh trai của Nick Út ngày ấy cũng là một phóng viên chiến tranh và đã gặp nạn ra đi ở tuổi 26. Dù thế ông vẫn không ngại xông pha vào nơi nguy hiểm.
Nick Út hiện sống ở Mĩ. Ông cho biết, nhà ông ở gần sân bay, di chứng chiến tranh vẫn ám ảnh ông đến tận bây giờ. Có những lần máy bay cất hạ cánh khiến mặt đất chấn động, chập chờn trong giấc ngủ, ông vẫn giật mình tưởng đang trong chiến tranh, cả chục phút trôi qua mới định hình lại là đang ở trong nhà mình.
Kim Phúc: Tôi mong mọi người sống trong hòa bình, tình yêu và sự tha thứ
Hiện sinh sống tại Canada, nhân vật chính trong bức ảnh, bà Phan Thị Kim Phúc trẻ hơn nhiều so với tuổi 60. Về Việt Nam tham gia sự kiện cùng chồng, bà đã ôn lại những kỉ niệm đã làm thay đổi cuộc đời.
“Tôi luôn gọi chú Nick Út là chú, như một người rất gần gũi và thân thiết với gia đình”, cô quay sang nói về người đàn ông ngồi bên cạnh. Đây là lần đầu tiên hai chú cháu gặp nhau tại Hà Nội. Thừa nhận để có mặt trong một bức ảnh nổi tiếng không phải là dễ "nhưng trên hết, từ đáy lòng, tôi biết ơn chú Nick Út. Nick Út là người hùng của tôi”, bà nói.
Nhiếp ảnh gia Nick Út và bà Phan Thị Kim Phúc (giữa) tại buổi gặp gỡ báo chí.
Ban đầu không phải ngay lập tức cô bé Kim Phúc nhận ra giá trị của bức hình cũng như chấp nhận hình ảnh xấu xí của mình được ghi lại trong ảnh. Ôn lại khoảnh khắc 50 năm trước tại buổi gặp gỡ, Kim Phúc nhớ lại, lần đầu tiên cô nhìn thấy bức hình thì cảm giác rất mắc cỡ, “tại sao ông ta lại chụp bức hình của mình như vậy. Trần truồng, đang chạy hoảng loạn. Không thích chút nào hết”. Đó là khi cô trở về nhà sau 14 tháng điều trị ở viện, được ba cho xem tấm hình chụp mình chạy bom. Cô chưa biết bức hình đã trở nên nổi tiếng.
Khi trở về Trảng Bàng, gia đình cô không còn gì hết. Chiến tranh đã cướp đi tất cả. Cô phải chịu đựng 2 điều: đau đớn về thân thể, những vết thẹo xấu xí; nhưng trầm trọng hơn đó là sự mặc cảm. “Từ đó tôi lớn lên với suy nghĩ không bao giờ có người yêu, không bao giờ lấy chồng hay có gia đình”, bà Kim Phúc chia sẻ.
Thời gian ở viện rất lâu, luôn tiếp xúc với bác sĩ, y tá nên cô bé Kim Phúc có ước muốn được học trở thành bác sĩ để cứu giúp những người khác. Tuy sau này giấc mơ không thành sự thật nhưng cô vẫn giữ nguyện vọng giúp đỡ người khác, như bản thân đã từng được giúp đỡ. Kim Phúc đã vượt qua những khó khăn về sức khỏe và tâm lí, cô xây dựng gia đình, có hai con trai và bốn cháu nội. Thời gian cũng khiến cô thay đổi góc nhìn về bức hình của mình, để không còn thấy xấu xí nữa, thay vào đó là nhận ra những giá trị và thông điệp lớn trong việc đấu tranh cho hòa bình.
Là nhân vật trong bức ảnh nổi tiếng, bà Kim Phúc chia sẻ, bà muốn giúp cho những người không có may mắn, đem lại cho họ niềm hi vọng. Chính vì thế bà đã nhận lời làm Đại sứ hòa bình của UNESCO. “Tôi mong mọi người sống trong hoà bình, hi vọng và tha thứ”, bà nói.
Từ khi trở thành một người mẹ, ẵm đứa con của mình trong lòng, nhìn bức hình năm xưa Kim Phúc muốn làm điều gì đó đặc biệt để thế hệ con mình không phải chịu đựng như mẹ nó ngày xưa nữa. Muốn vậy phải thay đổi cách nhìn về bức hình. “Tôi đã không còn thấy ghét nó nữa. Tôi coi đó như một món quà cho hoà bình. Như một động cơ để đấu tranh cho hoà bình, cho trẻ em trên toàn thế giới. Tôi đã học được tình yêu và sự tha thứ”. Kim Phúc đã thành lập quỹ từ thiện mang tên mình với mục đích trợ giúp cho trẻ em trên thế giới, dùng để xây bệnh viện, trường học, thư viện cho trẻ em, giúp đỡ trẻ em mồ côi… Bà nói rằng, ai từng sống trong những năm chiến tranh sẽ thấy quý trọng hoà bình như thế nào.
Bài học về đạo đức nhà báo
Tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam, trong phần trưng bày về các tác phẩm đoạt giải Pulitzer, cùng với một số tác phẩm báo chí khác, bức ảnh Em bé Napalm đã được giới thiệu. Nhưng quan trọng hơn, bên cạnh đó còn một bức ảnh cùng sự kiện ấy do một đồng nghiệp ghi lại cảnh Nick Út đang trút bi đông nước chăm sóc vết bỏng cho cô bé Kim Phúc. Bức ảnh được phóng to trưng bày ở vị trí trang trọng với hàm ý, vượt lên trên yêu cầu nghề nghiệp và những mục tiêu công việc, người phóng viên đã cư xử đề cao tính nhân văn. Nick Út tâm sự, khi bức ảnh được giải và trở nên nổi tiếng đã gây “hiệu ứng ngược” về tuyên truyền, trái với mong muốn của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa. Họ đã không cho ông đi nhận giải thưởng trao cho bức hình không có lợi. Sau đó, một người bạn ông là Phạm Xuân Ẩn đã can thiệp giúp.
Chiếc bi đông Nick Út đã dùng để giội nước cho Kim Phúc khi gặp nạn đã được tặng cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam cùng với chiếc máy ảnh ông sử dụng tác nghiệp trong chiến tranh Việt Nam. Nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, người tiếp nhận hiện vật Nick Út gửi tặng Bảo tàng năm 2018, có mặt tại sự kiện, cho rằng, qua câu chuyện trên ông nhận thấy 2 điều sâu sắc: Một là sức mạnh kì diệu của nhiếp ảnh báo chí mà ngay cả khi chụp ta cũng chưa hình dung hết giá trị của nó trong đấu tranh cho hoà bình công lí; Thứ hai, ông đánh giá cao tính nhân văn, đạo đức người làm báo của Nick Út khi đã coi trọng tính mạng chị Kim Phúc, hay nói rộng hơn là đề cao sinh mệnh con người khi hoạt động báo chí. Bức ảnh đã làm lay động nước Mĩ, thức tỉnh lương tâm con người đối với chiến tranh Việt Nam, đã góp phần làm cho chiến tranh kết thúc. Bởi vậy, cùng với bức ảnh về sự kiện, chiếc bi đông của Nick Út sử dụng làm dịu vết thương cho Kim Phúc mà ông gửi tặng cũng sẽ được coi như một hiện vật quý trưng bày tại Bảo tàng Báo chí.
Nhà báo Hồ Quang Lợi cũng bày tỏ sự cảm phục đối với bà Kim Phúc khi bà nói về khát vọng, tình yêu và sự tha thứ. “Các anh chị đã làm những điều hết sức tốt đẹp, và mong rằng sẽ tiếp tục để góp phần tăng cường mối quan hệ hữu nghị, hòa bình trên thế giới”, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nói.
Trong thời gian ở Việt Nam, Nick Út và Kim Phúc sẽ đi một số địa phương dọc ven biển, dừng chân ở Huế, sau đó vào TP. Hồ Chí Minh có một cuộc gặp gỡ, giao lưu tại Bảo tàng chứng tích chiến tranh. Hai người cũng dự định sẽ về lại Trảng Bàng, Tây Ninh, nơi xảy ra sự kiện năm xưa để thăm lại những người bà con của bà Kim Phúc cũng như ngôi làng bị tàn phá bởi trận bom napalm năm 1972.
Một số hình ảnh sự kiện Nick Út - Em bé Napalm: Gặp gỡ 50 năm (1972 - 2022):
Bà Trần Kim Hoa - Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam giới thiệu các nhân vật tham gia sự kiện.
Nhiếp ảnh gia Nick Út và bà Phan Thị Kim Phúc kí tên vào bức ảnh lịch sử tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam.
Tác giả và nhân vật chính của bức ảnh nổi tiếng.
Bà Kim Phúc cùng ân nhân Nick Út xem lại bức ảnh ghi lại khoảnh khắc người phóng viên trẻ dùng bi đông nước giúp cô bé Kim Phúc làm dịu bớt vết bỏng trưng bày tại Bảo tàng Báo chí.
Bức ảnh được thuyết minh đề cao đạo đức và ứng xử của nhà báo.
Cuộc hội ngộ tại Việt Nam sau 50 năm giữa Nick Út và Kim Phúc.
THIỆN NGUYỄN
VNQD