Dòng chảy

Vẽ chân dung Hà Nội qua những dấu chân

Thứ Bảy, 08/10/2022 15:06

 Tập du khảo Triệu dấu chân qua những cửa ô của Nguyễn Trương Quý chọn vẽ chân dung Hà Nội qua những dấu chân đi về. Cuốn sách quan sát, trong khoảng một trăm năm qua, những đường đi lối lại của của người Hà Nội, những phương tiện họ sử dụng, những chốn ở và đi quen thuộc cả trong đời thường và trong vọng tưởng. Và trong cuộc đi lại mải miết ấy, theo vòng quay lịch sử, không gian và sự vật đổi thay, kéo theo sự đổi thay của tâm tình người Hà Nội.

Chiều 7/10/2022, trong khuôn khổ Hội sách Hà Nội, Nhã Nam đã ra mắt cuốn sách du khảo Triệu dấu chân qua những cửa ô của nhà văn Nguyễn Trương Quý. Buổi giới thiệu sách có Tiến sĩ văn học Phạm Xuân Thạch, biên tập viên Nguyễn Hoàng Diệu Thuỷ.

"Tôi bắt đầu mạch những khảo cứu này ở tâm thế kẻ lang thang trên những con đường cũ mới, trong những trang viết, bài thơ hay câu hát về chúng, rồi đến một lúc lan rộng ra những ngã rẽ hay dừng chân ở những khoảng không gian mà tôi ví chúng như quảng trường, ngã tư. Tập khảo cứu này, thực sự là một hành trình được thuật lại". - Nguyễn Trương Quý.

Triệu dấu chân qua những cửa ô là cuốn sách đầu tiên vẽ chân dung Hà Nội qua những bước chân đi về. Cuốn sách là một cuộc lãng du chầm chậm theo cả hai chiều không gian - thời gian, hấp dẫn bởi vị sâu lắng ngậm ngùi pha lẫn nét hài hước ý nhị, bởi cho ta nhận thức về việc ta có kết nối gì với quá khứ và vì sao ta ở đây.

Nhà văn Nguyễn Trương Quý chia sẻ: đây cuốn sách thứ 12 anh viết về Hà Nội nhưng vẫn không thể tự tin khi nói về nó, bởi viết nhiều và theo thời gian sợ rằng sẽ thiếu đi sự mộng mơ lãng mạn như ngày đầu (cuốn sách đầu tiên về Hà Nội anh viết năm 2004). Thêm nữa là, đời sống và hiện thực Hà Nội cũng đã khác đi nhiều so với thuở ấy, và chúng ta cũng khác đi. Tuy nhiên, anh là người con của phố, ở trong thành phố từ nhỏ, được lang thang qua mọi nơi. Đó là may mắn của một người viết. Anh cũng được đọc những trước tác kinh điển, và nhận ra mọi thay đổi của con người đến nhiều từ việc đi lại. Phương tiện thay đổi cũng như sự dịch chuyển của con người trong tâm tưởng về thời cuộc, không gian sống. Nó là câu chuyện đương đại chứ không cũ. Trong mắt anh, Hà Nội là một đô thị đầy biến ảo trong một khuôn khổ nhất định nào đó.

Khi tìm hiểu những không gian, sự vật, sự kiện, nhân vật trong câu chuyện đi lại này, Nguyễn Trương Qúy luôn đào sâu xuống dưới những mô tả bề mặt, những con số khô khan, để đưa ra những nhận xét, phán đoán sâu sắc, thú vị hoặc gây bất ngờ. Điều ấy làm cho cuốn sách một mặt có sức nặng của khảo cứu, mặt khác không thiếu đi sự duyên dáng, nhịp nhàng, thơ mộng của văn chương.

Tiến sĩ văn học Phạm Xuân Thạch cho rằng, có những thành phố như được ban phước khi được nhiều người viết về, trong đó phải nhắc đến Hà Nội. Nhà văn Nguyễn Trương Quý đã tìm được cách để kể câu chuyện về Hà Nội theo một cách rất riêng. Tên cuốn sách cũng đã thể hiện được điều đó, như cuộc hành trình tìm về một không gian đô thị giàu truyền thống và cũng không ngừng thay đổi để trở nên hiện đại hơn mỗi ngày. Anh đã tìm cách giải thích các ý nghĩa của huyền thoại thay vì tiếp tục tạo nên các huyền thoại cho Hà Nội. Chúng ta gặp sự hoà hợp giữa yếu tố khảo cứu và chất văn chương vô cùng hấp dẫn. Cuốn sách là chân dung về thành phố với mọi dáng vẻ.

Huyền thoại về Hà Nội đã chắt lọc hiện thực để tạo ra những giá trị ý nghĩa khác. Điều này được Nguyễn Trương Quý viết rất cuốn hút trong cuốn sách. Tiêu biểu chính là câu chuyện về năm cửa ô. Vì sao Hà Nội có năm cửa ô? Năm 1945 trở về trước, theo như tư liệu thì Hà Nội có đến 21 cửa ô. Đến cách mạng, qua một số tác phẩm nghệ thuật như bài hát Tiến về Hà Nội của Văn Cao, hay qua tranh Bùi Xuân Phái, Tạ Tỵ... thì Hà Nội được nhắc đến với năm cửa ô như năm cánh sao. Từ đó, năm cửa ô đã trở thành kí ức đẹp, ý niệm đẹp về Hà Nội. Một biểu tượng mới đã được tạo nên từ nghệ thuật, lung linh hơn, màu sắc hơn…

Cũng trong cuốn sách, chúng ta thấy được người Hà Nội những năm 1930 - 1940 cũng khao khát lạc thú, giải phóng bản ngã, cho dù xã hội khi ấy còn nhiều bảo thủ. Hay những câu chuyện về các nghệ sĩ Hà Nội, họ tha hương như thế nào và sẽ thấy Hà Nội đẹp hơn khi họ đi và về. Sự đi qua của họ khiến Hà Nội trở nên khắc khoải hơn trong nghệ thuật.

Tại công viên Lý Thái Tổ, bên bờ Hồ Gươm, rất nhiều bạn đọc yêu những trang viết về Hà Nội của nhà văn Nguyễn Trương Quý đã đến dự buổi ra mắt sách. 

Biên tập viên Nguyễn Hoàng Diệu Thuỷ thấy được cuốn sách này phảng phất một nụ cười. Nụ cười đó đến từ việc, sau những khảo cứu công phu, nhà văn được thấy cái sự giao thoa giữa cũ và mới. Đó là cái cười duyên dáng, thú vị của người nhiều trải nghiệm và hiểu biết.

Nguyễn Trương Quý là người làm việc nghiêm túc, say mê, và luôn lựa chọn những hướng đi nhiều thử thách trong nghề viết. Vốn là kiến trúc sư nên anh có cái nhìn sâu về kiến trúc, cũng như không gian đô thị của Hà Nội theo một cách riêng khác. Đọc Triệu dấu chân qua những cửa ô chúng ta cũng có những trải nghiệm thú vị với những loại hình nghệ thuật khác như âm nhạc, mĩ thuật và những câu chuyện xung quanh nó.

Trong lời giới thiệu cuốn sách, Nguyễn Trương Quý có viết: … Hà Nội có nhiều cửa ô, tôi chọn biểu tượng này vì lẽ chúng là tên gọi gợi nhớ ngay đến Hà Nội, và cửa ô trong tâm tưởng là những lối nhập thành, tìm hiểu những câu chuyện của đời phố. Trên hành trình ấy, những chuyến tàu xe theo dọc dài lịch sử cận và hiện đại lại chở những nhân vật văn hóa. Mỗi người trong số họ cũng có cuộc hành trình riêng, nhưng đều đi trên một chuyến chuyển dịch lớn của xã hội Việt Nam trong thế kỉ nhiều biến động...” Những chia sẻ này cũng gợi đến bài hát nổi tiếng Nhớ về Hà Nội của nhạc sĩ Hoàng Hiệp: Nhớ những con đê thành lối xe, bước chân năm tháng đi về… Cuốn sách sẽ giúp chúng ta chạm sâu hơn vào từng lớp thời gian để hiểu thêm Hà Nội với những gì đang còn và đã mất.

HOÀI PHƯƠNG

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)