Dòng chảy

Văn học thiếu nhi Việt đang thiếu những “khoảng trời”

Thứ Hai, 19/09/2022 08:30

Mới đây, viện Goethe Hà Nội cùng các Nxb Kim Đồng, Nxb Trẻ, Công ty sách Nhã Nam cũng như đại diện các Nxb đến từ Ý, Đức, Tây Ban Nha và Thụy Điển đã có một cuộc trao đổi thú vị về dòng sách thiếu nhi. Hội thảo Trao đổi về văn học thiếu nhi và thanh thiếu niên đương đại tại Việt Nam và Châu Âu diễn ra vào ngày 16/9 vừa qua đã làm rõ những xu hướng xuất bản, cũng như các khó khăn đang tồn tại trong giới xuất bản nước ta với dòng sách này.

Các đơn vị xuất bản tham gia tọa đàm nhìn nhận, bắt đầu từ năm 2014, khi Chính phủ ấn định Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam vào tháng 4 hàng năm, thì việc đọc sách có những chuyển biến tích cực hơn. Bức tranh của văn học thiếu nhi theo đó cũng đã phong phú và chất lượng hơn, với sự tham gia xây dựng không chỉ của các em nhỏ, mà còn là phụ huynh, thầy cô giáo… Từ sự phát triển mạnh mẽ này thì lực lượng tác giả viết văn học thiếu nhi cũng như các cộng đồng đọc sách cũng đang tăng lên từng ngày.

Độc giả tham dự tọa đàm.

Bà Trần Lê Thùy Linh, trưởng phòng Thiếu nhi của công ty sách Nhã Nam cho biết số lượng đầu sách thiếu nhi của đơn vị này đã có một sự “bùng nổ” vô cùng vượt trội, tăng gấp 9 lần kể từ giai đoạn mới vừa thành lập 2005 - 2010, và hiện nay (giai đoạn từ 2010 - 2020), số lượng đầu sách đã lên đến 900, chiếm khoảng 36% tổng số đầu sách đang có trên thị trường của đơn vị này.

Ghi nhận con số tương tự, ông Nguyễn Thành Nam, Phó Giám đốc - Tổng biên tập Nxb Trẻ cho biết rằng tỉ trọng sách thiếu nhi và thanh thiếu niên vẫn đang chiếm khoảng 40% doanh số của Nxb, trong đó thể loại văn học vẫn đang chiếm khoảng 80% số lượng đầu sách.

Về mặt nội dung, bà Georgina Segarra Ros, Giám đốc Kinh doanh Quốc tế và Nội dung Kỹ thuật số tại Nhà xuất bản Gemser ở Barcelona, Tây Ban Nha cho biết đơn vị của mình đã cùng hợp tác với nhiều Nxb tại Việt Nam như Nhã Nam và Nxb Phụ Nữ. Bà nhận thấy sách về các vấn đề xã hội và các khác biệt văn hóa đang được quan tâm nhiều hơn.

Bà Vũ Thị Quỳnh Liên, Phó Giám đốc - Tổng Biên tập, Nxb Kim Đồng phát biểu tại buổi tọa đàm.

Bà Vũ Thị Quỳnh Liên, Phó Giám đốc - Tổng Biên tập, Nxb Kim Đồng cho biết, hiện nay các đề tài về LGBT, bình đẳng giới, sức khỏe tinh thần cũng như tác động của dịch bệnh, vấn đề môi trường… đang được lực lượng tác giả mới quan tâm và khai thác nhiều hơn so với trước đây.

Bà cũng nói thêm rằng sách minh họa được nâng lên dòng sách nghệ thuật, sách đẹp… cũng là một hướng đi mới. Cùng với đó là nhiều tác phẩm riêng lẻ được nhóm theo đối tượng, giải thưởng hay thể loại cũng giúp cho các tác phẩm có sức sống trở lại.

Với một cơ cấu dân số trẻ và điều kiện kinh tế ngày càng cải thiện của Việt Nam, tin rằng văn chương dành cho thiếu nhi ngày càng có nhiều sự tăng trưởng mạnh mẽ. Việc ngày càng có nhiều giải thưởng cho riêng thiếu nhi như của Hội Nhà văn, giải thưởng Dế Mèn cũng là một niềm khích lệ đối với dòng sách còn nhiều khó khăn.

Tuy có điểm sáng về mặt số lượng, thế nhưng đứng trước sự xâm nhập của phim ảnh, âm nhạc và các mạng truyền thông xã hội… thì sách dành cho trẻ em và thanh thiếu niên cũng còn tồn đọng rất nhiều vấn đề, như việc thiếu hụt các cây bút trẻ, cũng như mảng sách huyền ảo chưa được phát triển…

Những tác phẩm văn học thiếu nhi huyễn tưởng Việt hiếm hoi trong 10 năm qua.

Theo bà Linh, sách dịch hiện nay vẫn đang vượt trội so với tác phẩm trong nước. Một xu hướng khác cũng có thể thấy đó là các tác phẩm kinh điển sử dụng motif nhân vật trẻ em có cá tính, có chính kiến, có sáng tạo… khác với khuôn mẫu “con ngoan trò giỏi” ngày càng được lòng nhiều độc giả hơn. Điều này có thể thấy được qua những cuốn sách tái bản liên tục, như Lại thằng nhóc Emil, Pippi tóc dài, Cây cam ngọt của tôi, Chuyện con mèo dạy hải âu bay…

Với các tác phẩm trong nước, thực tế là vẫn rất thiếu những tác giả trẻ viết truyện thiếu nhi. Dòng văn chương này vẫn còn tồn tại điểm yếu nhất định, đó là chưa có được sự tiếp nối với các tên tuổi thuộc thế hệ trước…

Về nội dung sách thiếu nhi Việt, theo nhìn nhận của các đơn vị, cá nhân tham gia tọa đàm, trong số các nguồn cảm hứng, thì các câu chuyện “hiện thực” vẫn được nhiều tác giả lựa chọn khai phá hơn là các tác phẩm giả tưởng, hiện thực kì ảo hay huyền ảo. Mảng sách khoa học - viễn tưởng cũng dần nhạt nhòa. Đây là vấn đề rất nên khắc phục khi bà Vũ Thị Quỳnh Liên cũng cho biết rằng, trong một cuộc khảo sát gần đây thì các em nhỏ vẫn thích các thể loại phiêu lưu, giả tưởng, trinh thám hơn là tác phẩm ẩn chứa bài học cần phải rút ra có phần giáo điều. Tiến sĩ giáo dục học Nguyễn Thụy Anh cũng đồng quan điểm khi đưa ra cách ví von hình tượng: Phải chăng giờ đây các nhà văn Việt Nam nên viết về phía “bầu trời” nhiều hơn là về “mặt đất”? Có lẽ thế, văn học thiếu nhi Việt dường như vẫn đang thiếu vắng những "khoảng trời".

TUẤN ANH

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)