Trong khi Bangladesh quay cuồng với sự tăng giá phi mã của các nguyên liệu trong ngành xuất bản, thì thị trường lớn nhất Nam Á - Ấn Độ lại chứng kiến sự hồi sinh trở lại của sách in, cùng với đó là hướng phát triển sách kĩ thuật số.
BƯỚC ĐẦU “SỐ HÓA” NGÀNH XUẤT BẢN BANGLADESH
“Thảm kịch” có thể dự đoán là nhiều nhà xuất bản Bangladesh sẽ phải “phá sản” trong năm nay khi ngành sách mất dần kiểm soát với doanh số giảm. Giống như hầu hết những nơi khác trên thế giới, giá giấy và giá in ở Bangladesh đang tăng vọt lên. Với sức tăng phi mã của các nguyên liệu như mực in, nhân công, phân phối… điều đó đồng nghĩa với việc sách xuất bản ở Bangladesh sẽ có giá cao hơn số tiền mà người tiêu dùng có thể thoải mái chi trả.
Theo đó, các nhà xuất bản nổi tiếng ở Bangladesh tạo ra phần lớn thu nhập hàng năm vào khoảng thời gian diễn ra lễ hội Ekushey Boi Mela, thường được tổ chức trong suốt tháng Hai hàng năm. Nhưng năm 2023 sắp tới lại đầy thách thức bởi vì sách không có dấu hiệu giảm nhiệt.
Farid Ahmed, chủ sở hữu nhà xuất bản Somoy Prokashon, nói rằng giá giấy offset 80gsm sản xuất trong nước thường chỉ ở mức 1.700–1.800 BTK vào lúc tháng 4, thế nhưng hiện tại nó đã tăng đến 2.800 BTK, hơn 55% so với trước đó. Cùng lúc này, mực in cũng tăng 40% và chi phí in ấn cũng như đóng gói, phân phối tăng đồng thời 50% - 60%. Một yếu tố khác cũng làm ngành công nghiệp sách trở nên phức tạp là việc mất điện liên miên.
Trước những vấn đề trên, nhiều nhà xuất bản Bangladesh kì vọng tiếp tục bài học của thời Đại dịch, là tập trung vào mô hình kinh doanh kết hợp cung cấp ấn bản điện tử cùng với sách in.
Một hội chợ sách ở Bangladesh.
Ngày nay, Bangladesh đang có mức thâm nhập vào internet là khoảng 77%, nghĩa là có 130 triệu người trực tuyến hàng ngày. Và trong số đó, mỗi người sử dụng ít nhất một thiết bị có thể lưu trữ sách điện tử hoặc là sách nói. Tất nhiên đối với các sách trẻ em có nhiều màu sắc cũng như các sách tranh ảnh dành cho người lớn thì cần nhiều nỗ lực hơn. Nhưng những cuốn sách chứa đựng văn bản thông thường thì lại có thể tiếp cận hướng này mà không cần tốn quá nhiều chi phí giấy, mực, và in ấn. Chúng cũng có thể được bán 24/7 ở bất kì đâu tại Bangladesh - thậm chí là cả quốc tế - nếu có nền tảng bán hàng và phương tiện thanh toán.
Tuy thế có vẻ như Bangladesh còn một chặng đường dài trước khi hoàn toàn nắm lấy lợi thế của kĩ thuật số. Các nhà xuất bản Bangladesh hiện đang muốn xem xét kĩ hơn cách mà sách điện tử đã trở thành một phần không thể thiếu của giới xuất bản “phương Tây”.
Tại Hoa Kì, theo báo cáo mới nhất từ Hiệp hội các nhà xuất bản (APA), ước tính lĩnh vực bán sách điện tử chiếm 12,7% tổng doanh số bán sách thương mại, và đã mang lại doanh thu 80 triệu USD trong tháng 7 và 500 triệu USD cho 6 tháng đầu năm 2022.
Con số thực tế có thể còn cao hơn nhiều, khi APA đưa ra kết quả chỉ tính một phần thị trường. Theo đó các dịch vụ thứ cấp vẫn chưa được kể vào trong tổng số. Ngoài sách điện tử, doanh số sách nói cũng đang bùng nổ. Trong sáu tháng đầu năm 2022, sách nói đã mang về hơn 400 triệu USD cho các nhà xuất bản Hoa Kì.
Đối với một quốc gia như Bangladesh, nơi không có sẵn các nhà khai thác sách điện tử lớn của phương Tây như Amazon, thì đây là một cơ hội tận dụng để không bị chia nhỏ lợi nhuận đối với các nhà xuất bản địa phương, khi nắm bắt thế chủ động và bán trực tiếp cho các độc giả của mình. Hiện tại, các trang web e-book tại Bangladesh vẫn đang thưa thớt, nhưng Boitoi là một ví dụ điển hình của nền tảng bán e-book vẫn luôn sẵn sàng cho sự phát triển nhanh chóng.
Tất nhiên, nhiều độc giả vẫn sẽ thích bản in hơn, và đối với những người như thế, việc chi mức giá cao hơn so với lệ thường có thể được coi là một “phần thưởng” cho các nhà xuất bản. Một lợi thế khác là tuy sách in ở Bangladesh rất khó bán ra nước ngoài, nhưng sách điện tử thì có khả năng tiếp cận thị trường toàn cầu hầu như ngay lập tức với các quốc gia có chung ngôn ngữ như là Ấn Độ.
NGÀNH IN ẤN HỒI SINH TRỞ LẠI Ở ẤN ĐỘ
Trong thời đại kĩ thuật số, ngành xuất bản Ấn Độ đang trải qua một sự thay đổi cục diện - báo và tạp chí đang chứng kiến sự sụt giảm lớn về lượng đăng kí, trong khi sách in thì đã thích nghi một cách thoải mái với nhu cầu “số hóa”.
Ngành công nghiệp xuất bản đóng góp vào sự phát triển kinh tế của Ấn Độ, không chỉ bằng cách thúc đẩy học tập và giáo dục, mà còn bằng cách tạo ra việc làm cho hơn 12 triệu người. Các chuyên gia cho biết tiềm năng tăng trưởng của ngành này đạt mức 50 tỉ Rupi vào năm 2019, và có thể tăng trưởng thêm vào năm 2024.
Ngành công nghiệp xuất bản là nơi quảng bá văn hóa và giá trị của Ấn Độ, với ít nhất 45% sách thương mại được bán bằng các ngôn ngữ trong khu vực. Nó tối đa hóa lợi nhuận bằng cách tích hợp với các nền tảng kĩ thuật số, chẳng hạn như sách điện tử bằng các ngôn ngữ trong khu vực để tiếp cận đa dạng đối tượng ở cả các vùng xa xôi ở phía đông bắc - và đây là một lực đẩy đã kịp xuất hiện trong thời đại dịch.
Hội sách ở New Delhi, Ấn Độ.
Ngành xuất bản Ấn Độ rất phân mảnh và cạnh tranh, với hơn 9.000 nhà xuất bản và khoảng 24.870 nhà bán lẻ. Sau đại dịch, ngành công nghiệp này đang có những bước tiến dài, khi nhiều nhà xuất bản đã và đang chuyển sang dùng sách điện tử và từ đó có thể tiếp cận với nhiều người hơn ở các vùng sâu vùng xa. Điều này đã giúp thu hẹp khoảng cách cũng như giảm bớt sự kém hiệu quả trong toàn bộ chuỗi giá trị, bên cạnh đó cũng cải thiện thêm các kênh phân phối phức tạp, giải quyết bài toán chi phí cao và những rủi ro liên quan đến các tình hình bất ổn.
Tất cả những vấn đề này đều ảnh hưởng đến tính bền vững tài chính của một nhà xuất bản. Thêm vào đó ở một quốc gia không tồn tại ưu đãi thuế bằng 0, việc áp dụng thuế 5% đối với sách điện tử có thể mang lại lợi ích cho ngành xuất bản và cả chính phủ.
Đại dịch Covid-19 thúc đẩy một sự tăng trưởng đáng kể với sách điện tử. Sau 2 năm đó, bên cạnh e-book, sách in cũng đang hồi sinh khi nhu cầu ở ngành hàng này đang dần tiến về bằng mức ghi nhận cũ như nó đã từng trong khoảng trước đại dịch.
Sự thâm nhập ngày càng tăng của công nghệ vào cuộc sống cũng làm thay đổi bản chất của việc “tiêu thụ tri thức”. Sau đại dịch, để duy trì những tiến bộ kinh tế - xã hội và công nghệ liên tục thay đổi, ngành xuất bản cũng đã đổi mới các phương thức tiếp cận và kinh doanh mới, chẳng hạn như bán lẻ trực tuyến, đăng kí theo gói, mở thư viện mở và tự xuất bản.
Trong khi tại các thị trường phát triển từ lâu như Na Uy, Anh và Mĩ… các định dạng nói trên từ lâu đã trở thành động lực tăng trưởng chính cho ngành xuất bản, thì sách in vẫn được dự đoán sẽ tiếp tục thống trị ngành xuất bản Ấn Độ.
NGÔ MINH Dịch the The New Publishing Standard
VNQD