Hà Nội những ngày thu độc lập

Thứ Tư, 31/08/2022 23:11

. MAI VUI
 

Gần 80 năm kể từ ngày nước nhà giành độc lập, Đại tướng Nguyễn Quyết, người Bí thư Thành ủy Hà Nội đã lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8 năm 1945 tại Thủ đô vẫn còn đó như một pho sử sống. Tháng 8 năm 2022 này, ông tròn 100 tuổi, trong ngôi nhà nhỏ cách Hồ Gươm không xa, nhìn những mùa thu đi qua, dòng hồi ức của ông mỗi năm lại thêm một đong đầy. Cả cuộc đời dành trọn cho sự nghiệp cách mạng, cống hiến cho Đảng, Nhà nước, Quân đội, ở ông hội tụ đầy đủ những phẩm chất cao đẹp của người cộng sản kiên trung, vị tướng tài năng, mưu lược, luôn hết lòng vì dân vì nước. Ông đã từng giữ nhiều trọng trách do Đảng và Nhà nước giao phó như Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước…

Nhân kỉ niệm 77 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh mùng 2 tháng 9 (1945 - 2022), Tạp chí Văn nghệ Quân đội xin giới thiệu một trích đoạn hồi ức của Đại tướng Nguyễn Quyết dưới sự thể hiện của tác giả Mai Vui, đoạn trích từ cuốn Tuyển tập Đại tướng Nguyễn Quyết do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân vừa ấn hành. Tiêu đề bài viết do Văn nghệ Quân đội đặt.

Sáng ngày 19 tháng 8, cả Hà Nội vùng dậy đấu tranh. Khắp các đường phố mọc lên một rừng bạt ngàn cờ đỏ sao vàng. Các nhà máy, công sở nghỉ việc, chợ búa vắng tanh, cửa hiệu buôn bán đóng cửa. Tàu điện, ô tô không chạy. Xe đạp, xe tay không có một chiếc trên đường. Người đi bộ cũng lác đác.
Cả Hà Nội hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban quân sự cách mạng đã xuống đường.

Thể hiện rõ nét vai trò giai cấp tiên phong, công nhân các nhà máy điện Yên Phụ, nhà máy nước, nhà máy xe lửa Gia Lâm, nhà máy sửa chữa ô tô A-vi-a, Stai, xưởng xẻ gỗ, v.v... tập họp thành đội ngũ chỉnh tề trước cửa nhà máy, giương cao cờ đỏ sao vàng, vừa đi vừa hát bài Tiến quân ca tiến đến nơi tập trung. Nhiều người vác kiếm, mã tấu, đinh ba, cả búa tạ, xẻng, xà beng, choòng, chĩa xúc than… bước đi rất hùng dũng. Vừa đi vừa hô vang các khẩu hiệu:

- Lật đổ chính phủ bù nhìn!

- Thành lập chính quyền nhân dân cách mạng!

- Ủng hộ Việt Minh!

Từ năm cửa ô, từng đoàn nông dân rầm rập tiến vào Hà Nội. Ở Láng, Nam Đồng, Mọc, bà con nông dân các làng ven nội thành đã cùng nhân dân lao động Ngã Tư Sở tập họp thành đội ngũ đi chiếm đại lí Hoàn Long(1)# trước khi vào thành dự mít tinh. Tại đây, tên tri huyện Đặng Vũ Niết đã bỏ trốn. Lính bảo an đóng ở đại lí Hoàn Long được cán bộ Việt Minh thuyết phục, đã nộp vũ khí cho cách mạng. Trên các ngả đường vào thành phố từ Ô Cầu Giấy, bến xe Kim Mã, Ô Chợ Dừa, Ngã tư Trung Hiền, Ô Cầu Dền, Ô Đống Mác, Ngã Tư Vọng, Kim Liên cho đến đầu Ô Yên Phụ, vòng qua Hồ Tây sang chợ Bưởi, Nghĩa Đô và từ bên kia sông Hồng, Gia Lâm đến đầu cầu Long Biên, Bến Nứa... nườm nượp từng đoàn quần chúng cách mạng, đi đầu là các trai, gái tự vệ, trai mặc quần áo nâu chẽn ống, đầu trần, đi dép cao su con hổ màu trắng. Gái chít khăn vuông, áo nâu, quần thâm nịt ống, chân đất. Người nào cũng lăm lăm súng, giáo mác, dao quắm, mã tấu, dao phạt bờ, câu liêm, liềm... hiên ngang tiến vào Hà Nội, đi giữa Hà Nội, tràn ngập Hà Nội như dòng thác lũ, lôi cuốn mọi người ở hai bên đường đi theo. Cả đến bà con ở thị xã Hà Đông, các huyện Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên, Đan Phượng, Hoài Đức... cũng náo nức kéo về Hà Nội.

Nhân dân các phố xếp thành hàng mười, đi từng khối công nhân, thanh niên, phụ nữ, công chức, học sinh, trí thức, văn nghệ sĩ... quần áo gọn ghẽ, chải chuốt. Nhiều người mặc cả quần áo mới đi dự mít tinh. Vui như ngày hội, ngày tết. Người nào gặp nhau cũng muốn bắt chuyện, dù là chuyện hôm qua; hôm kia, có khi họ đã biết rồi nhưng vẫn cứ muốn trao đổi với nhau:

- Từ thuở bé đến giờ, tôi chưa thấy hội nào đông thế này. Phố tôi già, trẻ, trai, gái đi hết. Không còn ai ở nhà.

- Nghe nói sáng sớm Nhật đã đem cam nhông chở súng trả ta rồi.

- Anh em tự vệ tợn thật. Năm người cứ đứng sát chắn bốn xe tăng Nhật. Nó ác thế mà phải chịu ta đấy.

- Bên Gia Lâm, trên Bưởi người ta mít tinh, tuần hành rồi lập chính quyền cách mạng.

- Ta thu hết vũ khí của đại lí Hoàn Long, toàn súng tốt.

Họ cười, họ nói, họ nhắc nhủ nhau nhưng đội ngũ vẫn chỉnh tề, đâu ra đấy. Cờ đỏ sao vàng phất dọc phất ngang, chuyển động như những đợt sóng lừng, nhấp nhô, nối tiếp như vô tận, trào lên kín hết lòng đường, hè phố.

- Hoan hô Đoàn thanh niên xung phong Hoàng Diệu!

- Hoan hô! Hoan hô!

- Dãn ra, để lối anh em vào!

Đại đội thanh niên xung phong Hoàng Diệu đang từ phía chợ Mơ đi lên giữa tiếng vỗ tay vang dậy. Tới đầu phố Tràng Tiền, anh em xếp hàng ba, súng khoác vai, khiên, mã tấu cầm tay, hùng dũng đi dưới lá cờ đỏ sao vàng rộng khổ, may bằng sa tanh viền tua óng ánh, trên nền cờ thêu chữ bằng kim tuyến “Đoàn thanh niên xung phong Hoàng Diệu”. Lá cờ này do Hội Phụ nữ cứu quốc Thành vừa mới tặng.

Lúc ấy, các đồng chí trong Ủy ban quân sự cách mạng thành phố đi theo các khối đã về đầy đủ. Đồng chí Trần Tử Bình, Thường vụ Xứ ủy cũng tham dự cuộc mít tinh lịch sử này.

Chúng tôi thấy trong lòng hồi hộp, rạo rực quá. Từ trên Nhà hát thành phố nhìn xuống, cảnh tượng đường phố Hà Nội hùng vĩ lạ thường. Một biển người đang trào lên thành bão táp, thành sức mạnh vô địch, vươn lên xốc tới chiến thắng quân thù, giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Buổi sáng hôm ấy, trời Hà Nội bỗng nắng to. Nắng rực rỡ nhưng có gió. Gió lộng, cờ bay phấp phới, khiến chúng tôi ai nấy đều bừng bừng trong lòng ngọn lửa đấu tranh. Cả Hà Nội như rung chuyển dưới những khẩu hiệu hô vang:

- Đả đảo chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim!

- Thành lập Chính phủ Cộng hòa dân chủ Việt Nam!

- Ủng hộ Việt Minh!

- Việt Nam vạn tuế!

- Anh em binh lính hãy mang súng gia nhập hàng ngũ chiến đấu bên cạnh Việt Minh!

Theo lệnh của Ủy ban quân sự cách mạng, cuộc mít tinh bắt đầu vào hồi 11 giờ trong không khí hào hùng sôi nổi. Sau phút mặc niệm, tưởng nhớ các chiến sĩ cách mạng đã hi sinh vì độc lập của Tổ quốc, ba phát súng báo hiệu lễ chào cờ. Nhạc cử bài Tiến quân ca nổi lên hùng tráng. Lá cờ đỏ sao vàng được tưới đậm nắng vàng mùa thu, từ từ kéo lên giữa quảng trường. Từ trên tầng cao Nhà hát, hàng ngàn truyền đơn bay xuống như đàn chim trắng vỗ cánh tung bay, đón chào ngày Hội cách mạng.

Tiếng vỗ tay càng vang dậy khi đồng chí Nguyễn Huy Khôi đứng ra trước máy phóng thanh đọc lời kêu gọi của Ủy ban quân sự cách mạng Hà Nội:

“Thưa quốc dân đồng bào!

Nhân danh Việt Minh, từ trên diễn đàn này, chúng tôi gửi lời chào cứu quốc thân ái tới toàn thể đồng bào đã đến dự cuộc biểu tình ngày hôm nay một cách nhiệt liệt và đông đảo. Sự tham gia hăng hái ấy là một dấu hiệu rất lạc quan, chứng tỏ lòng nhiệt thành yêu nước của các bạn và sự tín nhiệm chân thành mà các bạn đã đặt vào Việt Minh.

Trong lúc quân đội Nhật theo lệnh Nhật hoàng, đã bãi chiến khắp các mặt trận, và bọn đế quốc Pháp nuôi cuồng vọng khôi phục chính quyền ở Đông Dương đang ngóc đầu lăm le hoạt động, chúng ta cần phải có một thái độ rõ rệt, thật đường hoàng, thật cương quyết!

... Đối với bọn Pháp có dã tâm khôi phục chủ quyền ở Đông Dương, chúng ta phải cương quyết đối phó và nếu cần phải quyết chiến, chống những cuộc xâm lăng của chúng như của tất cả các đế quốc khác.

Nhưng muốn được như thế, điều cần nhất lúc này là chúng ta phải thành lập một Chính phủ Cộng hòa dân chủ Việt Nam trong đó dân chúng được tham dự chính quyền để tự định đoạt số phận của mình.

... Hỡi quốc dân đồng bào!

Hãy tự tin, tự cường, hãy tỏ cho thế giới biết đến sức sống dồi dào, đến ý chí chiến đấu cường liệt của dân tộc Việt Nam luôn luôn vươn tới một cảnh đời phóng khoáng và độc lập. Hãy cùng chúng tôi hô to những khẩu hiệu sau đây:

- Đánh đổ mọi lực lượng xâm phạm đến nền độc lập của Việt Nam!

- Đả đảo bọn Pháp muốn khôi phục chủ quyền ở Đông Dương!

- Đánh đổ chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim!

- Thành lập Chính phủ Cộng hòa dân chủ Việt Nam!

- Việt Nam hoàn toàn độc lập!

- Cách mạng giải phóng thành công muôn năm!”.

Tiếng hô hưởng ứng của 20 vạn quần chúng ầm ầm vang động sau mỗi lần đồng chí Khôi hô khẩu hiệu.

Tiếp đó, dưới sự chỉ đạo của Ủy ban quân sự cách mạng, cuộc mít tinh chuyển thành biểu tình vũ trang đi đánh chiếm các nơi trong thành phố.

Khối đánh chiếm phủ khâm sai do đồng chí Nguyễn Khang, Chủ tịch Ủy ban quân sự cách mạng trực tiếp chỉ huy. Khi đoàn biểu tình, đi đầu là chi đội tự vệ chiến đấu đến gần phủ khâm sai, bọn cầm đầu “Ủy ban chính trị lâm thời” ra lệnh đóng chặt cửa lại và cho binh lính bố trí phía trong hàng rào sắt, nòng súng chĩa ra ngoài lăm le chống lại cách mạng. Tại đây, đêm hôm trước, chúng đã tăng cường lính bảo an lên tới hai đại đội để bảo vệ phủ khâm sai. Song, bất chấp mọi nguy hiểm, quần chúng vẫn ào ào tiến đến trước nòng súng của bảo an binh. Một đồng chí lãnh đạo đoàn biểu tình đã dõng dạc kêu gọi:

“Hỡi anh em bảo an binh!

Giặc Nhật đã đầu hàng. Cả nước dưới sự lãnh đạo của Việt Minh đang nổi dậy giành độc lập cho Tổ quốc. Bọn bù nhìn đang lợi dụng anh em để chống lại cách mạng. Các anh em hãy quay súng, đứng về phía Việt Minh cứu nước, cứu nhà!”.

Anh em bảo an binh trong rào sắt nghe lời kêu gọi, đưa mắt nhìn nhau rồi nhìn đoàn biểu tình khí thế ngùn ngụt đang xông tới trước cửa phủ khâm sai. Viên chỉ huy lính bảo an mặt tái mét, lúng túng chưa biết xử trí ra sao thì một số đội viên tự vệ chiến đấu đã nhanh chóng leo qua hàng rào sắt nhảy vào trong sân. Trong khi đó một số hội viên cứu quốc cũng vòng lối sau, nhảy vào phủ khâm sai. Không dám chống cự, anh em bảo an (trong đó có một số nhân mối của ta) lập tức xin hàng, mang hết vũ khí xếp thành một đống giữa sân. Số vũ khí này có tới 200 khẩu. Ủy ban quân sự cách mạng lập tức trang bị cho các chiến sĩ tự vệ để tăng cường sức chiến đấu và hạ lệnh mở toang cổng sắt lớn. Đoàn biểu tình ào ào tiến vào sân. Một bác công nhân leo ngay lên nóc nhà, hạ lá cờ quẻ li xuống và kéo cờ đỏ sao vàng lên. Tiếng hò reo của quần chúng lại càng vang động.

Cổng phủ khâm sai mở. Hai đồng chí Trần Tử Bình và Nguyễn Khang đến thẳng nơi làm việc của bọn cầm đầu “Ủy ban chính trị lâm thời”. Một tên trong bọn này hỗn xược, hỏi:

- Các ông là ai, đến đây muốn gì?

Đồng chí Trần Tử Bình nghiêm nét mặt, đanh thép tuyên bố:

- Nhân danh thanh tra Ủy ban quân sự cách mạng Bắc Kỳ, chúng tôi hạ lệnh bắt giam những kẻ cầm đầu “Ủy ban chính trị”!

Lập tức, các chiến sĩ tự vệ xông đến bắt trói chúng giải đi.

Sau đó, đồng chí Trần Tử Bình vào trong nhà, gọi điện thoại cho các tên tỉnh trưởng bù nhìn Hà Nam, Nam Định, Bắc Ninh... báo cho chúng biết ở Hà Nội, Việt Minh đã khởi nghĩa thắng lợi. Đồng thời hạ lệnh cho chúng phải đầu hàng. Nếu tên nào chống lại sẽ bị trừng trị nghiêm khắc.

Sau khi bắn sáu phát súng chỉ thiên báo tin thắng lợi, đoàn biểu tình tiến sang tòa thị chính. Thị trưởng thành phố đã chờ sẵn để đầu hàng Quân cách mạng. Ở ti liêm phóng, tên chánh mật thám tập họp hơn 60 nhân viên còn lại báo cáo tình hình và nộp toàn bộ tài liệu, hồ sơ cho ta.

Các nơi khác như nhà tù Hỏa Lò, xưởng sửa chữa vũ khí Nhật, nhà máy A-vi-a, ô tô Han, xe đạp Béc-xê, v.v.. các chiến sĩ tự vệ và công nhân cứu quốc đã tước vũ khí của lính bảo an tại xưởng, cử người canh gác và thành lập Ủy ban công xưởng quản lí nhà máy.

Lại nói đến đoàn biểu tình vũ trang có nhiệm vụ đánh chiếm trại bảo an binh(2)#. Binh lính đứng gác thấy lực lượng cách mạng kéo đến, chúng sợ hãi lấm lét nhìn vào trong trại, nửa như muốn xin lệnh bọn chỉ huy, nửa như muốn tìm sẵn lối tháo thân.

Thấy cửa trại khóa, chúng tôi cử một đội viên tự vệ tiến lên ra lệnh cho tên lính gác:

- Hãy mở cổng cho Quân cách mạng tiến vào!

- Phải đợi lệnh của quan ba - Hắn trả lời.

Tình hình lúc đó đòi hỏi phải khẩn trương, chúng tôi hạ lệnh phá cổng ngay. Đã đến lúc phải kiên quyết tiến công không một phút chần chừ, do dự.

Trước uy lực của cách mạng, bọn chúng đành phải mở cổng. Lực lượng tự vệ tiến vào sân hình thành ngay thế bao vây. Một tên sĩ quan hấp tấp đến nói với chúng tôi rằng quan ba của hắn muốn gặp cấp chỉ huy cách mạng để thương lượng. Tôi hội ý với đồng chí đội trưởng cho bố trí lực lượng sẵn sàng, còn một số cán bộ chúng tôi và chiến sĩ tự vệ khác vào gặp bọn chúng.

Chỉ huy trại bảo an binh là một viên quan ba tên là Thụ. Trước kia hắn đã được sang “mẫu quốc” học trường sĩ quan Pháp. Khi Nhật hất cẳng Pháp, hắn bỏ chủ cũ, theo chủ mới. Hắn là một trong những tên tán thành tích cực chủ trương xin vũ khí của Nhật, dựa vào Nhật chống lại cách mạng. Hắn chừng 40 tuổi, nét mặt gian giảo, kiêu kì. Mặc dầu hắn cố làm ra vẻ bình tĩnh, nhưng nhác trông sắc mặt, chúng tôi cũng nhận thấy hắn đương hoang mang trước hàng vạn quần chúng đã bao vây trại bảo an binh. Hiện tượng đó không riêng gì Thụ mà tất cả sĩ quan cấp dưới và binh lính của hắn cũng thế, mặt tên nào cũng hoảng sợ, đang chờ xem số phận mình sẽ ra sao? Sĩ quan ngồi tập trung, hết nhìn trộm chúng tôi, lại nghiêng nghiêng nghé nghé nhòm đoàn biểu tình.

Tên Thụ nhìn chúng tôi chằm chằm. Mắt hắn nheo lại rồi bất chợt hắn lúng túng nói:

- Tôi muốn gặp cấp chỉ huy của các anh.

- Tôi là cấp chỉ huy lực lượng cách mạng - Tôi trả lời và nhìn thẳng vào mặt hắn.

Mắt tên Thụ giương to hẳn lên, nửa như sửng sốt, nửa lại như coi thường. Chắc hắn cho tôi là người còn ít tuổi và không ngờ rằng tôi lại là người chỉ huy. Nhưng rồi hắn lại lấy vẻ tự nhiên ngay. Hắn cười và lễ phép mời tôi ngồi xuống ghế. Hắn nói trước:

- Hôm qua chúng tôi có nhận được thư của các ông. Chúng tôi có bàn với nhau, nhưng... - Hắn ngắc ngứ mãi mới nói tiếp được - nhưng chúng tôi phải trình lên cấp trên.

Chúng tôi biết thừa âm mưu của hắn. Cấp trên của hắn là bọn Nhật chứ còn kẻ nào khác. Nhất định từ đêm qua, sau khi nhận được tối hậu thư của ta, hắn đã yêu cầu bọn Nhật tiếp ứng. Tôi dồn ngay hắn:

- Cấp trên của anh đã quy hàng và đã trao chính quyền cho cách mạng rồi. Bây giờ còn các anh?

Thụ gật đầu lia lịa, nhưng đôi mắt của hắn vẫn liếc ra ngoài đường như chờ đợi một cái gì, rồi hắn nói:

- Vâng, tôi đã biết. Bên phủ khâm sai đã... bị mất…

Không để cho hắn nói hết, tôi tiến công tiếp:

- Trước hết anh cho tập trung binh sĩ lại, nộp vũ khí cho cách mạng... - Tôi đưa mắt nhìn thật nhanh tứ phía, thấy binh lính bảo an đang lo lắng chờ đợi. Tôi nói tiếp, và cố ý nói to nhằm tranh thủ đông đảo sĩ quan; bính lính dưới quyền hắn lúc này đang hoang mang, chưa biết thái độ của cách mạng đối xử với họ như thế nào - Anh em sĩ quan, binh lính, ai muốn trở về quê quán, sẽ được cách mạng giúp đỡ. Ai tự nguyện đi theo cách mạng thì sẽ được tiếp nhận...

Nghe tôi nói đến vấn đề nộp vũ khí, mặt Thụ sạm lại. Hắn đảo nhanh cặp mắt hằn học nhìn tôi, rồi cắt ngang lời tôi:

- Vâng, lực lượng chúng tôi còn nguyên vẹn... Vâng, đúng thế, nhưng chúng tôi xin đi theo cách mạng. Lúc đầu xin để nguyên như cũ... Chẳng gì chúng tôi đã sẵn có nền nếp nhà binh. Các sĩ quan, binh lính lúc nào cũng theo mệnh lệnh của tôi.

Qua luận điệu đó, tôi thấy hắn có phần nao núng, nhưng vẫn còn ngoan cố đòi giữ lại lực lượng quân sự để hòng thực hiện âm mưu xảo quyệt của hắn.

Tôi cảnh cáo liền:

- Ông lầm. Hiện nay Quân cách mạng đã chiếm được hầu hết các nơi trong thành phố. Sức mạnh của hàng chục vạn quần chúng rất to lớn. Mạnh gấp trăm nghìn các ông. Nếu ông định chống lại, sẽ bị lực lượng cách mạng kiên quyết trừng trị.

Thụ cúi gằm mặt xuống, ngập ngừng:

- Nhưng lực lượng của các ông thiếu vũ khí; dân ít hiểu biết về quân sự, tôi cho rằng nếu Pháp quay lại thì không giữ nổi.

Tôi điềm nhiên đáp:

- Không những chúng tôi giữ được, mà sẽ tống cổ chúng ra biển nếu chúng dám đụng tới nước Việt Nam một lần nữa.

Thụ cười gượng, nhưng đôi mắt vẫn lấm lét nhìn ra ngoài đường. Rõ ràng qua thương lượng từ bấy đến giờ, tên Thụ chưa thực lòng muốn quy hàng cách mạng và âm mưu của hắn là định kéo dài thời gian để bọn Nhật kịp đến cứu viện. Phải cương quyết hành động kịp thời, không phải chỉ nói suông với tên quan ba xảo trá này được. Tôi đưa mắt ra hiệu cho mấy đồng chí cán bộ đứng bên tôi. Các đồng chí hiểu ý đi ra ngoài sân. Tôi vẫn ở lại và nói như ra lệnh cho tên Thụ:

- Bây giờ ông nộp hết vũ khí cho Quân cách mạng.

Thụ vẫn dùng kế hoãn binh:

- Chúng tôi đã nói là xin theo các ông rồi. Nhưng chuyện vũ khí và binh lính xin các ông hãy khoan cho.

Tôi cương quyết:

- Không được trù trừ. Toàn trại bảo an binh này phải nộp vũ khí ngay lập tức!

Tên Thụ bắt buộc phải đứng dậy. Hắn bước ra khỏi phòng. Nhưng mặt hắn như cắt không còn một hột máu, đôi mắt hắn đờ ra, khi hắn thấy ở ngoài sân, nhờ có số bảo an binh là nhân mối chỉ dẫn, tự vệ ta đã chiếm hầu hết các vị trí quan trọng trong trại, kể cả kho vũ khí. Quần chúng cách mạng ở bên ngoài dưới sự chỉ huy của cán bộ đang thét vang phẫn nộ đòi giải quyết nhanh chóng. Trước sức ép mạnh mẽ của lực lượng cách mạng, mặt tên Thụ càng thất sắc, hắn đành cúi đầu ấp úng:

- Vâng… xin các ông chờ cho ít phút.

Nửa giờ sau, toàn bộ lính bảo an bị Quân cách mạng tước hết vũ khí. Và sau khi được nghe giải thích chính sách, hầu hết binh lính ở đây đều tỏ ra hoan nghênh và ủng hộ Mặt trận Việt Minh. Một số anh em tình nguyện xin gia nhập hàng ngũ cách mạng.

Giữa lúc đó, ở ngoài cổng bỗng có tiếng thét, tiếng hô khẩu hiệu vang lên khác thường. Mọi người tuy chưa biết việc gì xảy ra ở ngoài đó, nhưng ai nấy đều cảnh giác, đội ngũ càng siết chặt sẵn sàng đối phó với tình thế bất trắc. Thế rồi một đồng chí tự vệ chạy vào báo tin: bọn Nhật đã mang xe tăng tới bao vây Quân cách mạng. Tên Thụ nghe vậy, định nhảy xổ ra. Lập tức một chiến sĩ ta bắt hắn ngồi yên một chỗ. Đôi mắt hắn càng đờ đẫn ra như tiếc rằng bọn Nhật đến quá chậm.

Chúng tôi lập tức chuyển sang đối phó với tình huống mới này: một mặt gọi điện báo cáo tình hình với đồng chí Nguyễn Khang - đại diện Xứ ủy, một mặt bố trí tự vệ sẵn sàng chiến đấu và cử cán bộ ra nói chuyện với bọn Nhật. Lúc đầu Nhật cứ nằng nặc đòi tước vũ khí của Quân cách mạng, đòi chiếm lại trại bảo an binh. Một số cán bộ và chiến sĩ tự vệ nghe tin đó tỏ ra bực bội, có đồng chí đề nghị:

- Chúng nó thua trận rồi mà còn láo xược. Đề nghị cấp trên để chúng tôi sửa cho chúng nó một mẻ.

- Đánh bỏ cha bọn phát xít đi chứ, lại đòi tước vũ khí à? Tước gì, có mà tước xác chúng đi thì có. Đánh!

Chủ trương chung của Thành ủy đối với bọn Nhật đã có, lúc này càng cần phải nắm vững và phải nghiêm chỉnh chấp hành. Vả lại kinh nghiệm của cuộc đấu tranh đêm hôm trước đã chỉ ra rằng, nếu ta khéo vận dụng lực lượng quần chúng cũng có thể áp đảo được bọn Nhật. Ý kiến đòi đánh Nhật ngay trong lúc này không được ai tán thành. Vấn đề cấp bách lúc này là, giải thích cho anh em thông suốt chủ trương của Thành ủy, đồng thời nhanh chóng củng cố hàng ngũ quần chúng tiến hành bao vây lại địch. Khí thế của đội quân cách mạng càng dâng cao, đội ngũ càng siết chặt. Tin tưởng vào sức mạnh đó, cho nên một mặt ta sẵn sàng chiến đấu, một mặt tập thể cử tôi ra đấu tranh thuyết phục bọn Nhật. Tôi bảo chúng:

- Các anh hiện nay là những người bại trận, chỉ đợi nay mai. Đồng minh vào tước vũ khí rồi về nước. Bố mẹ, vợ con, anh em các anh đang chờ các anh. Nếu các anh gây sự với chúng tôi, chúng tôi quyết đánh thắng các anh và các anh sẽ bị thiệt mạng vô ích. Cuộc cách mạng của chúng tôi đã thành công khắp nước Việt Nam. Tốt nhất là các anh trở về vị trí cũ. Các anh không nên đụng chạm vào công việc nội bộ của người Việt Nam chúng tôi.

Tôi vừa dứt lời, quần chúng đều nhất loạt hô:

- Ủng hộ Việt Minh!

- Việt Nam độc lập vạn tuế!

- Việt Minh vạn... vạn tuế!

Tiếng hô vang dội và kéo dài như trời long đất lở, khiến bọn Nhật sợ hãi. Tên sĩ quan Nhật lúc đầu tỏ vẻ hung hăng, đến phút này mặt hắn xanh xám lại, chiếc kiếm dài trong tay cũng từ từ buông thõng xuống.

Giữa lúc đó, có tin lực lượng tự vệ từ phủ khâm sai tiến sang tăng viện thêm, tiếp sau là đoàn biểu tình quần chúng khổng lồ rầm rộ kéo tới. Trước tình thế đó, bọn Nhật càng hoang mang, lúng túng. Quần chúng hô khẩu hiệu đấu tranh càng lớn, đồng thời vòng vây mỗi lúc càng dày, càng khép chặt lại... Đến chiều, bọn Nhật buộc phải lủi thủi rút về vị trí cũ. Sức mạnh của quần chúng cách mạng đã chiến thắng. Như vậy đến chiều ngày 19, việc chiếm các cơ quan đầu não then chốt của chính quyền bù nhìn đã xong (trừ đài phát thanh Bạch Mai, Nhà băng Đông Dương - tức trụ sở Ngân hàng Nhà nước ngày nay), cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội căn bản kết thúc thắng lợi.

Theo yêu cầu của Ủy ban khởi nghĩa Hà Đông, Thành ủy Hà Nội cử một đơn vị tự vệ chiến đấu vừa tham gia đánh chiếm trại bảo an binh, do đồng chí Mai Nhân chỉ huy tới tiếp viện, góp phần đánh bại tên phản quốc Quản Dưỡng tay sai của Nhật lúc ấy rất ngoan cố.

Sau này, chúng tôi được biết thêm: cuộc khởi nghĩa thắng lợi ở Hà Nội đập tan các cơ quan đầu não của địch ở Bắc Bộ đã nhanh chóng vang động đến các tỉnh lân cận, làm cho địch càng hoang mang bối rối, góp phần quan trọng tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình Tổng khởi nghĩa của cả nước giành thắng lợi nhanh chóng.

*

*       *

Hà Nội, đêm 19 tháng 8 là đêm Hội Chiến thắng. Đèn điện trong các công sở, trên các đường phố mấy hôm trước còn bịt kín ánh sáng để phòng không, thì hôm nay đều được mở ra, cả thành phố sáng trưng không còn cảnh đèn tối mù mịt nữa. Quần chúng say sưa, nét mặt rạng rỡ, đi rầm rập ngoài đường phố. Ai cũng thấy niềm vui trong lòng mình dâng lên. Nhiều người sung sướng quá đến ứa nước mắt. Ách áp bức, bóc lột của phát xít Nhật và bè lũ vua quan phong kiến tay sai của chúng đã bị sức mạnh của bạo lực đập tan. Cách mạng đã đổi đời cho người dân Hà Nội. Và Hà Nội đã được sống trong độc lập, tự do. Trong giờ phút lịch sử vinh quang này, các phố đỏ rực màu cờ. Tại cổng Bắc Bộ phủ lúc nào cũng đông nghịt người đứng chăm chú nhìn lá cờ to nhất thành phố cắm trên cột thu lôi, đang phấp phới bay. Một chiến sĩ tự vệ thắt bao đạn trước bụng, cầm ngang khẩu súng, đứng gác trước cửa, nét mặt đầy vẻ tự hào. Thỉnh thoảng một chiếc xe hơi của Ủy ban quân sự cách mạng cắm cờ đỏ sao vàng đi đến, những người quanh đấy ùa xuống đường vừa chạy theo vừa hô: “Việt Nam hoàn toàn độc lập!”, “Ủng hộ Việt Minh!”. Xe từ từ đi chậm. Thế là biến thành cuộc biểu tình. Khắp thành phố có hàng chục cuộc biểu tình tự động như thế...

Đứng trước quang cảnh ấy, lòng mọi người tràn ngập niềm vui sướng.

Thắng lợi này là thắng lợi của Đảng ta, trước hết là sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ đối với phong trào cách mạng Hà Nội. Trung ương Đảng đã nhiều lần chỉ rõ cho Thành ủy một nhận thức đúng đắn là, trong cuộc vận động Cách mạng Tháng Tám ở Hà Nội, nơi trung tâm chính trị, văn hóa của cả nước, phải dựa chủ yếu vào phong trào công nhân, phải dựa vào lực lượng công nhân và nông dân là quân chủ lực của cách mạng, phải đặc biệt coi trọng công tác vận động thanh niên, học sinh, sinh viên. Phải có chính sách đúng đắn, đoàn kết, tranh thủ tập hợp mọi lực lượng dân tộc thống nhất vững chắc và rộng rãi; phải nắm vững độc quyền lãnh đạo cách mạng, và phải cô lập kẻ thù đến cao độ, tiến lên đánh đổ chúng.

Sự lãnh đạo đúng đắn, chính xác của Trung ương và Xứ ủy còn thể hiện qua chủ trương coi trọng việc phát triển lực lượng cách mạng ở cả thành thị và nông thôn, luôn luôn kết hợp phong trào đấu tranh cách mạng ở thành thị với phong trào cách mạng ở nông thôn để chuẩn bị cho cả hai nơi khi có điều kiện cùng nổi dậy giành chính quyền thắng lợi. Sự lãnh đạo của Trung ương và Xứ ủy lập các khu an toàn ở sát ngay Hà Nội, và qua việc bố trí hệ thống chỉ đạo đặc biệt, đã tạo nhiều thuận lợi cho Đảng bộ Hà Nội hoạt động đạt kết quả.

Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Hà Nội còn là kết quả sự lãnh đạo trực tiếp của hàng chục ban cán sự, ban Thành ủy kế tiếp nhau, của cán bộ và đảng viên của Đảng bộ Hà Nội. Cán bộ và đảng viên Hà Nội đã gian khổ, hi sinh, bất chấp sự khủng bố trắng của Pháp, Nhật, người nọ nối tiếp bước người kia, không kể gì đến những điều kiện cực kì khó khăn, nguy hiểm, như bị tù đày, tra tấn và bị giết hại, đã bám sát quần chúng, giác ngộ và tổ chức quần chúng tham gia cách mạng. Thành ủy Hà Nội mặc dù nhiều lần bị phá vẫn kiên trì, nhen nhúm, nuôi dưỡng phong trào cách mạng. Và khi thời cơ đến, đã nhạy bén với thời cuộc, phát huy tinh thần chủ động tiến công địch, không ỷ lại vào lực lượng của Trung ương chi viện, dũng cảm, kịp thời phát động quần chúng dùng lực lượng tại chỗ khởi nghĩa giành chính quyền.

Chúng tôi hiểu sâu sắc rằng: Thắng lợi này còn là thắng lợi của sức mạnh vô tận của quần chúng. Nhân dân nội ngoại thành Hà Nội đã có truyền thống chiến đấu dũng cảm của cha ông thuở trước. Từ năm 1930, công nhân hãng A-vi-a đã nêu gương đấu tranh dũng cảm chống thực dân Pháp. Anh em công nhân, những người dân nghèo và bà con nông dân ngoại thành không sợ nguy hiểm, tù tội, sẵn sàng che giấu, nuôi dưỡng các lãnh tụ và các chiến sĩ cách mạng. Cuộc mít tinh của anh em công nhân trước nhà Đấu Xảo Hà Nội và cuộc bỏ phiếu cho các ứng cử viên của Mặt trận dân chủ Đông Dương do Đảng ta lãnh đạo năm xưa, và những hành động kiên quyết vùng dậy trong những ngày tháng Tám lịch sử này chứng tỏ rằng nhân dân Hà Nội không hề khuất phục trước uy vũ của bọn đế quốc, tin tưởng ở Đảng ta và chỉ có Đảng ta mới lãnh đạo quần chúng đứng lên làm cách mạng thành công, giành lại cuộc đời ấm no.

Thắng lợi này còn là thắng lợi của chủ trương xây dựng kịp thời lực lượng vũ trang địa phương Hà Nội với những biện pháp tích cực và chủ động, thận trọng và táo bạo, coi trọng cả số lượng và chất lượng, kết hợp giữa xây dựng và chiến đấu. Khi cơ sở và phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng phát triển mạnh mẽ, theo sự chỉ đạo của Trung ương và Xứ ủy, Thành ủy kiên quyết tổ chức các tổ tự vệ ở các đoàn thể cứu quốc, các đội tự vệ chiến đấu, đội danh dự trừ gian, lúc đầu hỗ trợ cho nhiệm vụ xây dựng cơ sở cách mạng, bảo vệ các cuộc diễn thuyết, mít tinh quần chúng, sau đó dùng đấu tranh vũ trang để thúc đẩy phong trào đấu tranh chính trị, kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang để phát động cao trào khởi nghĩa và khởi nghĩa thắng lợi.

Hà Nội! Đêm Hội chiến thắng, không ai muốn ngủ. Nhân dân đi lại rầm rập ngoài phố, vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu cách mạng...

*

*      *

Hà Nội khởi nghĩa thành công.

Những ngày hôm trước còn là thợ thuyền, nông dân, viên chức, học sinh sống ngột ngạt dưới ách thống trị hà khắc của bọn đế quốc và phong kiến, thì hôm nay đã đứng lên nắm chính quyền xây dựng cuộc đời mới trong một thành phố lớn bậc nhất của nước Việt Nam với hai bàn tay trắng của mình.

Công việc gấp rút trước mắt của chúng tôi lúc ấy là tổ chức và điều hành bộ máy chính quyền cách mạng vừa mới thành lập, nhanh chóng đưa đời sống mọi mặt của thành phố trở lại bình thường. Thành ủy đặc biệt coi trọng công tác phát triển và củng cố lực lượng vũ trang để bảo vệ thành quả cách mạng vừa mới giành được, kịp thời trấn áp bọn phản động âm mưu ngóc đầu dậy phục hồi lại chính quyền tay sai của đế quốc. Số anh chị em tự vệ chiến đấu tham gia khởi nghĩa đóng ở trại bảo an binh được sắp xếp lại tổ chức, trang bị đầy đủ vũ khí. Đồng thời khẩn trương tuyển chọn số thanh niên ưu tú từ 18 đến 40 tuổi ở các đoàn thể công nhân, nông dân, thanh niên cứu quốc đưa vào bộ đội, nâng quân số lực lượng vũ trang Hà Nội lúc đó lên tới năm tiểu đoàn, không kể hàng vạn tự vệ chiến đấu đang làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh, bảo vệ chính quyền cách mạng cơ sở ở các khu phố, xí nghiệp và làng xã. Thành ủy xin chỉ đạo xây dựng xưởng quân giới Phan Đình Phùng, xí nghiệp quốc phòng đầu tiên của Hà Nội, sau tham gia đội quân “Nam tiến”, làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí vào Nam Bộ.

Có thể nói sau khi khởi nghĩa thắng lợi, có biết bao nhiêu công việc phải làm nhưng Thành ủy đã biết nắm lấy những vấn đề chính như xây dựng và củng cố chính quyền; xây dựng và củng cố lực lượng vũ trang, khắc phục hậu quả lũ lụt, chăm lo đời sống nhân dân. Nhờ đó mà mọi thành quả của cách mạng được giữ vững, góp phần phát huy có hiệu quả của mình vào việc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền nhanh gọn trong cả nước.

Một sự kiện lịch sử trọng đại nữa lại đến với nhân dân Hà Nội cũng như nhân dân toàn quốc, làm cho mỗi người dân Việt Nam đều nhớ mãi trong kí ức của đời mình. Đó là ngày mồng 2 tháng 9 năm 1945 - Ngày tuyên bố độc lập, ngày khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Sau ngày khởi nghĩa, lực lượng vũ trang Hà Nội mà nòng cốt là đội tự vệ chiến đấu được đổi là Cứu quốc quân, sau đổi là Giải phóng quân. Đồng chí Vương Thừa Vũ được chuyển về phụ trách chỉ huy trưởng, tôi phụ trách chính trị ủy viên. Vinh dự lớn lao cho lực lượng vũ trang Hà Nội lúc đó là được Thành ủy trao cho nhiệm vụ bảo vệ cuộc mít tinh trọng thể ngày mồng 2 tháng 9 tổ chức tại Vườn hoa Ba Đình.

Ngay từ sáng sớm, Hà Nội bừng lên một màu cờ đỏ. Nhân dân Hà Nội lại xuống đường. Ngày 19 tháng 8 xuống đường khởi nghĩa thắng lợi. Hôm nay xuống đường mừng ngày hội độc lập. Chưa bao giờ người Hà Nội xuống đường đông như thế, đông tới gần một triệu người. Dòng thác người lại một lần nữa cuồn cuộn chảy về Quảng trường Ba Đình. Già trẻ, trai gái, công nhân, nông dân, bộ đội Giải phóng, du kích, tự vệ, trí thức... ai nấy đều mặc quần áo đẹp nhất, mới nhất, đủ màu sắc rực rỡ, hớn hở vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu:

- Nước Việt Nam của người Việt Nam!

- Độc lập hay là chết!

- Ủng hộ Chính phủ lâm thời!

- Ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh!...

12 giờ trưa, đoàn thể các giới tới dự lễ theo trật tự đứng vào từng nơi quy định - quanh Vườn hoa Ba Đình.

Niềm vui sướng nhất của đời tôi, niềm vinh dự tự hào to lớn nhất đồng thời là nguồn cổ vũ, khích lệ tôi suốt những năm tháng đấu tranh cách mạng đầy gian nan sau này là hồi ấy tôi được gặp Bác Hồ. Ngay từ những ngày cuối tháng 8, chúng tôi đã nghe nói Bác cùng với một phái đoàn Chính phủ lâm thời từ chiến khu đã về ở làng Phú Gia, xã Phú Thượng, thuộc ngoại thành Hà Nội. Tôi đã được các đồng chí trong Ủy ban khởi nghĩa Hà Nội lên đón Bác về, kể lại một câu chuyện rất xúc động khi Bác vừa đặt chân tới đất Hà Nội. Hôm ấy vào khoảng 3 giờ chiều, một chiếc thuyền đánh cá từ thượng nguồn trôi xuống, dừng lại bên làng Phú Gia. Một chiếc đò con ra đón. Đoàn cán bộ từ chiếc thuyền lớn bước sang đò. Trong đoàn có một ông cụ già mặc quần áo nâu, đầu đội mũ cát đã cũ, một chiếc khăn chàm che kín chòm râu thưa và đen, sườn đeo chiếc túi chàm. Ông cụ sang đò, bỗng quay lại, bảo đồng chí cán bộ còn ở trên thuyền:

- Đưa cho tôi chiếc quạt lá cọ giắt ở mui thuyền ấy!

Ông cụ già đó chính là Bác Hồ kính yêu của chúng ta. Hồi ấy, đồ dùng của Bác mang ở chiến khu về có một máy chữ nhỏ, chiếc tay đẫy trong đựng một bộ quần áo chàm và chiếc quạt lá cọ. Sau đấy vài hôm, trước hôm Bác đọc bản Tuyên ngôn độc lập lịch sử, Bác lấy kim chỉ trong đẫy ra tự khâu lấy chiếc cúc đứt chỉ... Mặc dầu từ những năm còn hoạt động bí mật, tôi đã được nghe bao chuyện xúc động về Bác nhưng lúc này đứng ở Quảng trường chờ đón Bác, trong trí tưởng tượng của tôi, Bác đã là lãnh tụ cách mạng, lãnh đạo công cuộc đánh đuổi Pháp, Nhật, đem lại độc lập cho nước nhà, thì Bác phải là người khác thường. Song tôi đã lầm. Đoàn xe Chính phủ tiến vào Quảng trường và từ từ dừng lại. Một ông cụ già dáng người hơi gầy, mắt sáng, trán cao, râu thưa, mặc bộ quần áo ka-ki màu vàng nhạt, đội chiếc mũ đã cũ, đi dép cao su trắng, nhanh nhẹn bước ra khỏi xe, dẫn đầu đoàn thành viên của Chính phủ lâm thời, bước lên lễ đài.

Bác đã xuất hiện lần đầu trong ngày hội độc lập trước gần một triệu đồng bào Hà Nội hôm đó giản dị như vậy.

Giọng sang sảng, Bác đọc bản Tuyên ngôn độc lập:

“... Một dân tộc đã gan góc đứng về phía Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!

Vì những lẽ trên, chúng tôi - Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng:

Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.

Đang đọc bản Tuyên ngôn, Bác dừng lại, bỗng hỏi:

- Tôi nói, đồng bào nghe rõ không?

Mãi mãi sau này, những câu nói bất hủ ấy của Bác và câu hỏi lại “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?” đầy thân thương ấy của Bác cứ văng vẳng bên tai tôi. Từng câu, từng chữ của Người đều chứa đựng những tư tưởng lớn của thời đại, những ý chí sắt đá không có sức mạnh nào của kẻ thù có thể lay chuyển nổi.

Những lời Bác nói ngày đó đã khắc sâu vào tâm trí nhân dân Việt Nam và đã trở thành lẽ sống, mục tiêu chiến đấu suốt đời của cả dân tộc Việt Nam ta.

M.V

--------

1. Trụ sở hành chính tương đương với cấp huyện thời thuộc Pháp, đặt ở khu vực giữa Gò Đống Đa - Ngã Tư Sở.

2. Số nhà 40 phố Hàng Bài.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)