Trong lòng đất

Thứ Ba, 26/07/2022 00:23

. ĐẶNG CHƯƠNG NGẠN

Chiếc điện thoại cục gạch có đến năm cuộc gọi nhỡ từ một số máy lạ. Tôi không gọi lại. Số máy lạ đã gọi lại vào buổi chiều, tiếng chuông dai dẳng kéo dài. Cái giọng khê đặc không lẫn vào đâu được của tay trưởng ban quản lí dự án các công trình thuỷ điện tôi từng tham gia xây dựng mấy năm gần đây. Dân xây dựng thuỷ điện quen gọi gã là Pháp cá tra. Thực ra gọi như vậy oan cho cá vì con cá tra vẫn chừa ra một số thứ không ăn, còn Pháp này thì không, hắn nhai rau ráu mọi thứ.

- Có gì không ông?

- Dự án mới năm trăm tỉ!

Hắn cúp máy cái rụp.

Minh họa: Lê Anh Vân

Hắn biết rõ quyền uy của thông tin trên. Một trăm thằng thầu xây dựng thì một trăm thằng sẽ gọi lại ngay khi nghe một thông tin như vậy. Gọi vồn vã, nịnh nọt, giọng bợ đỡ, cầu tài. Hình dung cái mặt chảy xệ mỡ đắc chí của hắn đang xẹp xuống trong kinh ngạc, tôi khẽ thở dài… Tôi không gọi. Mấy năm lăn lộn rừng núi miền Trung, tôi cũng chẳng kiếm được bao nhiêu từ các dự án thuỷ điện, chỉ mang về mớ vi trùng sốt rét, thói xấu nghiện thuốc lào và mấy chục số điện thoại của các ả giang hồ… Thực tế cay đắng, tôi đang trốn nợ, đang bị mấy nhà cung cấp vật tư doạ kiện ra toà, doạ bỏ tù vì nợ dây dưa chưa trả…

Thật bất ngờ, hắn gọi lại tôi cuối buổi chiều:

- Dự án hấp dẫn mà ông không quan tâm? Lạ thật!

- Không. Tôi chán lên rừng rồi! Mà ông gọi lại tôi làm gì! Vụ này ông hé miệng thì có hàng trăm nhà thầu nhảy vào đánh nhau toé máu ấy chứ.

Pháp cá tra bất ngờ hạ giọng:

- Đúng vậy! Nếu tôi hé miệng thì đúng hàng trăm thằng nhào tới! Nhưng tôi cần ông, tôi biết chỉ ông mới làm được vì có một vấn đề: Tiến độ gấp. Rất gấp. Đám kia chỉ ăn hại.

Hoá ra hắn đang vào thế kẹt. Ngày làm lễ khởi công đã đến nhưng con đường dẫn vào công trường vẫn chưa xong. Hắn cần một thằng như tôi để có thể hoàn thành con đường dẫn trong thời gian hai tháng. Tình thế lạ lùng, một nhà thầu như tôi được quyền ra điều kiện cho bên quản lí dự án. Đúng là sông có khúc, đời có lúc nhỉ, đôi khi gã số phận khó tính mỉm cười với ta vào lúc bất ngờ nhất.

Để được Pháp cá tra vời tới, xuống nước không cần đút túi một phần trăm nào không phải là chuyện bình thường. Thứ nhất, tôi là một nhà thầu luôn giải quyết được các vấn đề kĩ thuật và tiến độ các công trình xương nhất, mà đám dự án thuỷ điện đều biết tên, biết mặt; thứ hai, chắc chắn dự án đang rơi vào một tình thế bế tắc, hết sức bế tắc...

Tôi sẽ được giao thi công con đường dẫn với giá đặc biệt, theo đúng chi phí chủ đầu tư phê duyệt không phải chi một phần trăm nào - Pháp cam kết vậy. Tôi chỉ cần có mặt với nhóm quản lí của mình. Máy móc thiết bị, nhân công, vật tư… đều đã có sẵn của các nhà thầu trước bỏ chạy, bị bắt vạ… Tôi sẽ được mua lại, thuê lại với giá hết sức mềm và Pháp sẽ cho ứng ngay tiền để trả.

Tôi đăng báo tuyển gấp một kĩ sư xây dựng có ít nhất ba năm kinh nghiệm xây dựng thuỷ điện, thành thạo vi tính, biết vẽ và lập dự toán. Nội dung tuyển dụng ghi rõ sẽ phải làm việc tại một công trình thuỷ điện miền núi, hiện vẫn còn sốt rét, lương được trả gấp đôi nhưng chỉ được nhận khi quyết toán công trình. Trong hai ngày, không có ứng cử viên nào gọi tới, tôi phải hạ tiêu chuẩn: nhận luôn kĩ sư mới ra trường, không yêu cầu kinh nghiệm, trong ba ngày tiếp đó, cũng không có cuộc gọi nào. Vào buổi tối cuối cùng có một kĩ sư mới ra trường hỏi về công việc. Không quan tâm làm gì, ở đâu, chỉ hỏi xem có đúng tôi sẽ trả lương gấp đôi như cam kết không. Đúng là một kẻ chỉ biết đến tiền. Lúc khác, tôi đã từ chối, tiễn đưa anh ta với vài lời mai mỉa. Nhưng trong tình thế này, tôi đành vớ lấy ứng viên duy nhất với khoản lương hai mươi triệu đồng và khoản thưởng cuối công trình. Hai thầy trò hẹn gặp nhau ở bến xe lúc 4 giờ 30 sáng mai để cùng đi Quảng.

Cộng sự là một thanh niên trẻ đã tốt nghiệp hơn hai năm, không có việc làm nên tham gia đội quân chạy xe ôm, anh ta chỉ có kinh nghiệm đưa đón khách, chở mấy em mỏ xanh đỏ chiều chiều cập bến đỗ, chứ hoàn toàn chưa có một chút khái niệm thực tế gì về công việc thi công. Hơi cao, tóc cắt ngắn, mắt sáng, miệng có duyên. Tôi và Hiệp bắt xe khách đi đến Đức Phổ, từ đó bắt tiếp hai chuyến xe khách, một chuyến xe ngựa mới đến công trường. “Em không ngại đi xa thành phố à?”- tôi hỏi Hiệp khi đã ngồi yên trên ghế chiếc xe khách liên tỉnh. “Em liều đi với anh vì em cần tiền. Hồi em ra trường, ghé về thăm mẹ, mái nhà tranh nhà em bị mối mọt sắp sụp rồi… Sau công trình với anh, em sẽ trở về sửa. Chỉ sợ không kịp, mùa bão tháng tám, có khi mái tranh nhà em đã đổ sụp...”

*

*        *

Đó là con đường dẫn nối vào dự án, con đường này bắt buộc phải hoàn thành mới đưa thiết bị vào thượng nguồn sông, khi đó mới thi công đập chính của nhà máy điện được và lúc ấy cũng mới nhận được giấy phép khởi công từ chính quyền. Nếu con đường dẫn không thi công xong trong hai tháng tới thì dự án có thể bị dẹp, tất nhiên, cái ghế trưởng ban của Pháp cũng bay luôn …

Đã có ba nhà thầu bỏ chạy chứ không phải bị đuổi như gã Pháp nói. Nhà thầu thứ nhất bị Pháp ép giá, liều nhận giá thấp, thi công được hai tuần, nhận được tiền tạm ứng, đêm xuống kéo xe máy trốn sạch. Sáng ra, không thấy công nhân ngoài công trường, Pháp xuống kiểm tra, chỉ còn lán không, bãi trống. Nhà thầu thứ hai thi công đường dẫn đến suối Nậm Cóc thì liên tục gặp sự cố, máy đào ép cừ, ép luôn cả hai công nhân dưới hố móng chìm ngập xuống bùn chết sặc. Nhà thầu thứ ba được giao giá cao, được hứa hẹn sẽ được giao tiếp phần đập chính cả trăm tỉ nên hùng hổ kéo cả đại binh tới, xây dựng nhà ăn, căng tin, dàn xe máy đậu kín bãi đất trước suối. Thi công được một tuần, tay chỉ huy trưởng đang trưa ra suối tắm cứ nồng nỗng chạy về lán, gặp ai cũng ôm ghì lấy khóc lóc: “Anh ơi đưa em về nhà, anh ơi đưa em về nhà, nhà em ở bến Lâu… Nhà em ở bến Lâu…” Ít ngày sau, họ đang hạ dầm cầu bê tông qua suối thì cần cẩu gãy cái rụp, dầm bê tông rơi xuống vỡ làm đôi, công nhân phụ cẩu bị dầm đè chết…

Các đội thi công, lán trại, xe máy, công nhân, cốp pha…., tất cả đều là của nhà thầu thứ ba bỏ chạy, Pháp đã giữ lại với lời hứa sẽ thanh toán khi tiếp tục thi công với Hải Hà - tức là công ti tôi. Mấy ngày qua họ chờ đợi tôi như chờ một vị cứu tinh, chờ một ân nhân. Họ chờ một người mà tay Pháp đã vẽ vời thêm về tôi như một giám đốc đầy quyền năng. Khi vị cứu tinh xuất hiện thì họ bám chặt không rời nửa bước. “Anh Hai - một tay tóc rối bù để ria mép lên tiếng - Em là chủ máy đào ủi, anh Hai cho em thưa chuyện”; “Em là chủ dàn lu rung, máy san, xe tải ben”; tay cao khều, đen nhẻm như than cốc mỏ cọc 6 luôn bám sát phía sau tôi, cất giọng Nghệ: “Em lái đào 07, chủ xe em xin cho làm tiếp.” Có ba ông thầu nhân công mỗi ông có vài chục lính đều người miền Tây… Chỉ buổi chiều bộ máy công trường coi như đầy đủ, tôi ghé ban dự án thống nhất hợp đồng, quyết định ngay ngày hôm sau sẽ khởi công…

Cô gái áo hồng ăn diện khá sexy vào gặp tôi khi đám đàn ông ồn ào, suồng sã đã lui ra. Sáng nay, khi vừa từ xe ngựa xuống, tôi đã bắt gặp cô nàng từ dưới suối đi lên, tuồng như ra suối gội đầu, mái tóc dài bết vào trước ngực ròng ròng nước. Trông đẹp và hấp dẫn.

- Em tên Thu… Em theo anh Cường lên đây mở căng tin. Anh cho em tiếp tục lo cơm nước cho công trường nhé?

- Anh không tổ chức bếp - Tôi lạnh tưng - Anh mệt vì vụ này nhiều rồi! Đám lái xe, lái máy không thể chiều nổi, đứa chê mặn, đứa chê nhạt… cuối cùng bếp nào rồi cũng giải tán.

- Anh Hai nói vậy… Em hiểu… Nhưng ở đây không có hàng quán bên ngoài. Công nhân phải chạy ra mãi ngã tư mới có tiệm ăn, quay về cũng gần bốn chục cây số. Anh sẽ bị mất luôn nửa ngày công…

Nàng nhìn tôi với đôi mắt nâu đẹp, buồn, phân tích rõ ràng thuyết phục. Nhưng thấy tôi im lặng, thì đôi mắt nâu bắt đầu ướt mèm:

- Cứu em với anh Hai! Em dồn hết tiền bạc cho cái căng tin này rồi. Nay, không bán chắc em chết!

Nếu tôi từ chối, kịch bản tiếp theo có thể cô ta sẽ khóc. Tôi quá ngán cái kiểu khóc lóc của các em gái miền Tây, hơn nữa, cô ta nói cũng có lí: xung quanh không có hàng quán nào cho công nhân. Mà đám công nhân, nhất là đám lái máy, không thể thiếu quán xá.

*

*          *

Công trường thiếu một thiết bị quan trọng, một chiếc cẩu lớn, cẩu trên 50 tấn, có tầm với trên 30m, để có thể lắp đặt dầm cầu qua con suối. Tháng trước, ngay sau khi tai nạn xảy ra, tay chỉ huy công trường trốn mất dạng, tay lái cẩu cũng tìm cách bôn tẩu. Chủ máy lên công trường ăn vạ đòi tiền thuê cẩu, tay Pháp không trả, dây dưa, tìm cách neo cẩu lại thi công tiếp. Nhưng tay chủ cẩu thuộc loại anh chị không chấp nhận, sau khi đổ ụp không biết bao nhiêu cứt đái vô mặt Pháp và ban dự án, ông ta thuê xe tải thùng chuyển chiếc cẩu đi. Tay Pháp ngày nào cũng qua công trường kiểm tra xem tôi đã đưa cẩu về thi công chưa. Hắn sốt ruột phát điên lên khi nhìn thấy cái bãi đầu cầu bên này vẫn trống không, chỉ thấy mấy cái thùng phi rỗng và mấy công nhân đang cưa những khúc gỗ tròn. Mặt hắn đỏ lên như gà chọi hiệp hai, cúi gằm xuống: “Ông tính sao?”

Tôi đang khô túi, nói theo ngôn ngữ của đám công nhân là đít móc ba ngày không thấy cứt thì làm sao có thể thuê cẩu. Nhưng tôi đã có cách, ngay hôm khởi công, tôi cho công nhân đúc cái dầm bê tông, dùng phụ gia tăng cường độ 7 ngày (R.7). Tôi sẽ lao nhịp cầu theo phương pháp thời làm công binh, bắc cầu dã chiến không cần xe cẩu.

Tôi đang học dở năm thứ tư trường Bách Khoa thì được động viên ra trận, sung vào một đơn vị công binh. Thời gian quân ngũ của tôi là đi bắc cầu. Những cây cầu tạm trên những con đường thời chiến, không có bất cứ chiếc xe cẩu nào, chỉ với sức người. Tôi cho dầm cầu trượt trên con lăn là những thanh gỗ tròn ra sông và gối lên ngay những cái phao ghép bằng gỗ với các thùng phi. Sau đó tôi cho đắp chặn suối phía dưới cho nước dâng lên, các phao gỗ thùng phi cũng nổi lên. Nhẹ nhàng tôi kéo cái bè chở dầm cầu vào đúng vị trí sau đó cho hạ bè xuống đặt dầm vào trụ cầu…

Cận ngày thi công lắp dầm cầu, gã Pháp hộc tốc chạy xuống tìm tôi và giật mình sửng sốt khi nhìn xuống suối thấy cầu đã bắc xong. Gã sung sướng thét lên như bị điên.

Vượt được qua con suối coi như tôi đã hoàn thành 70% nhiệm vụ. Các công việc còn lại cứ làm tuần tự theo thời gian. Gã Pháp trong cơn sung sướng đã đồng ý chi trả tất cả các món nợ của công ti trước đối với công trường, tôi cho tất cả nghỉ hai ngày, đầu tuần sau thi công tiếp.

Tôi dúi vào tay Hiệp chiếc phong bì: “Tiền thưởng em cho việc hợp long cầu!” Nó sung sướng rên lên: “Em thấy mái nhà của mẹ rồi anh! Em đang mơ ngày trở về nhà trong túi có tiền. Lần đầu em được thưởng vì nghề kĩ sư của em đấy! Em rất vui.”

Tôi cũng trằn trọc suốt đêm không ngủ được. Nhưng tôi không mơ, tôi không ngủ được vì những phép tính thiết thực: Tôi sẽ trả hết được các món nợ hiện tại, chuộc lại giàn máy khoan cọc nhồi và cái công ti xây dựng của tôi lại có thể trương biển lên ở ngay trung tâm thành phố.

Sau công trình này, tôi cũng không đi đến miền rừng nữa…

*

*          *

Dư âm của mấy li rượu tây mà chủ đầu tư thưởng cho bên thi công trong tiệc mừng hợp long cây cầu qua suối Nậm Cóc làm tôi tỉnh dậy với cái đầu nặng trĩu. Tiếng động cơ của mấy chiếc máy đào ủi từ bên kia suối dội về làm tôi phấn chấn, chỉ cần băng qua ngọn đồi kia là chúng tôi sẽ đến đích…

Tôi vừa đánh răng xong thì tiếng máy bên kia sông im bặt. Cậu kĩ sư đầu trần, người trần đang chạy băng qua cầu hướng về lán công trường.

Hiệp thở không ra hơi khi gặp tôi ở trước lán:

- Nguy to rồi anh. Máy đào vừa chạm vào một cái đầu… đầu người…

- Đầu người hay đầu lâu?

- Dạ! Đầu lâu! - Hiệp líu cả lưỡi - Cái… cái hộp sọ người…

Tôi không nói gì, mặc quần, giật ngay chiếc áo sơ mi treo trên tường, rồi vừa chạy vừa mặc theo qua cầu sang bên kia suối.

Người lái máy đào 07 đen ngòm như than cốc mỏ cọc 6, nhào lên đón tôi giữa cầu, nói không ra hơi: “Kinh khủng… kinh khủng… em vừa đưa gầu lên…”

Tôi bước đi hụt hẫng như bị rơi chân xuống hố sâu.

Tất cả đám công nhân đều ngừng việc bu lại như đang xem gánh sơn đông mãi võ ở chợ quê, mắt dán vào chiếc đầu lâu. Tôi bước ngay tới, cởi áo ra và nhấc chiếc sọ người lên đặt vào chiếc áo gói lại ôm trước ngực. Kí ức tươi rói về một tai họa tương tự ập về. Đó là lần tôi nhận được hợp đồng thi công một căn biệt thự phố. Bất ngờ khi đào móng phát hiện ra chiếc trống đồng cổ. Và trong phút chốc, công trình bị ngưng thi công theo yêu cầu từ sở văn hoá…

*

*           *

Bài học trống đồng năm xưa làm cho tôi lạnh gáy nhưng cũng gợi mở cho tôi việc phải làm ngay là phải chặn hết các cuộc điện thoại từ đám kĩ thuật, công nhân, có thể bột phát đưa tin ra ngoài. Tôi quay ra đám công nhân đang sợ sệt và tò mò: “Có ai khi phát hiện ra sọ dừa đã bàn tán và nói những từ như “sọ dừa”, “hộp sọ” “đầu lâu”… không?” - Tôi nhấn mạnh với giọng nghiêm trọng: “Tuyệt đối không được nói lời xúc phạm liên quan đến thi hài người xấu số. Ai nói sẽ bị xui xẻo, ai đã lỡ lời, bây giờ hãy nói thầm lời xin lỗi, và khi nói hãy đưa tay về phía đầu lâu trả lại những từ đã lỡ nói.”

Tôi đưa cái đầu lâu lên cao ngang ngực, xoay người chầm chậm, đúng một vòng tròn.

- Công ti cho công trường nghỉ buổi chiều nay. Anh Nam - tôi nói to với chỉ huy trưởng công trường - cho mua ngay một con dê, xẻ thịt làm mấy món cúng. Tất cả anh em công trường vẫn được tính nguyên ngày công. Chiều nay, chúng ta sẽ tham gia lễ an táng cho người xấu số. Tất cả lưu ý, để tránh xui xẻo, tránh bị hồn ma theo ám, không ai được nhắc đến sự việc này.

Tôi chỉ giữ một người công nhân ở lại, rồi bảo Hiệp kĩ thuật chạy về lán mang xuống nén hương. Tôi khấn vái vong linh người xấu số, rồi ra lệnh cho Hiệp và người công nhân xuống hố móng gạt lớp đất phía trên. Khi lớp đất được gạt hết lộ ra lớp vải xanh tôi bảo người công nhân dừng lại quay về lán lấy giúp tôi chiếc áo mưa và gọi thêm hai người công nhân lớn tuổi.

Tôi bước xuống hố móng, đụng tay vào lớp áo vải quân phục, lập tức nó vỡ vụn ra. Tôi giật mình, dưới hố móng không phải một mà hai bộ xương người, lần lên phía trên còn một sọ người nằm ngay trong chiếc nón sắt, bên cạnh là chiếc nón cối còn trơ phần dưới.

Hai người lính nằm sát nhau, song song, hai cái đầu có lẽ chạm nhau. Cả hai nằm nghiêng quay mặt vào nhau. Tôi kéo hết các mảnh vụn quần áo, lộ ra hai bộ xương và chi tiết đập vào mắt tôi là cánh tay của người lính đội nón cối vòng ra phía sau lưng của người lính đội nón sắt, những ngón tay giữ chặt cán một con dao găm. Lưỡi dao xuyên thấu qua ngực của đối phương. Tôi moi đám đất phía sau lưng người lính đội nón cối, tìm thấy bàn tay của người lính đội nón sắt cũng đang cầm một con dao găm khác, lưỡi dao nằm trong ngực của người lính đội nón cối.

Tôi ngước nhìn lên, ngay trên đầu tôi là mỏm núi đá nhô ra sông, ngay lập tức tôi hình dung ra tất cả: Một cuộc đụng độ giữa hai bên rất khốc liệt ở mỏm núi trên kia, một trận đánh có thể kéo dài ngày này qua ngày khác, hai bên đã bắn đến viên đạn cuối cùng…Vào phút giây sinh tử, hai người lính giáp mặt nhau, vứt súng nhảy vào nhau đánh giáp lá cà, trên tay họ chỉ còn hai con dao găm, một con dao made in U.S.A và con dao kia không có nhãn hiệu. Họ vung dao lên đâm xuyên ngực đối phương và ôm ghì lấy đối phương để ấn mạnh lưỡi dao nhằm giết chết địch thủ. Cú nhảy bổ ấy cũng làm họ mất thế cân bằng nên ngã nhào ra khỏi mỏm núi rơi xuống vực.

Cú rơi từ độ cao hơn 20m xuống đám sỏi bờ sông, cùng với cú đâm xuyên ngực đã làm họ chết ngay tức khắc. Hai cái xác chết nằm yên trong tư thế ôm nhau. Họ nằm ở đấy bốn mươi năm qua, thân xác phân hủy, tan rữa theo thời gian và dòng sông cứ theo thời gian vùi lấp xác họ dưới lớp sa khoáng, cuội, sỏi… cho đến khi chúng tôi đào đất đắp đường.

Tôi giấu hai con dao găm vào lưng quần, rồi bước lên hố móng đứng chờ mấy người công nhân. Khi họ tới, tôi nói cho họ rõ những gì tôi biết: ở dưới hố kia không phải một mà có hai bộ xương nằm song song nhau. Họ giúp tôi bốc hai bộ hài cốt lên tách riêng ra, phải rất cẩn thận không làm xáo trộn.

Tôi gọi điện thoại cho Hiệp, báo em mua gấp hai cái tiểu sành. Hiệp báo lại rằng ở thị trấn không có bán thứ này. “Vậy, em hãy tự quyết lấy, có thể tìm mua hai quan tài nhỏ, hay mua hai cái chậu trồng cây hình chữ nhật tương tự cái quách!”

Tôi đi lên lán công trường kiểm tra công việc chuẩn bị cho buổi chiều và nghe ngóng tình hình. Chỉ huy phó công trường đã nhanh nhẹn chia hai nhóm chơi bóng chuyền trên cái sân đất trước lán. Hi vọng không có công nhân nào rảnh rỗi để buôn chuyện.

Thấy tôi, người lái máy đào sáng nay từ góc sân bước ra:

- Tình hình sao anh Hai? Em mang máy lên đây, bây giờ quay về cũng chết mà làm tiếp cũng không an. Hôm trước, nhờ có anh, em lấy được nợ cũ nhưng hôm nay gặp sự cố này em sợ quá!

Rồi không đợi tôi trả lời, anh ta nói tiếp:

- Anh Hai, em đã tìm hiểu kĩ qua mấy người dân làm rẫy điều trong kia. Nơi này âm khí nặng nề!

- Em đã nghe họ nói chuyện gì?

- Đây xưa là rừng. Rừng nguyên sinh anh Hai. Cây to mấy người ôm không xuể. Quân Cộng hòa và quân Bắc Việt đụng độ ở đây. Cả mấy ngàn lính quần nhau gần một tháng ròng. Chết la liệt. Sau đó thì đủ các loại pháo bom dội xuống một tháng ròng, không một cây rừng nào còn nguyên dạng. Nghe nói quạ từ đâu bay tới ngập trời bu đen đầy trên đồi kia khi mùa mưa xuống chúng mới bay đi. Em nói anh Hai nghe, cái đồi mà anh em mình sắp đào qua làm đường, cứ đá chân xuống đất là gặp xương người.

Câu chuyện chắc sẽ còn dài, nếu không có người công nhân trong nhóm bốc hài cốt hớt hải tìm tôi:

- Bọn em chỉ tách được xương cổ, xương tay, xương chậu… Còn lại không thể phân biệt được!

- Em nên lấy chiều dài của xương tứ chi mà phân biệt các xương khác!

- Không được! Cả hai người có lẽ chiều cao, vóc dáng giống nhau. Xương cốt họ bị cát đất lấp dịch chuyển trộn lẫn vào nhau.

Tôi theo người công nhân đi xuống hố móng. Những mảnh xương sườn, ngón chân, ống chân, cẳng chân… được để chung lẫn cùng đá sỏi và đất có màu đen. Không còn cách nào khác, tôi lấy hai đồng xu ra, thắp nén hương cầu xin sự mách bảo, sau đó đặt cái xương cẳng chân ghép vào nơi để hài cốt người lính đội nón sắt và tung đồng xu lên. Hai đồng xu rơi xuống ngã sấp mặt giống nhau. Như vậy, hai người lính không đồng ý mảnh cẳng chân của người lính nón sắt. Tôi đặt mảnh xương sang hài cốt đối diện, lại tung đồng xu lên. Hai đồng xu rơi xuống, lạ thay, lại rơi cùng sấp mặt, nghĩa là không đồng ý cho bất cứ bên nào…

Lại nhặt một khúc xương ống hỏi tiếp. Dù gieo bất cứ cách nào thì đều không nhận được câu trả lời.

Mồ hôi chảy thành dòng trên trán tôi.

Ngay lúc đó Hiệp mang về vải đỏ, nến, và hai cái chậu hoa hình chữ nhật. Khi chứng kiến tôi xin keo mãi không được, em kéo tôi ra ngoài:

- Có lẽ anh nên xin khác đi?

- Là sao?

- Anh hãy hỏi: “Hai vị có muốn được an táng riêng hai ngôi mộ không?”

Trong lí trí tôi, câu đó hết sức thừa, không cần phải hỏi hai kẻ thù địch đã cắm lưỡi dao găm sâu tận cán đoạt mạng sống của nhau, nhưng trong lúc hoang mang như bị thôi miên, tôi làm theo lời của Hiệp.

Ba lần câu trả lời là: không!

Không thể tin, tôi hỏi ngược lại để kiểm chứng: “Xin hỏi hai vị có muốn được an táng chung trong một ngôi mộ không?”

Hai đồng xu tung ra rơi xuống tấm nilon nẩy lên, xoay tít mù hồi lâu như có ma thuật rồi đổ xuống: một đồng sấp, một đồng ngửa! Cả ba lần đều vậy.

Buổi lễ từ đó trở đi cho đến khi kết thúc êm thuận một cách kì lạ. Hài cốt hai người lính được rửa sách bằng rượu, bọc trong tấm vải đỏ bỏ vào quách. Phần còn trống chèn đầy bông vải. Tôi bỏ vào đó nhiều cục sáp thơm hút ẩm.

Chúng tôi an táng hai vị trên một gò đất bên bờ suối cách tuyến đường đang thi công khoảng năm mươi mét. Ở đây, trong thời gian tới, hai vị có thể thấy những dòng người qua lại để đỡ cô quạnh. Tôi thắp hương nói ít câu tiễn biệt, từng người công nhân xếp hàng lần lượt dâng hương lên ngôi mộ và vái lạy.

Mấy người công nhân gom củi lại đốt một đống lửa to, khói nghi ngút. Tôi rơi vào tâm trạng như một kẻ mộng du, cứ thế đi dọc dòng suối dẫn đến bãi đá. Tôi ngồi lại ở đấy trong tâm trạng rối bời…

*

*           *

Gã Pháp tìm thấy tôi ngay ở bãi đá bên suối. Gã đang khó chịu vì công trường nghỉ thi công:

- Ông hoành tráng thật. Cứ như làm lễ an táng một vị anh hùng! Nếu ông cứ mất thời gian cho những việc như thế này thì khi nào thông tuyến ra thượng nguồn?

- Thủ tục không thể không làm ông ạ. Nhân đây, tôi cũng trao đổi với ông luôn: trên mỏm đồi kia còn rất nhiều hài cốt những người lính. Nếu ông vẫn muốn thi công theo tuyến thiết kế thì phải báo với địa phương để quy tập hết hài cốt… Còn không, ông phải mở tuyến đi tránh.

- Như vậy, thời gian sẽ sao?

- Thêm ít nhất một tháng. Phải ba tháng mới hoàn thành.

- Ông có điên không! Cả hai phương án đều không! Tôi nói cho ông biết không có phương án nào khác, chỉ có phương án duy nhất theo thiết kế. Chỉ có hạn cuối cùng hai tháng.

- Vậy, các ông thi công đi!

Dưới ánh trăng, bộ mặt Pháp tái dại đi. Hắn vung tay, nhảy chồm chồm như động kinh.

- Mày! Mày! Là thứ không chơi được!

Tôi né người qua một bên, bước lên bờ suối, quay trở về lán công trường.

*

*         *

Tôi tập hợp tất cả công nhân lại. Tôi thông báo công ti Hải Hà không tiếp tục thi công nữa, tôi sẽ đi khỏi công trường. Tôi rất cảm ơn mọi người đã tham gia cùng tôi trong những ngày qua. Tôi xin lỗi vì còn nợ tiền của họ, nợ tiền công mấy ngày qua và không thể trả.

Tôi rất ngạc nhiên trước thái độ của những người công nhân, lái máy. Hình như tất cả họ đều cảm thấy việc ra đi của tôi là tất nhiên, họ rất buồn nhưng không trách móc và không hỏi tôi bất cứ điều gì.

Từng người một bắt tay tôi, buồn bã đi về lán, hình như sau sự kiện hôm nay, họ đều đã có những quyết định riêng. Nhiều người nói khi chia tay: tôi đi, họ cũng sẽ rời công trường vào sáng mai.

Khi tôi về lán công trường, Thu đã ở đó để tạm biệt tôi:

- Em về quê. Hi vọng rồi sẽ tìm được một việc gì đó để kiếm lại tiền…

- Chúc em may mắn!

- Em nghe nói nếu sếp bỏ việc này về thành phố, sếp sẽ ra toà, bị bỏ tù?

- Đúng vậy em! Anh phá sản và nợ.

- Vậy có khi, em vẫn còn đỡ tệ hơn sếp.

*

*          *

Tôi trở dậy vào 4 giờ sáng, qua phòng bên đánh thức Hiệp, hai thầy trò lặng lẽ lên đường. Lại một chặng xe ôm ra thị trấn, bắt xe khách đi tiếp. Cả hai im lặng không nói gì trên đường đi, tâm trạng buồn chán, rã rời. Buổi sáng khá lạnh, sương mù phủ kín hai bên đường, gió đẫm hơi nước xuyên qua khe kính hở.

Hiệp buồn và thất vọng hơn tôi rất nhiều. Có thể vì em còn trẻ, vì em đặt nhiều hi vọng cho công việc ở nhà máy thuỷ điện Nậm Cóc. Khi hai thầy trò ngồi lại bên đường, chờ bắt chuyến xe khách đi tiếp về thành phố, Hiệp dường như thoát khỏi trạng thái u uẩn:

- Em cứ nghĩ mãi về hai người lính, về hình ảnh họ ôm nhau chết…

- Anh cũng vậy. Cả đêm qua anh không ngủ được. Không phải vì công việc thất bại mà vì bị ám ảnh về họ…

Đến thành phố, tôi bảo Hiệp ngồi lại chờ trong một quán cà phê. Tôi đi bộ qua dãy phố bên cạnh, nơi có những cửa hàng bán đồng hồ, máy ảnh, đồ trang sức. Cái đồng hồ, tài sản có giá nhất trên người, tôi đã mua ở đây mười lăm năm trước khi hoàn thành một công trình được chủ đầu tư thưởng. Chỉ có thể bán chính ở đây mới được giá. Chủ tiệm nhận ra nó ngay khi xem mặt sau đồng hồ.

Khi tôi quay lại, Hiệp vẫn ngồi lặng im ở đấy, như vẫn đang chìm trong những ý nghĩ về hai người lính.

Tôi đưa tiền cho em.

- Cái này không đủ để em thực hiện giấc mơ: trở về nhà với nhiều tiền trong túi, dựng lại ngôi nhà cho mẹ, nhưng có thể giúp em đủ tiền mua vé về nhà, đủ tiền sửa lại mái tranh cho mẹ. Em hãy ở với mẹ một thời gian rồi đi tìm một công việc mới!

- Anh! Anh đâu có tiền. Em còn không hi vọng em được trả lương!

Tôi đưa cái cổ tay chỉ còn hằn vệt dây đeo đồng hồ cho Hiệp thấy, rồi bước nhanh ra cửa, không muốn kéo dài những giây phút chia tay.

Năm đó, tôi đã ngoài năm mươi, lại một lần tay trắng và sắp bước chân vào tù…

Đ.C.N

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)