Người làng tôi ở Sài Gòn

Chủ Nhật, 29/05/2022 00:07

. HÀ NGUYÊN HUYẾN
 

Tôi coi anh tôi là thế hệ thứ nhất ở lại TP.Hồ Chí Minh sau giải phóng miền Nam năm 1975. Khi mà chiến tranh kết thúc, rất nhiều thanh niên miền Bắc, người thì vì nhiệm vụ, người thì chủ động ở lại tìm kế sinh nhai. Anh tôi đã chọn dự kì thi tuyển sinh đại học đầu tiên của thành phố và may mắn trúng tuyển. Đó là Khóa I, Khoa Văn, Trường Đại học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh.

Sài Gòn - TP.Hồ Chí Minh luôn là nơi hội tụ của cư dân tứ xứ. Ảnh: Cao Ngọc Diễm

Gần một năm sau ngày giải phóng anh tôi trở về nhà, bảo: Con học đại học trong ấy mẹ ạ. Mẹ tôi bảo: Thế mày không về hả con? Nói rồi mẹ tôi lau nước mắt: Về mẹ lấy vợ cho không có già mất!

Mãi đến năm 1984 tôi mới vào thăm anh chị. Anh tôi mua mảnh đất trong một con ngõ. Đầu ngõ nối với đường Điện Biên Phủ. Đường Điện Biên Phủ chạy qua ba quận, anh tôi ở đầu cầu Sài Gòn, thuộc quận Bình Thạnh, gần Tân Cảng. Con ngõ này có tên từ xưa là “hẻm Ông Cọp”. Cái tên gợi một thuở cha ông mang gươm đi mở cõi...

Gia đình tôi mấy chục đời định cư trong một ngôi làng cổ, đó là làng Đường Lâm. Làng tôi thiên nhiên ưu đãi, từ xưa đến nay chưa thấy bão tố lụt lội bao giờ. Nông tăng một năm hai vụ chiêm mùa đắp đổi cũng được vực cơm đầy. Nhà cửa thì thế hệ nọ bàn giao cho thế hệ kia, trong làng “nhà ngói cây mít” sum suê đầm ấm lắm. Mẹ tôi bảo: Con gái làng đi lấy chồng thiên hạ không biết sướng ở chỗ nào nhưng thiệt ở hai cái. Tôi hỏi: Hai cái thiệt là gì, mẹ? Mẹ tôi bảo: Đường làng và nước ăn. Đúng là đường làng tôi toàn sỏi “mồ côi”, những viên sỏi vụn đá ong li ti được thời gian mài giũa đen sì và nhẵn bóng, khi giẫm lên sỏi lạo sạo dưới chân, ngày mưa có đi giày dép ra ngoài không bao giờ bị lấm. Còn giếng, toàn giếng đá ong nước trong văn vắt, giữa mùa hè giội lên người cứ giật mình thon thót…

Tôi ngồi trong nhà anh ở Sài Gòn, một căn nhà nền đất mái tôn, thưng ván bốn bên. Anh tôi bảo: May mái nhà lợp tôn “hai lỗ” nên đỡ dột. Tôi không biết thế nào là tôn “hai lỗ” nên hỏi lại. Anh tôi bảo: Tôn này đã lợp một lần rồi (một lỗ đinh), nay mình mua lại… Hai anh em ngồi trò chuyện mãi tới khuya, lúc anh giục đi ngủ tôi bỏ chân xuống tìm dép thì “bõm”, giật nẩy mình. Anh tôi bảo: Hôm nay triều cường, quên không nhắc chú! Nước sông Sài Gòn tràn vào nhà lênh láng… Thế đấy, anh tôi và thế hệ ở lại thành phố này đa phần đã lập nghiệp như thế.

Anh chị tôi đi làm, các cháu đi nhà trẻ. Tôi ra sau nhà thẫn thờ ngồi nhìn sông Sài Gòn. Ở đây nhà nào cũng quay lưng ra sông, mỗi nhà đều có “cầu tõm”, nước sông Sài Gòn lên xuống theo thủy triều đem tất cả mọi thứ… ra biển! Sau nhà là một dãy bình bát mọc hoang. Dưới gốc bình bát là sa bồi mịn màng, những chú cá thồi lồi cứ gương mắt nhìn tôi không hề sợ hãi. Anh tôi bảo: Cá này chẳng ai ăn. Không ai ngờ, mấy chục năm sau, cá thồi lồi đang là đặc sản trên các bàn ăn nhậu xứ này.

Con cái ra đời rồi học hành, khó khăn chồng chất khó khăn. Rất nhiều người thuộc thế hệ anh tôi đã bỏ cơ quan ra làm ngoài. Anh tôi là công chức của UBND Quận 1. Sáng sáng dắt xe đạp ra cổng, đứa bé ngồi trước, đứa lớn ngồi sau… mãi chiều tối mới về. Giai đoạn này anh tôi thuê hai người thợ mộc, đều là người Sài Gòn. Tôi tỉ tê hỏi chuyện, mấy ngày sau được biết hai người thợ trước kia đều là lính ngụy, một người là lính dù đã từng “tử thủ Long Khánh”. Hết thời gian cải tạo họ về làm thợ mộc kiếm sống. Tôi thoáng giật mình, một thời họ là kẻ thù của chúng tôi. Tôi đã được dạy như thế và lịch sử cũng đã ghi nhận điều đó. Một chút bâng khuâng mỗi lần nhìn thấy họ trong nhà anh tôi… Anh tôi mua gỗ về cho họ đóng đồ, đa số là giường, tủ, sa lông cải tiến. Đóng xong trở sang Tân Cảng xếp xuống tàu thủy, sản phẩm đem ra Hải Phòng cho các đầu mối, còn họ bán đi đâu thì không biết.

Tôi quanh quẩn ở nhà với bác Quỳ (ông bác vợ anh). Bác Quỳ gốc Thái Bình di cư vào Nam năm 1954. Sau giải phóng bác không di tản mặc dù có điều kiện. Bác bảo: Đâu đó cũng là gầm trời này thôi… Lúc còn đang sức bác rất khéo tay, nghe nói bác là người tổ chức in tiền cho cách mạng trong những năm chiến tranh. Là người từng trải, bác Quỳ cứ rủ rỉ kể chuyện, toàn những chuyện về sự đời rất lí thú. Rảnh rỗi, tôi dọn dẹp lấy chỗ cho thợ làm và đun nước cho thợ uống. Ở quê tôi trong nhà có thợ là bận bịu lắm. Thời trước thì không biết, đến thế hệ tôi, thợ của hợp tác xã (HTX) điều đến làm lấy công điểm, nếu không khéo chiều họ sẽ làm không tốt, có khi còn phá cả nguyên vật liệu. Vậy mà ở đây, suốt mấy ngày chỉ thấy thợ cắm cúi làm, chẳng thấy ai dừng tay uống nước cả. Tôi hỏi, bác Quỳ nhẹ nhàng bảo: Nó ngồi uống nước của mày thì tối lấy tiền của ai.

Lần đầu tiên tôi láng máng nhận ra thế nào là “cơ chế thị trường” và sự phân công lao động, điều mà sau khi tốt nghiệp đại học tôi còn rất mơ hồ. Anh tôi bảo: Trong này là thế chú ạ, đành rằng là cả xã hội đang rất khó khăn, khó khăn thì lăn ra mà sống… Tôi nhận ra rằng ở Sài Gòn, cơ chế thị trường đã chi phối xã hội này, cái mà mấy chục năm sau miền Bắc mới dợm chân vào.

Tôi về quê, làng tôi vẫn còn hợp tác xã, sớm chiều uể oải tiếng kẻng của ông tổ trưởng gọi người ra đồng, xã viên đi làm mà không biết làm cho ai. Mấy năm sau “khoán hộ”, lần đầu tiên người nông dân biết cắm cây lúa xuống mặt ruộng là để cho mình! Song, nghĩ lại hình ảnh những người thợ mộc và sự quyết liệt của những người dân như anh tôi mới thấy sự năng động của TP.Hồ Chí Minh.

 

TP.Hồ Chí Minh hôm nay. Ảnh: Vũ Thành Duy

Không giống với các thế hệ trước ở lại TP.Hồ Chí Minh, anh tôi rất chăm đưa các con về quê. Về quê thăm ông nội (bà nội các cháu đã mất) và đại gia đình. Ngày ấy, kiếm tiền đã khó, giao thông lại càng khó khăn hơn. Tàu Thống Nhất phải chạy 3 ngày 3 đêm mới ra đến Hà Nội và ngược lại. Khi cháu lớn lên tám, đứa em lên sáu hai đứa đã tự về quê. Bố đưa lên tàu ở ga Sài Gòn, chú đón ở ga Hà Nội. Trong thâm tâm có lẽ anh tôi muốn con cái biết rằng, quê hương là cội nguồn. Nhiều lúc tôi chợt nghĩ: nếu một người không biết quê hương bản quán của mình thì sẽ như thế nào nhỉ?

Năm 1994, trong làng và các vùng lân cận rộ lên việc ăn thịt mèo, ai cũng bảo ngon lắm, rồi những quán “tiểu hổ” có biển quảng cáo rầm rộ mọc ra… Đám trộm mèo như trộm chó bây giờ. Chúng kháo nhau: Bán một cái xe đạp trộm cắp khó hơn bán một con mèo, giá một con mèo còn cao hơn giá một cái xe đạp nát. Một thời gian sau, quê tôi không còn một con mèo nào. Thế là chuột kéo đến, chúng phá hoại hoa màu ngoài cánh đồng. Ngoài đồng không còn gì ăn được chúng kéo nhau vào làng. Đêm đêm nghe tiếng chuột chí chóe cắn nhau trong nhà mà sốt ruột.

“Vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, chẳng biết ở đâu và bắt đầu từ ai, dân làng tôi đem về những hạt “gạo đỏ” (gạo được nhuộm màu đỏ, nghe nói là từ biên giới phía Bắc) diệt chuột rất công hiệu. Đúng là công hiệu thật. Chuột chỉ ghé mồm cắn hạt gạo là lăn đùng ra chết. Nhà lắm chuột quá đành bất đắc dĩ mua “gạo đỏ” về… Thế là mọi ngóc ngách trong nhà đều inh ỏi mùi chuột chết, nhiều khi tìm mãi không biết chúng ở chỗ nào. Ngoài đường, ngoài cánh đồng la liệt xác chuột. Vậy nhưng hình như càng đánh “gạo đỏ” thì chuột càng nhiều thì phải. Ai đó bảo “gạo đỏ” là thuốc kích thích cho chuột đẻ nhanh hơn. Đêm nằm tôi cứ cảm thấy rờn rợn bởi bốn phía làng, đội quân chuột đang lúc nhúc tiến vào mà dân làng không còn cách nào chống đỡ.

Tôi vào Sài Gòn thấy những quán ăn bên đường rất nhiều chó, chó cứ tự do đi lại rồi lượn cả vào trong quán, luồn dưới chân thực khách để kiếm ăn. Người Sài Gòn không ăn thịt chó, không biết có phải thành phố này là chế độ thuộc địa (miền Trung tự trị, miền Bắc bảo hộ) trong thời thuộc Pháp nên ảnh hưởng văn hóa phương Tây. Lại nữa, người dân Sài Gòn đa phần theo Phật giáo, phái Nam Tông nên cũng không ăn thịt chó. Mãi đến 1954, người Bắc di cư vào và thịt chó thành món khoái khẩu của họ. Song số lượng này không đáng kể nên chó nhiều lắm, phần nhiều là chó hoang lang thang ngoài đường, ngoài chợ… Còn mèo thì vô thiên lủng. Tôi nảy ra ý định đem mèo về quê…

Nhân một kì nghỉ hè anh tôi cho hai cháu về quê với một bu mèo 13 con. Bu mèo được gói bọc ngụy trang rất kĩ, vậy mà đến Nha Trang nhà tàu phát hiện ra. Theo quy định bắt buộc phải cho đám mèo này rời khỏi tàu… Cháu lớn bảo: Chú ơi, ngoài quê cháu không còn một con mèo nào, chuột phá quá, cháu đem mèo về cho ông nội cháu nuôi... Chẳng biết nói năng xin xỏ thế nào mà một con thoát nạn, 12 con phải thả xuống ga Nha Trang.

Con mèo về đến nhà các con tôi quý lắm, đặt tên nó là “râu” (rose: hoa hồng). Con “râu” sẵn có bầu đẻ lứa đầu tiên rồi thứ hai, thứ ba… Có bao nhiêu mèo con tôi đem chia hết cho cả xóm, cả làng. Giá một con mèo lúc ấy cũng kha khá nhưng nhà tôi không lấy tiền của ai. Mọi người nài nỉ thì lấy 10, 15 nghìn “làm phép” để họ dễ nuôi… Chúng tôi dùng mèo đẩy lùi nạn chuột ra khỏi làng. Làng tôi lần đầu tiên có một bài học “thiên địch”. Dù vậy, làng không ai dám công khai bán thịt mèo nhưng một số quán vẫn làm chui. Bên cạnh đó vẫn còn nhiều người nuôi mèo hoặc bắt trộm về thịt. Có lẽ đến khi nào không còn người ăn thịt mèo nữa thì mới yên...

Cứ thế, TP.Hồ Chí Minh hiện lên thông qua những việc làm cụ thể và những chuyến đi về của dân làng. Góp phần đưa một cái làng cổ đầy bảo thủ (cộng đồng cư dân nông nghiệp ở một góc độ nào đó là một “cộng đồng công xã đóng kín”) tiếp cận được với một đô thị năng động dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế.

*

*          *

Đến những năm đầu chín mươi, tôi có một người em con cậu, vợ chồng có hai đứa con. Cả hai vợ chồng đều khỏe mạnh, chăm chỉ làm ăn nhưng gần chục năm ở riêng vốn liếng hầu như không có gì. Nhân một hôm về quê, anh tôi bảo: Anh vừa mua được mảnh đất ở huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương, đất nằm cạnh ga Sóng Thần - Một cửa ngõ quan trọng của tỉnh này. Anh làm nhà cho công nhân thuê, vợ chồng chú thu xếp vào với anh, anh cho mượn căn phòng mặt tiền để buôn bán, phòng trong để sinh hoạt. Chú thím vừa làm vừa trông nom ngôi nhà này cho anh…

Bàn đi tính lại mãi mới quyết mà đi được. Trước hôm đi thím em lên bảo: Cửa nhà em gửi bác cả, em bán tất tần tật nông sản (lúa má, lợn gà) được hơn 5 triệu đồng, em chỉ giữ lại tiền vé tàu và tiền tiêu vặt dọc đường còn bọc tiền đi tàu sợ bị mất cắp, em gửi các bác, lúc nào em cần thì gửi vào cho em theo bưu điện. Vợ tôi bảo: Thím cần tiền cứ lên chỗ anh tôi mà lấy, tôi gửi vào ngay khi chú thím lên tàu… Thật xót xa, mười năm lao động chỉ được có thế, thế đã là tươm, làng tôi hiện tại không mấy người có số tiền như thế (số tiền tương đương với một cây vàng).

Vào Dĩ An thím mở một quán tạp hóa, chú tiếp tục nghề cũ - thợ xây. Chú thím vừa buôn bán vừa quản lí 3 tầng nhà với vài chục phòng cho công nhân thuê. Hai năm sau tôi mới vào được, lúc anh tôi mua đất thì mới chỉ loáng thoáng vài nhà dân, nay đã là một con phố sầm uất. Tôi không nhớ lúc đó địa chỉ cụ thể thế nào nhưng nay là đường Số 2, khu công nghiệp Sóng Thần 1, TP.Dĩ An, tỉnh Bình Dương.

Sau một thời gian nghe ngóng thấy gia đình chú em yên ổn, một loạt người trong làng tôi ra đi. Thế rồi tiếng bay về làng, tiếng rằng: Anh tôi là một “đầu lĩnh”, bố tôi lo lắng hỏi: Đầu lĩnh là thế nào? Người làng ra đi đa số là do làm ăn thất bát dẫn đến nợ nần mà trốn, rồi đói nghèo và hoàn cảnh… Vào đấy một số nhờ anh tôi mà có việc làm. Anh tôi là thế hệ đi trước đã giúp đỡ mọi người tốt nhất có thể. Nhờ anh tôi mà rất nhiều người ổn định được cuộc sống sau vài năm.

Sau nhiều lần đi về và gặp gỡ những người làng, tôi nhận ra rằng: Khoảng những năm chín mươi của thế kỉ XX, nhà nước mở cửa, cả nước đang đứng trước một thời cơ mới. Làng tôi không nằm ngoài quy luật ấy. Bao nhiêu năm đói nghèo, cơ chế bó buộc nay lại được khuyến khích… Một số người năng động đã đem sức mình ra thử vận may, một số thành công, nhưng cũng rất nhiều người không đến đích. Thế là lâm vào nợ nần, chán nản sinh ra cờ bạc rượu chè. Nếu cứ ở lại làng không biết sẽ như thế nào. Cùng lúc ấy, TP.Hồ Chí Minh đang là một thị trường cuốn hút lao động. Không riêng người làng tôi, người của các nơi cũng nhận ra thời cơ này, tất cả ra đi, và TP.Hồ Chí Minh và cả Bình Dương, Đồng Nai… là đích đến.

Dĩ An là thành phố mới nên được quy hoạch rất hiện đại. Đường vuông như ô bàn cờ, phố xá rộng rãi, vỉa hè có cây xanh và hệ thống cấp, thoát nước tốt. Bình Dương là một tỉnh năng động trong mời gọi đầu tư. Các khu công nghiệp mở ra san sát. Chiều chiều công nhân đi làm về tràn ra phố có khi ùn tắc giao thông. Thím em tôi bán hàng rất chạy mà cơ chế lại thoáng. Thím bán chịu cho công nhân thuê trọ đến kì lương trả một thể. Thế là nhà không bao giờ bị trống phòng, hàng hóa bán cứ đều như “vắt tranh” mà lại không bị ai quỵt nợ.

Làng tôi là thế, bản tính cần cù tiết kiệm đã ăn vào máu thịt. Trải mấy mươi năm, kể cả năm 1945 làng tôi không ai bị đói. Cậu tôi đã từng mắng một chú em: Chú lười, cả buổi cắt không đầy được sọt cỏ bằng cái mõm bò, bưng thúng đi nhận gạo cứu tế mà không biết xấu hổ! Mẹ tôi lúc sinh thời thường nói: Khỏe mạnh mà đói là do mình. Người lười chứ đất có bao giờ lười đâu… Mẹ dặn chúng tôi: Sống trên đời làm được mười chỉ ăn bảy, tám thôi, còn lại phải giữ lấy phòng lúc sa cơ, lỡ vận!

Người làng tôi mang tinh thần ấy vào TP.Hồ Chí Minh, mấy năm sau chú thím mua được đất, làm hai tầng nhà khang trang cũng ở ngay cạnh nhà anh tôi. Tôi vào Sài Gòn thấy “thế hệ thứ hai” đến nay ai cũng khấm khá. Ai cũng có nhà riêng dù rộng hay hẹp. Từ người làm chủ xưởng mộc, đến người buôn bán tạp hóa, quán ăn nhậu. Rồi công nhân công ti cây xanh và môi trường… Nếu cứ ở lại làng đất chật người đông, cơ hội có một việc làm đã khó nói gì đến làm giàu. Điều đáng mừng là tất cả những người ở làng bị mang tiếng thì vào đây không thấy ai lười. Phải chăng, có việc làm, tương lai trong tay mình nên ai cũng vui vẻ và chăm chỉ. Bố tôi bảo: Con vào trong ấy làm “đầu lĩnh” cũng được. Đoàn kết anh em người làng, bảo ban nhau làm ăn đừng để ai đói khổ và hư hỏng…

*

*          *

Cách đây vài năm, đang một trưa hè thì ông Phục đến nhà, ông Phục là anh em họ ngoại với chúng tôi. Nhìn vẻ mặt thất thần của ông tôi thầm đoán có việc chẳng lành. Ông Phục bảo: Chồng cháu Lương (Lương là con gái ông Phục) mất rồi chú ạ. Tôi bảo: Các cháu đang làm ăn trong Sài Gòn phải không bác. Thế mới nên nông nỗi… Rồi ông trình bày ý định. Tôi gọi điện thoại cho anh tôi để ông Phục trực tiếp nói chuyện. Ông Phục bảo: Tôi già yếu không vào được. Chú ở trong ấy, chú xếp sắp cho cháu đem chồng nó về quê. Tôi biết các cháu mới vào nên dấn vốn không có, chú cho cháu vay tiền… Hết bao nhiêu sau này tôi hoàn trả lại cho chú!

Mấy ngày sau một chiếc xe được thuê mang chồng cháu Lương về. Tôi biết việc này rất tốn kém nhưng cũng không tiện hỏi ai. Đưa được cháu về là yên rồi. Sau đó tôi rất buồn, đây là người đầu tiên của làng tôi ra đi làm ăn mà phải chết ở xứ người, chết khi còn rất trẻ, chết khi chưa tạo lập được cuộc sống. Tôi gọi đây là thế hệ thứ ba của dân làng tôi vào Sài Gòn. Ngày đi, hai vợ chồng cháu gửi con cái lại cho ông bà, định bụng tạo lập được cuộc sống sẽ về đón các con. Thế mà...

Cũng giai đoạn này người từ các tỉnh phía bắc ùn ùn kéo nhau vào TP.Hồ Chí Minh và Bình Dương. Các khu công nghiệp và những dịch vụ ăn theo hút biết bao nhiêu là lao động. Có những cặp vợ chồng đưa cả bố mẹ đi để trông con. Người khỏe vào công ti, người làng nhàng tham gia vào dịch vụ dọn nhà theo giờ, trông trẻ, phục vụ người già… Phần đông thế hệ này mới vào nên không mua được nhà vì đất đai không còn nhiều như trước và đắt đỏ. Tất cả phụ thuộc vào các khu nhà cho thuê, điều kiện sống rất khó khăn. Không “yên cư” thì làm sao “lạc nghiệp” được. Song, tất cả đều phải chịu đựng để kiếm sống, để hi vọng vào thời gian sau sẽ khá hơn.

Thế rồi dịch Covid - 19 bùng phát!

Đầu tháng 8 năm 2021 tin bay về làng: Gia đình chú em tôi dính dịch. Cả nhà là F0 vì không xác định được nguồn lây, hai vợ chồng chú được cách li tại nhà, riêng cậu con trai do đau yếu nên diễn tiến bệnh nặng phải đưa vào bệnh viện. Mấy ngày sau được biết hai vợ chồng chú em đã “âm tính”. Cậu con đã tách được máy thở, ai cũng mừng. Thề rồi hung tin bay về: cậu con trai đã tử vong. Cả nhà, cả làng tôi bàng hoàng. Hơn một năm nay nghe thấy dịch dã nhưng mọi người vẫn mơ hồ vì nó ở… tận đẩu tận đâu. Nay bệnh dịch đã gõ cửa nhà em tôi và cướp đi người thân của mình. Dịch dã đã hiện hữu. Một người làng tôi ở TP.Dĩ An điện thoại bảo: Đau lắm bác ạ, tôi đã tham gia chiến tranh. Trong chiến tranh còn có đồng đội mình ở bên, đồng đội mình làm công tác tử sĩ. Dính vào Covid người chết cứ âm thầm ra đi không có người thân bên cạnh. Còn gì đau hơn thế giữa đời thường hôm nay.

Có chuyện này, sau tôi hỏi anh tôi nhân một lần về quê: Anh cho bác Phục vay bao nhiêu tiền để đưa chồng cháu Lương về. Anh tôi bảo: Vay mượn gì đâu, hôm ấy tôi đến, hầu như mọi người làng đều có mặt. Tôi nói: Anh em chúng ta xa quê vào đây kiếm sống, nay việc không may xảy ra. Để lấy tiền đưa người về, tôi có thế này. Anh tôi lấy ra vài triệu, mọi người không ai bảo ai, ai cũng có một tấm lòng… Thế là không ai phải nợ ai cả! Chỉ còn lại một bài học ân tình mà từ đấy người làng tôi vận dụng mỗi khi cần chia sẻ cho nhau.

*

*         *

Giờ già ngồi buồn tôi hay nhớ lại, mãi cho đến năm 1986 - 1987 TP.Hồ Chí Minh vẫn không có gì thay đổi so với những năm trước đó. Chế độ bao cấp hình như đã chạm đáy nên thành phố nhếch nhác xô bồ hơn. Từ nhà anh tôi phải qua cầu Văn Thánh mới đến được vòng xoay Điện Biên Phủ. Đường Điện Biên Phủ là một trục lộ chính mà chỉ có mỗi cây cầu nhỏ có lẽ được xây dựng từ trước 1975. Hàng ngày xe tải trọng lớn ra Tân Cảng, rồi người từ phía Biên Hòa vào, con đường và cây cầu oằn mình chống đỡ. Cầu Văn Thánh đã xuống cấp lắm. Mặt cầu bong tróc nhất là điểm nối hai đầu cầu với đường tạo thành bậc, xe cộ tham gia giao thông rất khó khăn.

Thế rồi không biết sáng kiến của ai, họ đem đổ đất đỏ chỗ điểm nối hai đầu cầu để lấp đi các bậc. Đất đỏ kết dính tốt nên tạm thời chịu được tải trọng của xe lên xuống cầu nhưng đó là vào những ngày nắng. Tôi đã qua đây sau một trận mưa, đất đỏ không ngấm nước và trơn chuồi chuội. Chiều hôm ấy một xe đạp chở chanh đổ kềnh xuống đường, mùi chanh tươi trộn với mùi khói xe thật khủng khiếp. Giữa đô thành mà cứ nghĩ đến một con đường của vùng trung du…

Qua ngã tư Hàng Xanh là vào đến các phố trung tâm Sài Gòn. Cả nước đạp xe, anh em tôi cũng đạp xe đi chơi chủ nhật. Hôm ấy đến một ngã tư (không nhớ địa điểm cụ thể), có hai mẹ con lai nhau, đang đi thì có một cậu thanh niên có lẽ trêu cô bé ngồi sau nên láng xe vào. Hai cái xe va quyệt, hai mẹ con nhà nọ ngã xuống đường. Cậu thanh niên đạp xe bỏ chạy, tôi nhìn theo, cái áo phất lên nhìn thấy con đại bàng xăm kín lưng thanh niên nọ. Tôi đọc báo biết thế nào là “đại bàng” ở phía Nam, cũng ví như “đầu yêu, đầu tạ” ở phía Bắc.

Chưa biết xử lí thế nào thì thấy anh tôi nhảy lên xe phóng đi. Một lát sau anh tôi quay lại với cậu thanh niên. Anh tôi bắt cậu ta dựng xe lên và xin lỗi hai mẹ con. Tôi không ngờ cậu “đại bàng” kia làm theo. Về nhà tôi bảo: Anh không sợ bọn “đại bàng” à. Anh tôi bảo: Sợ gì, mình là lính, thấy chướng mắt… Hôm sau cháu tôi kể: Một lần lai con đi học xe bị bục săm, đang vội đi làm nhưng đành dừng lại để vá. Vá xong lại thấy bục thêm hai lỗ nữa, anh đưa tay vào chậu nước của cậu thợ, lấy ra một cây kim gắn ở đáy chậu (cây kim này chọc thủng săm, bây giờ là rải đinh). Ông anh đạp bẹp cái chậu, nghiêm giọng bảo: Tao là bậc thầy trong nghề xe đạp mày làm sao bịp được. Hôm nay tao cảnh cáo mày, không được làm cái trò khỉ này với người nào nữa nhé. Mày với tao là người Bắc, vào đây sinh sống cũng phải giữ tiếng nghe chưa…

Mãi sau này tôi mới biết từ ngày ra quân, tiền chế độ thương binh của anh không bao giờ tiêu, tiền ấy được chuyển vào một quỹ từ thiện của quận mà gia đình anh đang sinh sống - Bình Thạnh. Gia đình anh vẫn ở trên nền đất từ ngày đầu tiên. Trải thời gian đến nay đã ba lần làm nhà, lần thứ ba là một ngôi nhà bốn tầng khang trang. Hẻm “Ông Cọp” xưa nay đổi thành hẻm Tân Tiến, Phường 25. Đường Điện Biên Phủ được mở rộng, riêng đoạn này đường hai chiều, mỗi chiều 4 làn xe, do mở đường rộng nên từ nhà anh ra đến đường lớn cũng chỉ là một đoạn ngắn.

Không còn cảnh triều cường nước ngập lênh láng nữa. Bãi bình bát hoang dại ngày xưa nay đã được lấp bằng thành một khu dân cư. Tôi chưa bao giờ đi hết khu này bởi những con đường như mạng nhện giăng mắc khắp nơi. Đứng trên tầng phóng tầm mắt phía xa là cư xá Thanh Đa. Tôi chưa sang bao giờ nhưng cứ nhìn những ô cửa mà luôn có cảm giác đó là một tổ ong khổng lồ, có vẻ chật chội nhưng khoa học và sạch sẽ.

Có thể nói người làng tôi từ đợt định cư thứ hai, thứ ba vào đây đời sống đa số khấm khá cả. Năm một vài lần họ về làng, gói đôi chút hồn cốt quê hương mang đi...

H.N.H

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)