“Pháo đài” 513 - Những ngày đáng nhớ

Thứ Sáu, 06/05/2022 15:49

. ĐOÀN HỮU HIỆP
 

Trên con tàu của Đoàn An điều dưỡng 22, Quân chủng Hải quân, trại viết toàn quân 2021 chúng tôi đã có một hải trình thật đặc biệt. Khi tàu băng mình rẽ sóng ra khơi, cảm giác xốn xang, rạo rực xen lẫn xúc động chợt trào dâng. Những kí ức ngày đầu tôi thành người lính Hải quân trên “pháo đài” đổ bộ 513, Lữ đoàn 125 cách đây gần 20 năm bỗng thức dậy bồi hồi.

*

*      *

Chuyến xe chở chúng tôi, những học viên vừa tốt nghiệp hệ đào tạo sơ cấp chuyên môn kĩ thuật tàu, chạy vòng qua các con phố sầm uất, náo nhiệt của Sài Gòn về biên chế trên những con tàu của Lữ đoàn 125 Hải quân (tiền thân là Đoàn tàu không số với bao chiến công oanh liệt, hào hùng). Lúc đó tôi mang trên vai quân hàm hạ sĩ, với bao ước mơ, hoài bão sẽ trở thành quân nhân phục vụ lâu dài trong Quân chủng Hải quân. Tôi được biên chế về Tàu đổ bộ 513, thuộc Hải đội 3 với chức danh nhân viên pháo tàu. Bước lên boong, hít căng lồng ngực gió sông Sài Gòn, cảm giác mơn man trên thịt da thật dễ chịu khiến tôi mường tượng như đang đứng bên bờ sông quê nhà. Sau đợt sóng mạnh, toàn tàu rung lắc hệt cảm giác ngày bé nằm võng bị tụi bạn nghịch ngợm cầm hai đầu dây giật liên hồi. Mùi dầu mỡ xộc thẳng vào cánh mũi làm cổ họng tôi ngờm ngợp. Hóa ra tôi say dầu mỡ chứ không phải say sóng bởi những ngày còn học ở trường tôi vẫn thường xuyên tập đi cầu sóng và thuần thục các thao tác thủy nghiệp cơ mà.

Trên tàu, các anh lính cũ đón tôi bằng nụ cười thân thiện có chút dò xét. Tôi rụt rè chào mọi người và hơi lo lắng. Anh Bình, Phó Thuyền trưởng dẫn tôi xuống khoang chiến sĩ phía dưới, nơi cuối con tàu. Tôi bước vào. Đập vào mắt là những chiếc giường hai tầng bằng gỗ bé xíu được đóng chắc chắn, chiều dài đủ cho người cao mét bảy, chiều ngang thì chắc không đủ lăn một vòng.

- Đây là giường của chú, do chú chưa quen sóng gió nên anh để chú nằm tầng dưới, sau chú lại nhường cho lính mới - Giọng anh Bình nghiêm trang.

Tôi hiểu ngay lí do. Khi tàu cơ động trên biển, sóng to, những ai chưa quen, nếu ngủ giường trên sẽ bị lắc mạnh hơn và dễ bị lăn xuống dưới. Tôi thấy ấm áp khi Phó Thuyền trưởng không gọi tôi là đồng chí mà lại xưng “anh” với “chú”. Cảm giác như một gia đình khiến nỗi lo trong tôi tan dần. Giường được bố trí sát vách, trong có hai cái tủ, một để quần áo, một đồ đạc “tài sản” cá nhân. Tôi sắp xếp các thứ, gấp lại quần áo cho vào một chiếc. Ngày tôi về tàu là ngày nghỉ cuối tuần nên chưa phải huấn luyện ngay. Các anh lính cũ ùa xuống phòng. Tôi làm quen với mọi người và những bài học đầu tiên trên tàu.

- Anh là Việt, quê Quảng Ninh, cũng nhân viên pháo tàu như chú, anh nằm giường trên chú, có gì chưa quen cứ hỏi, anh cũng ở tàu được gần 3 năm rồi.

Anh Việt có dáng người dong dỏng, giọng nói vang to nhưng có chút nhầm lẫn giữa âm “l” với “n” giống tôi, quê Hải Phòng. Một anh khác dáng người nho nhỏ, nước da ngăm đen, miệng cười tủm tỉm nhưng vẫn để lộ ra một nửa hàm răng đều tăm tắp, giới thiệu:

- Anh là Trường, quê Hà Trung, Thanh Hóa, đi trước chú một năm.

Người làm quen tiếp theo với tôi là anh Hải “ba tai”, chàng trai đất cảng ngực vồng nuốt gió biển. Sở dĩ anh có biệt danh “ba tai” là vì lỗ tai bên trái có một cái mụn thịt khá to, tuy vậy, nó không ảnh hưởng đến khuôn mặt trắng trẻo, đẹp trai hiếm có. Còn anh Thịnh, anh Hùng, anh Chính, anh Cảnh… mỗi người một quê, mỗi người một nét riêng nhưng ai cũng thân thiện, gần gũi và hóm hỉnh.

Bữa cơm tối có nhiều món ăn khá lạ và sang đối với tôi: Cá hấp, thịt sốt cà chua, rau cải ngồng xào tỏi, canh chua cá quả và tráng miệng dưa hấu. Thấy tôi tỏ vẻ ngạc nhiên, anh Hải “ba tai” nói:

- Chế độ ăn trên tàu cao hơn chế độ ăn bộ binh vì môi trường làm việc độc hại, cường độ hoạt động cao, nếu đi biển còn ăn ngon hơn thế này nhiều.

Nhưng bữa cơm tối đó tôi không ăn được nhiều vì mùi dầu mỡ vẫn làm tôi nôn nao, khó chịu. Tôi xắn tay áo, cùng các anh dọn dẹp sau bữa, nhưng anh Chính, quê ở Nam Định ngăn lại:

- Tuần này Ngành 5 nấu cơm, mọi công việc đã được phân công cụ thể, rồi sẽ đến lượt chú.

Tôi về khoang nghỉ, thấy các anh lính cũ đã ngồi chờ sẵn, khuôn mặt ai cũng tỏ ra nguy hiểm. Chết rồi, mình có lỗi gì chăng, hay… đúng như lời mấy thằng học cùng lớp bảo, về đơn vị mới kiểu gì “ma cũ cũng bắt nạt ma mới”. Tôi chợt nghĩ vậy và có đôi chút đề phòng. Bỗng anh Thịnh nhẹ nhàng hỏi tôi:

- Hiệp này, chú đã viết đơn xin cấp quân tư trang cá nhân dùng trên tàu chưa?

- Dạ! Quân trang gì ạ? Em không thấy ai nói.

- Vậy các anh chỉ cho chú viết đơn, chứ không quyền lợi lại không bảo đảm.

Hóa ra là các anh ấy đang quan tâm tới mình, tôi nghĩ.

Anh Việt đưa cho tôi mấy tờ giấy A4 và chiếc bút bi màu đen, tôi thoắt tay cầm bút viết theo lời các anh lính cũ. Lúc này không khí nghiêm túc đến lạ. Đơn xin cấp giày, dép, rồi đơn xin cấp quần áo bảo quản, cấp quần nhỏ… Trời đất ơi! Tôi phải viết tổng cộng 5 cái đơn. Mà cái nào viết cũng phải nắn nót, cẩn thận và khẩn thiết.

- Ô kê, giờ chú mang đơn lên Trưởng ngành 2 kí nháy - Anh Việt nói với tôi.

- Em chưa biết phòng Trưởng ngành 2 đâu ạ.

- Anh dẫn chú lên. - Anh Việt nhiệt tình.

Phòng Trưởng ngành 2 nằm sát chân cầu thang, lối dẫn lên khoang lái của con tàu. Nói phòng cho oai chứ nó chỉ là khoang rộng chừng 6 mét vuông, được bố trí một chiếc giường to như giường anh em tôi, khác là có thêm chiếc bàn để làm việc. Dẫn đến nơi, anh Việt đẩy tôi vào rồi chạy mất tăm. Tôi ngoái lại thấy anh vừa chạy vừa tủm tỉm. Tôi nghĩ có gì đó sai sai, nhưng vẫn mạnh dạn bước vào. Trưởng ngành 2 tên Chương, quê Nghệ An. Anh có dáng người thấp, đậm, đôi mắt một mí, tóc rẽ ngôi gọn gàng. Tôi lễ phép chào. Anh gật đầu ân cần:

- Hiệp pháo thủ mới về hôm nay đấy hả. Có chuyện gì thế?

Tôi kính thưa, kính gửi lễ phép rồi trình ra 5 cái đơn tâm huyết. Chưa đọc đơn của tôi, anh Chương đã cười ngặt nghẽo, nhưng ngay sau đó anh lại nghiêm nghị:

- Cái này em chuyển sang Phó Thuyền trưởng nhé. Anh không có thẩm quyền.

Tôi ngoan ngoãn nghe theo như cái máy. Chuyển qua, chuyển lại ai cũng cười chứ không đọc. Vòng cuối cùng là Thuyền trưởng.

- Hiệp này, anh đang giữ đến mấy chục cái đơn, nhưng anh chưa kí, chú cứ thực hiện nghiêm túc 17 công việc trong ngày, 3 chế độ trong tuần trên tàu, chấp hành ngon nghẻ mọi quy định, rồi anh sẽ kí đơn cho chú.

Giọng Thuyền trưởng nghiêm túc khiến tôi càng hoang mang.

Tôi trở về khoang ngủ với tâm trạng lo âu, thấp thỏm. Mấy anh lính cũ thấy tôi về liền nhảy tót lên giường, cười rung rúc. Tôi lại chợt nghĩ “hình như có gì đó sai sai”. Mãi hai ngày sau tôi mới biết mình bị một cú lừa ngoạn mục. Hóa ra cánh lính cũ bày trò trêu tôi, cả tàu trêu tôi.

Anh Thành Nhân - Chính trị viên tàu vừa cười vừa nói:

- Tất cả anh em trên tàu khi mới về nhận công tác hầu như đều bị một cú lừa, không kiểu này thì kiểu khác nhưng không được quá giới hạn làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ của toàn tàu.

Vậy là, trong hành trang người lính biển, tôi đã có một kỉ niệm vui, cảm giác gần gũi, ấm áp như sống trong một gia đình. Những ngày sau đó, tôi được chỉ bảo, uốn nắn từ những điều nhỏ nhất trong sinh hoạt đến thao tác vũ khí, khí tài trên tàu. Tôi cũng dần quen với mùi dầu mỡ, những chế độ, quy định nghiêm ngặt mà mỗi thủy thủ ai cũng phải chấp hành. Nhưng những câu chuyện vui, những tình huống hài hước của cánh lính tàu chúng tôi thì chẳng ngày nào không.

“Lái tàu, lái lợn, lái xe, trong ba lái ấy em nghe lái nào?” - anh Thịnh thường nghêu ngao hát làm cả tàu lại cười ồ, vui vẻ.

Rồi cũng đến ngày chúng tôi ra khơi. Đó là những ngày cuối tháng bảy, gió dịu mang mùi biển ngạt ngào, chút nắng hanh nhẹ đong đưa trên những con sóng dài. Tàu nhận nhiệm vụ hành trình ra Bắc chở cán bộ, chiến sĩ cùng vũ khí, khí tài của Lữ đoàn 679 Hải quân vào Quảng Bình diễn tập. Đó là chuyến đi biển dài ngày đầu tiên trong đời thủy thủ của tôi.

- Toàn tàu làm công tác chuẩn bị rời bến! Toàn tàu làm công tác chuẩn bị rời bến! Tổ dây mũi, tổ dây lái vào vị trí triển khai, Ngành 5 làm công tác chuẩn bị, xong báo cáo đài chỉ huy!

Thuyền trưởng, Trung tá Nguyễn Việt Anh phát lệnh từ đài chỉ huy, chưa đầy một phút, các vị trí đã có mặt báo cáo. Những khẩu lệnh dứt khoát, chuẩn xác truyền qua bộ đàm, tiếng ròng rọc của dây xích neo đang kéo, tiếng máy tàu khởi động gầm lên làm cả con tàu rung lắc một hồi, sau đó là 3 tiếng còi dài vang lên. Chúng tôi hướng về phía cảng làm động tác đứng nghiêm thể thao, chào cảng. Tất cả âm thanh đó như hợp thành một bản hùng ca vang xa vào trong tâm trí.

Rẽ những con sóng nhè nhẹ của sông Sài Gòn hướng ra sông Đồng Nai thơ mộng, hai bên bờ hun hút những rừng cây ngập mặn, con tàu ưỡn ngực lướt qua làn nước màu mỡ phù sa hướng ra cửa biển. Tôi mơ màng như đang ở bồng lai.

- Tàu chuẩn bị đến khu vực sóng to, gió lớn, các vị trí chú ý kiểm tra việc chằng buộc thiết bị, máy móc.

Thuyền trưởng nhắc nhở làm tôi chợt có cảm giác lo lắng, không biết liệu mình có bị say sóng không nhỉ, vì trước khi đi biển các anh lính cũ có kể về những trường hợp say sóng nghe kinh khủng lắm. Say sóng được cho là loại say khó chịu nhất. Hơn cả say xe, say máy bay và say rượu. Nhưng còn tồi tệ hơn với những ai phải chịu cơn say đến hàng tuần lễ trên biển.

Thân tàu bắt đầu chao nghiêng, những cơn sóng lừng như nhấc bổng con tàu lên cao rồi lại thả xuống rơi tự do. Tôi bắt đầu thấy nôn nao, cảm giác như chơi tàu lượn thần tốc ở công viên mà tôi từng trải nghiệm. Những khối nước khổng lồ xanh thẫm đáng sợ cứ vồng lên rồi hạ xuống. Tàu lắc lư giống hệt một con lật đật giữa biển khơi. Tôi lân từng bước về khoang chiến sĩ, vừa đi vừa cố bám thật chắc vào lan can. Có tiếng ai đó đang ậm ọe phía cuối hành lang, hóa ra là anh Thịnh, rõ cao to, lực lưỡng mà lúc này nhìn anh vật lộn với cơn say sóng, hai mắt lồi ra đỏ ngầu, đến tội. Tôi dìu anh về khoang nghỉ rồi ổn định lại trạng thái, nghĩ khoan khoái: Ô, hóa ra mình không bị say sóng.

Tiếp những ngày sau đó, ngoài đi ca hành trình, tôi được phân công phụ giúp tổ nấu cơm vì khỏe sóng. Nói về nấu cơm trên tàu khi hành trình trên biển thì gian nan lắm. Nồi cơm phải chằng bằng dây chão, lúc sóng lắc phải đứng giữ nắp vung thật chặt để nước không bị trào ra. Bát, đĩa 100% là inox, nếu vô tình mà để rơi thì tha hồ đuổi bắt. Khi ăn cơm trên biển mới vất vả, vừa ăn vừa lấy hai bàn chân ấn chặt xoong canh vào một góc nào đó có điểm tựa, mà canh thì phải để nguội chứ không là dễ dính bỏng khi tàu lắc khiến nước văng ra… Những kinh nghiệm quý báu đó đòi hỏi mỗi thủy thủ đều phải tích lũy cho mình.

Tàu qua biển Quảng Ngãi, nơi tấp nập tàu, thuyền của ngư dân đang đánh bắt cá. Thuyền trưởng lệnh cho Trưởng ngành 2 cử người lên phía mũi trực quan sát để tránh đi vào khu vực thả lưới của ngư dân. Tôi và anh Việt được cắt cử ca đầu. Công việc đòi hỏi phải có kinh nghiệm và có chút hiểu biết về nghề này. Anh Việt là dân Quảng Ninh, ngày nhỏ đã từng lênh đênh đánh cá, câu mực trên Vịnh Hạ Long. Trưởng ngành cắt cử tôi cùng với anh Việt vì muốn tôi học hỏi từ anh. Anh Việt nói với tôi: “Lưới đánh cá của ngư dân, hai đầu được đánh dấu bằng phao có cắm cờ màu đỏ hoặc màu trắng. Lưới có giá thành rất cao, nếu tàu mình vô tình chạy qua, lưới vướng vào chân vịt sẽ làm hỏng lưới”. Anh vừa truyền đạt kinh nghiệm vừa chú ý quan sát. Bất chợt anh dừng lại, cầm chiếc bộ đàm gọi về đài chỉ huy:

- Tổ trực mũi, đài chỉ huy!

- Đài chỉ huy, tổ trực mũi!

- Tổ trực mũi phát hiện lưới đánh cá cách tàu 400 mét thẳng hướng hành trình!

- Được!

Tôi căng mắt nhìn về phía trước, chiếc phao nhỏ xíu cắm cờ màu đỏ nhấp nhô phía xa. Cách đó không xa, một chiếc tàu gỗ của ngư dân đang chạy tiến về phía tàu tôi như muốn thông báo để tàu tránh lưới. Thuyền trưởng nhanh chóng điều khiển tàu đánh lái, chuyển hướng. Ngư dân trên tàu gỗ vui vẻ vẫy tay chào chúng tôi…

Sau 5 ngày hành trình trên biển, tàu chúng tôi đến điểm tập kết, bắt đầu bố trí, sắp xếp lực lượng, vũ khí, khí tài của Lữ đoàn 679 lên tàu thực hiện nhiệm vụ diễn tập theo phương án đã xác định. Trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ, anh em thủy thủ chúng tôi luôn căng mình, vật lộn với sóng gió. Có lúc gặp bão phải cơ động vào nơi tránh trú an toàn, vì khi tàu chở lực lượng, vũ khí, trang bị, tải trọng lớn sẽ rất nguy hiểm khi gặp bão. Hải trình gần một tháng trên biển, trải nghiệm bao sóng gió biển khơi, cuối cùng tàu chúng tôi cũng hoàn thành nhiệm vụ trở về. Đó là hải trình đầu tiên nhổ neo cuộc đời tôi, mang lại bao bài học quý báu cho tôi trên những hải trình nối tiếp của cuộc đời thủy thủ.

Sau chuyến đầu tiên đó, tôi lại tiếp tục những hải trình sóng gió, những trải nghiệm trên biển khác cùng con tàu 513. Giờ đây, mỗi khi nghĩ đến lòng tôi lại cồn cào sóng, chất chứa niềm biết ơn về sự nhiệt thành của anh em thuyền bộ dành cho mình.

Đồng hành với “pháo đài” 513 đầy ắp những kỉ niệm đó, là gần 3 năm tôi được cử đi học và về nhận công tác tại Lữ đoàn 147, Vùng I Hải quân. Gần 20 năm đã trôi qua nhưng những kỉ niệm đầu đời quân ngũ vẫn tươi rói, vẹn nguyên trong kí ức tôi; nhắc nhớ tôi về tình đồng đội ấm áp, tin yêu. Kỉ niệm ấy, kí ức ấy luôn là bệ phóng để tôi bước tiếp trên con đường binh nghiệp.

Đ.H.H

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)