Ai sang Hà Nội với tôi không?

Thứ Hai, 04/04/2022 00:33

. ĐỖ BÍCH THÚY
 

Tôi đã “ở bên kia phố” mùa xuân thứ 6.

Gọi thế là bởi cái cảm giác “ở bên kia” mỗi khi đứng ở phía khu phố cổ của Hà Nội và nhìn sang nơi mình ở. Để về nhà, tôi nhất định phải đi qua sông bằng một trong số những cây cầu.

Minh họa: Phạm Hà Hải

Nghe nói, mấy chục năm trước, hễ ngày mai có việc phải sang khu phố cổ người ta lại nói: Mai tôi sang Hà Nội. Tôi thích mấy chữ ấy đến thế chứ. “Tôi sang Hà Nội”. Trong đó có một chút gì hơi tủi thân vì là cư dân bên kia sông Hồng, lại có một chút gì đó tự hào của những người lao động chân chính, lại có cả một chút háo hức rất tinh khôi. Tôi hình dung tối khuya ấy, một bà lão người nhỏ nhắn, tóc trắng thật là trắng, lúi húi trong ánh đèn dầu vàng vàng, sắp mấy thứ áo xống thật tinh tươm ra, đặt sẵn trên nóc cái rương gỗ. Bà còn lấy ra thêm đôi giày, cái nón, túi xách... Để sáng hôm sau dậy từ tinh mơ, thay đổi trang phục thật chỉn chu trước khi rời khỏi nhà. Tôi thích cái tâm trạng háo hức của người ta trước khi bước chân qua cầu trong buổi mờ sương, tôi cũng lại thích cái tinh tươm sửa soạn ấy.

Giờ thì ngày ngày lại có người hỏi tôi: Hôm nay mẹ có sang phố không?

“Có sang phố không?”. Phố xa đến thế cơ. Đi mất 10 phút mà xa như thể ở tận đâu ấy.

Tôi đoán rằng, một trong những quyết định lớn đúng đắn nhất trong hơn 20 năm sống ở Hà Nội có lẽ là việc tôi đã chọn bên kia phố để sống. Đủ xa và gần, tĩnh lặng và tiện lợi, thân thuộc và khách khí, đủ thờ ơ cũng đủ mến yêu.

Hà Nội, và không phải Hà Nội. Không phải, mà vẫn cảm thấy Hà Nội.

Ngày nào thức dậy nhìn qua ô cửa cũng thấy sông. Dòng sông Mẹ vĩ đại chảy suốt tháng năm qua thành phố nghìn tuổi chưa một giây nào dừng lại. Người ta tính rằng, mặt trời đã sống hết gần nửa số tuổi của nó, tức khoảng 4,5 tỉ trên 10 tỉ năm. Trong hơn 5 tỉ năm nữa nó sẽ phình to quá mức và đốt cháy toàn bộ 8 hành tinh của mình, bao gồm cả hành tinh màu xanh có ba phần tư đại dương mà chúng ta đang sống, thành tro bụi. Tất nhiên, cho đến chừng nào mặt trời chưa đốt cháy thì trái đất vẫn quay quanh nó và mọi sự vận động trên hành tinh bé xíu này sẽ không một tích tắc nào dừng lại, bao gồm cả dòng sông kia. Đôi khi như vậy, tôi thích nghĩ tới những điều cực kì lớn lao, như là tuổi thọ của mặt trời để biết rằng một đời người, thực tế chỉ ngắn ngủi không bằng một cái chớp mắt. Và bởi vì chỉ không bằng một cái chớp mắt, chẳng phải ta nên thật trân quý mọi điều đang có sao?

Như là cái quán bé xíu nằm ở đầu cây cầu cũ nhất Hà Nội này, chiều nào chạy bộ qua cầu tôi cũng lướt qua nó. Căn bản thì tôi chỉ ngang qua, không bao giờ nhìn vào. Khách uống cà phê rất im ắng, nói chuyện rất khẽ. Thỉnh thoảng tôi cũng so vai ngồi ở đấy, trong những buổi sẩm tối rảnh rỗi, tâm trạng phẳng lặng yên bình, chờ đoàn tàu ì ạch chạy qua. Thỉnh thoảng nhận ra hơi thở của Hà Nội phảng phất. Thỉnh thoảng nhận ra những điều cũ kĩ nhất của loài người bỗng trở nên mới mẻ đến ngỡ ngàng. Thỉnh thoảng nhận ra những điều mình vẫn xem là linh tinh vô nghĩa lại trở nên ý nghĩa với người khác khi ánh mắt u sầu của họ lấp lánh lên những tia sáng hay nụ cười buồn cuối cùng cũng nở trên môi họ...

Sáng nay Hà Nội mưa. Đích thị thứ mưa xuân lạnh giá u tịch. Nhìn mưa nhớ mưa, nhìn xuân nhớ xuân...

Mưa này tốt nhất cho cây cối. Tất cả mọi thứ cây trên đời này, có lẽ vậy, đều mong đợi những hạt mưa xuân. Rất nhẹ, giống bay hơn rơi. Màn mưa y như tấm khăn voan mỏng vô cùng và dài rộng vô tận, phủ xuống toàn bộ thành phố. Mưa phủ lên cây cầu rỉ sét, phủ lên những vạt lau đã khô xác úa tàn, phủ lên cả dòng sông mênh mông, lên cả những mái nhà cũ kĩ. Tôi cảm thấy những hạt cỏ đang nảy mầm trên mái nhà. Những hạt cỏ li ti bay về từ cuối mùa thu, rơi trên mái, lẫn trong lớp bụi mờ của phố xá quẩn lên, và đợi mưa xuân rắc xuống, vừa đủ ẩm ướt, với một chút hơi ấm hiếm hoi len lỏi trong cái giá lạnh cuối mùa, và vỏ hạt nứt ra. Những tiếng lách tách li ti rất khẽ, rất rất khẽ.

Hà Nội ở bên kia của dòng sông, tôi thích nghĩ thế mỗi khi đứng ở nơi mình ở và dõi mắt qua những cây cầu. Mọi thứ thuộc về Hà Nội đều ở bên ấy. Những con phố, những ngõ nhỏ, những ô cửa hẹp và tối, những cửa hiệu bóng loáng, mặt hồ hay cái tháp rêu phủ, nóc nhà thờ cao vút hay những tán cây đầy chim và sóc, những cốc cà phê thơm lừng bốc khói, những náo nhiệt và cả những tĩnh lặng thẳm sâu... Lùi ra một chút sẽ quan sát Hà Nội đúng là Hà Nội hơn, có lẽ vậy. Lùi ra một chút cũng sẽ thấy yêu quý hơn, thậm chí thỉnh thoảng thấy nhớ nhung tận tâm can.

Có lúc mỏi mệt quá thì cũng làm một chuyến đi xa, tận phương Nam. Nhưng khi máy bay vừa hạ cánh, so vai đón một làn gió lạnh, tôi thảng thốt nhận ra Hà Nội thân thuộc với mình biết bao nhiêu. Dù sao, tôi nói rất khẽ trong lúc chạm vào lòng bàn tay yên ấm, về Hà Nội vẫn thấy đây mới là nơi mình có thể sống, có thể yêu, có thể làm tất cả những gì mình muốn nhất.

Hà Nội vẫn ở bên kia. Ai “sang Hà Nội” với tôi không?

Đ.B.T

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)