. NGUYỄN QUỐC HÙNG
“Tao có lỗi với mày. Huy ơi!”
Hai mươi năm rồi thật sao. Phải hai mươi năm mới đủ thời gian cho màu xanh phủ kín quả núi này, đủ để những chiếc măng vầu to bằng bắp chân. Núi rừng yên bình nhưng cũng khiến Hoàng lạc hướng. Đường tấn công xưa đâu?
Minh họa: Đỗ Dũng
Hai mươi năm trước, nơi đây gọi là cao điểm. Pháo hủy diệt, băm tơi đá núi, đất đỏ bị cày xới như máu loang, mầm xanh vừa nhú đã bị vùi dập. Trở lại Vị Xuyên đã vài lần nhưng vì đi theo đoàn, Hoàng không thể tách riêng ra. Và cũng tại mưu sinh nữa, cuộc sống khó khăn nên tròn hai mươi năm, Hoàng mới tìm về đường tấn công ngày ấy được. “Tha lỗi cho tao, tao đã để mày nằm chỗ nào. Huy ơi!”
Hai mươi năm thật sao. Không phải. Trận đánh mới chỉ diễn ra thôi. Pháo 130 đấy. Tiếng này cối cụ. Tiếng này cối tép. Tiếng nổ vẫn âm âm đâu đây…
Hoàng bần thần buông người xuống mom đá. Những con vắt cảm nhận được hơi ấm người ngóc mình lên tua tủa trên những chiếc lá vầu khô như bàn đinh đe dọa Hoàng. Hai mươi năm, những tưởng chúng đã quên, sẽ sợ, nhưng không phải. Hoàng nhìn chúng nhảy múa bám vào mình như ngày xưa, chợt nhẹ lòng đôi chút.
Đêm miền rừng lạnh thắt xương. Dù di chuyển hàng trăm cây số, nhưng những tân binh miền biển vẫn không sao ngủ được. Lạ lẫm. Lo lắng. Đêm đen quánh. Mưa mù rơi trên mái cọ rì rì như gió thoảng. Hoàng lần lần ra đứng tựa cửa lán cố xác định phía quê mình, kìm tiếng thở dài rồi trở lại sạp.
“Mày làm sao cứ tốc chăn ra thế?” Huy hỏi. “Tao có đi ra ngoài sân đâu mà chân có bùn, lạnh”. Hoàng trả lời. “Soi đèn lau đi”. Huy càu nhàu. Ánh đèn pin vừa lóe thì cũng đồng thời Hoàng nhảy dựng lên, hét thất thanh “Đỉa!” Mấy chiếc đèn khác chiếu vào chỗ Hoàng. Những con vắt no máu tròn căng như viên bi từ chân Hoàng lăn xuống sạp.
Tao có lỗi với mày. Huy ơi!
Đúng chỗ này rồi. Không còn nhận ra lối xưa nhưng linh giác bảo tao là nó.
Tới đỉnh 812, tối đổ sập xuống. Mắt bị bóng đen bít chặt. Rẽ vào Coóc Nghè, mưa trút sầm sập. Đường hào trơn như cầu trượt. Một người ngã cả một dây dài ngã theo. Những cái bóng lặng lẽ đứng dậy bước tiếp. Cỏ tranh cứa như dao lam. Nước mưa có muối hay sao xót tê mặt. Không thấy ai kêu đau. Gồng người bước. Đi đường nào, rẽ lối nào, đã đến đây lần nào đâu mà biết. Trước có ai, sau có ai nhìn không thấy. Một mình mải miết bước. Phía đồi bên thỉnh thoảng giật nẩy những tiếng nổ. Đạn đỏ lừ vạch lên màn đen những đường gạch nối dài nhằng. Lao xao tiếng người. Dừng lại. “Sao đứng lại, quê?” “Đến nơi rồi.” “Thế à! Vừa rồi ai dẫn đường nhỉ?” “Linh giác người lính dẫn đường.” “Triết lí thế.”
“Hoàng đấy à?” “Ừ. Huy hả?” “Vừa rồi bên trong bắn nhiều nhỉ?” “Ừ. Đạn đan như trong phim” “Ừ. Không biết ngày mai ém quân, rồi khi vào trận có cảm giác chẳng thấy sợ như vừa rồi không nhỉ.”
Lòng Hoàng chợt chùng xuống, Giá như… Hoàng nén tiếng thở dài nhắm mắt. Giá như ngày ấy Hoàng cố mang, dù chỉ một phần nhỏ bé của Huy xuống theo thì đâu đến nỗi anh phải thường trực bắt gặp đôi mắt già nua mệt mỏi của mẹ Huy lúc nào cũng ngóng ngược lên hướng Bắc. Rồi đâu phải nghe những lời cật nứa cứa lòng mình của mẹ Huy: Chẳng đêm nào mẹ mơ thấy gặp thằng Huy là sao nhỉ. Đêm nằm mơ thấy người âm mới là gặp thật, mới là nó về, còn ban ngày có thương có nhớ mấy cũng chỉ là mình đối diện với mình thôi. Chắc do thằng Huy chưa được xuống núi phải không con?
Minh họa: Đỗ Dũng
“Các anh ơi! Đường hào đây rồi. Chỗ này anh em mình hi sinh nhiều lắm”. “Tìm đi, đừng để ai nằm lại!”
Tối bít chặt mắt. Mưa dập, dúi người ngập sâu xuống đất nhão.
Hoàng nhớ, hai đứa ém sau một bụi vầu to, khi nghe tiếng hô xung phong, Huy lao vọt lên. Dốc dựng đứng, trơn. Huy bám vào một thân vầu bị đổ để vượt. Hoàng bám theo sau. Quả đạn nổ gần. Một quầng lửa bùng lên, chói lòa. Ngay lập tức, Hoàng bị bật ngược lại, ngã dập đầu xuống đất. Không thấy đau nhưng cảm giác bị chẹn ngang người, không cử động được. Hoàng lau bùn đất, hít một hơi thật sâu, dồn sức chuồi khỏi ai đó đang đè ngang người mình. Là ai đây? Hoàng gắng sức ngồi dậy. Ai đây? Cơ thể không còn nguyên vẹn. Hoàng lật tử sĩ. Huy! Huy ơi! Đúng là mày rồi. Cổ tay đeo chiếc vòng làm bằng tút đạn M79. Chiếc vòng mày kì công khắc tên mình cùng với hai bông hoa mai hai bên. Người yêu Huy tên Mai.
Không bụi vầu nào còn nguyên vẹn. Một tay bấu chặt vào đất để neo cho người khỏi trượt, tay kia của Hoàng như chiếc máy quét rà từng mét đất. Ngổn ngang thân cây gẫy đổ. Lổn nhổn mảnh đạn.
Đêm thứ ba. Mưa vẫn hành hạ những người đi tìm đồng đội trong đêm. Những đường đạn phía bên kia vẫn giăng lưới trên đầu. Những đường đạn ác tâm. Đến người chết rồi chúng cũng không buông, đòi đồng đội của Hoàng phải chết nhiều lần nữa. Mấy đêm vừa rồi Hoàng tìm được vài tử sĩ. Mỗi đồng đội được xuống núi bằng những hình hài khác nhau. Hoàng linh cảm không có Huy trong số đó.
Màn mưa trắng nhợt nhạt nứt ra dưới chân điểm cao. Sắp sáng rồi. Hoàng nhìn quanh. Không còn ai. Mọi người đã rút. Hoàng bò trượt xuống. Những tiếng rít của đạn pháo nheo nhéo bay qua đầu. Những tiếng nổ ục uỳnh thúc vào lòng đất. Những loạt tiểu liên găm vào các thân vầu nổ đôm đốp. Trời sáng. Có lẽ do đơn vị quần đi soát lại, cùng với pháo cối bắn nhiều quá, rồi thêm mưa triền miên mấy ngày nay đã khiến đất núi vốn màu đỏ đã chuyển thành đen như bùn ao.
Vừa trượt xuống, tay Hoàng tranh thủ sục sạo cố tìm thêm. Cái gì đây? Tay Hoàng nắm được một vật tròn. Hoàng bới đất. Chiếc vòng tay làm bằng tút đạn M79. Nó còn được lồng trong cổ tay. Hoàng lau sạch mặt chiếc vòng. Mày đây rồi, Huy ơi! Không thể nhầm với Huy nào khác. Hai bên chữ Huy là hai bông hoa mai. Hoàng nức nở. Nước mắt đắng ngắt, xít cổ họng.
Hoàng thận trọng moi đất quanh chiếc vòng. Bàn tay mày đây rồi. Bị vùi sâu thế Huy ơi. Chờ tao tí nữa. Hoàng moi sâu thêm. Đầu ngón tay bật máu, co gập, cứ như bị buộc chặt không duỗi ra được. Moi bằng tay không được, Hoàng phải dùng đoạn cây để bới. Đất ngày một rắn thêm. Sao chỉ có cánh tay thế này. Mày đâu? Hoàng tìm quanh. Không một dấu tích cơ thể người.
Những viên đạn nhọn găm lụp bụp quanh Hoàng. Mấy quả đạn cối sáu oành oành nổ như những bước chân thần chết đang tìm đường đến. Lộ rồi. Hoàng bó vội cánh tay Huy vào chiếc tăng rồi quấn quanh người mình.
Hoàng bật dậy lao xuống. Những đường đạn lao theo. Pháo cối ào ạt bủa vây. Gần tới chân núi, Hoàng nằm nép vào một tảng đá lớn, chờ ngớt pháo.
Bọn chúng không muốn cho màu xanh nào quanh đây sống sót nữa hay sao mà càng bắn dữ dội hơn, móc từng tảng đất quăng rào rào về phía Hoàng. Huy ơi, tao phải trở về đơn vị, nếu tiếp tục quay lại tìm và mang mày theo, chắc chắn tao chết lần một, còn mày chết lần hai. Thôi, tao cứ để cánh tay ở đây, sau này nếu sống sót tao quay lại tìm cho vẹn nguyên thân thể. Hoàng quyết định chôn cánh tay của Huy cạnh tảng đá rồi tìm đường trở về đơn vị.
*
* *
“Hôm ấy tao quan sát kĩ địa hình rồi nhưng bây giờ thay đổi nhiều quá, không nhận ra chỗ nào nữa. Huy ơi mày ở chỗ nào thì lên tiếng đi”.
- Lính Vị Xuyên sao lại đi một mình thế này.
Câu hỏi thay cho lời chào ngay cạnh khiến Hoàng giật mình nhìn lại sau. Một thanh niên người dân tộc chống nạng gỗ đứng sau Hoàng.
- Cũng lính Vị Xuyên à? - Hoàng hỏi.
Người thanh niên ngồi xuống tảng đá cạnh Hoàng.
- Không. Ngày ấy còn bé lắm. Đi rừng dẫm mìn thôi.
Hoàng chợt thấy bùng lên hi vọng, ôm vai người thanh niên hỏi vội:
- Đi rừng nhiều có hay gặp hài cốt bộ đội không?
- Cũng gặp đấy. Ít thôi. Nghe nói phải lên cao cơ nhưng trên ấy nhiều mìn lắm. Sợ rồi, không dám lên nữa.
- Em tên gì?
- Là Vảng mà.
- Thế Vảng có thấy một chiếc vòng tay khắc chữ Huy, có hai bông hoa không? Ở quanh chỗ này thôi.
- Không thấy đâu. Chỗ này là rừng nhà mình, mình tìm nhiều rồi mà.
Không còn hi vọng gì nữa à, Huy ơi!
- Cứ để anh ấy ở lại với bản mình cũng được mà.
- Không được đâu. Mẹ anh ấy mong anh ấy về. Này Vảng, anh đặt cánh tay của anh ấy trong một tấm tăng, cạnh tảng đá, to phải bằng con trâu, tảng đá ấy anh tìm không thấy, em có thể tìm kiếm hộ anh được không?
*
* *
Thêm mười năm, Hoàng trở lại vài lần nữa tìm Huy. Lần nào cũng cùng Vảng bới móc nhưng không thấy dấu tích nào. Vảng bảo: “Đầu năm em mời thầy cúng về cúng con ma rừng rồi. Nhờ con ma rừng tìm hộ thôi, lần này chưa lần sau chắc được đấy.”
Hoàng buồn. Buồn nặng như rừng chiều.
Ngày ấy, trong những ngày chờ vào chốt, chiều nào Hoàng cũng ngồi lặng trong hang Làng Lò nhìn ra ngoài thung lũng tử thần. Đất đá, thân cây bị đạn pháo băm vằm vụn tơi, quăng như mưa trút. Hoàng xót lòng nghĩ tới Huy đang còn nằm lại đâu đó trên đỉnh núi phía sau. Không chỉ riêng Hoàng, những đồng đội khác cũng giật mình, lo lắng khi xuất hiện những bóng người đội mưa pháo, vượt qua con quái vật hung hăng để vào hang.
Còn bây giờ, Hoàng nuốt nước mắt bất lực. Tự tay mình chôn, tự mình đi tìm mà không ra, phải nhờ đến thế lực vô hình nào đấy tìm hộ sao. Ngã ba Cửa Tử không còn ngổn ngang đá, không xơ xác cỏ cây. Con suối Thanh Thủy bây giờ không dữ dội như ngày ấy mà êm ả hòa nước vào dòng Lô. Tiếng nhạc đám cưới xập xình. Đôi trai gái kia có biết, chính nơi dựng rạp ấy, Dũng “còng” gục ngã sau loạt đạn 37 bắn chặn. Trên lưng nó là bốn quả đạn cối 82 vận tải vào trận địa. Hoàng chạy kịp vào hang, bất lực nhìn Dũng “còng” ngã xuống. Mày may mắn được xuống núi rồi, hôm nay có trở lại đây cùng thằng Huy chứng kiến cho hạnh phúc của đôi trẻ không? Về đây thăm thằng Huy hộ tao cho nó đỡ tủi.
Lại thêm một chuyến trở về báo cáo với mẹ Huy mà lòng Hoàng nặng trĩu.
Đến đầu ngõ Hoàng đã nghe thấy tiếng trống bung bung, tiếng thanh la xập xèng, khói nhang sực nức, tiếng thầy cúng i a. Từ khung cửa nhà Huy hắt ra ánh sáng đèn nến lắt lay, đỏ đòng đọc. Xuất hiện mấy chiếc bàn kê tiếp khách ngoài cửa. Khách ngồi cúi đầu lặng lẽ. Nhà như có đám. Hoàng ngỡ ngàng, lo lắng.
Nhà có đám thật. Nhưng người trong đám chạy lại đón Huy với vẻ mặt hớn hở. Là thằng Long. Hoàng ngỡ ngàng. Nhà có chuyện gì mà nó có mặt ở đây. Nhìn mặt nó thì không phải có chuyện buồn. Long hớn hở:
- Không tìm được Huy đúng không. Mấy mươi năm rồi, tìm sao được. Hôm nay tôi mời thầy về gọi vong, nhờ thầy tìm hộ.
- Mày…
Hoàng uất nghẹn cổ, muốn trút cơn giận vào Long nhưng không thể. Mày! Hãy trút bỏ bộ quân phục xuống, mày không xứng đáng khoác trên người đâu.
Trong đoàn quân lên biên giới ngày ấy có ba người cùng phường: Hoàng, Huy, Long. Ngày ra quân chỉ còn mình Hoàng.
Đơn vị mới đóng quân ở cây số mười lăm. Tiếng pháo ục uỳnh từ đường biên vọng về rền như tiếng sấm mùa hè. “Sấm” triền miên suốt ngày đêm. Trên ấy chắc “mưa rào” nhiều lắm. Được một tuần, Long đào ngũ. Tuần sau nữa, bố Long dẫn con lên tận đơn vị. Ông im lặng hướng cái nhìn trách móc về phía Long rồi nhờ vả anh em trong đơn vị giúp đỡ. Ông bảo chiến tranh không biết thế nào nhưng còn danh dự gia đình, của chính Long sau này nữa. Vậy mà, chỉ ở lại được một tuần, nó lại đào ngũ. Không còn tiền, nó đào trộm sắn làm đồ ăn đường, bơi qua sông Lô cuồn cuộn chảy, đỏ ngầu phù sa để trốn trạm vệ binh. Tới Tuyên Quang thì bị quân cảnh bắt đưa về đơn vị thu dung. Sau ba năm nó cũng được ra quân. Nó vênh vác, lao động vất vả thật nhưng thoát chết. Giờ mỗi khi hội họp gì, nó đều khoác lên mình bộ quân phục, trên ngực lấp lánh tấm kỉ niệm chương. Những buổi hội họp, gặp mặt nếu có mặt Hoàng thì nó không đến hoặc lẩn xuống phía sau. Những lúc không có Hoàng, nó nói như khiếu, chuyện chiến trận kể tường tận hơn cả Hoàng.
Hôm trước mẹ Huy bảo, thằng Long nói với mẹ, nó là một lính chiến, nghĩa sinh tử với đồng đội vô cùng thiêng liêng. Giờ nó có điều kiện sao đành nhìn Huy lạnh lẽo trên kia. Nó sẽ bỏ tiền mời thầy gọi vong để tìm xem Huy ở đâu rồi cùng đồng đội tìm và đưa về. Nhìn ánh mắt già nua của mẹ Huy có tia sáng xẹt qua như sao chổi giữa đêm tối, Hoàng chỉ dám ậm ừ. Hoàng lạ gì Long. Long giờ là đại gia. Muốn xóa vết nhơ, muốn làm màu thì có gì hơn chuyện này. Hoàng liếc vội sang mẹ Huy. Gương mặt nhăn nheo của bà giãn ra, lưng như thẳng hơn. Ôi… Hoàng vuột tiếng thở dài, vội kìm mà không được. “Tôi sẽ huy động anh em cựu chiến binh đào xới khu vực ấy lên. Nhưng cụ thể chỗ nào ông cần chỉ chỗ. Phải đưa bằng được thằng Huy về.”
Biết sao bây giờ. Có lẽ như thế, tốt hơn cho mẹ Huy. Huy chắc cũng tha thứ cho mình…
*
* *
Vảng:
- Người ta mua rừng nhà em làm gì?
Hoàng:
- Để tìm anh Huy, đón anh ấy về nhà.
- Thế thì được thôi.
Vảng bỗng dừng lời, ánh mắt phấn khởi khi gặp lại Hoàng. Bỗng Vàng độp hỏi một câu khiến Hoàng sững sờ:
- Trạm vệ binh ngày xưa ở chỗ nào? Người âm cũng có trạm vệ binh anh nhỉ?
Hoàng im lặng. Trần sao âm vậy. Thay đổi nhiều quá, không nhận ra nữa. Ngày ấy trạm là một cái lán nhỏ, lợp lá cọ. Hoàng qua đây mấy lần, ngồi trên ô tô, chỉ thấy có ba chiến sĩ. Cái giới tuyến mong manh ấy chỉ là hình thức thôi chứ chẳng ngăn chặn ai. Bên này là chiến tranh, hi sinh, gian khổ, một bước chân qua bên kia là yên bình.
Và cái giới tuyến mong manh ấy, giờ cũng đang hiển hiện.
Lòng nặng trĩu, Hoàng nhấp ngụm cà phê đắng ngắt, lặng nghe tiếng dòng Lô ì ì trôi xuôi.
N.Q.H
VNQD