Phú Quý - ngày trở lại

Thứ Hai, 31/01/2022 06:56

. MAI THANH VĂN
 

Cuối đông, những búp mai trên đất liền đã nhen nắng nơi đầu cành, chỉ chờ chút ấm áp giao thừa là bung nở rộn ràng đón mừng năm mới. Con tàu mang tết ra đảo sốt ruột kéo từng hồi còi dài thúc giục hành khách. Chàng sĩ quan trẻ bịn rịn chia tay người yêu. Chắc cậu ta ra đảo nhận công tác, giống như tôi cách đây hơn hai mươi năm trước. Nhưng có khác, ngày ấy, tôi ra đảo có một mình, còn giờ cậu ta có người yêu đưa tiễn. Cậu sĩ quan trẻ lau những giọt nước mắt trên má cô gái, rồi khoác ba lô lên tàu. Dừng trên boong, cậu đưa tay chào người yêu và đất liền theo kiểu con nhà binh. Ai cũng nhìn, vừa ngờ ngợ, vừa thân thương gần gũi.

Phú Quý là một huyện đảo của tỉnh Bình Thuận, nằm cách đất liền khoảng 120km. Nơi đây, tôi đã có chín năm tuổi trẻ gắn bó, thở hơi thở của biển đảo quê hương. Mười hai năm sau ngày rời đảo, tôi mới có dịp trở lại.

Tàu khách lại kéo hồi còi dài chào đất liền rồi rùng mình tiến ra khơi. Những con sóng tung bọt trắng xóa đập mạn khiến tàu nghiêng bên nọ, chao bên kia, chồm lên, chúi xuống như cưỡi trên lưng ngựa bất kham. Mọi người tìm chỗ nằm để tránh những con sóng loạn nhịp. Chỉ còn cậu sĩ quan trẻ ngồi tựa ghế, gương mặt bình thản. Dường như sóng gió biển khơi chẳng làm cậu nao núng. Đúng là tuổi trẻ - tuổi của xuân hừng hực dâng trào.

Sau khoảng bốn giờ đồng hồ, tàu cập cảng Phú Quý. Với ai chịu được sóng gió, sau ba giờ tàu chạy, ra boong sẽ được ngắm đảo từ xa như thảm ngọc bích trên nền vàng óng ả của nắng. Đảo Phú Quý còn có tên gọi khác là Cù lao Khoai Xứ, Cù lao Thu… chắc xuất phát từ dáng hình của đảo. Giai thoại được lưu truyền kể rằng trước khi có sự khai phá thiên nhiên của những con người từ lục địa, ở đảo đã có một giống người thượng sinh sống bằng nghề hái lượm và bắt cá ven biển. Trải qua những biến thiên của lịch sử, Phú Quý là nơi hội tụ của nhiều luồng dân di cư từ lục địa ra với nhiều thành phần dân tộc khác nhau.

Tôi đặt chân lên cảng Tam Thanh, cảm giác không khác cách đây hai mươi năm trước. Hồi hộp, bâng khuâng. Lần ra đảo đầu tiên ấy, tàu cập bến Long Hải chứ không phải chỗ này. Phú Quý hồi đó chưa có cảng chính thức như bây giờ, chỉ có hai bến đậu theo mùa là Tam Thanh và Long Hải. Hồi ấy, đang ngơ ngác chưa biết hướng nào và bằng cách nào về cơ quan quân sự huyện, thì một lão ngư với gương mặt đen đúa, cương nghị xuất hiện trước mặt. Tôi giật mình lùi lại cảnh giác. Lão ngư dân hỏi tôi về Huyện đội phải không, lên xe máy để chở đi. Dạ. Bao nhiêu tiền thưa bác. Tôi cứ hỏi trước cho chắc, chứ như đất liền lên xe đi đến nơi sẽ bị chém tới số. Lão ngư mỉm cười. Tiện đường tôi chở cậu, không phải tiền nong, ở đây bộ đội cần gì dân sẽ giúp miễn phí. Chở tôi đến cơ quan quân sự huyện, ông lão còn nói, khi nào muốn mượn xe máy đi đâu, cứ ra nhà ngay sát đơn vị. Tôi vô cùng ngạc nhiên, người đảo lạ thật, chẳng quen biết gì sẵn sàng cho mượn xe máy. Ở quê tôi mượn xe đạp đã khó, nói gì đến xe máy. Xe máy vẫn còn được coi là tài sản cất trữ, có nhà giàu mua được chiếc Dream lùn Thái chỉ dựng ở góc nhà trùm mền, thỉnh thoảng mới rồ ga chạy vài trăm mét, rồi lau sạch sẽ lại trùm mền. Còn ở đảo, xe máy những năm cuối chín mươi của thế kỉ trước chỉ là phương tiện đi lại, chở hàng hóa, cá mực… ai mượn đi đâu cũng được, xe dựng ở đường vài ngày sau ra vẫn nguyên. Những ngày công tác ở đảo, tôi vẫn thường ra chơi nhà bác Ba - tên lão ngư đã chở tôi. Nhà bác có năm người con, hai anh đầu nối nghiệp cha bám biển quê hương, hai người con gái đã xây dựng gia đình, còn cậu Út đang học lớp tám. Tôi vẫn thường giúp Út học bài. Út học rất thông minh, sau này vào học cấp ba Trường Phan Bội Châu. Giờ, Út đã là một sĩ quan quân đội với cấp hàm đại úy đang công tác tại chính hòn đảo quê hương của mình.

Năm xưa, khi vừa đến đơn vị mới, tôi được mấy cậu tiểu đội trưởng và vài thanh niên cạnh đơn vị rủ ra rẫy chặt dừa uống. Khi ấy Phú Quý rất nhiều dừa. Các rẫy của người dân cũng chủ yếu trồng dừa, ngoài ra có thêm cây điều, vừa giữ đất, giữ mạch nước ngầm, vừa có trái để uống vào những ngày oi ả. Dừa Phú Quý ngọt như đường phèn. Huấn luyện vất vả nóng bức, bộ đội có trái dừa uống thì khỏi bàn. Đơn vị tôi xung quanh cũng trồng dừa. Mà cây dừa cũng rất vững vàng chịu đựng trước khắc nghiệt của nắng gió biển mặn; chắt chiu dâng cho người dòng nước ngọt từ lòng đất mẹ.

Ngày ấy đảo Phú Quý chỉ có cán bộ, chiến sĩ huyện đội, hai trạm ra đa hải quân, phòng không, đồn biên phòng. Còn bây giờ, bộ đội trên đảo đủ cả các quân binh chủng: bộ binh, pháo binh, phòng không - không quân, thông tin, đặc công, hải quân, biên phòng và cả cảnh sát biển nữa. Trong đội ngũ các đơn vị, hầu hết là trai trẻ thực hiện nghĩa vụ quân sự khi chưa vướng bận chuyện tình yêu. Nhiều cậu mặt còn phơn phớt lông tơ trên má. Có cảm giác sức trẻ của các chiến sĩ khiến không gian như tươi mới, căng tràn sức sống. Ngày ấy, tôi cũng chỉ ngoài hai mươi, hừng hực khí thế nhận nhiệm vụ tại Trung đội pháo binh 85, Đại đội 7 của Huyện đội. Cán bộ trẻ, chiến sĩ trẻ hơn, chẳng sợ nắng mưa say sưa huấn luyện. Những người lính mắt lấp lánh như biển trong nắng sớm, tính phần tử pháo chỉ trong chớp mắt. Nói đến lính trinh sát - kế toán pháo binh, tôi nhớ nhất đến binh nhất Châu Văn Thành, người Đồng Kho, Tánh Linh. Thành dong dỏng cao, thi đại học trượt, xung phong nhập ngũ. Thành viết thư cho người yêu khoe anh là lính kế toán. Thế là cô người yêu ở quê gửi cho chồng sách về kế toán với bao nhiêu tài khoản, dư nợ… rối tinh, rối mù. Trên đảo, những điểm cao hay những vật chuẩn kiên cố, Thành nhớ chính xác tất cả tọa độ, phần tử, ước lượng cự li trên biển cứ gọi là chính xác đến chín mươi chín phần trăm. Cánh pháo thủ, cơ bắp chắc khỏe và làn da ngậm nắng gió đại dương. Cả đơn vị chắc chẳng có ai to và khỏe như binh nhì Huỳnh Văn Kháng, thanh niên đảo nhập ngũ mới hơn nửa năm, da đen như đồng hun. Mình Kháng có thể đẩy khẩu pháo 85 nặng ngót nghét 2 tấn từ nhà ra trận địa huấn luyện cả vài chục mét.

Ngày nào cũng vậy, chúng tôi kéo pháo ra, kéo pháo vào, cứ rầm rập, rầm rập. Đơn vị, nhà dân sát nhau chẳng cần tường rào, quân dân cứ thế quyện vào nhau như bức tường thành trước những cơn bão biển hung dữ. Đêm quân báo động, dân cũng phải tỉnh mà không hề một lời than phiền. Hiểu được bộ đội vất vả huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu bất kể ngày đêm để bảo vệ đảo, bà con đi rẫy có quả dưa, trái mãng cầu, nhất là trái dừa mang cho bộ đội, chẳng tiếc gì.

Tôi vẫn nhớ, những ngày biển động kiếm con tôm, con cá rất khó khăn, nhưng bác Ba, bác Thái, chú Tánh, cô Lệ vẫn gom góp san sẻ cho đơn vị, sợ anh em thiếu chất tươi, chất nhạt, ảnh hưởng đến sức khỏe, đến huấn luyện. Nhiều lần biển động, anh nuôi đơn vị đi chợ không mua được cá, bác Ba lại gọi tôi qua nhà lấy về cho đơn vị khi thì cá nhái, lúc cá cam, bạc má… và chẳng bao giờ các bác, cô lấy tiền. Đáp lại nghĩa tình người dân đảo, những ngày nghỉ, tôi thường tổ chức cho bộ đội đi lao động giúp, lúc kéo ghe thuyền lên bờ sửa chữa, lúc sửa lại mái tôn, mái ngói…, nhưng thường là vét cát tràn xuống đường. Những con đường của Phú Quý khi ấy là đường đất cát, chưa trải nhựa hay bê tông như giờ, chỉ một ngày, cát hai bên tràn xuống đường cản trở, đi xe máy không khéo sẽ trượt theo những đụn cát ngã kềnh. Đi trên đường nhiều cát, phải đi số thấp, giữ đều ga; còn không chỉ có nước xuống dắt bộ bở hơi tai.

Đảo lớn Phú Quý rộng khoảng mười sáu cây số vuông, địa hình cũng đa dạng. Thỉnh thoảng ngày nghỉ, tôi cùng vài chiến sĩ lên núi Cấm chơi. Núi Cấm là ngọn cao nhất đảo, khoảng 108m so với mực nước biển. Trên đỉnh núi Cấm có một ngọn hải đăng thuộc loại lớn nhất Việt Nam cao 18m, tháp đèn hình vuông. Đèn có tầm chiếu xa 22 hải lí. Ngọn hải đăng này không chỉ giúp tàu thuyền hoạt động trong vùng biển Phú Quý xác định được vị trí của mình, mà còn có mục tiêu cực kì quan trọng là xác định chủ quyền biển đảo đất nước. Bên dưới chân tháp có nhà dành cho nhân viên trực đèn. Cán bộ, nhân viên hải đăng núi Cấm đều là người đất liền, nhiều anh đã ra đảo trước tôi cả chục năm. Bên cạnh hải đăng là một chốt ra đa của đơn vị hải quân. Đôi chân lính ra đa hàng ngày vượt lên mấy trăm bậc đá “đầu gối chạm cằm”, khí tài, quân dụng, nước uống, thực phẩm lên chốt dồn cả trên vai. Đứng chân trên đỉnh cao, nguồn nước quý giá phải chuyển từ dưới lên, sử dụng hết sức tiết kiệm, nhất là trong mùa khô. Thế mà bên chân đài canh vẫn mơn mởn những chậu rau muống, mồng tơi. Thế mới biết, ở đâu có chiến sĩ, ở đó có màu xanh sự sống, cho dù đó là nơi khắc nghiệt nhất, gian khổ nhất. Các anh ở chốt vất vả hơn đơn vị tôi, hàng tuần mới đổi ca một lần. Thấy đảo khí hậu trong lành, mưa thuận gió hòa, người dân mến khách, anh Phan, Phó chỉ huy Trạm ra đa đã đưa vợ con từ quê hương Hà Tĩnh ra đảo lập nghiệp. Hàng ngày chị nấu rượu, nuôi heo, cũng tạm đủ nuôi các cháu học hành. Còn anh Hải, anh Ngạch, anh Minh… bén duyên với những cô gái đảo xinh mộc, thế là bám đảo, bám biển quê hương. Và những bé thơ, những chủ nhân tương lai của đảo ra đời, lớn lên bình yên trong một cộng đồng của những con người đã cống hiến tuổi thanh xuân cho đảo, cho Tổ quốc.

Đứng trên hải đăng núi Cấm, tầm nhìn bao quát toàn cảnh cụm đảo, giữa bốn bề đại dương, trời nước mênh mông, hình thế núi đồi đảo Phú Quý tầng tầng lớp lớp tạc hồn thiêng đất nước. Bao bọc đảo lớn Phú Quý là khoảng 10 hòn đảo nhỏ như hòn Tranh, hòn Trứng, hòn Đen, hòn Đỏ, hòn Đồ, hòn Hải…. như những chiến hạm phòng thủ sừng sững giữa trùng khơi. Hòn Hải, hay còn gọi hòn Khám, hòn Hài, có tên trên bản đồ quốc tế là Poulo Sapate hoặc Shoe Island, cách đảo lớn Phú Qúy khoảng 65km có hình dạng là một khối đá vuông cạnh mọc thẳng đứng độc đáo, lạ kì như chiếc hài giữa biển Đông, chính là điểm A6 đường cơ sở để xác định phạm vi của các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. Trên hòn Hải cũng có một ngọn hải đăng được xây dựng năm 2004. Nhiều du khách ra Phú Quý, đều mong muốn được ra thăm hòn Hải để cảm nhận niềm tự hào, thiêng liêng biển đảo Tổ quốc và để được thưởng thức cái nắng sánh như mật, mặn, ngọt, nồng nồng hương biển.

Nắng Phú Quý cũng thật lạ, sớm thì nhè nhẹ, dịu dàng, trưa lại chói chang, đặc quánh khiến mọi sinh vật phải tìm nơi tránh trú. Nắng hun xạm làn da khiến cánh lính trẻ mặt còn lông tơ săn chắc và phong trần, nét thư sinh chuyển màu. Mỗi ngày nhìn vào gương, lính cười khoe hàm răng trắng như bắp trên khuôn mặt “chà và” nâu sạm. Nhưng không có nắng thì lại nhớ. Mà những ngày có nắng cũng gần như báo hiệu thời tiết an lành, chứ ở đảo mà thời tiết ẩm ương, mưa giông bão tố thì khủng khiếp lắm. Được cái, đảo Phú Quý ít khi có bão. Nói đến bão, tôi lại nhớ đến cơn bão Durian khủng khiếp quét ngang qua đảo. Lần đầu tiên được chứng kiến gió giật trên cấp 12, những cột sóng cao tới cả chục mét như muốn nuốt chửng, nhấn chìm tất cả. Chập tối, tôi được lệnh chỉ huy anh em cơ động ra bãi biển Ngũ Phụng để giúp dân neo lại ba chiếc ghe câu bị đứt dây neo vì gió bão, có khả năng bị sóng đánh chìm. Gió ràn rạt rít vù vù, sóng ầm ầm như thác đổ. Gió bão chỉ trực hất tôi và các chiến sĩ bay lui lại. Anh em bám vào nhau khom khom, có khi bò sát mặt đất mới ra tới mép biển. Tôi và mấy cậu lính đảo bơi giỏi cố gắng vượt qua những cột sóng lớn lên ghe để hỗ trợ người dân buộc dây, lựa con sóng kìm giữ chiếc ghe cho khỏi lật rồi tập trung kéo luôn lên bờ. Sau hơn một giờ vật lộn với sóng biển, gió bão, chúng tôi cũng kéo được ba chiếc ghe lên bờ. Đúng là không thể tả nổi sự hung dữ của biển cả khi bão tố. Trận đó, bốn nhà dân bị sập, bảy tàu cá loại nhỏ bị chìm, may không có thiệt hại về người. Sáng hôm sau bão đi qua, tôi đang chỉ huy bộ đội dọn dẹp quanh doanh trại thì bác Thái tay xách con cá bớp to như bắp vế đi vào. Chưa kịp chào, bác đã vồn vã “cảm ơn các chú đêm hôm qua đã kéo giúp chiếc ghe lên bờ, bão gió các chú chắc chẳng đi chợ, nhà còn con cá gửi các chú nấu chua”. Tôi cám ơn bác Thái và xin phép không nhận, bởi đơn vị vẫn còn đồ dự trữ. Nhưng bác không chịu, “con cá chứ có phải tiền bạc gì đâu. Bão gió các chú chẳng màng đến tính mạng vẫn kéo tàu thuyền, bảo vệ của cải cho nhân dân, thì con cá này là gì”.

Trở lại đảo sau 12 năm xa cách, lòng tôi xốn xang, rạo rực bởi những đổi thay trên đảo Ngọc thân yêu. Tôi bâng khuâng bước đi trên con đường quen thuộc, không phải đất cát xưa, mà là con đường nhựa phẳng phiu như sân bóng đá. Đây là nhà bác Ba, còn đây nhà bác Thái… những căn nhà mái ngói lụp sụp năm xưa được thay bằng nhà lầu kiên cố. Bác Ba, bác Thái không còn nữa, thân thể đã hòa tan vào lòng cát biển đảo quê hương. Tôi thắp lên bàn thờ các bác nén nhang tạ lỗi vì đã không thể ra tiễn bác về đất mẹ cách đây vài năm. Trước đây, đôi lần các bác trách, “mày vào đất liền rồi quên đảo à. Nói vậy thôi, tao hiểu bộ đội chúng mày mà”. Không, con đâu có quên đảo, con đã có những tháng ngày tuổi trẻ đẹp nhất trên đảo, được nuôi dưỡng bằng tình yêu thương của người dân đảo thật thà, chất phác. Con vẫn nhớ những con cá, con mực mặn mòi vị biển. Những quả dừa ngọt như đường phèn, những ngày biển động sóng gió gầm gào quân và dân cố kết như tường thành vững chắc. Con vẫn nhớ anh em đồng đội trên chốt núi Cấm gian khó nhưng kiên trung. Con vẫn nhớ, vẫn nhớ…

Tôi lau những giọt nước mắt cứ tự trào xuống má chậm rãi bước trên con đường quen thuộc, cố hít căng đầy lồng ngực nắng, gió Phú Quý để thỏa nỗi niềm khát khao, nhung nhớ. Đây đơn vị tôi, giờ đã được thay bằng doanh trại hai lầu khang trang, sạch đẹp. Út. Đại úy Út. Cậu Út bé nhỏ nhà bác Ba năm nào giờ đã là Đại đội trưởng đang huấn luyện bộ đội. Những ngày nghỉ, vẫn tổ chức cho bộ đội đi lao động giúp nhân dân; vẫn là kéo ghe thuyền lên bờ sửa chữa, vẫn sửa mái tôn, mái ngói cho các gia đình neo đơn, vẫn thay áo mới cho những lớp học kịp ngày khai giảng. Và kia ánh sáng hải đăng núi Cấm vẫn hướng dẫn, chỉ lối cho những con tàu. Những mũi ra đa vẫn chọc thẳng vào bầu trời xanh, vươn dài cánh sóng trên mặt biển rà soát, theo dõi, lùng sục những kẻ chuyên dòm ngó, rình mò biển đảo quê hương, sẵn sàng giáng cho chúng những đòn chừng trị đích đáng.

Tôi bước chân lên tàu trở lại đất liền, lòng ngổn ngang cảm xúc. Hôm nay biển êm, dịu dàng những con sóng nhẹ nhẹ. Bất chợt, chàng sĩ quan trẻ ra cùng chuyến tàu chạy đến bên dúi vào tay tôi gói quà gửi trao người thân: quả dứa dại cho cha sắc uống nghe đâu chữa được ung thư và hộp quà nhỏ bọc kín cho người yêu. Cậu ta bảo đó là nắng xuân đảo Phú Quý. Ừ, mà mùa xuân đến rồi kìa. Nắng xuân trên đảo mới tinh khiết làm sao. Phú Quý ơi mong ngày trở lại.

M.T.V

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)