Tình đầu của tôi

Thứ Hai, 10/01/2022 10:16

. CHÂU LA VIỆT
 

Ngày ấy, binh trạm chúng tôi ở Cánh đồng Chum (Lào) được đón một đoàn nghệ thuật từ Hà Nội sang. Ban Tuyên huấn cử tôi đưa đoàn đi biểu diễn ở các đơn vị và các trọng điểm.

Trong đoàn tôi thân với Huy Tiến, nghệ sĩ kéo accordion, có lẽ bởi chúng tôi trạc tuổi nhau. Một lần ở hang Nọng Hét, đêm khuya lắm rồi, Huy Tiến trăn trở mãi không ngủ được. Bỗng nó bảo tôi: “Mày giúp tao viết một nhạc kịch về binh trạm này, tạm lấy tên là Hoa phong lan giữa đạn lửa, về những chàng trai cô gái Hà Nội ra mặt trận, được không?”

Và nó vùng dậy, ngồi xếp bằng tròn, trình bày ý tưởng rất say sưa:

“Có ba nhân vật, một nữ và hai nam. Học xong phổ thông, họ chia tay nhau ven Hồ Gươm bên những hàng liễu rủ. Rồi cùng vào mặt trận. Họ như những đóa hoa phong lan nở bừng giữa đạn bom. Tao muốn có tình huống thật kịch tính diễn tả tình yêu của họ trên một cao điểm ác liệt.”

Minh họa: Bùi Quang Đức

Tôi thốt lên:

“Hay thế!”

Nghe tôi khen, nó có vẻ sướng, với chiếc bi đông rót ra ngụm trà và nhấm nháp. Một lúc bỗng nó hỏi tôi:

“Nhưng mày đã yêu bao giờ chưa? Có yêu thì viết lời mới nồng nàn được.”

Tôi ngượng nghịu lắc đầu như kẻ có lỗi:

“Chưa…”

Nó ngạc nhiên, nhìn tôi như nhìn một kẻ xa lạ:

“Chưa à?”

Nhìn vào mắt Huy Tiến, tôi đọc được ý nghĩ của nó: Mày là con một nghệ sĩ nổi tiếng, là một người lính dũng cảm ở mặt trận, lại là nhà thơ trẻ lớn lên từ lửa đạn, nhìn mặt mũi cũng không đến nỗi nào, thế mà sao mày không có một mối tình vắt vai?

Tôi phân trần:

“Hồi học lớp 10, tao suốt ngày chỉ thơ thơ thẩn thẩn nên bọn ở lớp nó tưởng tao bị hâm. Rồi đi mặt trận, chỉ bom đạn mờ mịt suốt ngày đêm, đánh nhau ở Bản Ban, ở Phunokcok hai mùa khô liền, toàn lính tráng với nhau, có bóng dáng một đứa con gái nào đâu. Nói thật là đến khi lên Binh trạm bộ mới được nhìn thấy bóng dáng con gái, là một con bé nuôi quân và ba con bé ở Đội tuyên văn. Nhưng lính tráng chúng nó xí phần hết rồi. Thế rồi các anh trong Ban Tuyên huấn biết Chính ủy có một cô con gái xinh lắm, muốn ghép cho tao. Nói thật cũng thấy thinh thích, nhưng khi tao về Hà Nội, có đến gặp thì mới biết, con bé ấy mới 14, 15 tuổi, cổ còn đeo khăn quàng đỏ, gọi tao là chú xưng cháu ngọt lịm…”

Thấy tôi “hoàn cảnh” quá, thằng Tiến thở dài thương hại, một lúc sau bắt đầu bàn mưu tính kế:

“Đoàn tao sang đây có bốn nữ. Hai chị Kim Khuyên và Bích Hậu thì giề rồi, đáng tuổi chị mình. Còn cái Minh Toan chèo và cái Thu Minh. Mày thích đứa nào tao giới thiệu?”

Bần thần một lúc tôi bảo nó:

“Nói thật, tao chỉ thích dân múa thôi. Là bởi ngày nhỏ tao ở với mẹ tao trong Đoàn ca múa Trung ương, thấy các diễn viên múa đều đẹp không thể tả được.”

Thằng Tiến vỗ đùi đánh đét:

“Múa hả? Được. Tao sẽ giới thiệu cho mày.”

Tưởng thằng Tiến chỉ hứa cho vui. Ai ngờ, sau đợt biểu diễn, đoàn trở về Hà Nội, tôi được Binh trạm cử đi tiễn đoàn tới tận Hồ Gươm, rồi được nghỉ phép ít ngày. Thằng Tiến lôi tuột tôi về nhà nó, ở số 10 - Thọ Xương, giới thiệu hùng hồn “đây là một dũng sĩ của Cánh đồng Chum” làm cả nhà trân trọng lắm.Và ngay đêm ấy, nó gọi thêm thằng Thanh Tùng đang học ở trường Múa Việt Nam, ba thằng chụm đầu lên một kế họach rất chi tiết và tài tình để làm sao tôi có mối tình đầu đúng với một em diễn viên múa như nguyện ước.

Người mà thằng Tiến nhắm cho tôi là một cô gái tên Thu Hằng, diện hoa khôi của Đoàn ca múa Đ. Kế hoạch Tiến và Tùng vạch ra là ngay tối mai sẽ đi xem đoàn này diễn ở rạp Đại Nam, để cho tôi biết mặt cô bé ấy. Và nếu tôi gật đầu thì Tiến sẽ rủ Thu Hằng đi ăn phở cho tôi làm quen.

Nghe kế hoạch chúng nó vạch ra, tôi thấy đầy hi vọng, mong tối đến thật nhanh để theo hai ông cố vấn ái tình này đi cưa cẩm. Tiến lại gọi thêm thằng Quyển, họa sĩ, có mẹ phụ trách phục trang của đoàn, người sẽ dẫn tôi đi cửa sau vào xem. Có thêm thằng Quyển, tôi càng yên tâm. Ba ông này mà chụm lại, có khác gì kiềng ba chân, đun nồi nước nào chẳng sôi!

Vào được rạp rồi, ngồi chờ màn nhung mở, tim tôi đâp loạn xạ. Cho đến một tiết mục múa thì mắt như hoa lên, thằng Tiến và thằng Quyển rối rít chỉ một con bé đứng giữa như là nhụy hoa, thì thầm vào tai tôi: “Đấy, nó đấy, nó đấy!”

Công nhận cô gái đó đẹp thật. Nhưng không hiểu sao tôi lại nói nhỏ với Tiến: “Tao thích con bé bên cạnh kia kìa”. Thằng Quyển gật gù: “Mày tinh thật! Con này tên là Diệu Anh.” Thằng Tiến ngạc nhiên: “Mày thích nó à?” Tôi gật đầu đến đốp một cái.

Chiều hôm sau thằng Tiến và thằng Tùng dẫn tôi đến nhà Diệu Anh. Hóa ra hai thằng cùng thân với Đức, là anh ruột cô bé. Tùng và Đức cùng học với nhau đã mấy năm rồi ở trường Múa.

Thấy bạn thân kéo đến, Đức hớn hở lắm, nhất là trong bối cảnh Tiến vừa sống sót từ mặt trận trở về, còn Tùng thì lại sắp đi mặt trận, bổ sung cho Đoàn ca múa Quảng Đà. Cả bọn rủ nhau ra quán Sen Dừa ở Phan Bội Châu. Thấy Diệu Anh đang luẩn quẩn trong nhà, Tiến bảo cùng đi luôn. Công nhận cô bé này ngoan, thấy các bạn anh đến chơi chào hỏi rất lễ phép, và khi Tiến mời cũng không ra vẻ kênh kiệu từ chối, rủ cả em ruột là cái Ngọc cùng đi.

Vừa ngồi chưa ấm chỗ, thằng Tiến giới thiệu ngay về tôi. Thấy tôi mặc quân phục, đội mũ mềm có đính sao, Diệu Anh có vẻ mến mến. Rồi thằng Tiến, thằng Tùng, hai thằng này vốn ít nói nhưng hôm ấy cứ nói lia nói lịa, đánh bóng mạ kền làm tôi sáng rực, khiến thằng Đức, cái Diệu Anh và cái Ngọc “mắt tròn mắt dẹt”. Tôi không chỉ là “dũng sĩ Cánh đồng Chum” nữa, mà đã trở thành một anh hùng thời đại. Lại là con trai một nghệ sĩ lừng danh ai ai cũng biết...

Tôi nói với Diệu Anh rằng anh ở mặt trận lâu năm rồi, rất yêu nghệ thuật múa, rất mong được xem đoàn em biểu diễn. Cái Ngọc hét lên: “Hay quá! Tối nay đoàn diễn ở rạp Công Nhân, em lại bận đi học, nhờ anh đến chở chị Diệu Anh đến rạp nhé”. Thằng Tiến ranh mãnh nháy mắt với tôi, hùa vào: “Đúng đấy!” Rồi Tiến nói với Đức về tôi: “Thằng này nó máu nghệ thuật lắm. Nó đang viết giúp tôi một kịch bản nhạc kịch để có thể sẽ trình diễn ở Hà Nội và vào mặt trận tới đây. Trọng Nghĩa, Văn Sáu, Huy Túc, Thu Minh đều đồng ý nhận vai rồi. Về phần múa ông đảm nhiệm phần biên đạo cho tôi nhé.” Thằng Đức thấy thằng Tiến ngỏ lời mời mình, mắt ngời lên. Đời nó diễn viên còn bỡ ngỡ, mà đánh đùng một cái được mời làm biên đạo múa thì ai mà chẳng ngất ngây, tên tuổi sáng rực trên pa nô áp phích treo trước cửa Nhà hát Lớn chứ đùa ư!

Đêm thứ nhất tôi chở em đi biểu diễn. Đêm thứ hai em lại bảo tôi đưa đi. Tôi nghĩ có lẽ tình yêu đã đến, có lẽ em cũng yêu mình, nhất định phải tìm cơ hội để ngỏ lời.

Chiều tối hôm thứ ba đến đón em, cái Ngọc tinh nghịch hỏi tôi ngay trước mặt em: “Thế anh đã biết quả cau nho nhỏ của chị em chưa?”

Bỏ mẹ, tôi thầm nghĩ, không biết quả cau nho nhỏ nó là cái gì nhỉ? Suốt chặng đường chở em, tôi băn khoăn quá. Đến cửa nhà hát tôi mới thật thà: “Quả cau nho nhỏ Ngọc nói là gì ấy nhỉ, để anh đi mua?” Em cười phá lên: “Để đêm về em bảo cho”, rồi lườm một phát kèm câu “rõ ghét” và xách va li hóa trang vào nhà hát.

Đêm về, đến một phố rất vắng, em bảo: “Dừng xe, em sẽ cho anh biết quả cau nho nhỏ nó là cái gì.” Rồi em tựa vào một gốc cây. Tôi vội ôm ghì lấy em, đặt lên môi em một nụ hôn cháy bỏng, nụ hôn đầu đời của tôi...

Sau đêm này, trong khi tôi hồn vía còn đang trên mây, bỗng Đức nhắn tôi đến gặp. Tôi hơi chờn chợn. Hai thằng đi bộ với nhau lâu lắm, vòng qua Quán Sứ, rồi lại vòng vèo ra Hai Bà Trưng, Phan Bội Châu... Hình như Đức có điều gì muốn nói. Rất lâu sau nó lên tiếng: “Mày yêu cái Diệu Anh nhà tao à?” Tôi gật đầu thú nhận: “Ừ.” Nó lại hỏi: “Thế đã hôn nhau chưa?” Tôi nghĩ thầm: “Này, ông anh chơi kiểu gì thế này. Em lính đặc công đánh thổ phỉ Vàng Pao ở Cánh đồng Chum đấy nhé, ông anh đừng dọa dẫm em nhé”. Tuy thế tôi vẫn cảm thấy... hơi lành lạnh, nhưng vẫn hiên ngang đáp: “Rồi!” Đức nhìn vào mắt tôi một lúc, rồi nắm lấy ngực áo tôi, xoắn một vòng, gằn giọng: “Mày yêu nó thì được. Nhưng nếu mày bỏ nó, hay đểu với nó, tao sẽ đánh mày chết, nghe chưa!”

Đúng dịp ấy mẹ tôi, ca sĩ Tân Nhân vừa đi biểu diễn ở Bulgaria về. Không hiểu nghe ai nói, mẹ bảo: “Mẹ biết con đã có bạn gái. Hôm nào con dẫn bạn về nhà mình chơi nhé!”

Hôm sau tôi dẫn Diệu Anh về.

Mẹ tôi nhìn gương mặt xinh xắn của em, hài lòng lắm, và nhất là khi cầm bàn tay em, mẹ thốt lên: “Tay chân của cháu đúng là của một diễn viên múa. Rất đẹp và chuẩn. Cháu có thể đi xa trong nghệ thuật. Nhưng muốn đi xa, cháu phải đi học cháu ạ. Cô sẽ nói cô L. C và chồng là bác H. C sắp xếp cho cháu đi học ở Liên Xô tới đây.”

Tôi thấy em rất cảm động. Em yêu tôi đến mức nào tôi chưa biết, nhưng chắc chắn là em rất yêu nghệ thuật múa, nên em sẽ nghe lời chỉ dẫn của mẹ tôi…

Khi tôi trở về Binh trạm 13 thì mặt trận cũng vào hồi ác liệt. Địch quyết giành lại Cánh đồng Chum cho nên tung hết lực lượng và vũ khí tối tân đánh phá. Suốt cả một mùa khô như vậy, chúng tôi chỉ tập trung một điều làm sao có thể sống được mà chiến đấu thôi, không còn thời gian để nghĩ đến những chuyện khác. Với Diệu Anh, tôi luôn nghĩ đến em, nhưng trong điều kiện chiến trường khốc liệt, chúng tôi không có cách nào liên lạc với nhau.

*

*         *

Gần một năm sau, tôi lại được cử đưa một chiếc xe tải ra Hà Nội nhận hàng.

Về đến Thường Tín, tôi muốn chạy đến thăm Diệu Anh ngay. Nhưng lại nghe tin B52 vừa rải thảm xuống dốc Chum, nơi Binh trạm bộ đóng quân. Tôi vội mượn xe đạp, đạp một mạch đến Quần Ngựa, nơi Cục Vận tải Quân sự đóng quân để hỏi tình hình. Đúng là B52 vừa rải thảm Binh trạm bộ của tôi thật, nhưng may không ai hề hấn gì. Tôi yên tâm, định đạp xe đến nhà Diệu Anh, nhưng chả hiểu sao, cuối cùng tôi lại đến nhà Huy Tiến.

Thấy tôi vừa từ mặt trận về, cả nhà vui lắm. Mợ Huy Tiến lấy vội thêm chiếc bát, đôi đũa cho tôi cùng ăn cơm. Cái Loan cái Nga cái Hằng em Huy Tiến ríu rít đủ thứ chuyện. Bỗng cái Nga cười cười hỏi tôi: “Anh đến thăm chị Diệu Anh chưa?” Chẳng hiểu làm sao cái Nga vừa dứt lời, đã bị mợ và chị Minh lườm cho một phát.

Chờ tôi ăn hết bát cơm, mợ Huy Tiến mới nói với tôi rành rẽ và nghiêm túc: “Mấy lần rồi mợ cứ thấy cái Diệu Anh nó đi với một thằng, lúc ở rạp chiếu phim, lúc ở bách hoá tổng hợp con ạ.”

Tôi nghe mà choáng váng một hồi lâu. Lúc sau chị Minh cũng ngồi tâm sự với tôi: “Chị nghe nói nó có người yêu rồi em ạ. Nghe đâu cũng đã ăn hỏi. Người yêu nó cũng là con một bà nghệ sĩ, hình như tên là Nắng Chiều thì phải.” Đến đây thì tôi gục hẳn, tưởng như những loạt bom B52 không phải rải thảm xuống dốc Chum nữa, mà đang dội ngay xuống đầu mình…

Đêm ấy tôi đi lang thang với Huy Tiến quanh Bờ Hồ. Gió lạnh thổi rát mặt. Huy Tiến cứ như thằng có tội, muốn an ủi tôi mà ấp úng mãi chưa mở được lời. Hai thằng cứ lặng lẽ đi trong gió rít bời bời cho đến mãi tảng sáng hôm sau, ngực đau nhói. Cuối cùng, Huy Tiến cũng lấy hết can đảm cho tôi hay rằng nó đã đi điều tra, tin Diệu Anh sắp cưới chồng là sự thật...

Tôi nhìn mặt thằng Tiến, cố nở một nụ cười thảm hại rồi quay về Thường Tín nhận hàng. Tôi nói cậu Hưởng lái xe đưa hàng về sớm cho anh em trong ấy khỏi chờ mong. Cậu Hưởng nói thế sáng mai anh em mình lên đường.

Tối ấy tôi về chào mẹ. Mẹ tôi ngỡ ngàng hỏi tôi sao vừa từ mặt trận ra đã quay vào ngay. Và mẹ trách tôi sao không đưa Diệu Anh về nhà chơi. Tôi ngần ngại một lúc rồi nói thật:

“Diệu Anh sắp lấy chồng rồi mẹ ạ.”

Mẹ tôi giật mình:

“Nó lấy chồng à?”

Nghe tôi vâng ạ, mặt mẹ buồn rười rượi. Tôi cầm tay mẹ an ủi:

“Chồng sắp cưới cô ấy cũng là con một nghệ sĩ mẹ ạ. Anh ấy chiến đấu ở Thành cổ Quảng Trị, bị thương nặng và được đưa về hậu phương. Mẹ anh ấy thương con nên đã đi hỏi vợ cho anh ấy, và Diệu Anh đã nhận lời…”

Tôi xoa xoa bàn tay mẹ lâu lắm. Và mẹ cứ ngồi như chết lặng.

“Mẹ ơi, trong chuyện này sẽ có một người mẹ vui, và một người mẹ buồn. Bác ấy cũng cho con trai ra trận như mẹ. Bác ấy sẽ vui và hạnh phúc thế nào khi đứa con trai thương tật của mình có một tình yêu và một mái ấm gia đình... Thôi con đi mẹ nhé!”

Tôi hôn mẹ rồi khoác ba lô xuống đường. Nhìn lên cửa sổ, vẫn thấy ánh mắt mẹ nhìn theo tôi thăm thẳm. Nước mắt tôi như chực trào ra...

C.L.V

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)