Hồi hương

Chủ Nhật, 19/12/2021 00:54

. HỒ TĨNH TÂM
 

Cường bừng tỉnh dậy. Nhờ nhờ dưới sáng trăng, anh nhận ra bên cạnh có người phụ nữ nằm thẳng đuột cùng phía với mình. Sau mấy giây định thần, anh nhớ ra cú đụng mạnh lúc đổ đèo, xe đứt thắng trôi tuồn tuột, đâm sầm vào chiếc xe trước mặt. Nhắm nghiền mắt lại rồi hoảng sợ mở mắt ra, lấy hết sức anh trườn lại gần nắm tay. Sau nữa run rẩy đặt ngón tay lên mũi, thở phào khi nhận ra chị ta còn sống…

Lúc lâu sau mùi cỏ hăng hắc và mùi máu tanh tanh giúp Cường tỉnh dậy. Anh lật nghiêng người, cố la to cầu cứu, nhưng cơn đau quặn thắt, vì lăn đèo, vì đói, vì kiệt sức, khiến tiếng kêu không bật ra được. Hai dòng nước mắt trào ra thành dòng nhỏ xuống. Lồm cồm ngồi dậy, anh dùng cả hai tay ấn hết sức xuống ngực người phụ nữ. Người phụ nữ vẫn nằm bất động mềm oặt. Rên lên tiếng thảng thốt vì đau khổ, anh cúi thấp người xuống, ghé miệng ra sức hà hơi thổi ngạt. Thổi được hơn phút, chợt người phụ nữ thở phì ra một tiếng, anh quáng quàng thều thào gọi: “Tỉnh chị ơi… Tha thứ cho tôi… Đừng chết chị ơi… Chị ơi…” Chẳng biết sức lực ở đâu ùa về, anh chống tay lồm cồm bò xung quanh người phụ nữ, vừa bò vừa khóc. Anh nhận ra tay chân người bị đâm không gãy, cầu trời cho chị ta chỉ đau quá ngất đi.

Minh họa: Vũ Đình Tuấn

Đến khi nhoang nhoáng thấy ánh đèn từ trên đèo đổ xuống, Cường ì ạch bò tiếp ra giữa đường, run rẩy cố đứng dậy, vung hai tay lên trời kêu: “Có ai không… Cứu chúng tôi… Cứu tôi với…” Khi luồng sáng chiếu trúng mặt, anh ngã vật xuống ngất lịm đi lần nữa trong đêm...

Tỉnh dậy, anh thấy quanh mình có rất nhiều người. Lớp đứng lớp ngồi. Mọi ánh mắt đều chiếu vào anh. Rồi anh nhận ra người phụ nữ bất hạnh ngồi ngay bên cạnh, nước mắt giàn giụa. “Tỉnh dậy anh ơi! Tỉnh dậy! Tỉnh dậy đi!” Mở bừng mắt ra, Cường lần tay nắm lấy bàn tay người phụ nữ. “Ơn trời! Chị còn sống!” Hai chàng trai trẻ xốc nách giúp anh ngồi dậy. Nhiều tiếng nói lao xao. Họ không sao là tốt rồi. Đêm hôm lại giữa đường đèo hoang vắng, xe cứu thương còn lâu mới tới. Đem họ xuống đèo cái đã. Chắc thế nào cũng có nhà ai dưới đấy.

Rồi họ chở hai người xuống chân đèo, đưa vào một nhà ven đường. Bà chủ nhà gầy còm hắt héo, bẻ mấy trái bắp non đem vào, lảy hột bỏ cái cối đá nhỏ, lụi cụi giã vắt lấy nước, đổ vào hai cái chén ăn cơm đem cho họ uống. Đó là chén nước thần kì, ngon ngọt, bổ dưỡng nhất trần đời mà Cường từng được uống. Uống xong cả hai quay ra xá khắp lượt mọi người. “Cám ơn mọi người đã cứu chúng tôi!”

Cũng nhờ lột bỏ miếng khẩu trang để húp sữa bắp non, Cường ngờ ngợ nhận ra người phụ nữ có nét gì đó quen quen, nên rụt rè hỏi. “Chị... Chị có phải là… là người… người trọ ở khu… Miếu Gạch… không?” Người phụ nữ chớp chớp mắt nhìn Cường một lúc mới trả lời. “Đúng rồi. Tôi ở cuối dãy N5 khu Miếu Gạch.” Cường thở dài một tiếng. “Thảo nào. Ngày nào tôi đi làm ca đêm cũng gặp chị đi làm ca ngày trở về. Trên tay lúc thì xách bó rau muống hay bó rau cải, cùng miếng thịt, hoặc mớ cá với mấy tấm đậu phụ. Hình như chị là công nhân may quần áo với găng tay bảo hộ lao động.”

Cùng lúc đó có mấy người hì hục khiêng được hai chiếc xe máy bể dè, bể bửng với mấy túi đồ rách của họ bước vào. Được một lúc thì xe cứu thương cũng hụ còi chạy đến đậu bên đường. Thấy họ chỉ bị trầy xước nên họ chở đến trạm xá xã cách đó hai cây số để sơ cứu. Khi chiếc xe đi rồi, những người hồi hương cũng chào bà lão Stiêng tốt bụng để ra đi.

 

*

* *

Sáng hôm sau, ông bí thư, ông trưởng ấp, cùng ông chủ tịch mặt trận, bà chủ tịch phụ nữ đến trạm xá thăm hai người, gởi tặng mỗi người một triệu, cùng nắm cơm gạo nương, nắm xôi. Anh bí thư đoàn ấp cùng mấy tay thanh niên đen trùi trũi, dùng xe công nông chở hai chiếc xe đã được sửa chữa xong xuôi đem tới, nói bây giờ họ có thể tiếp tục lên đường. Vậy là cuộc hồi hương của họ lại tiếp tục. Chỉ có điều bây giờ họ đã trở thành hai người quen bất hạnh tình cờ gặp, số phận khá giống nhau. Cả hai đều là công nhân mất việc. Sau một tháng trụ lại Bình Dương với cuộc sống bấp bênh, chủ yếu nhờ vào lương thực thực phẩm cứu trợ, họ phải đi test Covid để đăng kí hồi hương. Cường dồn hết tiền bạc để vợ đem hai con lên xe đò về quê tận ngoài Thạch Thành - Thanh Hóa, chỉ giữ hai triệu bạc để xăng dầu dọc đường. Còn người phụ nữ, vì chồng tạng ốm yếu nên để đi trước với hai đứa con về quê nhà ngoài Kỳ Anh - Hà Tĩnh. Biết làm sao được, họ còn chiếc xe, chiếc quạt máy là tài sản mồ hôi nước mắt, chẳng lẽ lại bán tống bán tháo với giá rẻ bèo như đã bán máy giặt, tủ lạnh, tivi.

Tính ra, mỗi ngày chạy bốn năm trăm cây số, hai ba ngày cũng về tới nơi chốn sinh thành. Đại dịch đang tràn lan, ở lại thì biết bấu víu vào đâu, về quê dầu gì cũng có ruộng vườn, bà con cô bác để nương tựa vào nhau. Bao nhiêu người như vậy, họ hợp thành dòng người hồi hương, tháo chạy khỏi nơi hằng hi vọng đổi đời. Mỗi người một hoàn cảnh, số phận, chẳng ai giống ai, chỉ giống nhau mục đích là phải về quê thật nhanh. Bởi vậy, có được tấm giấy test Covid chứng nhận âm tính là họ lập tức lên đường, bởi họ không thể biết đại dịch còn kéo dài bao lâu, không còn việc làm ở lại lấy gì ăn.

Hôm biết tin vợ chồng Cường sẽ cùng hai con hồi hương, ông Tám Cò bảo vệ phân xưởng tiện tỏ ra ái ngại nói với anh. “Mầy đã quyết định hồi hương thì bán hết đồ đi. Giữ lại cái xe Tàu, cái quạt điện làm gì. Tao hổng biết cái xe giá bèo ấy đủ sức chạy cả ngàn cây số được không, chở lùm đùm làm gì không biết. Còn người còn của. Hám mà làm gì.” Bà Sáu Lùng, người cung cấp bữa ăn khuya cho công nhân lại nói. “Vợ chồng mầy về quê cũng phải, nhưng hết dịch trở lại biết còn chỗ làm không?” Nói rồi bà móc túi lôi ra hai tờ năm trăm ngàn, dúi vào tay Cường. “Qua hổng có nhiều. Bây cầm đi, có chút đỉnh ăn đường cho sắp nhỏ.” Bà Sáu đã ngoảy mông đi được mấy bước, bỗng đứng lại, ngoắt tay gọi Cường. “Nhém tao quên. Nghe nói má bây ngoài quê bịnh lắm. Trong túi tao còn hơn một triệu, toàn tiền năm chục, hai chục, bây đưa cho vợ để nó lo dọc đường, còn hai tờ năm trăm, qua gởi cho bà già.” Cường thấy nghèn nghẹn, rân rấn nước mắt. Từ hôm đại dịch bùng phát, bà chủ nhà đã giảm giá trọ năm chục phần trăm, đã vậy, mỗi tháng còn biếu mỗi nhà thuê trọ một bịch gạo mười kí, một thùng mì tôm. Đại dịch chưa có dấu hiệu dừng lại, chẳng lẽ mình sức dài vai rộng lại ngồi đây ăn bám mọi người.

Đã vậy, trong phân xưởng tiện còn có mấy người dương tính, chẳng biết giờ này sống chết thế nào. Từ hôm tỉnh thành lập bệnh viện dã chiến gần khu công nghiệp Dĩ An, hầu như ngày nào Cường cũng thấy có xe cấp cứu vào đó. Mất vì bệnh lao, bệnh ung thư còn được đem về nhà chôn cất. Còn như mất vì Covid người ta chỉ lẳng lặng đem đi hỏa thiêu, người nhà có được can thiệp vào đâu. Rồi thằng em vợ là dân phòng ở Cẩm Giàng - Hải Dương cũng đã nhập viện vì lây nhiễm. Sốt ruột lắm rồi, về quê trồng luồng trồng sắn còn hơn ngồi đây phấp phỏng.

Bao nhiêu người đăng kí xe hỗ trợ của nghiệp đoàn lao động Bình Dương, phải ưu tiên cho phụ nữ, trẻ em và người ốm yếu; còn thanh niên nam nữ cùng những người khỏe mạnh như Cường, họ phải chấp nhận giải pháp tự hồi hương bằng xe máy. Chẳng phải họ tiếc cái xe đâu. Xe trả góp đáng bao nhiêu tiền. Nhưng về tới nơi chốn sinh thành, nơi đã bỏ đi bao năm, lỡ có bề gì còn có thể chạy xe ôm, góp nhặt được đồng nào hay đồng đó. Và bây giờ, khi đã lỡ gây tai nạn cho người phụ nữ may đồ bảo hộ lao động sống cùng khu Miếu Gạch, anh hiểu rằng mình phải có trách nhiệm với chị. Đã đành lỗi do chiếc xe đứt thắng. Xe giá rẻ chạy đường đèo, tai nạn là khó tránh khỏi; nhưng còn tình người lao động với nhau, cùng số phận xa quê, lại gặp nhằm thời khốn khó do đại dịch gây ra, mình là đàn ông, bỏ người ta sao được. Bởi vậy trên dọc dài dặm đường hết gió nắng tới mưa sa Cường luôn theo sát người phụ nữ.

Hai người hòa vào dòng người lùi lũi hướng về phương Bắc. Ngày đầu tiên còn có cơm đùm, xôi vắt, nước trong ống bương của người Stiêng cho đem theo, còn chưa đến nỗi nào. Sang ngày thứ hai, họ đổ đường đèo từ Kon Tum xuống Quảng Nam, cơn khát bắt đầu hành hạ. Hai bên đường, thỉnh thoảng lại thấy vài nhóm người dựng xe nằm vạ vật vì kiệt sức. Chẳng có gì để giúp, nên họ đành ngậm ngùi bỏ đi. Và rồi đến lúc họ cũng đói lả ra, buộc phải dừng ở lưng chừng con dốc. Mỗi người tìm một tảng đá nằm gối đầu lên, cố nhắm nghiền mắt để xua đi cơn đói đang réo gào trong bụng, cơn khát đang thiêu đốt trong họng. Chợt có cơn gió thổi đến, nghe như có tiếng rì rào của dòng nước đang chảy, Cường cầm lấy hai ống bương nói sẽ tìm nước đem về. Băng qua vạt cỏ tranh sắc lẻm như những lưỡi dao liên tục cứa vào hai bàn tay, cuối cùng anh cũng thấy hiện ra một khe nước nhỏ nằm cuối nương sắn của ai đó. Mừng hơn vớ được vàng, anh quỳ xuống uống ừng ực, hứng đầy hai ống bương. Khi ngẩng đầu lên, anh thấy người phụ nữ đeo sau lưng gùi sắn, liền vội vàng lấy tờ hai trăm ngàn chìa ra, tỏ ý muốn mua vài củ. Thấy người phụ nữ lắc đầu, anh lại rút thêm tờ hai trăm ngàn nữa. Người phụ nữ vẫn lặng lẽ nhìn anh lắc đầu. Sợ hiểu lầm mình muốn mua cả gùi nên không bán, Cường bèn lên tiếng. “Tôi là người hồi hương từ Bình Dương, tôi đang đói, chị làm ơn bán cho tôi hai củ thôi.” Bấy giờ người phụ nữ mới cất tiếng nói. “Rớ, tui là người Sê Đăng, tui không bán. Anh đói thì tui cho, muốn lấy chừng mô thì lấy.” Chị ta hạ gùi mây xuống. “Tui cho ông hết đó. Lấy đi!” Ôi trời, thứ sắn miền đất đỏ bazan củ vừa to vừa dài. Cường cám ơn rối rít rồi rút lấy ba củ, dùng dây rừng cột chúng với hai bương nước, bươn bả đi như chạy lên con đường trên dốc. Ở đó, anh quơ quào được mớ củi khô đốt lên nướng sắn. Hai người ăn hết một củ, còn hai củ bẻ ngắn ra cho vào túi ni lông treo xe đi tiếp.

Khoảng năm giờ chiều họ xuống tới đường quốc lộ Một. Đoạn đường này nằm sát bờ biển. Một bên là những triền núi đá, lấp xấp những bụi sim mua và cây muồng gai. Một bên là bờ cát trắng, sóng vỗ ì oạp. Nhìn vọng ra xa, mặt biển căng vồng lên, sáng lấp lóa, đã ưng ửng ánh hồng của buổi chiều tà. Cung đường thơm mằn mặn hương muối biển vắng đến kì lạ. Có lẽ dòng người hồi hương đã đi qua và chưa tới. Hai người dừng xe uống nước một lúc rồi đi tiếp. Được chừng một cây số thì gặp đôi nam nữ trải ni lông ngồi bên đường, chiếc xe máy lùm xùm túi xách dựng bên cạnh. Tới gần, họ nhận ra cô gái đang ngồi ngửa ra phía sau, hai chân duỗi doạng, mặt ngửa lên trời, hai mắt nhắm nghiền. Chàng trai ngồi bên cạnh nước mắt ngắn dài, cuống quýt nói như rên. “Mần răng chừ em. Cố lên em. Đau lắm à em.” Khi thấy hai người dừng xe bên cạnh, anh ta ôm lấy chân người phụ nữ, khóc lóc van vỉ. “Cứu vợ em chị ơi! Vợ em sắp đẻ rồi. Cứu…” Bấy giờ một cơn đau lại dội lên, cô gái lắc lắc đầu, tóc tai xõa xượi, bíu chặt lấy anh chồng cầu cứu. “A… a… chết tui… chết… tu… i… a… a… ô…” Người phụ nữ quỳ hẳn xuống, nói Cường lấy giùm cái khăn bông trong túi du lịch, bảo chàng trai đỡ chặt lưng vợ. Rồi chị vừa xoa nhè nhẹ lên bụng cô gái vừa động viên. “Rặn mạnh lên em. Có chị ngồi đây đừng sợ.” Nhìn thấy cái đầu lơ thơ tóc cùng nước ối và máu đỏ nhờ nhợ đang phún ra, Cường rùng mình lo lắng. Chợt cô gái hét lên một tiếng thất thanh, bật ngã vật ra. Tiếng người phụ nữ nói như reo. “Tốt rồi. Thằng bé!” Trong khi chàng trai nước mắt giàn giụa, cười mếu máo, người phụ nữ dùng dao Thái Lan cắt cuống rốn, đưa đứa bé cho Cường. “Xuống biển tắm sạch cho nó. Nhớ đừng để chìm đầu xuống nước đấy.” Cường cuống cuồng nâng đứa bé chạy như bay băng qua bãi cát trắng lóa, mịn màng. Anh ngồi xuống, dùng một tay khum múc từng hụm nước rưới lên tấm thân hài nhi bé bỏng, nhẹ nhàng vuốt thật sạch máu và nước ối. Khi anh vuốt nước lên mặt, đứa bé mở hé đôi mắt đen lánh. Nó đang cười, bằng miệng, bằng mắt, bằng cả gương mặt sáng trưng như vầng mặt trời. Hai bàn tay, bàn chân nhỏ xíu quơ quơ vào ráng chiều đỏ lựng. Cường nâng bỗng thằng bé chạy như bay lên đường.

Trên đường, chiếc xe ô tô màu trắng đỗ cạnh ba chiếc xe máy từ lúc nào. Một người đàn ông, một người đàn bà và một bé gái tóc bím đứng cúi xuống cô gái. Người đàn bà cất tiếng nhỏ nhẹ. “Bây giờ tụi tui chở hai mẹ con đến trạm xá cách đây mười cây số để chăm sóc, đợi mấy người đến đó rồi tính.” Cô gái được đặt nằm trên ghế sau, vợ ông tài ngồi cạnh xem chừng. Cô bé con ngồi ghế trước uồm người đỡ lấy đứa bé vừa chào đời.

Khi chiếc xe đã rồ máy chạy đi cả ba người còn lại cũng lên đường. Họ gặp nhau ở trạm xá. Đang lúc đại dịch Covid - 19 bùng phát nơi đây vắng hoe, chỉ có mấy cô bác sĩ và hộ lí trực chứ không có người bệnh. Và khi biết vợ chồng cô gái đang trên đường trở về huyện Hòa Vang của Đà Nẵng, người đàn ông lái xe ngỏ lời sẽ giúp chở hai mẹ con về tận nơi, vì dầu gì hai vợ chồng ông cũng về nhà ở quận Ngũ Hành Sơn. Biết ba người chưa được ăn gì buổi chiều, ông lấy cho họ mấy túi bánh mì, mấy chai nước suối, rồi chở hai mẹ con đi ngay. Trước khi xe chuyển bánh, cô bé tóc bím chừng mười tuổi lấy trong túi da đeo bên mình ra hai phong sô cô la: “Em cho anh và hai bác. Ăn đi, ngon lắm đấy.” Cường gật đầu nhìn cô bé mỉm cười, nhưng tự nhiên nước mắt lại lăn trên hai gò má sạm nắng nhuốm đầy bụi đỏ.

Tạm biệt chàng trai ở một ngã tư, hai người lại nhập vào dòng chảy của đoàn người chừng hơn năm chục chiếc xe máy đèn pha loa lóa. Như vậy họ đã vào tới địa phận thành phố Đà Nẵng. Băng qua quãng đường một bên là dãy phố dài nhà cửa đóng im lìm, một bên là rừng phi lao che chắn thấp thoáng hướng ra phía biển. Hai chiếc mô tô cảnh sát nổi còi hụ quét đèn vượt lên, hướng dẫn đoàn người vào chốt kiểm soát Covid của quận Liên Chiểu dưới chân đèo Hải Vân. Tại đây đã có khá nhiều người, được phân ra từng nhóm nhỏ đang ngồi ăn sì sụp trong lều bạt dã chiến. Sau khi kiểm tra nhanh nhiệt độ, họ được đưa tới bàn khai báo tên tuổi, số điện thoại, điểm đến và nguyện vọng.

Đến lúc khai báo xong, họ được chia thành từng nhóm bốn người đưa vào từng phòng nghỉ ngơi và chờ ăn cơm từ thiện. Trong khi đoàn người nghỉ ngơi chờ ăn cơm, các chàng trai mặc áo bảo hộ xanh, xách thùng nhựa đi kiểm tra từng chiếc xe; chiếc nào có dấu hiệu hư hỏng, lập tức được liên hệ với chủ nhân để sửa chữa miễn phí ngay tại chỗ. Người nào còn khỏe, sau một lúc nghỉ ngơi ăn uống hồi sức, được cảnh sát tập hợp dẫn đường qua hầm chui Hải Vân ngay trong đêm. Ai sức yếu được bố trí nghỉ để sáng sau xe của các địa phương vào đón.

Cường và người phụ nữ đi từ khu nhà trọ Miếu Gạch ở Dĩ An - Bình Dương cũng chia tay nhau từ đêm ấy.

*

* *

Sáng hôm sau Cường được chia vào nhóm người tỉnh Thanh. Xe máy chằng trên xe tải. Người hồi hương được bố trí lên xe ca, phát quần áo phòng tránh Covid, chia mỗi người ngồi một băng ghế. Xe qua hầm Hải Vân lúc mờ sáng. Xóm chài vịnh Lăng Cô hiện ra ửng đỏ, đẹp như tranh thủy mặc. Những nếp nhà rêu phong, con đường sò điệp mơ màng, lá thuyền mỏng mảnh dập dềnh, những tràn lưới vắt cao im lìm. Nền trời quặn lên những vệt mây tê tê đỏ hồng. Rồi bất ngờ những tia nắng phớt vàng xòe ra, bung nở một ngày mới đầy hứa hẹn. Cường xoay mặt ra cửa sổ, ngắm nhìn như nuốt lấy phong cảnh buổi hừng đông. Có gì đó rất quen thuộc và thân thương, dù rằng phong cảnh xóm vịnh chài Lăng Cô khác hẳn với làng Án Đỗ ở xã Thạch Bình quê anh. Sự quen thuộc thân thương ấy đến từ tình người. Xã hội đã không bỏ rơi những người như anh. Ở đâu cũng có những con người với tấm lòng hào hiệp luôn sẵn sàng dang tay chở che cứu đỡ. Cường chìm dần vào giấc ngủ chập chờn trên dặm đường thiên lí…

Xe qua cầu Đông Hà, Hiền Lương lúc nào Cường không hay biết. Chỉ đến lúc có người lay vai đánh thức, Cường mới biết xe đã dừng ở chốt kiểm tra Covid ở Hương Sơn - Hà Tĩnh. Chẳng biết từ lúc nào, những người từ thiện đã nấu sẵn cơm nước cho họ. Bữa cơm đạm bạc, nhưng có cá trích kho với dứa, canh cua rau muống, dưa dọc mùng và có nước chè xanh nóng hôi hổi. Bữa cơm từ thiện bên đường qua rất nhanh, rồi đoàn xe cứu trợ lại rù máy lên đường. Những chiếc xe ca bớt dần, bớt dần, tách đoàn ở lại Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Nghệ An… Khi băng qua Hoàng Mai vào ban đêm, đoàn xe chỉ còn lại tám chiếc, vừa xe đò vừa xe tải. Quái thật, ban ngày thì ngủ gà ngủ gật, nhưng ban đêm Cường lại không thể nào ngủ được. Chưa kể, đêm nay hạ tuần, trăng hối hả đuổi theo xe, hụp lên ngụp xuống ngoài cửa kính…

Anh nhớ trong một đêm trăng hạ tuần như vậy, đoàn xã tổ chức buổi sinh hoạt dã ngoại. Cuối buổi, dắt ống sáo trúc sau lưng, anh đến giếng Nghè, thổi say sưa bài Trên đường chiến thắng của Đinh Thìn. Đang thổi, anh nhận ra chị mặc áo phin cánh nâu, đứng tựa vào thành giếng. Lúc ấy tóc chị chảy xõa xuống, bềnh bồng bềnh bồng, bắt ánh trăng sáng lên lấp lánh, tung tẩy theo tiếng sáo làm anh không sao dứt ra được. Hết tân nhạc anh chuyển dân ca, Ngồi tựa mạn thuyền sang Yêu nhau cởi áo cho nhau. Tới điệu lới lơ quen thuộc thì tiếng sáo kéo được chị ngồi xuống bên cạnh. Ánh trăng bàng bạc rưới ướt đầm hai tấm thân đang ngún cháy. Họ nên đôi nhẹ nhàng thanh thản, cứ như cuộc đời đã sắp đặt sẵn vậy.

Thế nhưng cuộc sống nơi vùng bán sơn địa không dễ dàng như họ tưởng. Những thửa ruộng chỉ đi đường nông đã gặp đá ong. Nắng nhiều hơn mưa, đồi nương ngày một khô cằn. Cưới nhau năm trước, năm sau hai người dắt díu nhau vào Bình Dương làm công nhân, rồi sinh con đẻ cái. Đồng lương hai vợ chồng tính ra cũng tàm tạm. Nhưng ở phố cái gì cũng phải mua, lại tiền học cho con trai lớp lá, con gái lớp bốn, thiếu trước hụt sau, chẳng tích lũy được mấy. Thế rồi dịch Covid - 19 bùng nổ. Những tưởng chỉ một hai tuần sẽ dứt, ai dè nó loang ra, kéo dài hết tháng này qua tháng khác. Nhiều công ti xí nghiệp đóng cửa, sa thải công nhân. Một số gắng gượng, ngoi ngóp sản xuất cầm chừng. Đời sống công nhân sa vào cảnh khốn khó. Người lớn chịu khổ đã đành, nhưng còn trẻ con thì sao. Nước cùng chỉ còn cách về quê, bám lấy ruộng nương mà sống...

Xe qua cầu sông Chu lúc tờ mờ sáng.

Xe qua cầu sông Bưởi lúc bửng mặt trời.

Bao nhiêu háo hức, bao nhiêu âu lo ùa cả dậy. Quà cho mẹ, quà cho vợ con chỉ là bịch bánh mì sấy khô tẩm đường và hai hộp bánh cứu trợ mà anh ráng nhịn để dành. Thế nhưng khi xe dừng bánh, ủy ban huyện yêu cầu tất cả phải về khu cách li hai tuần để theo dõi. Đó là quy định bắt buộc phải chấp hành. Cũng may là vợ con anh về quê trước đó mấy ngày, đã được hướng dẫn cách li tại nhà. Chỉ còn bảy cây số nữa là tới làng Án Đỗ quê anh ở Thạch Bình, nhưng mà giờ sao thấy xa vời vợi.

Khi bước vào doanh trại quân đội dùng làm nơi cách li người hồi hương, Cường ngồi phịch xuống chiếc giường đã có sẵn chăn màn lính. Cô quân y đem đến cho anh khăn tắm, xà bông cùng chậu nhựa, nhỏ nhẹ nói:

“Chỉ mười lăm ngày thôi. Chịu khó thêm một thời gian, an toàn là trên hết anh ạ. Còn bây giờ anh cần gì cứ nói. Ở mỗi dãy nhà đều có sĩ quan trực ban.”

Cường nghe xong phẩy tay uể oải, định trả lời không sao, tôi có thể chờ được, nhưng không hiểu sao anh lại nói.

“Tôi xa quê đã bảy năm. Nếu có thể cô mua giùm tôi cây mía Kim Tân được không? Xưa mẹ tôi trồng đầu hè bụi mía Kim Tân giòn và ngọt lắm!”

H.T.T

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)