. NIÊ THANH MAI
Minh họa: Nguyễn Văn Đức
Chạng vạng, vài vệt sáng ở đâu đó phía chân núi xa hút mắt trước khi màn đêm sập xuống. Xe cộ nối nhau vụt qua khúc cua con dốc, thả lại những làn khói mờ. Đôi khi khét lẹt. Như thể ai cũng bận rộn.
Hai người đàn bà ngồi ở góc quán. Rượu rót mỗi người một li, cái li thủy tinh bé như mắt trâu, trong veo. Rượu cũng trong và thơm mùi gạo lúa mới. Cũng lạ, giờ này ở phố huyện nhỏ như lòng bàn tay ấy chẳng bao giờ thấy bóng dáng đàn bà ngồi lê la quán xá. Bởi giấc chiều là lúc đàn bà bận rộn nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa, quát bọn trẻ đi tắm rửa. Đại loại là làm việc nhà không ngơi tay.
Hai người đàn bà ngồi ở góc quán kia đều sinh ra ở buôn Pang, nơi từ xưa tới nay con gái nổi tiếng đẹp nhất huyện. Suốt ngày đội nắng dầm mưa lên nương rẫy nhưng da cô gái nào cũng mịn như trứng gà mới bóc. H’Thu và H’Thy cũng thế. Hai đứa con gái lớn lên cùng nhau. Xinh như nhau. Chỉ khác mái tóc của H’Thu xù lên, xoăn tít và vàng óng. Còn H’Thy thì cái gì cũng đen, tóc đen, mắt đen và thêm hàng lông mày đen tuyền, rậm rì. Thanh niên trong làng vất vả, vừa suốt ngày lượn quanh hai cô gái vừa canh đám thanh niên làng bên nhăm nhe sang tán tỉnh. Chỉ đến khi Long đến làm rể ở nhà H’Thu, còn H’Thy khăn gói theo chồng xuống ở luôn trung tâm huyện thì nhà mới bặt hẳn tiếng chó sủa. Sau nhiều trận rượt đuổi những gã thanh niên người Kinh mà không làm gì được, thanh niên buôn Pang kéo nhau sang nhà có con gái mới lớn khác.
Đàn ông trong ngoài buôn Pang ghen tị với Long, anh chàng công nhân quanh năm mặt mũi lấm lem vì bụi đá xám xịt mà lại có được cô vợ đẹp. Lúc nghe lời trêu ghẹo của đàn ông cùng khu mỏ đá, Long chỉ cười. Nhưng đến khi họ bâng quơ rằng có vợ đẹp thì phải giữ cho chặt, giấu cho kĩ như giấu đồ quý trong nhà, mà chồng đi biền biệt cả tuần mới về nhà đấy thôi thì ruột gan người đàn ông xa nhà nóng phừng phừng.
Nhưng chuyện khác mới làm Long đứng ngồi không yên. Chuyện mà chẳng bao giờ mở miệng nói được với ai. Thằng đàn ông khi không tự tin thì cái gì cũng sợ. Mà đau nhất là khi thằng đàn ông ấy không tự tin trên chính chiếc giường trong buồng ngủ nhà mình. Vật vã cả đêm. Ngồi lên. Nằm xuống. Vày vò. Hết thở hồng hộc rồi lại lăn đùng xuống giường. Cố lắm mà cái thằng mình cứ xìu xìu. Vợ lăn quay mặt vào vách, vờ như buồn ngủ lắm rồi. Nhưng lâu lâu nghe tiếng thở ra se sẽ thì muốn độn thổ. Thế nên chuyện Long ghen tuông cũng bình thường. Yêu vợ thì phải giữ. Mà giữ thế nào khi lần nào cũng hì hà hì hục leo lên leo xuống rồi lại thở dài đánh sượt như thế.
Long sợ đàn ông khác đến gần vợ vì nhiều lẽ. Mà cũng vì ghen tuông lúc nào cũng thường trực. Hôm ấy, cái ngày cuối tuần Long về nhà, H’Thu đang lúi húi dưới giàn cây khổ qua ngoài vườn. Anh hàng xóm ở bên kia rào gọi với sang, vừa hỏi han vừa chỉ cho H’Thu cách hái trái khổ qua rừng phơi khô để nấu nước. Loại nước ấy chữa được nhiều bệnh, tim mạch, ung thư, nhất là với người già. H’Thu khen anh biết nhiều thế, nhà em trồng cây khổ qua bao nhiêu năm nay, ngoài việc hái trái nấu canh, làm gỏi, rồi bứt dây, vò lá nấu nước tắm rôm sảy cho mấy đứa cháu thì em chẳng biết nó quý thế đâu. Anh hàng xóm cười sang sảng, chuyện nhỏ mà, anh cũng biết thế thôi. Chuyện chỉ có vậy. Thế mà lúc H’Thu ôm cái rổ đầy trái khổ qua bước vào cửa, chồng vung tay tát một cái như trời giáng. Mắt Long vằn vện tia giận dữ, đàn bà mà lẳng lơ, bên hông nhà mình mà dám cười cợt với đàn ông, không sợ xóm giềng cười cho à. Tôi vắng nhà suốt năm suốt tháng mà cô cứ như thế thì trách sao đàn ông chúng nó không vo ve quanh cô như ong thấy mật ngọt. Vừa mắng, Long vừa vung tay ném vút con dao lên thân cây chùm ruột trước nhà. Mũi dao găm vào thân cây sâu hoắm. H’Thu sững sờ. Gương mặt của chồng tối sầm như trời muốn dậy sấm rồi đổ cơn mưa. Người đàn ông mà H’Thu gọi là chồng chẳng hiểu sao càng ngày càng chẳng giống như khi đang yêu. Long ngày ấy, chưa một lần nói lời to tiếng nhẹ, ai bảo gì thì chỉ cười đáp lại. Con gái trong buôn nhiều đứa cũng ưng bụng người con trai người Kinh, con nuôi của người nhà họ Hwing, người có cái nhìn hiền lành, chịu khó làm việc ấy lắm.
Sau cái lần tát H’Thu thì Long rất hối hận, nhưng nhất quyết không nói lời xin lỗi. Long lẳng lặng chuộc lại cái tát ấy bằng sự chăm sóc nhỏ nhỏ như pha cho vợ chậu nước ấm lúc tỉnh dậy, luộc củ khoai mì ủ sẵn trong nắm lá chuối khô, để trên bàn, cạnh cái giỏ xách cho vợ mang đến cơ quan ăn vặt với chị em. Dần dà, H’Thu cũng nguôi nỗi đau của vết năm ngón tay trên má. Cô cẩn thận hơn khi nói chuyện với đàn ông, dù là Long đi làm ở mỏ đá cách nhà năm mươi cây số cả tuần đằng đẵng. H’Thu cũng thu mình lại như con rùa rụt đầu rụt cổ vào mai.
*
* *
H’Thu được cơ quan cử đi học đại học tại chức ở phố huyện. Chồng gầm gừ, không đi đâu hết, đàn bà học gì cho nhiều. H’Thu tức tưởi, em học theo đợt chứ có đi suốt đâu, mà bây giờ không học là không theo được người ta. Anh muốn em kém chị kém em mãi đến già à? Rồi thút thít. Tấm tức. Long nghe vợ khóc, không có vẻ gì là mủi lòng. Mí Thu ngồi trên ghế kpan dài, thấy đứa con rể hầm hầm giận dữ thì lắc đầu. Thôi, con là đàn bà… hay là thôi đi, chồng đã không ưng bụng cố mà làm gì. H’Thu dằn dỗi, không được, cả cơ quan còn mỗi con là thiếu cái bằng đại học, không học thì người ta khinh cho, mà không học lúc này thì sau này có con làm sao đi xa cho được. Rồi cô bỏ vào buồng, bỏ cơm tối, khóc rấm rứt suốt đêm. Nghĩ không chịu được, đi học chứ có phải bỏ nhà đi mấy năm không về đâu.
Nói mãi mà vợ không nghe, Long mang rượu ra uống. Mẹ vợ hỏi cũng không trả lời, cứ tu ừng ực rồi lại đăm đắm nhìn ra đường. Đêm cũng không vào buồng ngủ, cũng chẳng thèm lấy chăn mền, cứ thế cuộn áo làm gối, ngủ luôn ở gian nhà ngoài.
Tinh mơ tỉnh dậy, H’Thu thấy chồng say nằm như chết ở ngoài bèn gọi điện cầu cứu H’Thy. Bạn chạy xe máy một mình từ huyện về, ngồi xếp bằng trước mặt Long, nói mãi. Rồi thì hứa là H’Thu sẽ ở nhà cô chứ không nơi nào khác. Rằng thì không học là sẽ lạc hậu. Rồi sau này giảm biên chế, vợ Long sẽ là người đầu tiên bị cho nghỉ việc vì không đủ bằng cấp. Nói suốt một buổi Long cũng xuôi xuôi. Nhưng H’Thu hiểu thực ra không phải vì chồng nghe ra lời trái lời phải, mà sâu xa hơn, chồng nể lời của H’Thy. Ngày xưa, nhờ cô ấy vun vào, suốt ngày tấm tắc khen Long tốt tính thì H’Thu mới mở lòng đón anh đấy thôi.
Minh họa: Nguyễn Văn Đức
H’Thu xuống phố huyện học tới tháng thứ hai thì gặp Biên trong hôm mà chồng H’Thy mời bạn bè làm ăn đến nhà dùng cơm. Người đàn ông ấy đã khen H’Thu suốt buổi rằng cô làm món gỏi khổ qua cá khô ngon nhất mà anh ta từng được ăn. H’Thu cười, ngại ngùng vì người đàn ông lạ cứ khen mãi. Suốt bữa tiệc, cái nhìn của người ấy luôn hướng về phía mình, vẻ như rất đắm đuối thì càng bối rối. Rồi vô tình, H’Thu gặp lại Biên ở ngay trước cổng trường đại học, khi chiếc xe cô đang đi tự dưng tắt máy. Trời đì đùng nổi sấm muốn mưa, thế là Biên bảo Thu đi xe mình, anh dắt đến tiệm sửa xe hộ cho. H’Thu bối rối quá, định từ chối, bảo là em tự dắt được. Nhưng nhìn xuống chân, đôi giày hơi cao, vạt yêng chạm gần mắt cá, thì đành gật đầu. Lúc đi chậm chậm sau xe mình, Thu nhìn thấy lưng áo Biên ướt đẫm, dù lúc ấy trời đang nổi giông, gió thổi sàn sạt qua tai lạnh buốt. Gửi xe vào tiệm, Biên mời H’Thu vào quán nước bên cạnh ngồi. Quán vắng tanh, nhạc nổi lên dìu dặt, vừa chạm phải cái nhìn ấm nóng của mắt Biên thì lòng H’Thu dậy sóng.
Rồi tin nhắn của Biên dịu dàng đều đều bay đến điện thoại của H’Thu. Những tin nhắn nồng nàn như cái nhìn muốn hun đốt của Biên. “Anh nhớ em quá.” Chao ôi, lời ấy, H’Thu chưa nghe ai nói bao giờ, chồng có bao giờ gọi thế ngay khi H’Thu còn là một cô gái đôi mươi. Cả khi cô xuống phố huyện học mấy tháng nay, mỗi khi điện thoại chồng cũng chỉ hỏi ăn cơm chưa, có mệt không, có đi chơi đâu không. Còn Biên, anh dịu dàng dành cho H’Thu quà đắt tiền kèm những cử chỉ nồng nàn biết mấy. Những túi xách, mĩ phẩm, váy lụa mềm mại, cả những chiếc đầm ôm sát, ngắn chênh vênh khoe đùi thon trắng mướt. H’Thu lắc đầu, em nhận làm sao được, không quen dùng đâu. Biên cười, có gì mà không quen, em nhận cho anh vui. Thì nhận, vì lời nói của Biên rất ngọt ngào. Chỉ trong chớp mắt, khuôn mặt anh rất gần, phả hơi nóng vào mặt cô, bàn tay dịu dàng khẽ lướt từ vai xuống hông, nụ hôn lướt trên trán xuống môi nóng rẫy. Thốt nhiên Biên siết lấy H’Thu, mạnh đến mức khiến cô muốn ngợp thở. Biên rít lên dũng mãnh như con hổ đực, dữ dội như cơn cuồng phong ập xuống H’Thu. Cứ thế, cô mê đi, bồng bềnh như thể đó là lần đầu tiên được nổi trên mặt nước.
H’Thu yêu Biên. Càng yêu Biên cuồng nhiệt thì cô lại càng sợ hãi khi nghĩ đến Long. Lần nào về nhà, hễ nằm xuống cạnh chồng là cảm giác lạnh như chạm vào khối đá sau trận mưa lại ùa đến. Nhất là lúc bàn tay chồng lướt qua hông, qua eo, mơn trớn trên bờ vai tròn lẳn. H’Thu đã cắn chặt môi khi chồng nhỏm dậy, chồm lên người mình. Có hôm, khi cô nhè nhẹ nhấc tay của chồng đang quàng trên ngực xuống thì Long bật dậy, gầm gừ. “Đi xuống phố, gặp người phố. Về đến nhà thấy chồng quê mùa cục mịch thì chê à?” “Anh đừng nói thế. Em đi đường xa về thì mệt. Người chứ có phải trâu bò đâu mà không có lúc này lúc kia.” “Trâu bò có dẫn lên rừng, có thả ở đấy thì cũng vẫn nhớ đường về nhà. Chứ người thì chẳng biết được.”
Long cởi phăng cái áo đang mặc, vò nhàu rồi ném vào góc buồng. H’Thu nằm xuống giường, se sẽ quay mặt vào vách. Cô im lặng, muốn kết thúc câu chuyện sắp đến lúc căng thẳng. Cô sợ nếu nói thêm điều gì đó, chồng sẽ nổi giận. Anh đã nhìn chằm chằm vào vợ suốt từ lúc cô bước chân vào nhà, gặng mãi cái áo hôm nay sao lạ thế. Mùi thơm trên người của cô sao giống người ở thành phố quá.
Cứ thế, chồng cứ ngồi yên ở cuối giường, rất lâu, lúc sau thì xích lại gần H’Thu, khều nhẹ. Cô giả vờ như đã ngủ. Được một lúc thì Long leo hẳn lên người vợ, thở hồng hộc. H’Thu rít khẽ , đẩy chồng ra yếu ớt. Chồng cứ mặc kệ. Cô mím chặt môi, muốn khóc. Nhất là khi Long rơi đánh phịch xuống giường, đạp tung chăn mền xuống đất phẫn uất, thằng đàn ông mà không làm nổi nghĩa vụ của thằng đàn ông thì đau đớn đến thế là cùng.
*
* *
Biên đưa H’Thu đi cùng trong các cuộc làm ăn. Em thừa sức thuyết phục đối tác của anh. Nhưng em không biết làm gì. Em không phải làm gì cả, cứ ngồi yên ở đấy, cười, rót rượu, hết li này rót li khác. Uống rượu tốt là một lợi thế, em làm sao thuyết phục đối tác chịu kí hợp đồng cho anh là được. Nhưng phải nhớ là không được nhìn anh đắm đuối ở những cuộc ấy. Đàn ông có bá vai bẹo má cũng kệ nhé. Anh không ghen thì thôi chứ em thì ngại gì, Biên thì thầm. Thu ngạc nhiên quá, tình yêu của Biên rất khác với chồng Thu, cứ tưởng rằng yêu là nhốt kín trong bốn vách gỗ tường nhà, là sở hữu, người đàn ông khác mới nhìn chằm chằm người đàn bà của mình thôi đã giận sôi máu rồi. Vậy mà Biên lại bảo Thu mặc kệ cho bàn tay người đàn ông nào đó đặt lên đùi. Thậm chí bàn tay ấy còn có quyền nhởn nhơ luồn vào phía trong lớp váy ngắn cẫng, bó chặt mà anh nhất nhất tự chọn ở cửa hàng quần áo cao cấp cho cô.
Chuyện của Biên, những gặp gỡ H’Thu biết mà cũng chẳng biết mấy, vì khi cần thiết, Biên sẽ ra hiệu cho H’Thu ra ngoài vờ như tút tát lại son phấn trong phòng vệ sinh, khi quay lại thì mọi việc đã bàn xong, chỉ việc nâng li chúc mừng thành công tốt đẹp, nhân dịp người đẹp quay lại bàn và đẹp hơn lúc nãy. Rượu sẽ rót tiếp tràn trề, đến khi nào không thể nhớ được ai sẽ đưa mình về nhà tối nay. Và Biên không tiếc tay mua tặng Thu quần áo, trang sức. Thậm chí cái túi xách anh tặng có giá gần bằng chiếc xe máy mà vợ chồng cô phải tiết kiệm cả năm mới mua được. Có lần, khi Thu đang ướm thử trước gương sợi dây chuyền lấp lánh, anh cười mãn nguyện. “Sợi dây chuyền bé tí ấy bằng một năm lương của một đứa công nhân ở mỏ đá đấy nhé. Cẩn thận.” Thì đấy, Biên yêu Thu thế, hỏi sao lại tiếc mình khi Biên bảo giúp anh việc này việc nọ. Mà cũng vất vả gì mấy, chỉ là diện quần áo thật đẹp, trang điểm lộng lẫy, ăn uống một cách khẽ khàng, thi thoảng nhoẻn cười trong phòng VIP thôi mà.
Một đôi lúc sau những cuộc hẹn hò với Biên trở về, Thu giật mình, tự hỏi không biết Biên có phải là ông chủ khắc nghiệt của công ti mà Long đang làm việc hay không. Sao giữa chủ với công nhân lại có thể khác biệt như thế chứ. Có lúc nào trên người Biên bám chút bụi đá xám như Long đâu. Nhưng chỉ nghĩ thế chứ H’Thu không dám mở miệng hỏi bao giờ. Biết đâu anh sẽ cười khẩy, bảo sao em đẹp thế này mà lấy gã chồng kém cỏi thế, chỉ là thằng công nhân quèn trong mỏ đá của công ti anh thôi à.
*
* *
Yêu nhau phải giấu đâu có là điều dễ dàng. Mà H’Thy thì tinh ý lắm, nhất là vài hôm lại thấy Biên ghé nhà chơi, lúc vô tình, lúc bảo có việc. Cô ngạc nhiên khi có hôm thấy H’Thu bước ra chào khách của chồng mình nhưng trang điểm kĩ lưỡng, phơn phớt má hồng, môi thoa son đỏ rực, váy lơ lửng trên đầu gối chứ không mặc yêng chấm mắt cá như cách cô ấy vẫn mặc. H’Thy gặng hỏi có phải H’Thu đang qua lại với người đàn ông ấy không. “Mình yêu anh Biên...” H’Thu thổn thức, không phải cách mà cô từng nói với H’Thy khi báo tin ngày mai cậu mình sang nhà cha mẹ nuôi của Long hỏi cưới làm chồng. Lúc ấy H’Thu đã hồi hộp, run rẩy và hạnh phúc lắm, bây giờ cô cũng run rẩy nhưng kèm theo sợ hãi. H’Thy nghe chưa hết câu giận dữ quát lên. “Yêu một người đàn ông mà H’Thu nói dễ dàng thế? H’Thu biết về anh Biên bao nhiêu? Gặp anh Biên được bao nhiêu lần mà bảo yêu, bảo hạnh phúc?” Người H’Thy run lên vì giận đứa bạn thân của mình. Cái đứa mà cả tuổi thanh xuân ngoan ngoãn nép sau lưng chồng, không bao giờ đi đâu khỏi cơ quan và buôn Pang lại đang thổn thức vì người đàn ông mới gặp được vài tháng. Mà người đàn ông ấy xa lạ đến mức H’Thy còn chẳng biết gì nhiều về anh ta, ngoài việc anh ta có nhiều tiền, khôn ngoan không ai bằng. Nghĩ rồi thấy giận, hai đứa chơi với nhau chẳng bao giờ giấu việc gì, đến cái việc chồng giận ban sớm, ban tối khều chân gọi em ơi em à, thôi mình đừng giận nhau nữa nhé, rồi rinh rích cù vào nách nhau còn có thể kể cho nhau nghe được. Thế mà bây giờ H’Thu qua lại, yêu đương với Biên suốt mấy tháng nay lại không hé với H’Thy nửa lời. Cái kiểu yêu nhau đắm đuối ấy như ngọn đuốc giấu trong túi vải, giấu thế nào được mà giấu.
Bạn bảo không hiểu vì sao, nhưng H’Thu hiểu Biên rất khác, yêu chiều và nâng niu cô biết bao nhiêu. Đến hôn cũng nâng niu, đến việc gỡ dây áo trên vai trần của cô cũng khẽ khàng và cuồng nhiệt đến tận cùng đâu có giống như Long. Kể cả Long đôi lần biện hộ rằng vì quanh năm suốt tháng làm việc trong mỏ đá gần trụ đường dây điện cao thế ảnh hưởng từ trường nên sức đàn ông khỏe đấy nhưng chưa bao giờ làm đàn bà được hạnh phúc thì H’Thu cũng kệ, chẳng tin, chẳng quan trọng gì nữa…
Hai người đàn bà ngồi ở góc quán lúc trời chiều chạng vạng. Rượu rót bao lượt, khóc lóc, kể lể mãi mà lòng cứ tỉnh như không, nhói buốt đến tận đỉnh đầu, đau đớn tột cùng.
“Có phải Long phát hiện ra chuyện yêu Biên không?”
“Không phải.”
“Thế khóc vì lí do gì?”
H’Thu lại gục đầu xuống bàn tức tưởi, vai lại run lên từng chập. Trời ơi, nói thế nào đây, nói với bạn rằng đêm trước Biên đưa H’Thu đi cùng để tiếp đối tác. Đối tác X là ông chủ lớn, lớn hơn cả anh, là người có quyền và rất nhiều tiền. Ông chủ quyết là dự án mở rộng khu mỏ của anh sẽ thông, kể cả bên kia núi là đất cấm khai thác vì gần chân trụ đường điện cao thế. Mà dự án này rất nhiều công ti đang nhăm nhe vào, cũng quyết liệt lắm, em phải giúp anh. Giúp thế nào. Thì em cứ xinh đẹp nhất, lả lơi nhất, làm thế nào để ông chủ X chịu kí hợp đồng với công ti anh là được. Anh mặc kệ người yêu mình cho người ta làm gì cũng được à? Sao lại mặc kệ, anh yêu em mà, nhưng anh phải lo cho cả mấy trăm người, cả mấy trăm công nhân trông vào anh, em giúp anh nhé. H’Thu thầm nghĩ trong mấy trăm công nhân “trông vào” ấy có lẽ có Long. Mà thôi, cũng chỉ uống rượu như mọi lần thôi mà, chẳng sao đâu. Thế là váy áo, nước hoa, bước ra khỏi nhà mà thơm nồng nàn. Nhìn H’Thu như con gái phương Tây, nhất là khi đôi mắt mơ màng mi cong vút chớp nhẹ nhìn xoáy lấy người đối diện thật khó chối từ điều gì. Một li, hai li, ba li… Rượu vang chảy như suối, đỏ rực như sóng mắt hau háu của ông chủ X nơi cổ áo khoét sâu lộ vồng ngực nây nẩy.
Biết bao nhiêu chai đã bật nút không rõ nữa. Chẳng biết rượu vang ngấm từ khi nào, ngây ngất từ khi nào, khi H’Thu giật mình tỉnh dậy thì trời đã sáng, trần như nhộng tơ hơ trên giường, bên cạnh là ông chủ X ngáy phò phò. Cơ thể H’Thu nhàu nhĩ và đau nhức giống như tấm yêng bị người ta vầy vò dưới suối suốt đêm. Chẳng lẽ kể với H’Thy rằng mình bị Biên dâng cho ông chủ X. H’Thy sẽ rú lên rằng thấy chưa H’Thu ơi, sao mày ngu quá, mày như món hàng chơi đùa chán người ta sẽ nhượng sang cho người khác đấy thôi.
Mà cuộc gọi nào dành cho Biên cũng ở chiều đi.
Mà chiều đi không đáp lại.
Cứ chờ mãi…
*
* *
Vào một ngày trời đổ mưa giông, H’Thu nhận được cuộc điện thoại từ người công nhân mỏ đá, giọng gấp gáp: “Chị là vợ anh Long đúng không? Sập mỏ đá, sập núi, công nhân bị đá đè. Người chết, nhiều người bị thương.” “Chồng tôi… có… có… nặng… không anh?” “Chúng tôi không biết. Mìn nổ, đá sập, chỉ toàn thấy máu. Có anh Long nhà chị trong số công nhân bị thương đang cấp cứu ở bệnh viện thành phố rồi. Chị vào viện ngay đi.”
H’Thu sấp ngửa chạy đến bệnh viện, vừa chạy vừa khóc, vào đến nơi kịp kí giấy tờ để đưa chồng vào phòng mổ. Công nhân, người thân của người bị nạn trong mỏ kéo đến chật cả sảnh bệnh viện. Tiếng gào thét, chửi rủa vang vọng không ngớt.
“Thằng chủ chó chết. Thằng chủ khốn nạn. Đã có lệnh dừng khai thác mà nó cứ cố, bắt anh em làm lén để trốn công an, trốn chính quyền. Thằng chủ mỏ đá chó chết ấy. Nó phải chịu trách nhiệm. Nó phải chịu trách nhiệm... Phải băm vằm nó ra mới hả…”
Đám công nhân mình mẩy dính đầy bùn đất cứ gào lên từng đợt. H’Thu ngồi thừ trên ghế ở trước cửa phòng cấp cứu, không biết Long và những người công nhân mỏ đá trong dãy phòng mổ đèn đóm sáng choang kia sẽ được cứu thế nào. Chao ôi là buốt nhói trong lồng ngực, mới ban sáng Long còn gọi điện bảo cuối tuần sẽ về, tranh thủ đưa vợ lên bệnh viện ở thành phố khám sức khỏe, dù gì cũng phải nghĩ đến việc chữa trị để rồi có con, chồng có đi làm xa cũng có con cái cho vui cửa vui nhà. H’Thu bật khóc, cô chẳng biết H’Thy đến bên từ lúc nào, ôm lấy dỗ dành, rằng Long không sao, có người bảo Long là nhẹ nhất trong số những công nhân bị nạn.
Vừa lúc ấy cơn sóng công nhân mỏ đá rùng rùng chuyển động vây lấy nhóm người len lén định ra xe đậu trước cửa viện.
“Túm lấy chúng nó. Lũ lắm tiền độc ác. Chúng mày phải chịu trách nhiệm gây ra. Chúng mày không thoát được đâu. Đứng lại ngay lũ chó chết kia. Mạng sống con người chứ cỏ rác à…”
Bảo vệ không ngăn được đám đông, người lôi lại kẻ giằng chạy hỗn loạn cả một góc. Qua lớp khẩu trang, giữa những ầm ĩ và sự gào thét om xòm ấy H’Thu sững sờ khi thấy một hình bóng rất quen. Phải, là Biên chứ không ai khác, và đám người đi cùng Biên, họ đã ngồi trong bàn tiệc cùng cô không biết bao nhiêu lần. H’Thu không thể nào lẫn được, kể cả khi trời chạng vạng đổ chiều chập choạng như hôm nay.
N.T.M
VNQD