Chiều buông bãi giữa

Thứ Năm, 18/11/2021 16:54

. ĐỖ BÍCH THÚY
 

Tôi đã từng đặt chân lên những cồn, cù lao giữa sông Tiền sông Hậu mênh mông vùng Tây Nam Bộ. Ở đấy nhiều khi là cả một xã với hàng vài trăm hộ dân sinh sống, có cả nhà thờ, tu viện… Nhưng những dòng sông ngoài Bắc nhỏ hơn nên chỉ có thể có những bãi bồi, như là bãi giữa của dòng sông này.

Bãi giữa là nơi người ta trồng rau màu. Có lẽ là mỗi năm lũ lên, phù sa đọng lại và phủ trên mặt bãi bồi một lớp màu mỡ, đã đủ cho cỏ cây sinh sống suốt cả những tháng còn lại của mùa khô. Nhiều nhất là ổi, ngô, các loại rau đậu, củ.

Chiều chủ nhật, mặt trời như cái mâm đỏ ối đang chìm dần xuống đầu vào thành phố của cây cầu. Xe cộ nườm nượp từ ngoại thành đổ vào. Mai là ngày bắt đầu một tuần mới, công chức từ quê sẽ tất tả trở lại, ồn ã và luôn tắc nghẽn ở các cửa ngõ. Những cây cầu bỗng trở thành nút cổ chai, dòng người nghẹn lại. Bên dưới bãi, một em bé gái đang tưới rau. Em mặc một chiếc váy cộc đến đầu gối với những bông hoa nhí li ti. Hôm nay là ngày nghỉ chứ nếu không thì có lẽ giờ này mới tan học và đang tung tăng về nhà. Em cầm chiếc ô roa trong tay, nghiêng nó xuống luống rau bắp cải xanh nõn. Những tia nước rào rào chảy. Tôi nhớ tôi của năm nảo năm nào, múc nước dưới ao lên và tưới những luống rau mẹ trồng sát bờ ao. Cái ô roa to, nếu ngồi thì tôi chẳng lớn hơn nó mấy tí. Tôi chỉ múc được một phần ba, vì nặng quá. Và dùng hai tay mới tưới tắm được cho lũ cây. Đấy là việc tôi thích làm nhất trong ngày để giúp mẹ. Vì tôi cứ cảm giác rằng lũ cây luôn reo lên khe khẽ, vui vẻ đón nhận những tia nước ngọt lịm. Tôi cũng nghĩ rằng em bé kia đang thích thú lắm. Những luống bắp cải mới trồng, còn chưa cuộn. Nếu không bón thúc bằng hóa chất gì (hi vọng thế), thì cũng phải đến Tết nó mới cuộn và thu hoạch được.

Em bé tưới hết nước trong cái ô roa, thì mẹ em, có lẽ vậy, lại mang tới một cái ô roa khác, và rót nước vào đấy cho em. Bên cạnh đấy, bố em đang trồng những cây cải canh xuống luống đất mịn tơi phẳng phiu màu nâu thẫm, và bà ngoại - lại cũng có lẽ vậy - thì đang bắc những ngọn đỗ đũa vào cái giàn bằng cây sậy mới dựng lên. Họ thong thả làm việc trên mảnh đất được hình thành bằng phù sa bồi và sự dịch chuyển của dòng chảy hàng trăm năm trước, không hề ngẩng lên một lần nào để nhìn dòng xe cộ đang trôi đi trong mỏi mệt, cáu gắt, như là vô định về phía nội đô.

Sáng nào tôi cũng đi làm qua cầu, và sáng nào cũng bắt gặp những chiếc xe máy được nổ máy nhưng dắt bộ từ phía dưới bãi lên mặt cầu. Cái dốc ấy gần như dựng đứng, chắc độ dốc phải vào bốn lăm - năm mươi độ. Và nó lại hẹp. Nếu có người từ dưới chuẩn bị lên thì người bên trên phải dừng lại chờ, và phải đứng tránh ra một bên để người với xe có chỗ. Dắt cái xe máy lên mặt cầu là cả một kĩ năng mà tôi nghĩ rằng chỉ có sự khó khăn và không lựa chọn nào khác thì người ta mới làm được. Bởi vì lên đến cầu là lao thẳng vào dòng xe đang trôi vun vút. Làm thế nào để xe lên đến đỉnh dốc, tức là lên đến phần đường của người đi bộ chỉ rộng chừng 50cm mà không tiện ga lao thẳng xuống phần đường xe máy? Thế mà người ta vẫn cứ thản nhiên cho xe lên. Sau xe có khi còn chở cả một bao ngô vừa hái.

Ngày lại ngày, chiều lại chiều, em bé kia rồi sẽ lớn lên thôi. Nhanh lắm. Và cuộc sống khác, có lẽ vậy, sẽ chờ em ở đâu đó sâu trong kia. Nhưng rồi cũng sẽ giống như tôi, đi đâu thì đi, em ấy cũng sẽ rất là nhớ những buổi chiều cầm cái ô roa và tưới tắm cho những luống rau. Cây cỏ hồn nhiên, không bận tâm đang sống ở đâu, chỉ cần có đất, có nước, có ánh sáng là được.

Nếu như con người cũng hồn nhiên như cỏ cây thì thành phố này sẽ yên bình biết mấy.

Đ.B.T

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)