Chuyện nhỏ của người anh hùng

Thứ Hai, 18/10/2021 00:32

. HỒ TĨNH TÂM
 

Tôi gặp thiếu tướng Phan Văn Minh (bí danh Tứ Hải), Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam vào một ngày đầu năm 2021. Ở tuổi 76 nhưng ông Hai Minh vẫn khỏe và minh mẫn, kể chuyện rạch ròi đâu vào đấy. Tôi ngồi nghe chuyện, thấy cảm tình và thích ông ngay lập tức. Chẳng phải vì chuyện ông sinh đúng ngày 19/8/1945, ngày dân ta nổi dậy khởi nghĩa cướp chính quyền cả nước, mà tôi thích vì những mẩu chuyện đời thường của ông rất riêng, không lẫn vào đâu được…

 

Tuổi thơ ở đất cồn

Câu chuyện hấp dẫn ngay từ đầu. Ông Hai Minh kể cha mẹ mình lấy nhau vào năm 1944, đám cưới nhà nghèo đơn giản: giết cặp vịt, nướng vài con cá, nấu nồi cơm trắng, cô dâu chú rể vận bộ đồ vải bố tời lành lặn thắp nhang vái lạy ông bà. Rồi hai bên nội ngoại hùn nhau cất cái chòi lá ngoài vườn, mua cái khạp sành đựng nước, một cái nồi đất nấu cơm, hai cái chén, hai đôi đũa làm của hồi môn - từ đây hai vợ chồng phải tự lo liệu với nhau, bám bấu vào nhau làm lụng mà sống. Họ cưới năm trước, năm sau sinh được người con trai đặt tên là Phan Văn Minh.

Cuộc sống quá kham khổ, thêm nữa nhà gần đồn giặc nên lính khố xanh khố đỏ qua lại dòm dỏ, hạch sách, làm khó làm dễ hoài, bởi vậy cả nhà phải dời ra cồn ở Rạch Hố, cách một con sông, một giang ruộng. Nói là nhà, nhưng thực ra cũng chỉ là cái chòi lá, cất de ra dưới rặng bần trên mặt con rạch, sàn được lót bằng vạc tre. Nơi đây hoang vắng, chỉ lèo tèo mấy nhà, mọi việc đi lại vẫn phải dựa vào xuồng. Nhưng dù đã sống ở nơi heo hút cách trở, giặc Pháp vẫn không để yên, vẫn cho lính Hòa Hảo sang cướp bóc của cải và hãm hiếp phụ nữ. Mỗi lần như vậy cả nhà lại xuống xuồng trốn qua cồn bần. Cồn bần là cái cồn non, xung quanh dày đặc bần de bần ổi, còn trên cồn mọc đầy lau sậy. Chui lủi trong các đám sậy cao lút đầu người, cậu bé Hai Minh bẻ măng sậy làm viết, viết nguệch ngoạc vào bàn tay vào bắp đùi. Mẹ phải la. “Mình đi trốn mà mầy bẻ măng sậy lóc bóc vậy, lính Hòa Hảo nghe được nó giết cả nhà thì sao.” Minh nghe mẹ nằm im, thâm tâm non nớt có điều gì đó vừa vỡ ra…

Đến năm 1949, ba mẹ sinh cho Hai Minh người em trai tên Phước, đó cũng là năm thực dân Pháp ra tay đàn áp dã man, giết nhiều người dân vô tội mà chúng nghi là người của Việt Minh. Chúng giết lẻ từng người bằng cách trói chân tay rồi dùng búa đập đầu. Ghê rợn hơn, nhiều lúc chúng xỏ dây thép vào tay, bắt xếp thành hàng rồi đập đầu hàng loạt. Thây nổi lềnh bềnh trên sông lớn; thây đàn ông nằm sấp, phơi tấm lưng đen sạm lên trời nứt toác, thây đàn bà nằm ngửa, bụng trương ra nứt nẻ. Cảnh rùng rợn ấy thường xuyên đập vào mắt Hai Minh, khiến cậu sợ ma ngay từ nhỏ. Người cha biết điều ấy, nên hàng đêm vẫn ngủ chắn ngay ngoài cửa, che cho ba mẹ con ngủ sát vách lá. Vậy mà vào những đêm gió giật vách lá phành phạch, Hai Minh giật mình thức giấc bao giờ cũng thấy một người phụ nữ tóc quăn từ dưới con rạch nhô đầu lên, dùng hai bàn tay gầy guộc kéo chiếc gối của cha. Cứ bà ta kéo chiếc gối gần tụt khỏi đầu, thì cha ông quờ tay kéo lại. Sợ quá, cậu thúc cùi tay vào người mẹ, đánh thức mẹ, nói cho mẹ biết, có ma đang kéo gối của cha. Mẹ ông vỗ vỗ lưng con. “Mầy thấy người chết trôi sông nhiều quá nên tưởng tượng ra, chứ làm gì có ma. Ngủ đi. Ngủ lấy sức để sớm mơi còn giúp cha đi gỡ cá…”

Cùng năm này Hai Minh được cô Năm, bà Chín dẫn đi thăm người chú ruột tên là Tư Lù, bộ đội Tiểu đoàn 308, trúng thương đạn cà nông trong chiến dịch Cầu Kè. Bấy giờ chú Tư đang bị băng trắng bụng, nằm chung trong dãy nhà tre lá, cùng rất nhiều thương binh gãy tay gãy chân, dập mũi lủng mắt, bể đầu lòi ruột…, gặp được cháu ruột vẫn ráng gượng cười, xoa đầu nhờ về nói với ba má cho xin vài chục giạ lúa, bộ đội mình đang đói.

- Tôi không bao giờ quên được người chú giống ba mình như đúc, dù chỉ gặp một lần duy nhất ấy, bởi sau đó, chú Tư đã trút hơi thở cuối cùng trên đường chở bằng ghe về trạm quân y bên huyện Cái Sách của Hậu Giang... - Ông Hai Minh nói với tôi rồi lại lập tức chìm vào kí ức...

Những năm tiếp sau cha mẹ lần lượt sinh cho Hai Minh người em gái tên Trường và người em trai tên Thọ. Bấy giờ ông bà nội thương gọi cả nhà về sống tại xã An Nhơn, chia cho gần hai công đất làm ruộng. Vợ chồng lần hồi quật sức ra khẩn đất hoang của nhà địa chủ Bác Vật Thanh được mười một công ruộng nữa, nhưng bị thu tô hàng năm hết sáu chục phần trăm nên vẫn phải vất vả làm thuê làm mướn thêm để kiếm sống nuôi đàn con nhỏ. Hai Minh chẳng thể nào quên chuyện xảy ra lúc mẹ có bầu em Hữu, gần đến ngày sinh vẫn phải cùng chồng đi vác lúa trong mùa gặt. Hôm ấy bà đội cả giạ lúa xuống xuồng, gặp lúc nước ròng, bị lún sình gần lút đầu gối, không làm sao rút chân lên được. Giạ lúa nặng trên đầu đè xuống, bà càng cố nhúc nhắc, hai bàn chân càng bị lún sâu, mà nước thì đã lên tới bụng, thả giạ lúa xuống thì có nghĩa giạ lúa bị chìm bị mất. Bà gọi to chồng cầu cứu, nhưng ông ở xa không nghe được. Cũng may ông thấy vợ đi lâu quá chưa trở lại đội giạ lúa khác nên sinh nghi chạy xuống sông coi cho biết có chuyện gì xảy ra. Khi ông đỡ được giạ lúa đang đội trên đầu thì bà cũng lăn ra bất tỉnh.

Năm đó cũng là năm bệnh đậu mùa hoành hành khắp Nam bộ. Bốn anh em trái rạ nổi khắp mình, người lúc sốt nóng hầm hập, lúc lạnh cóng run xương, môi nứt toác rướm máu, người ốm tong ốm teo. Cha mẹ lo toan chạy vạy đủ điều suốt hơn hai tuần lễ, nhưng chỉ cứu sống được Minh và Phước, còn em Trường và Thọ lần lượt qua đời. Nhưng từ trong nỗi đau thương tột cùng ấy cha mẹ Hai Minh càng yêu thương các con hơn, chắt chiu từng đồng cắc nuôi nấng, mong các con lớn thành người có ích cho dân cho nước… Phải thế chăng mà khi cha mẹ biết cậu lấy trộm sắt của nhà cùng Ba Đê (một người kháng chiến cũ) làm bia mộ cho ba người lính Việt Minh bị giặc Pháp giết thả trôi sông đã không trách mắng, còn đưa thêm, và dặn hai chú cháu cẩn thận…

 

Thuở ban đầu là người chiến sĩ canh giữ trại giam

- Anh biết bài hát Lá xanh của nhạc sĩ Hoàng Việt không? - Ông Hai Minh đột ngột hỏi.

- Có chứ.

Tôi đáp ngay, lẩm nhẩm hát: Lá còn xanh như anh đang còn trẻ. Lá trên cành như anh trong toàn dân. Gió rung cây cành lá tưng bừng đùa vui…

- Vậy chắc anh hình dung ra được không khí háo hức của những buổi lễ tòng quân, giai đoạn đầu nhân dân ta đứng lên kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Vậy nhưng với tôi thì khác, bởi lẽ tôi lặng lẽ trốn nhà đi kháng chiến lúc còn tuổi thiếu niên, làm gì có cảnh trống đánh cờ dong, cảnh bịn rịn chia tay người thân ruột thịt, cảnh người yêu tặng chiếc khăn tay và lời thề thủy chung chờ đợi…

Đợt ấy vào cuối những năm 1960, nhân bà Chín đi đám giỗ ông Sáu trong Nhân Lương, cậu thiếu niên Hai Minh xin cha mẹ cho đi theo. Khi xuồng đến An Thạnh - xã An Nhơn, thấy chị Tám Be trên bờ, cậu lập tức quay lại nhờ bà Chín về nói với cha mẹ là xin tha tội trốn nhà theo cách mạng. Chị Tám thấy cậu còn nhỏ lại tạng người ốm yếu nên hỏi bây đi đâu. Hai Minh ưỡn ngực, ngẩng đầu nói, đi làm cách mạng chớ đi đâu. Nghe vậy chị vỗ vai cậu gật đầu cười. “Cái thằng ngon nhen! Vậy thì đi theo tao.” Chị dẫn cậu đến gặp Hai Chà bí thư, Bảy Nghiêm phó bí thư xã, giới thiệu. “Cậu Hai này là người lối xóm với tôi, nay cậu tòng quân làm cách mạng, mấy anh bố trí công việc cho cậu làm.”

- Đơn giản vậy thôi?

Tôi hỏi, ông Hai gật đầu xác nhận. Nhưng có điều không đơn giản là hàng ngày Hai Minh phải đeo mã tấu, vác một bó chông sắt đi cặm xung quanh đồn giặc, ngoài ra phải len lỏi tuyên truyền cách mạng trong dân. Tới khuya thì bơi xuồng vào rạch Miễu Đỏ, giáp ranh hai xã Nhân Lương và An Khánh để ngủ. Một mình trong cái chòi giữa khu vườn hoang, nghe chim kêu cú rúc, nghe cóc nhái i uôm, nghe giun dế ri rỉ, cậu thao thức nhớ cha mẹ, nhớ các em đến thắt ruột, nước mắt trào ra. Nhưng rồi với hi vọng được cầm súng chiến đấu như chú Tư Lù, như Ba Đê, Hai Minh đã bền lòng hoàn thành công việc, vượt qua nỗi sợ ma da trôi nổi lập lờ dưới sông, chờ đợi ngày được trực tiếp cầm súng chiến đấu. Nhưng rồi sự chờ đợi ấy tắt ngúm khi Hai Chà nói sẽ đưa Hai Minh đi học lớp y tá, bởi cậu còn nhỏ và gầy yếu quá. Hai Minh giẫy nẩy từ chối, rằng cậu theo cách mạng là để đi bộ đội cầm súng chiến đấu, chứ theo cách mạng để học y tá thì thà ở nhà đi học còn hơn. Nước cùng, Hai Chà phải “lừa” nói sẽ chuyển cậu sang đơn vị bộ đội của ông Việt Hùng, nơi có nhiều súng tốt, cho thỏa ước mơ.

Hai Minh thấp thỏm chờ hơn tháng, đến một ngày đầu tháng 7/1961 được anh du kích chống xuồng đưa vào rạch Bà Giấm thuộc xã Phú Hựu bàn giao cho Tư Của ở trạm giao liên để chở đi tiếp. Lúc nghe Tư Của nói, ông Việt Hùng là phó ban an ninh huyện Châu Thành, về làm lính cho ổng là làm lính gác trại giam, mọi hi vọng lâu nay của cậu lập tức tan biến như bọt xà bông. Nhưng rồi Tư Của cứ nhỏ to tâm sự mãi, cuối cùng cậu cũng hiểu ra được tầm quan trọng của công việc giam giữ phạm nhân là bọn tề điệp, bọn chống phá cách mạng; giết chúng thì sai với chủ trương cải hóa con người của Đảng, còn để chúng sổng ra thì nguy hại vô cùng.

Trong buổi ban đầu chân ướt chân ráo nhận nhiệm vụ mới có rất nhiều chuyện làm Hai Minh bỡ ngỡ. Là lính gác phạm nhân, mà mỗi trại chỉ có một hai cây súng tự tạo, vài cây mã tấu, vài con dao găm; đôi khi anh em chỉ có bốn đến năm người, mà phải canh giữ tới bốn năm chục tù nhân. Cả ngày vừa thay nhau gác phạm, cảnh giới giặc càn, rồi kiếm rau, kiếm cá, nấu ăn cho mình và cho cả phạm nhân; chưa kể đào hầm ẩn núp tàu bay ném bom, đại bác bắn phá; chẳng còn thời gian cặm chông, kiếm lựu đạn gài giữ trại. Thế nhưng vẫn phải hù dọa phạm nhân đừng dại dột bỏ trốn, đạp nhầm hầm chông, trái nổ gài dày đặc xung quanh là đi đời. Khó nhất là phải giữ kín bí mật, tuyệt đối không được để phạm nhân biết trại đóng ở nơi nào.

Nhớ đêm đầu tiên được phân công canh gác từ chiều tới chín giờ đêm, nghe súng nổ dữ dằn trên hướng Phú Hựu, sáng ngày cậu lo lắng nói to với Bảy Thanh rằng coi chừng giặc sẽ càn xuống từ hướng Phú Hựu. Lập tức bị Bảy Thanh la rầy. “Nè, đã dặn kĩ nội quy rồi, sao lại nói như vậy?” Biết mình lỡ lời, nhưng là lính mới tò te, không phạm lỗi này thì cũng phạm lỗi khác, như phạm lỗi vụng về làm bể nồi cơm, khiến anh em và phạm nhân bị đứt bữa chẳng hạn. Số là lúc ấy, anh em phải dùng đất sét nắn ba ông đầu rau to đùng để nấu cơm bằng nồi đất bành ki tổ trảng cho ba bốn chục người ăn. Vo gạo xong, cậu khệ nệ bưng nồi đặt lên bếp, do vụng về sao đó, làm nồi lật nghiêng rơi xuống đất, nứt toác, gạo văng tung tóe, nước tràn tắt bếp, số gạo đã vo bị dính đất, coi như vứt bỏ phân nửa. Tối họp nhựt bình, Hai Minh nhận lỗi và hứa sẽ nghiêm khắc sửa chửa. Nhưng sửa lỗi đâu phải chuyện dễ, bởi nấu cơm bằng nồi đất, với thứ gạo vừa mốc vừa dò hơi bằng lá chuối khô, cơm chín thế nào được. Trên sống dưới khê bốn bề nhão nhoẹt là thường tình. Cơm đang sôi mà lá chuối khô hết nửa chừng làm sao cơm không sống nhăn sống sượng...

- Nhắc chuyện coi trại cũng lắm nỗi vui buồn, bi hài.

Ông Hai Minh quơ tay một vòng tả cái nồi đất khi xưa mình làm vỡ. Rồi lan nhớ sang chuyện tù bỏ trốn, như lần anh Ba Thiên (Phan Thuận Thiên) là phó ban an ninh huyện Châu Thành kiêm cán bộ hỏi cung, gọi cậu dẫn tên Cư là lính ác ôn đồn Xã Sĩ ra bờ ruộng lấy cung vào ban đêm. Cậu cầm súng tự tạo giải tên Cư đi phía trước, ba Thiên xách cây đèn dầu hôi trong cái lồng thiếc đi sau. Ra tới bờ ruộng một đoạn tên Cư vùng bỏ chạy. Hai Minh cuống cuồng quỳ xuống bờ ruộng, nhắm vào cái bóng đen thẫm trong màn đêm bắn một phát. Tên Cư trúng đạn ngã xuống, nhưng lập tức vùng dậy chạy tiếp. Ốp che nòng súng bằng gỗ vỡ tan tành, quy lát văng ra đâm vào cánh tay tê rần, máu chảy ướt rượt. Cậu hốt hoảng la thất thanh, “phạm trốn, phạm trốn”, anh em trong trại nghe được chạy ra rượt tóm lại được tên Cư. Hỏi bị dẫn đi hỏi cung sao mầy bỏ chạy. Tên Cư run rẩy trả lời, rằng nó tưởng bị dẫn ra ruộng bắn bỏ, nên liều chết bỏ chạy. Chuyện như vầy xảy ra hoài. Một lần anh Ba Vũ trưởng trại giam mở khóa cho tên Đính, dẫn nó ra ngoài hớt tóc, đặng ngày mai tha cho nó về sum họp gia đình. Đang không lại được hớt tóc, tắm rửa, tên Đính nghĩ ta sẽ giết nó, nên khi đêm xuống nạy ống khóa bỏ trốn. Phát hiện mất tên Đính, anh em chia nhau túa ra đi tìm, nhưng tìm hoài không được. May cho ta Đính chỉ mở được cái ống khóa xích chân vào cột nhà, còn ống khóa trên tay thì mở không được. Sáng ngày hôm sau nó lần dò mò ra sát lộ 4, lủi vào nhà dân xin cơm ăn, tự xưng mình là cán bộ ban an ninh đang trên đường truy bắt tội phạm. Bà chủ nhà ngó bộ dạng khả nghi, lại còn cái ống khóa trên tay nên một mặt dọn cơm cho ăn giữ chân, một mặt bí mật sai con chạy đi báo cho du kích xã ập tới...

 

Tứ Hải vào trận

Trong năm 1963, Ngô Đình Diệm thường xuyên tiến hành mở các cuộc hành quân đánh phá vào các vùng căn cứ của ta, buộc anh em trại giam phải bịt mắt chuyển phạm nhân vào lung Thẻ Ba, nơi có sình lầy, lau sậy um tùm. Đỉnh điểm vào một ngày tháng 4, địch dùng xe lội nước và máy bay càn vào căn cứ của ta tại xã An Khánh. Thấy chúng bắn phá dữ dội, ta phải dẫn phạm nhân ở lung Thẻ Ba ra triển khai đội hình ngụy trang vùi mình dưới bùn, dùng lục bình phủ kín đầu. Hàng chục chiếc trực thăng quần đảo, rà qua xét lại, rồi xe lội nước M118, M113 tiến thẳng vào lung Thẻ Ba, xích sắt nghiến ken két, chỉ cách chừng ba mét, bùn nước trào lên lút đầu; nhưng ta nhờ giỏi ngụy trang và biết cách giữ bí mật tuyệt đối nên địch không phát hiện được gì, anh em thoát chết trong gang tấc, phạm nhân không tên nào trốn được.

Sau cuộc càn ấy, anh Cao Hoàng Khải quê ở huyện Lấp Vò kết nghĩa làm anh em với Hai Minh, xong châm bình trà, làm lễ đặt tên mới cho hai người. Anh Khải tên là Năm Châu. Hai Minh tên là Tứ Hải. Thề sát cánh chiến đấu cùng nhau, gian khổ không sờn lòng, khó khăn không lùi bước, luôn sẵn sàng xả thân vì dân vì nước. Đến hơn năm sau thì Tứ Hải và Năm Châu cùng lúc được kết nạp vào Đảng. Lúc này Tứ Hải được đề cử giữ chức đội trưởng đội bảo vệ trại giam, đóng ở xã Phú Long, huyện Châu Thành - Đồng Tháp.

Nhưng cái tên Tứ Hải chỉ thực sự được thử thách, khẳng định vào một ngày cuối tháng 8/1965. Hôm ấy địch đổ quân trong ngọn Phú Long, rồi chia ra nhiều mũi tiến thẳng vào trại giam của ta. Hai chiếc L19 và ba chiếc trực thăng bay sát ngọn cây dò đường cho bộ binh xông vào. Lúc này Ba Hồng là trưởng trại chỉ huy chung, Năm Châu là y sĩ được phân công cảnh giới và gài lựu đạn cản đường. Tứ Hải cùng đội bảo vệ ôm súng sẵn sàng chiến đấu. Năm Châu lanh lẹ gài lựu đạn trên dọc đường tiến quân của kẻ thù, nhưng tất cả số lựu đạn tự tạo để lâu đều bị lép nên địch vẫn tiến được và áp sát trại giam. Tứ Hải núp trong lùm tre, vạch lá quan sát thấy hai tên đi đầu cầm lăm lăm hai khẩu cạc bin, nhưng mắt luôn phải nhìn xuống đất, vì sợ đạp nhầm hầm chông và lựu đạn của ta, khoảng cách chỉ hơn hai mét. Lập tức anh nâng khẩu K50 nhả đạn, bắn gục tại chỗ tên thứ nhất, rồi xiết cò bắn chết tên thứ hai, sau đó hiên ngang xả đạn thẳng vào đội hình hành quân của địch. Nghe tiếng súng vang lên gióng giả, anh em từ các mũi lập tức nhả đạn. Bọn địch khựng lại, dạt ra hai bên lối mòn.

Sau vài phút trấn tĩnh, điều chỉnh đội hình, chúng bắt đầu phản công bằng cách ném lựu đạn, bắn trả như mưa các loại đạn nhọn, đạn M79 về phía trại giam. Ỷ vào quân số đông, đạn dược thừa mứa, chúng hò la xung phong và kêu gọi ta đầu hàng, nếu không sẽ dùng súng phun lửa đốt sạch, giết sạch. Nói thêm, do trại giam vừa cất xong nên ta chưa kịp chứa phạm nhân, tất cả lực lượng canh giữ chỉ có sáu người, thế trận mỏng manh. Đã vậy Út Thanh lại trúng đạn bị thương ngay từ đầu. Trước tình thế nguy cấp ấy, đồng chí Ba Hồng ra lệnh rút quân bảo toàn lực lượng. Tứ Hải vừa ôm súng chiến đấu, vừa tìm cách kéo Út Thanh dưới làn đạn lửa của kẻ thù. Lúc này, thấy Tứ Hải chật vật chiến đấu, Ba Hồng trườn đến tìm cách giúp nhưng chính ông lại dính đạn đại liên gãy chân. Đội hình chiến đấu lúc này chỉ còn bốn người, vừa phải quyết liệt đánh trả, vừa tìm cách giúp Tứ Hải đưa hai người đồng đội bị thương ra ngoài. Để thoát được vào lung phải tìm cách bơi qua sông, rồi lợi dụng địa hình cây bụi lúp xúp mà trốn, sau đó băng qua cánh đồng tìm về căn cứ khác của ta…

Đến sông, Tứ Hải lệnh cho đội bảo vệ vượt sông trước, rồi triển khai bắn trả để mình dùng cây chuối bè hai người đồng đội vượt sông. Sông nhỏ nhưng nước chảy xiết, đạn tiểu liên AR15, AR16 và đạn M79 của địch bắn tung nước mờ mịt. Tứ Hải phải quật sức kéo, lúc nắm thân chuối lôi đi, lúc hụp xuống đội hai đồng đội nổi lên, vất vả cả tiếng đồng hồ mới lên được bờ. Nhìn lại, anh em ai nấy đều kiệt sức, đứng không vững, nói không ra hơi, buộc lòng phải giấu Ba Hồng vào một lùm sậy; chia nhau chạy tản vào cánh đồng, nắm chặt từng gốc lúa, từng bụi cỏ, để không bị cánh quạt trực thăng xoáy ra làm lộ. Bên kia sông đối phương chiếm được trại giam của ta, nổi lửa đốt rụi bốn căn nhà lá, dùng lựu đạn phá sập hết hầm tránh bom tránh pháo; đạt mục đích hành quân triệt phá nên chúng hạ lệnh rút quân, sợ ở lâu bị phản công.

Khi biết chắc địch đã rút quân, anh em nhanh chóng trở lại khu vực trại kiếm được chiếc xuồng để đi tìm Ba Hồng. Tìm mãi không thấy. Nghĩ Ba Hồng đã chết, Tứ Hải khóc nấc, rồi gào lên đau đớn. “Anh Ba ơi! Anh Ba ơi!” Có lẽ nhờ nỗi đau vọng thấu trời xanh của Tứ Hải mà Ba Hồng nghe thấy, lảo đảo đứng dậy kêu lên hai tiếng “tao đây”, rồi ngã vật xuống bất tỉnh, bắp chân trúng thương nhiễm trùng đã sưng u lên như cột đình…

*

* *

Trước khi ra về tướng Hai Minh cười, lấy trong tủ ra cuốn hồi kí khổ A4 do ông viết và đánh máy đã được đóng thành quyển. Tôi xem lướt qua cuốn hồi kí, nói với độ dày 75 trang như vầy chắc chắn không nói hết về cuộc đời một con người, chứ đừng nói cuộc đời một người lính vào sinh ra tử ở đồng đất Nam Bộ này. Nghe tôi nói thế ông cười bảo:

- Ai sinh ra và lớn lên trong chiến tranh đều có những chuyện rất giống nhau. Đời thường thì tôi cũng như mọi người thôi...

Và tôi biết những chuyện ông kể nghe đây… không viết trong hồi kí.

H.T.T

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)