Khói hương ở lại

Thứ Năm, 02/09/2021 00:04

. QUYÊN GAVOYE
 

Cha tôi sống một mình trong căn nhà rộng rãi nằm giữa thành phố. Ông có một cơ thể cường tráng dù đã ngoài sáu mươi. Cuộc sống của ông tương đối thoải mái kể từ khi chúng tôi ra ở riêng. Anh trai tôi lấy vợ cách đó vài dãy phố. Nhà chị dâu chỉ có mình chị là con gái duy nhất nên ngay từ đầu họ đã thống nhất sau đám cưới, anh chị sẽ dọn về ở với gia đình bên vợ. Để anh không mang tiếng ở rể, cha cho anh chị một căn nhà cùng phố. Ngôi nhà đó của một gia đình buôn bán với mẹ, về sau nghe nói họ đổ nợ nên gán nhà cho mẹ. Anh chị không ở mà để cho thuê.

Minh họa: Lê Huy Quang

Chị dâu là người gốc thành phố, từ vóc dáng đến giọng nói đều toát lên vẻ dễ thương. Khi còn sống, mẹ hằng ao ước sẽ có ngày sang xin chị về làm dâu con. Ngược với chị dâu, mẹ là dân buôn, ăn to nói lớn, nhưng luôn biết đánh giá con người rất chính xác. Trong công việc, mẹ luôn thành công nhờ tâm niệm, làm ăn nhỏ hay to đều phải chọn đối tác. Muốn chọn đối tác đúng thì con mắt nhìn người phải chuẩn. Thật không may, mẹ đoản thọ. Mẹ mất khi anh trai vừa lên cấp ba và tôi mới vào cấp hai. Mẹ đi rất nhanh, hai tháng sau khi bị chẩn đoán ung thư vú, đột ngột đến nỗi những người trong khu xóm biết tin mẹ mất trước khi hay tin mẹ ốm. Bà Huyền hàng xóm, bác sĩ thú y, người đầu tiên sang viếng đám ma, bảo bệnh ung thư vú là hậu quả của cuộc sống nhiều lo âu và căng thẳng. Thời này, ung thư vú có thể chữa khỏi nhưng cái giá phải trả có thể rất đắt, có khi phải mất toi cái nhà. Bà Huyền thở dài, thôi thì đằng nào cũng chết, chết nhanh như thế vừa không đau đớn vừa đỡ tốn kém cho gia đình. Bà biết rõ tính mẹ, con người sống để kiếm tiền chứ không phải kiếm tiền để kéo dài sự sống. Không đời nào mẹ bán cái nhà, phần thừa kế dành cho hai con để chữa bệnh mà không chắc chắn kéo dài được sự sống.

Nói đến bà Huyền, tôi có một kí ức khó quên. Hồi chúng tôi mới chuyển về ở khu phố, mẹ thường xuyên vắng nhà đi buôn chuyến, thỉnh thoảng bà Huyền nấu cơm mang sang cho cha con chúng tôi. Mỗi lần mang cơm, bà thăm dò anh trai tôi. Bố chúng mày thích ăn món gì nhất? Anh tôi là một đứa trẻ ma lanh, anh hiểu ý rất nhanh và liệt kê toàn những món mà hai đứa chúng tôi đang thèm. Dĩ nhiên chuyện này chỉ có hai chúng tôi biết. Cha đi dạy cả ngày ở trường, tối về dạy thêm ở trung tâm, trở về nhà khi mâm cơm đã sẵn sàng. Ông vô tư ăn trong khi khen chúng tôi nấu ăn ngon, anh trai nhìn tôi cười khúc khích. Ngày ông phát hiện ra sự thật, ông đánh cho chúng tôi mỗi đứa ba roi quắn đít. Cái roi mây nhỏ bằng đầu đũa, giơ lên nghe rõ một tiếng vút trong không khí. Xong chuyện, ông gọi bà Huyền sang nói chuyện. Bà Huyền ngồi khép nép đối diện với cha ở phòng khách, chúng tôi nấp ở trong phòng ngủ, cố áp tai vào cánh cửa phòng nghe trộm câu chuyện. Giọng cha trầm quá khiến tôi nghe câu được câu mất. Tôi chỉ nhớ cha đóng rầm cánh cửa khi bà Huyền bước ra khỏi nhà. Mấy ngày sau, trong bữa ăn, anh trai hỏi cha. Cô Huyền có vẻ thích bố nhỉ? Cha đang và cơm, tiện cây đũa trong tay, ông giơ cao đét vào đùi anh một cái đau điếng rồi quát to. Trẻ con mà dám hóng chuyện người lớn. Khôn hồn thì đừng mách lẻo lại với mẹ mày nếu không muốn ăn no đòn.

Căn nhà chúng tôi đang ở là tài sản tích cóp của mẹ. Lương giáo viên ba cọc ba đồng của cha và vài đồng dạy thêm vừa đủ để lo ăn cho cả nhà nên dĩ nhiên căn nhà đó là công sức của một mình mẹ. Ông bà ngoại vốn là dân buôn bán có chút kinh tế vốn không ưa cha. Rồi mẹ có chửa, ông bà ngoại buộc phải chấp nhận đám cưới. Mẹ về nhà chồng với của hồi môn là một con lợn nái sắp đến ngày đẻ. Từ con lợn nái ấy, mẹ đã gây dựng được cả đàn lợn giống, xây được chuồng trại, làm được nhà to nhất thôn. Vài năm sau cha chuyển công tác về thành phố, mẹ bán vườn trại lấy vốn làm ăn. Mẹ theo cha về thành phố và chuyển sang buôn hàng chuyến. Một vốn bốn lời. Nhưng lời lãi bao nhiêu chỉ mẹ biết, cha không quan tâm. Tiền thuê nhà và thức ăn hàng ngày của chúng tôi dùng lương của cha. Mẹ đi buôn hàng đường dài, mỗi tuần về một lần, có đôi khi mẹ đi nguyên tháng, ba cha con tôi tự quản lí nhà cửa và việc học hành. Đến thời kinh tế thị trường, mẹ bỏ buôn chuyến chuyển sang buôn bất động sản, nhờ đó chúng tôi có ngôi nhà mà cha đang ở và căn nhà cho anh chị tôi làm vốn khi mới cưới.

Tôi lớn lên được mặc định theo nghiệp cha. Rút kinh nghiệm từ đời mình nên mẹ bảo, đàn bà làm kinh tế khổ lắm, chỉ nên làm giáo viên, không có tiền nhưng được xã hội tôn trọng, tha hồ chọn chồng. Tôi chưa kịp tha hồ chọn chồng đã dính bầu với người yêu. Khi nghe tin tôi có chửa, bố mẹ Trung phản đối đám cưới vì sợ rước dâu có chửa làm xấu mặt gia đình. Cha trầm ngâm không nói. Khi cái bụng to lên không thể che giấu mọi người được nữa, tôi trốn học ở lì trong nhà. Cha động viên, không lấy chồng cũng được, cứ ở nhà, cha nuôi cả hai mẹ con, rồi ông thở dài, chỉ tội đứa trẻ, có cha mà như mồ côi. Hai hôm sau, ông giấu tôi sang nói chuyện với anh chị tôi.

Một tuần sau những người thuê nhà của anh chị chuyển đi. Anh chị gọi tôi sang nói chuyện. Chị dâu làm kế toán cho một công ty liên doanh với nước ngoài nên rất cẩn thận trong việc giấy tờ với tất cả mọi người và trong mọi hoàn cảnh. Trước khi bắt đầu câu chuyện, chị bảo tôi kí vào tờ giấy cam kết. Tôi chần chừ nhìn tờ giấy, anh trai hất hàm ra hiệu cho tôi. Từ ngày mẹ mất, anh thay mẹ chăm sóc cho tôi. Mọi điều anh nói luôn là mệnh lệnh với tôi. Tôi kí xong đặt bút xuống mặt bàn, chị dâu ngồi vắt chéo chân nghe chồng nói. Cái nhà này bây giờ là của cô. Ngày mai, cô mang giấy tờ đưa cho thằng Trung với điều kiện nó phải cưới cô. Chị dâu nói tiếp, như thế là xong của hồi môn cho cô. Sau này, cái nhà của cha sẽ là của anh chị. Quá bất ngờ trước diễn biến của câu chuyện nên tôi chưa hoàn toàn hiểu hết ý của họ. Chị dâu nói thêm, cô chê cái nhà trong ngõ rẻ quá à? Hay là anh chị giữ lại, cô cứ ở với cha để thằng cu sinh ra không có bố vậy. Chị thôi vắt chéo chân, tôi không nói cô cũng hiểu. Cha còn trẻ, cái nhà đó còn lâu mới đến lượt chúng tôi thừa kế. Anh tôi khẽ đá nhẹ vào chân vợ. Giờ thì tôi hiểu rõ hơn câu chuyện. Tôi nhìn anh chị không biết nên cảm ơn hay từ chối, chỉ cảm thấy nỗi tủi hờn dâng lên nghẹn cổ họng.

Một tuần sau đám cưới diễn ra, nhanh hơn tôi nghĩ. Sáu chục mâm cỗ tất cả. Mẹ chồng tôi bảo, chửa vượt mặt rồi thì khỏi phải làm rình rang cho thêm xấu hổ. Trung không phản đối. Anh để mẹ tự quyết. Sau đám cưới, mẹ chồng tôi mời cha tôi sang nói chuyện. Cái nhà là của thằng Trung, chúng tôi không ở nên coi như không biết. Nhưng đám cưới này là do chúng tôi đứng ra tổ chức, tiền nong hai nhà chia đôi, nhà tôi ba mươi mâm, nhà ông ba mươi mâm, vị chi mỗi nhà mười triệu tiền cỗ bàn cộng thêm các chi phí khác. Cha tôi ngồi trầm ngâm một lúc trước khi đặt lên bàn túi tiền hai chục triệu. Cha bảo đây là tiền nhờ ông bà thông gia thay ông chăm sóc cho tôi những ngày thai kì. Mẹ chồng tôi nhấc túi tiền trên mặt bàn khen cha tôi khéo chu toàn mọi chuyện.

Bốn tháng sau tôi sinh thằng cu. Khi con tôi được sáu tháng thì cha bảo, cha sẽ bán nhà lấy tiền về quê ở. Tôi tròn mắt nhìn ông, cái nhà ấy là thừa kế của anh chị mà. Ông nói thật chậm, nhỏ vừa đủ để tôi nghe, cái nhà ấy có giá trị hơn chục tỉ, cha sẽ chỉ giữ lại khoảng ba tỉ, còn lại sẽ đưa tất cho vợ chồng nó.

Anh trai tôi được thông báo thì gào lên. Ông điên rồi. Ông còn khỏe lại quen sống thành phố, về quê vài hôm sẽ trầm cảm. Ông thích thì con mua cái ô tô để chở ông về chơi hàng tháng. Ở đây, ông còn giúp chúng con trông nom các cháu. Chị dâu nói to không kém gì chồng. Nếu cái nhà này quá to để ông sống một mình, chúng con sẽ thuê cho ông cái nhà nhỏ hơn, cái nhà này chúng con xin bán đi. Nhà con đang cần vốn làm ăn để mở công ty xây dựng. Cha ngồi im không trả lời, bế hai đứa con của anh chị ngồi lên đùi, bóc cho mỗi đứa một quả quýt.

Hai tháng sau, cha tôi bán nhà. Mười hai tỉ. Buổi trưa hôm đó nhiệt độ bên ngoài lên hơn bốn mươi độ. Anh chị tôi lao từ cơ quan về nhà, chị dâu không mặc áo chống nắng, khuôn mặt nhễ nhại bước theo chồng. Anh tôi gào to, ông làm gì có quyền bán nhà. Cái nhà này là của con. Chúng ta đã thống nhất khi ông bảo con nhường lại cái nhà trong ngõ cho con Thơ (tên cúng cơm của tôi) để nó cưới chồng. Cha ngồi im lặng. Chị dâu ném mạnh chiếc mũ bảo hiểm xuống chiếc ghế cạnh chỗ cha đang ngồi. Ông đã quên lới hứa với chúng con! Cha tôi kéo ghế mời anh chị ngồi xuống. Anh tôi thả người ngồi uỵch xuống, chị dâu ngồi vắt chéo chân. Cha chậm rãi. Tôi không quên. Tôi đã hứa sẽ đưa toàn bộ phần của mẹ anh trong cái nhà này cho anh chị, tôi chỉ giữ lại chút ít phần của mình, là công tôi chăm lo cho gia đình bấy nhiêu năm. Anh tôi hậm hực. Thế ông tính thế nào để con còn biết? Cha rút từ túi áo ra mớ giấy tờ, căn nhà này vẫn mang tên của tôi và mẹ anh. Mẹ anh đã mất nên chỉ tôi mới có quyền bán. Căn nhà bán được mười hai tỉ, tôi giữ ba tỉ, còn lại là của anh chị. Chị dâu đứng bật dậy. Ba tỉ? Ông làm gì mà cần tới ba tỉ? Sao ông bảo muốn về quê? Đất quê làm gì có chỗ nào đến ba tỉ. Cha trầm ngâm không trả lời chị. Anh tôi hiểu cha đang giận nên khều nhẹ vào chân vợ. Một lúc sau cha trả lời. Tôi muốn về mua mảnh đất làm mô hình chuồng trại như mẹ anh từng làm ngày xưa. Tôi còn khỏe, còn sống được ngày nào thì sẽ cố làm ngày đó. Đến lượt anh trai tôi nhảy dựng lên. Ông nói thật không? Con tưởng ông không thiết làm đồng ruộng nên mới đi thoát li. Chị dâu thôi vắt chéo chân, hỏi, ông định về đó sống một mình… Bất chợt chị nhận ra câu hỏi của mình hơi thừa, chị nói tiếp, ba tỉ nhiều lắm, ông có thể mua vài mẫu đất. Một mình ông làm sao hết. Cha thủng thẳng đáp, tôi không nói sẽ ở một mình. Chúng tôi há hốc miệng ngạc nhiên nhìn nhau. Đến lượt chị dâu đứng dậy, con hiểu ông vẫn còn khỏe, vẫn cần có người lo chuyện chăn gối. Nhưng ở thời đại này rồi thì cần gì phải ông bà (chị cố kéo dài giọng), ở thành phố thiếu gì. Ông muốn chục cô cũng có… Cha tôi bật dậy cắt ngang câu nói của chị, dằn tay ném mạnh chiếc cốc thủy tinh xuống đất quát to. Quân mất dạy, chúng mày cút khỏi nhà này ngay!

Minh họa: Lê Huy Quang

Tôi lại nhớ, khi chúng tôi mới chuyển lên thành phố, cha tôi được phân công dạy ở trường cao đẳng 10 + 2, nơi đào tạo các giáo viên cấp tiểu học thời đó. Sinh viên vào trường chỉ cần học hết lớp mười, học thêm hai năm để trở thành giáo viên. Trong số họ, phần lớn là nữ sinh viên. Năm đầu tiên làm chủ nhiệm, trong lớp của cha có cô sinh viên ở huyện lên nhập học khá muộn nên không xin được phòng ở kí túc xá. Hồi đó mẹ tôi thường xuyên đi buôn chuyến xa cả tháng mới về, ở hai đến ba hôm rồi đi. Cha tôi mới về trường nên rất hay phải đi học chuyên ngành, để hai anh em tôi ở nhà. Cha lo cho hai đứa chúng tôi. Khi gặp cô sinh viên mếu máo trước số tiền gia đình chu cấp không đủ để thuê nhà trọ, ông đề nghị cô về ở cùng chúng tôi. Cô Lan chuyển đến đúng buổi chiều hôm mẹ đi buôn chuyến mới. Họ không chạm mặt nhau. Một tháng sau mẹ về thấy cô Lan đang nấu cơm dưới bếp, mẹ kéo tóc cô ra khỏi căn bếp tuềnh toàng của khu tập thể, tru tréo chuyện cha tôi và cô Lan đang trai trên, gái dưới. Người trong khu tập thể ùa ra, cô Lan một tay gỡ tóc, một tay kéo chiếc áo sơ mi chưa kịp thay ra sau buổi học bị mẹ kéo đứt hết hàng cúc lộ ra chiếc áo con đã sờn. Tôi đứng rúm ró trong góc bếp nhìn họ. Mẹ chửi hả hê một lúc, toàn những từ lần đầu tiên tôi được nghe. Chửi xong, mẹ chạy vào bếp kéo tôi ra giữa khu tập thể trước mặt mọi người. Mẹ muốn biết có phải cô Lan ngủ cùng phòng với cha. Căn nhà tập thể có duy nhất một phòng vừa làm phòng ngủ, vừa làm phòng khách, chúng tôi lại có duy nhất một cái giường, lẽ dĩ nhiên là cô Lan ngủ cùng phòng với cha. Tôi gật đầu. Cô Lan tiếp tục bị ăn đòn. Hôm đó cha tôi đi học chuyên ngành ở dưới huyện không về. Hai hôm sau, cô Lan nhận được giấy kỉ luật buộc thôi học của nhà trường, cha tôi vẫn chưa kết thúc khóa học. Sau này, câu hỏi của mẹ trước khu tập thể mãi ám ảnh tôi. Tôi muốn nghe lại một lần nữa cho rõ ràng câu hỏi, mẹ muốn biết cô Lan ngủ chung phòng hay ngủ chung giường với ba người chúng tôi. Chịu, tôi không sao nhớ nổi. Sau lần đánh ghen không có cha ở nhà, cả khu tập thể đồn đại về cha. Họ bảo ông lấy tình đổi điểm, lợi dụng lũ học trò ngây thơ chưa biết mùi đàn ông. Họ bảo cô Lan không phải là người đầu tiên cũng không phải là người cuối cùng ngủ với ông. Những lời đồn đại khiến cha ngày càng trở nên lầm lũi. Một lần tôi tỉnh giấc giữa đêm vì nghe tiếng mẹ khóc, tiếng cha âm trầm. Sống ở đời, ngoài tiền bạc ra, con người cần có đức hạnh và tình thương. Từ sau đêm đó, không có cuộc hội thoại nào giữa họ cho đến khi mẹ mất.

Hai tháng sau khi cha tôi về quê, tôi nhận được điện thoại của cô ba, em ruột của cha. Cô gào lên trong điện thoại. Mày về xem cha mày, cả đời đi thoát li, giờ về già đổ đốn, lôi về một con bé bằng tuổi mày, nó chửa ễnh bụng ra rồi. Mày về để giải quyết, cả làng đang nháo nhào bàn tán. Tôi gọi cho anh trai và chị dâu thu xếp công việc về ngay sáng hôm đó cùng với lũ nhỏ. Trên đường đi, chị dâu đay nghiến chồng. Tôi đã bảo anh rồi, ông còn cường tráng lắm. Anh cứ bảo tôi lo vớ vẩn. Chúng tôi về đến đầu ngõ, cô ba chạy ra chặn đầu xe. Chúng mày không biết chuyện thật hay sao? Tự nhiên ông ấy về quê mua đất mà chúng mày không tìm hiểu tại sao. Con cái gì mà vô tâm. Vậy nên cha chúng mày mới làm bậy. Chị dâu đáp trả. Ông ấy là cha, chúng cháu là con làm sao có quyền cản. Cô là người lớn, cô không khuyên sao lại trách chúng cháu. Cô ba nín bặt vì biết nói không lại chị dâu.

Chúng tôi dừng xe vào nhà. Cha tôi ngồi ở giữa phòng khách như đang đợi chúng tôi. Căn nhà mới của cha rộng rãi, khang trang, một biệt thự vườn. Cha mua lại của ông chủ tịch xã mới hết nhiệm kì. Ông chủ tịch xã bán nhà để lên thành phố ở sau vài chục năm cống hiến cho thôn xã. Người làng đồn ông ta lên đó mua cái nhà những hơn chục tỉ. Anh tôi thở dài, sống ở đời phải như thế mới đáng sống. Chỉ có sông ngoi ra biển chứ mấy khi biển chảy ngược vào sông. Những người khôn ngoan đều tìm về nơi phồn hoa để sống, để hưởng những dịch vụ tiện nghi, làm gì cũng không sợ miệng lưỡi thiên hạ. Tôi hiểu ý của anh. Chúng tôi bước ra khỏi xe. Hai đứa con của anh chị chạy ùa vào lòng ông, thỏa thuê hôn hít. Anh tôi, hai tay đút túi quần, đứng giữa nhà bên cạnh chị dâu đeo lủng lẳng chiếc túi hàng hiệu Louis Vuitton, hôm trước chị khoe mua hơn một trăm triệu. Cha tôi bế hai đứa nhỏ lên đùi. Ở cửa phòng bên trong lấp ló một cô gái trẻ tầm tuổi của chị dâu. Nhìn thoáng qua tôi đoán cô ấy sắp đến ngày sinh nở.

Anh tôi cất lời. Ông giải thích đi! Chuyện này là thế nào? Cha tôi vẫn im lặng như mọi khi. Chị dâu sốt ruột hất hàm về phía cô gái hỏi. Con của ông thật chứ? Cha tôi nhấc hai đứa trẻ xuống bảo chúng ra vườn chơi. Đợi cho lũ trẻ đi khỏi, cha trả lời. Con của tôi. Anh chị không phải lo lắng. Tôi về quê ở cũng là để anh chị đỡ mang tiếng. Anh tôi quát to. Chúng con mang tiếng còn ông được miếng. Bây giờ ông tính giải quyết chuyện này như thế nào? Ngoài vườn vọng vào tiếng con bé nhà anh hét toáng vị bị gà trống đuổi. Ở quê tôi có loại gà trống dữ như chó điên, hễ có người lạ vào vườn là chúng đuổi, vừa đá vừa mổ. Ngày còn bé, thỉnh thoảng về quê, tôi sợ nhất là con gà trống. Chị dâu nghe tiếng con, vội vàng đứng lên chạy ra vườn, miệng lẩm bẩm. Tưởng già thì khôn ra… Anh tôi giả vờ như không nghe thấy tiếng lẩm bẩm của vợ. Nhưng cha tôi thì không thể giả vờ. Ông đứng dậy, vơ chiếc túi của chị ném vèo qua sân. Chiếc túi nhằm đúng chiếc nồi to đùng lều phều rau rợ. Tôi đoán là nồi cháo cho lợn. Lúc đi vào nhà, tôi đã nhìn thấy con lợn được thả rông trong vườn. Chị dâu chạy vừa đến bậc hè, nhận ra chiếc túi của mình đang nổi lều phều trong nồi cháo lợn, chị rít to. Ông điên rồi!

Chị dâu thò tay vào nồi cháo lợn vớt lên chiếc túi. Lần này chị chửi rõ từng từ. Rửng mỡ cho lắm vào còn làm khổ con cháu. Nhìn chị vừa chửi vừa vớt túi, tôi thầm nghĩ giá mẹ còn sống để chứng kiến khuôn mặt giận dữ của đứa con gái thành phố dịu dàng, chắc chắn mẹ sẽ thở dài thừa nhận mình nhìn sai người. Chị vớt lên chiếc túi, tiện tay kéo bộ quần áo phụ nữ đang phơi trên dây gần đó lau qua rồi ném xuống nền đất, hậm hực kéo hai đứa con quay ra xe, miệng vẫn lầm bầm. Già rồi còn chơi trống bỏi. Anh tôi thấy vợ giận dữ vội vã chạy theo, bỏ lửng câu chuyện. Từ hôm đó, anh chị tôi không về quê.

Tôi xin phép nghỉ dạy ở lại vài hôm với ông. Cô gái ở với cha tên Hạnh, bằng tuổi chị dâu. Còn khoảng hai tuần nữa Hạnh đến ngày sinh. Nếu tính ra như thế nghĩa là cha tôi đã qua lại với Hạnh từ trước khi tôi đẻ con. Hạnh bảo tôi, em mang ơn thầy. Cuộc đời của em đều nhờ thầy cứu giúp.

Buổi tối, chỉ còn tôi và cha ngồi ngoài vườn, tôi hỏi cha. Có khi nào cha nhớ về chị Lan ngày xưa không? Cha gật đầu thở dài. Cha ân hận lắm, vì cha mà cuộc đời của Lan đa đoan. Tôi cười buồn. Cha không thấy có lỗi với mẹ sao? Ông trầm ngâm một lúc lâu trước khi trả lời. Lan đã phải bỏ làng ra đi, không lấy chồng cũng không có nghề nghiệp ổn định. Câu chuyện giữa cha con tôi kết thúc.

Tôi sinh đứa thứ hai. Tôi gọi điện nhờ cha lên giúp. Ông từ chối vì còn phải trông con cho Hạnh đi học nghề. Tôi giận cha. Anh trai và chị dâu cũng giận cha. Với nỗi giận và công việc bộn bề chúng tôi ít về thăm cha.

Rồi có ngày cô ba gọi điện lên bảo chúng tôi về ngay, cha vừa bị đột quỵ. Anh trai qua đón tôi về quê.

Thằng bé con của Hạnh đang chơi một mình ngoài sân, thấy chúng tôi thì giương mắt nhìn lạ lẫm. Cha nằm trên chiếc ghế dài, trên người phủ chiếc chăn chiên để thò ra đôi bàn chân gầy khẳng khiu. Hạnh quỳ dưới đất bên chậu nước cùng chiếc khăn làm vệ sinh cho ông. Hạnh kéo ghế mời chúng tôi ngồi. Bây giờ Hạnh là chủ nhà, chúng tôi là khách. Anh tôi đặt túi hoa quả mua trên đường về quê lên bàn như mọi lần chúng tôi về thăm người ốm. Hạnh kể sơ qua tình hình của ông. Ông nằm viện hơn một tháng nhưng không muốn báo vì sợ làm chúng tôi lo lắng. Hạnh trấn an. Anh chị không phải lo lắng. Tôi sẽ trông thầy cẩn thận. Nếu có thời gian thỉnh thoảng anh chị về thăm thầy cho thầy đỡ buồn, đưa cả lũ trẻ về. Thầy nhớ các cháu lắm.

Trên đường trở lại thành phố, anh tôi lụng bụng. Cô ta là thánh chắc. Anh trai tôi đã thay đổi. Cha tôi từng là thần tượng của anh. Ngày xưa, mỗi khi cha đi công tác, ở nhà, anh hay rủ tôi chơi trò giáo viên. Anh là thầy giáo, tôi là cô học trò nhỏ. Thầy giáo nhí hay bắt chước giọng của cha, làm trò trêu tôi cười sặc sụa. Từ ngày vợ chồng anh mở công ty, chúng tôi ít gặp mặt nhau. Từ khi cha về quê, chị dâu sang thăm tôi một lần khi tôi sinh đứa thứ hai. Anh tôi gửi quà cho chị dâu mang sang. Càng ngày tôi càng thấy anh giống mẹ, từ giọng nói đến cách cư xử. Anh bảo, coi như cho không cô ta cái nhà ấy.

Cô ba gọi điện báo cha đã mất. Chúng tôi về khi rạp đã dựng xong, bàn ghế đã xếp thành lối. Hạnh tất tưởi chạy tìm người đào huyệt. Chị dâu kéo tôi vào trong phòng hỏi, nhà cô có bao nhiêu họ hàng ? Cô tính rộng rộng một chút vì tôi nghe nói ở quê hay đi ăn cỗ cả nhà, cô tính nhanh số người để tôi đặt cỗ. Tất cả sẽ đặt dịch vụ hết, tôi còn nhiều chuyện phải lo. Bạn bè, khách hàng nhà tôi sẽ rất đông. Cô chỉ việc trông lũ nhỏ và lo tiếp khách họ hàng. Hạnh giao việc cho đám thanh niên trong làng xong gọi ba chúng tôi lại họp mặt gia đình truyền lại lời cha. Ông có duy nhất một nguyện vọng được chôn cất ở quê. Còn lại những điều nhỏ nhặt khác được ông ghi chép cẩn thận trong một trang giấy khổ A4. Cái nhà và mảnh vườn dành cho mẹ con Hạnh. Sổ tiết kiệm lương hưu của ông chia đều cho bốn đứa cháu, con của anh em chúng tôi. Ông gửi lời xin lỗi các cháu vì không thể chăm sóc chúng nhiều hơn. Anh trai tôi cầm lên bức thư đọc nhanh một lần và òa khóc như một đứa trẻ. Tôi nhìn anh, không biết anh khóc vì cha chết hay khóc vì tiếc căn nhà.

Đám thanh niên khênh quan tài ngồi ngả ngớn giữa phòng khách bàn tán sôi nổi con số đề sẽ chơi tối nay. Chúng lộn lèo những con số liên quan đến cuộc đời lúc sinh thời của cha, thậm chí cả ngày sinh của thằng cu con của Hạnh. Thời tiết bên ngoài nóng như thiêu. Lũ nhỏ hò hét nhau ngoài vườn, tiếng kèn tang thổi to hết cỡ làm không khí càng thêm nóng. Khách về viếng ra vào tấp nập, bắt tay hỏi thăm tin tức. Ông to béo bảo ông to béo vừa, vui quá, cứ mong gặp anh mà mãi hôm nay mới có dịp. Cả hai ông cùng cười hố hố. Chị dâu mệt mỏi đeo chiếc túi Chanel lủng lẳng đựng phong bì tiền phúng viếng, cùng chồng đưa chân từng đoàn khách. Hạnh chạy như con thoi làm công tác hậu cần. Hạnh khỏe thật. Chiếc áo xô ướt đẫm mồ hôi, thêm thằng cu sợ đám đông bám chặt mẹ, Hạnh vẫn chạy khắp các bàn ăn lo từng đôi đũa, cái chén uống rượu. Tôi ngồi ôm con thơ, mệt lử bên quan tài khóc cha.

Buổi chiều chôn cất xong, khách khứa đã vãn, chị dâu yêu cầu họp gia đình bàn về di chúc của cha. Chị ngồi vắt chéo chân. Anh trai ngả người trên chiếc ghế dài của cha chưa kịp mang đi đốt. Hạnh ngồi trầm ngâm. Bất chợt tôi thấy Hạnh giống cha hơn tôi và anh trai. Chị dâu cất lời. Cô Hạnh tính thế nào? Hạnh im lặng. Không khí ồn ào của nhà có đám lặng xuống. Câu hỏi của chị dâu tuy không rõ ràng nhưng ai cũng hiểu ý chị muốn gì. Hạnh cúi đầu, căn nhà này thuộc về anh chị. Tôi nợ thầy nhiều quá nên không dám nhận thêm tấm lòng của thầy. Thầy đã cưu mang mẹ con tôi chừng ấy ngày tháng để tôi không mang tiếng chửa hoang. Hạnh nói rõ ràng từng từ, không vòng vèo. Tôi chỉ xin ở lại để làm trọn thất tuần cho thầy rồi mẹ con tôi sẽ dọn đi. Thầy là người thầy giáo cũng là ân nhân của mẹ con tôi. Tôi xin phép được mang tang thầy như tang cha mẹ. Anh trai tôi đang nằm dài trên ghế bỗng bật người ngồi thẳng dậy. Chị dâu thôi vắt chéo chân. Hạnh xin phép đứng dậy đi ra chuẩn bị bữa cơm cúng chiều.

Căn nhà ở quê bán rẻ lại cho cô ba, thằng con thứ hai nhà cô sắp cưới vợ nên cần nhà ra ở riêng. Cô trả trước một tỉ, còn một tỉ cô xin viết giấy nợ cho chị dâu đến cuối năm sau sẽ trả nốt. Anh trai bảo vì tình nghĩa gia đình nên biếu cô một nửa giá trị căn nhà, chỉ lấy hai tỉ với điều kiện ngày rằm, mùng một, cô ra mộ hương khói cho cha. Mẹ con Hạnh chuyển đi sau ngày làm thất tuần. Cuộc sống chúng tôi lại trở về như trước. Mấy lần Trung định bán ngôi nhà để mua một căn hộ cho đỡ mang tiếng ở nhà vợ nhưng giấy tờ gốc vẫn ở bên nhà anh trai nên chúng tôi không thể bán nếu không có sự đồng ý của anh chị. Bàn thờ cha được anh chuyển lên thành phố. Anh bảo, con cái ở đâu, cha mẹ ở đó cho tiện bề hương khói. Mộ phần của cha vẫn ở lại quê do đất nghĩa trang ở thành phố quá đắt. Ở quê, anh mua mảnh đất hơn chục mét vuông với giá gần ba chục triệu, thêm gần trăm triệu để xây một ngôi biệt thự nhỏ. Anh bảo, trần sao âm vậy. Ngôi nhà của cha phải to nhất nghĩa trang. Công ty mỗi ngày một phát đạt, anh chị mua sẵn cho mỗi đứa con một ngôi nhà làm vốn. Chúng tôi gặp nhau mỗi năm hai lần vào ngày giỗ cha mẹ. Thỉnh thoảng tôi bắt xe về quê ra mộ thắp hương nói chuyện với cha. Nhìn những lọn khói bay lên, tôi thấy nhớ cha da diết…

Q.G

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)